Chùm ảnh: Cận cảnh dung nhan ‘ngoài hành tinh’ của các loài cá vây chân

Bộ Cá vây chân (Lophiiformes) gồm trên 300 loài cá khác nhau, trong đó có một số loài được coi là kỳ dị bậc nhất trong thế giới của cá biển.

Cá dơi môi đỏ (Ogcocephalus darwini) dài 20 cm, sinh sống ở các vùng biển nhiệt đới, trong đó nhiều nhất ở đảo Galapagos. Loài cá vây chân có hình thù kỳ dị này dùng các cặp vây ngực và vây bụng chống đỡ cơ thể và lê đi khắp nơi kiếm ăn.

Cá quan tài (Chaunax endeavouri) dài 22 cm, được ghi nhận ở Tây Nam Thái Bình Dương. Chúng ẩn mình dưới đáy bùn, chờ những con cá nhỏ làng vảng vào tầm ngắm để tấn công.

Cá vây chân châu Âu (Lophius piscatorius) dài 2 mét, phân bố ở Đông Bắc Đại Tây Dương. Loài cá này có viền tua hình dạng giống rong biển quanh miệng để giúp ngụy trang. Chúng có thể tấn công với tốc độ chớp nhoáng.

Cá lưỡi dong mụn cóc (Antennarius maculatus) dài 12 cm, phân bố ở các vùng biển nhiệt đới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Loài cá giỏi ngụy trang này thường dùng vây ngực giống các chi để leo lên các rạn san hô.

Cá lưỡi dong tảo mơ (Histrio histrio) dài 20 cm, phân bố rộng từ Đại Tây Dương đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Loài cá này ẩn mình giữa các mảng rong mơ Sargassum trôi nổi mà chúng ngụy trang rất giống.

Cá vây quạt (Caulophryne jordani) dài 20 cm, sống ở đáy đại dương sâu thẳm và tối tăm. Do rất khó tìm bạn đời trong môi trường sống của mình, mỗi khi tìm thấy cá cái, cá đực nhỏ xíu sẽ gắn kết với đối tượng vĩnh viễn.

Cá vây chân lưng gù (Melanocetus johnsonii) dài 15 cm, sống ở độ sâu hàng nghìn mét ở tất cả các đại dương. Cá cái dùng “cần câu” phát quang nhờ vi khuẩn Enterovibrio escacola để thu hút con mồi. Tương tự cá vây quạt, con đực ở loài này cũng ký sinh trên con cái.

Cá bóng đá (Himantolophus sp.) là một chi gồm các loài cá biển sâu được tìm thấy ở các vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới khắp thế giới. Ở nhóm cá hình dạng giống quả bóng này, con cái có thể dài đến 60 cm, còn con đực ký sinh dài không quá 4 cm.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG 

Tags: , ,