⠀
Chùm ảnh: Cái chết của những cây bao báp cổ thụ trong thời hiện đại
Cây bao báp, biểu tượng văn hóa gắn bó mật thiết với người dân quốc gia châu Phi Senegal, đang phải đối mặt với đe dọa từ biến đổi khí hậu, đô thị hóa và sự gia tăng dân số.
Tại thành phố Dakar bận rộn ở đất nước Tây Phi Senegal, không người dân nào cảm thấy xa lạ với những cây bao báp to, hình thù đồ sộ sừng sững lẫn trong khung cảnh thành phố. Tài xế taxi rửa xe ngay bên dưới tán cây khổng lồ gần đường cao tốc. Những chiếc xe rỉ sét với mui xe mở nằm tại cửa hàng sửa chữa gần một cây khác. Trong lúc đó, thân cây trở thành bảng thông báo của người dân địa phương, dán đầy những quảng cáo tuyển thợ máy và cho thuê căn hộ.
Những cây bao báp khổng lồ, một số đã trên 500 tuổi, tồn tại khắp Senegal. Gỗ của chúng quá giòn và xốp để có thể khai thác làm đồ nội thất, nhưng bao báp tồn tại trong mọi mặt đời sống. Lá bao báp thường được trộn ăn với cơm couscous, vỏ cây tước làm dây thừng, còn hạt và quả có thể chế biến thành đồ uống hoặc chiết xuất dầu. “Tất cả mọi thứ của cây bao báp đều đẹp, từ lá đến rễ”, Selbe Dione nói.
“Đây là niềm tự hào của vùng”, Adama Dieme ngước cổ nhìn lên những nhánh cây tỏa rộng gần nhà. Dẫu vậy, bao báp, giống như các loài cây khác trong khu vực, đang bị đe dọa bởi chính những yếu tố làm đảo lộn mọi mặt xã hội – đó là biến đổi khí hậu, đô thị hóa và sự gia tăng dân số. Khu vực Tây Phi đang mất dần những tài nguyên thiên nhiên từng gắn bó mật thiết với bản sắc văn hóa. Nạn săn trộm cũng đã cướp đi hầu hết động vật hoang dã ở đây. Sư tử, hươu cao cổ và voi đều đang bị đe dọa.
Những vạt rừng lớn bị san bằng để có chỗ cho các đồn điền cacao và dầu cọ. Rừng đước bị xóa sổ vì ô nhiễm. Ngay cả những cây keo mảnh mai cũng bị chặt để làm củi nhóm lửa khi dân số tăng. Theo nghiên cứu gần đây, biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân cái chết của một số cây bao báp lớn và già nhất châu Phi. Tại Senegal, các nhà nghiên cứu địa phương ước tính nước này đã mất một nửa số cây bao báp trong vòng 50 năm qua vì hạn hán và quá trình phát triển.
Gần đây, mùa mưa bắt đầu muộn và lượng mưa ngày càng ít. Hạn hán trở thành một phần cuộc sống mới và mọi người tụ tập quanh cây bao báp để cầu mưa. Tại Diock, ngôi làng cách thủ đô 3 giờ chạy xe, mùa mưa giờ đáng lẽ đã phải đạt đỉnh nhưng tới tháng 8, làng mới chỉ đón 4 cơn mưa. Những cây kê ở ruộng chỉ cao tới mắt cá chân. “Chúng tôi xem trên TV về những gì xảy ra ở châu Âu và toàn thế giới. Chúng tôi biết điều gì sắp tới”, trưởng làng Mamadou Diop giãi bày. Để chống chọi biến đổi khí hậu, cư dân đang cố sử dụng ít máy móc tốn xăng và ngừng chặt cây để lấy củi. Tuy nhiên, mùa thu hoạch nghèo nàn tới mức nhiều người trong số 600 dân làng đã từ bỏ làm nông và chuyển đến thành phố.
Một trong những khu vực phát triển nhất tại Senegal là ngoại ô Dakar, nơi Tổng thống Macky Sall ra lệnh xây cả một thành phố mới giữa khu rừng bao báp với cam kết của giới chức là sẽ trồng lại số cây họ đốn chặt.
