Chùm ảnh: Cận cảnh bộ sưu tập côn trùng ‘khủng’ nhất Việt Nam

Cùng cảm nhận sự kỳ diệu của tạo hóa qua hàng trăm tiêu bản của bộ sưu tập côn trùng đẳng cấp quốc tế ở Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

Mở cửa từ năm 2014, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm KH & CN Việt Nam, số 18 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy) là nơi sở hữu bộ sưu tập côn trùng lớn bậc nhất Việt Nam. Hàng trăm tiêu bản côn trùng ở nơi đây được phân loại theo nhóm và trưng bày phục vụ khách tham quan.

Điểm nhấn của bộ sưu tập này là các loài côn trùng cánh cứng. Bộ Cánh cứng (Coleoptera) sở hữu số loài nhiều nhất trong lớp Côn trùng. Chúng cực kỳ đa dạng về hình thái, màu sắc, kích thước và nơi sống, với 350.000 loài trên thế giới.

Nhiều loài bọ cánh cứng có kích cỡ lớn và ngoại hình rất ấn tượng, mà loài cua bay hoa (Cheirotonus battareli) là một ví dụ điển hình. Loài này có thể dài đến 6 cm, sở hữu hai chi trước rất “ngầu”. Mẫu vật có nguồn gốc từ Hà Giang.

Bọ hung ba sừng (Chalcosoma caucasus) có thân hình đen bóng cùng ba chiếc sưng cong vút trên đầu, gợi liên tưởng đến loài khủng long ba sừng nổi tiếng. Mẫu vật thu thập ở Đắk Nông.

Các loài cặp kìm phong phú về chủng loại, có đặc điểm chung là con đực sở hữu “gọng kìm” lớn trên đầu, được dùng để đấu với nhau khi tranh giành con cái. Mẫu vật xuất xứ từ Lào Cai.

Các loài cánh cam không có vẻ ngoài “hầm hố” nhưng vẫn thu hút ánh nhìn với màu xanh rực rỡ.

Các loài xén tóc có đặc trưng là cặp râu dài hơn thân. Cặp răng sắc lẻm của chúng có thể cắt lìa những sợi tóc trong chớp mắt – một trò mà trẻ em xưa hay nghịch khi bắt được xén tóc. Hiện vật thu ở Hà Giang.

Bọ sàng (chi Chrysochroa) gồm những loài bọ cánh cứng chuyên đục gỗ, có bộ cánh óng ánh như ngọc. Hiện vật có nguồn gốc từ Vĩnh Phúc.

Thuộc bộ Cánh nửa (Hemiptera), thế giới của các loài ve sầu (họ Cicadidae) khiến nhiều người ngạc nhiên về sự phong phú. Theo ước tính, có khoảng 2.500 loài ve sầu trên thế giới, trong vùng ôn đới lẫn nhiệt đới.

Các loài ve sầu được biết đến với khả năng tạo âm thanh inh ỏi suốt mùa hè của ve sầu đực. Hầu hết ve sầu có vòng đời 2-5 năm, đặc biệt có loài đến 17 năm.

Loài ve sầu vòi (Pyrops viridirostris) thuộc một chi ve sầu có phần vòi hút nhựa cây rất to và dài, khiến chúng giống như một con voi tí hon biết bay. Hiện vật thu ở Hà Giang.

Với hình dạng giống cành cây, các loài bọ que (bộ Bọ que, Phasmatodea) ngụy trang rất khéo, có thể thay đổi màu sắc để phù hợp môi trường. Chúng gồm một số loài dài nhất trong thế giới côn trùng.

Bọ lá (chi Phyllium, họ Phylliidae) là một dạng đặc biệt của bọ que. Chúng có hình dáng ngụy trang giống hệt một chiếc lá. Mẫu vật thu thập ở Tuyên Quang.

Bộ Cánh thẳng (Orthoptera) gồm các loài châu chấu, cào cào, dế, muỗm… Nhiều loài trong số chúng phát ra tiếng kêu rền rĩ bằng cách cọ xát cánh vào nhau hay vào chân.

Phần lớn các loài thuộc bộ Cánh thẳng có cặp chân sau đặc biệt phát triển, thường được gọi là “càng”, có khả năng bật nhảy đáng nể.

Bộ Bọ ngựa (Mantodea) gồm những loài côn trùng ăn thịt có hai chi trước tiến hóa thành “lưỡi kéo” sắc bén. Màu sắc của chúng thường thay đổi theo môi trường như một cách ngụy trang khi rình mồi.

Bộ Chuồn chuồn (Odonata) gồm các loài chuồn chuồn và kim kim. Là kẻ săn mồi, chúng có cặp mắt kép đặc biệt với hàng chục nghìn thấu kính bao phủ khắp đầu, đem lại tầm nhìn rộng để phát hiện con mồi và kẻ thù.

Bộ Cánh rộng (Megaloptera) có khoảng 300 loài đã được biết đến. Con đực của nhiều loài trong bộ này có hàm dài dùng để giao chiến và chiếm giữ con cái.

Bộ Cánh vẩy (Lepidoptera) gồm hơn 170.000 loài bướm và bướm đêm đã biết trên thế giới. Chúng là nhóm côn trùng có màu sắc đa dạng nhất quả đất. Màu sắc trên cánh bướm được hình thành từ những vảy phấn xếp lợp lên nhau như những viên ngói.

Ngài trăng Ấn Độ (Actias selene) là một trong những loài bướm đêm nổi tiếng nhất thế giới. Có thể dài đến 18 cm, chúng là đối tượng sưu tầm có giá trị cao. Mẫu vật thu ở Vĩnh Phúc.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , , ,