⠀
Chùm ảnh: 20 mẫu hóa thạch thú vị thu thập ở ba miền Việt Nam
Khám phá bức tranh sự sống trên mảnh đất Việt Nam thời cổ sơ qua bộ sưu tập hóa thạch độc đáo được lưu giữ và trưng bày ở Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.
Hóa thạch của loài Nipponophyllum nikolaevae, thu thập ở núi Xuân Sơn, An Lão, Hải Phòng. Loài vật này thuộc họ Phyllodocidae, gồm những loài giun nhiều tơ sống dưới đáy biển, có thể đào hang dưới lớp trầm tích.
Vỉa xác bọ ba thùy, thu thập ở Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang. Bọ ba thùy là một lớp động vật chân khớp sống ở biển, thịnh vượng vào khoảng 300 triệu năm trước.
Hóa thạch loài Cromus aff. beaumonti, thu thập ở đồi 105, Cam Lộ, Quảng Trị. Cromus là một chi bọ ba thùy trong họ Encrinuridae, tồn tại trong thời kỳ thượng Silur, hơn 400 triệu năm trước.
Hóa thạch đốt thân huệ biển, thu thập ở đỉnh Tu Xán, thị trấn Đồng Văn, Hà Giang. Lớp huệ biển (Crinoidea) gồm những loài động vật trông giống bông hoa, xuất hiện trên trái đất từ trên 400 triệu năm trước.
Vỉa xác trùng thoi và huệ biển kỷ Permy hạ (hơn 250 triệu năm trước), thu thập ở núi Đá Pháp, phố cổ Đồng Văn, Hà Giang.
Hóa thạch loài Actinoconchus cf. paradoxus, thu thập ở sườn bắc núi Voi, An Lão, Hải Phòng. Actinoconchus là một chi đã tuyệt chủng của động vật tay cuộn sống từ kỷ Carboniferous đến kỷ Permi muộn, hơn 250 triệu năm trước.
Hóa thạch loài huệ biển cổ sinh Cyclocyclicus pentagonocyclicus, thu thập ở núi đá vôi Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.
Hóa thạch loài Claraia wangi, thu thập ở Sảng Tủng, Đồng Văn, Hà Giang. Claraia là một chi động vật thân mềm hai mảnh vỏ giống sò đã tuyệt chủng, sống từ giai đoạn Capitan của kỷ Permi muộn đến giai đoạn Anisian của kỷ Triat giữa, 266-237 triệu năm trước.
Hóa thạch loài Dumortieria lantenoisi, thu thập ở vùng thác Đrây H’Linh, Đắk Lắk. Dumortieria là một chi cúc đá thuộc họ Graphoceratidae, sống ở kỷ Jura muộn, từ khoảng 180,1 đến 175,6 triệu năm trước.
Hóa thạch loài Dalaticeras flexuosum, thu thập ở vùng thác Đrây H’Linh, Đắk Lắk. Chi Dalaticeras gồm những loài cúc đá được tìm thấy ở hệ tầng Đắc Krông, bồn Đà Lạt, khoảng 150-200 triệu năm trước.
Hóa thạch loài Planammatoceras planinsigne, thu thập ở gần làng Tà Lài, Đồng Nai. Planammatoceraslà một chi cúc đá sống vào khoảng 170-180 triệu năm trước.
Hóa thạch xương cá sấu cá thể non, niên đại 33,7-23,5 triệu năm trước, thu thập ở mỏ than Na Dương, Lộc Bình, Lạng Sơn.
Hóa thạch một loài rùa thuộc họ Ba ba (Triomychidae), niên đại 33,7-23,5 triệu năm trước, thu thập ở mỏ than Na Dương, Lộc Bình, Lạng Sơn.
Hóa thạch một loài rùa thuộc họ Rùa đầm (Geoemydidae), niên đại 33,7-23,5 triệu năm trước, thu thập ở mỏ than Na Dương, Lộc Bình, Lạng Sơn.
Hóa thạch động vật hai mảnh vỏ thuộc chi Hyriopsis, thu thập ở mỏ than Na Dương, Lộc Bình, Lạng Sơn. Chi Hyriopsis gồm trai điệp và các loài họ hàng gần gũi, nằm trong họ Unionidae.
Hóa thạch loài động vật hai mảnh vỏ thuộc chi Cuneopsis, họ Trai cánh (Unionidae), thu thập ở Rinh Chùa, Lộc Bình, Lạng Sơn.
Hóa thạch thực vật bể than Hòn Gai, thu thập ở Hòn Gai, Quảng Ninh.
Hóa thạch thực vật lớp Tuế (Cycadopsida), thu thập ở vùng Buôn Ea Sup, Đắk Lắk.
Gỗ hóa than của loài thực vật Quercoxylon ogurai, niên đại 23,5-5,3 triệu năm trước, thu thập ở đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng. Chi Quercoxylon gồm những loài thực vật đã tuyệt chủng thuộc họ Sồi (Fagaceae).
Hóa thạch quả thông, thu thập ở xã Hòa Bình, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG
Tags: Hiện vật lịch sử, Bảo tàng, Địa chất, Cổ sinh