Ở vùng rìa phát triển, công nhân xây nhà mới trong khi xác cây bao báp đổ nằm trên mặt đất. Mùi mốc vương vẩn quanh thân cây rỗng. Những dấu tích của chiếc rìu chặt sắc ngọt để lại sẹo trên thân cây. Gần đó, nhiều thân gỗ cháy đen nằm chỏng chơ. Một người cho biết các cây đó bị đốt bằng xăng. “Mỗi khi thấy cây bao báp nằm rạp, bạn sẽ rất buồn. Đó là biểu tượng của đất nước chúng tôi. Nhưng việc xây nhà để ở phải được ưu tiên”, công nhân Gorgui Kebbe nói.
Tại Senegal, hình bao báp được khắc trên con dấu của tổng thống và vẽ trên các bức tường hay bảng hiệu. Cây bao báp được cho là 850 tuổi với chu vi thân 30 m là một địa điểm thu hút khách du lịch. Bạn có thể ngủ trong khách sạn nhà trên cây hoặc đi xe cáp để chiêm ngưỡng các cây bao báp trong khu vực. Senegal có ít sông ngòi, hầu như không có núi nên bao báp mọc lên ở cả những nơi cằn cỗi chủ yếu cây bụi và trở thành tọa độ điểm dừng chân oai vệ. Xuyên suốt lịch sử, mọi cộng đồng đều hình thành xung quanh những cây này.
Bao báp như tòa thị chính, nơi các quyết định quan trọng được đưa ra, các em bé được đặt tên và những mâu thuẫn được giải quyết ổn thỏa. Bộ rễ nổi phình trên mặt đất như những con trăn là chỗ nghỉ ngơi lấy sức, còn tán cây là nơi trú nóng cho người dân. Một số thân cây treo đầy chân gà và vòng tay để cầu may. Người hành hương tìm đến Ile de Madeleine, một đảo nhỏ ngoài khơi Dakar, để đặt tiền vào khe trên thân cây bao báp hoặc để lại lời cầu nguyện. Nhiều cây còn đánh dấu nơi chôn cất người đã khuất. Tại Kaolack, 49 nhà vua thuộc triều đại Guelewar được chôn dưới một cây bao báp. Người dân địa phương coi những cái cây là nơi thiêng liêng, quý giá và có linh hồn.
Ở các thị trấn và làng mạc thôn quê, mỗi cộng đồng đều có truyền thống độc đáo liên quan tới cây bao báp. Tại Diock, cô dâu và chú rể phải đi quanh cây 7 lần sau khi cưới. Tại Fadiouth, đảo nằm ở bờ biển phía tây nam, lễ đưa tang thường tạm dừng khi tới được cây bao báp, trước khi tiếp tục đến đền thờ hoặc nghĩa trang. Seydou Kane, làm việc ở Bộ Văn hóa Senegal, được thực hiện nghi lễ tẩy rửa dưới tán cây bao báp ở thành phố Thiès khi lên 4 tuổi. Cầm con dao trên tay, Kane 4 tuổi thu hết dũng cảm chạy tới khứa một nhát lên thân cây. “Giờ con là một người đàn ông. Con không phải sợ bất cứ thứ gì”, ông nhớ lại lời của người lớn lúc đó. Nhưng, cách đây không lâu, ông đi qua chỗ cái cây và phát hiện nó đã chết.
Aminita Ba, 72 tuổi, làm nghề chăn dê ở khu vực nông thôn Samba Dia, nơi chỉ có duy nhất một cây bao báp khổng lồ sừng sững như tòa tháp. Khi đến khu nông trại này 50 năm trước, bà xây một ngôi nhà nhỏ gần cái cây vì biết rằng nó sẽ trở thành cột mốc chỉ đường cho du khách. “Tôi rất tự hào vì cây bao báp lớn này. Nhìn từ xa bạn có thể thấy nó và cạnh đó là một ngôi nhà, nhà của tôi”, bà chia sẻ. Những cây bao báp được giữ gìn tới ngày nay một phần nhờ vào sự trân quý của người dân.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN / THE NEW YORK TIMES
Tags: Châu Phi, Thực vật, Senegal