Chủ nghĩa tư bản nông cạn của Philippines: Tây Phương hóa mà vẫn nghèo

Mấy thế kỷ Tây hóa đã không dẫn đến hiện đại hóa chính đáng, đồng thời nhiều năm tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã không mang lại sự thịnh vượng cho đại đa số người dân Philippines.

Bài viết của tác giả Richard Javad Heydarian.

Là quốc gia có đa số người Công giáo duy nhất ở châu Á, với sự kết hợp đặc trưng quá khứ thuộc địa của Tây Ban Nha và Mỹ, Philippines đứng riêng thành một trong những quốc gia độc đáo nhất. Tuy vậy, nhiều người phương Tây hình như thấy nó quá quen thuộc – ở chỗ, nó chẳng còn là “kỳ lạ” như các nước láng giềng khác – chính vì tính cách giống nhau về văn hóa và kiến trúc lớn lao của nó với nền văn minh phương Tây, đặc biệt là trộn lẫn khác biệt giữa các giống Iberia và Anglo-Saxon. Hầu như tất cả người Philippines mang tên Tây Ban Nha, trong khi các cơ quan chính phủ và giáo dục thì dựa vào tiếng Anh như là phương tiện chính về thông tin liên lạc của họ.

Đôi khi, các thành viên của tầng lớp ưu tú Philippines có xu hướng tự hào về cách Philippines là quốc gia Âu hóa nhất ở châu Á, với những người khác hứng thú một cách công khai rằng nó là một nước Đông Nam Á đã được chạm trổ từ các bộ máy thực dân và trí tưởng tượng của phương Tây. Chính cái tên của đất nước quần đảo – lại có nguồn gốc từ vua Philip II của Tây Ban Nha – có lẽ nói lên tất cả. Trong nhiều cách, người Philippines chia sẻ đặc điểm chung với, chẳng hạn, người Mỹ Latin hơn các nước láng giềng gần họ. (Ngoại trừ việc hầu hết người Philippines không thể nói đúng tiếng Tây Ban Nha, nhờ vào sự kiện đáng tiếc là người Tây Ban Nha không hề để ý đến chuyện mang nền giáo dục phổ thông vào thuộc địa chủ yếu của họ ở châu Á. Tiếng Tây Ban Nha đã được sử dụng như một ngôn ngữ phân loại hơn là xây dựng đất nước và bản sắc tập thể.)

Trong khi đó người dân Philippines bình thường, lại cũng tự hào về sự kiện đáng ngạc nhiên là Philippines – một trong những nước nghèo nhất ở châu Á – là nơi có 3 trong số 10 trung tâm mua sắm lớn nhất trên trái đất. Và với cả nước (một lần nữa) được cho là trong số các thị trường mới nổi tăng trưởng nhanh nhất, có một cảm giác ngày càng tăng rằng Philippines cuối cùng đã có thể khẳng định một vị trí tự hào trong các xã hội tư bản hiện đại và sôi động ở châu Á.

Và cảm giác tự tin mới được tân trang đó đang nhỏ giọt xuống cho thế hệ trẻ. (Ngày nay, nó không phải là khó khăn để tìm thấy những người Philippines trẻ trung, tham vọng, tự tin bày tỏ quan điểm của mình trong các cuộc hội thảo và gặp gỡ quốc tế, đặc biệt là khi họ ngồi giữa các người bạn Á châu, vốn được cho là ít thành thạo tiếng Anh và hơi nhà quê với vẻ bề ngoài.) Về ý thức hệ, Philippines nằm phần lớn trong hệ Tây: lối sống Tây hóa và quan điểm chính trị-xã hội thiên phương Tây thống trị lĩnh vực công cộng Philippines. Một vài người đôi khi tự hỏi liệu quốc gia đã bị đặt nhầm chỗ trên thế giới chăng.

Tuy nhiên một cái nhìn sâu hơn về đất nước này, cho thấy một nghịch lý cơ bản: mấy thế kỷ Tây hóa đã không dẫn đến hiện đại hóa chính đáng, đồng thời nhiều năm tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã không mang lại sự thịnh vượng cho đại đa số người dân. Đất nước tiếp tục vẫn là một xã hội nửa phong kiến (đặc biệt là ở các khu vực nông thôn) xã hội nằm dưới sự kìm kẹp của một hình thức luẩn quẩn của chủ nghĩa tư bản bè phái. Hình thức ‘bầu cử dân chủ’, chẳng qua chỉ cung cấp một lớp đánh bóng thoải mái về tính hợp pháp (đối với tầng lớp cai trị) và một ảo tưởng của chủ nghĩa đồng đều trong một quốc gia sa lầy trong nghèo đói và bất bình đẳng trắng trợn.

Chủ nghĩa tiêu thụ vội vã

Các trung tâm mua sắm chiếm ưu thế – cả về thể chất và nhận biết – cảnh quan đô thị ở Philippines. Tất cả các hệ thống giao thông công cộng chính vây quanh các trung tâm mua sắm lớn, cung cấp sự thoải mái không gì sánh được, nhiệt độ thích hợp (trong một đất nước nhiệt đới ẩm), và sở hữu dễ dàng một loạt các thương hiệu phục vụ cho tất cả các tầng lớp xã hội.

Nền văn hóa đô thị xoay quanh và được định hình bởi các trung tâm mua sắm này thường nằm gần các công ty Business Process Outsourcing (BPO) sử dụng hàng trăm ngàn yuppies (chuyên viên trẻ có lối sống dư thừa và phóng túng), những kẻ đã định hình lại lối sống đô thị Philippines. Người ta có thể tìm thấy cả hai Prada và Penshoppe (một thương hiệu quần áo địa phương) tại các trung tâm lớn, với cả tầng lớp siêu giàu và giới lao động tham gia vào một nền văn hóa chủ nghĩa tiêu thụ toàn cầu, đã chiếm gần như tất cả các nhà máy.

Chỉ đi vài bước người ta có thể khám phá dãy cư ốc sang trọng mới, tương tự như các trung tâm mua sắm, cung cấp một loạt các lựa chọn cho những cư dân đô thị gàu có, họ chạy theo các tiện nghi hiện đại và vị trí hoàn hảo trong một thành phố đông đúc như Manila hoặc Cebu. Các thành phố lớn trên khắp Philippines đã hầu hết chuyển đổi thành các địa điểm xây dựng, giống như sự bùng nổ xây dựng mà ta đã thấy ở những nơi như Dubai, Tehran, Moskva, và Thượng Hải trong các thập kỷ qua.

Gần đây hơn, thậm chí các thị trấn nhỏ và thành phố đặc quyền đã biến dạng thành các thị trường ngoại biên cho vài tập đoàn lớn, đã chiếm ưu thế trong lĩnh vực bất động sản và thị trường bán lẻ trong nước. Thập niên vừa qua là một trong những năm thành công nhất về lợi nhuận doanh nghiệp và cơ hội mở rộng kinh doanh cho giới cai trị đất nước, họ đã nuốt trọn phần lớn sự tăng trưởng mới được tạo ra trong nền kinh tế một cách không tương xứng.

Chậm mà chắc, Philippines đang bắt đầu trông giống như các nước tiêu dùng ố ạt như Mỹ, đã tham đắm không ngừng trong đòi hỏi ngày càng tăng đối với hàng hóa và dịch vụ dựa vào thập kỷ công nghiệp hóa mạnh mẽ, đặc biệt trong thời của Keynes và kéo dài cho đến khi cuối những năm 1970s, và vay nợ nước ngoài khổng lồ từ các nền kinh tế đặc biệt có định hướng xuất khẩu như Trung Quốc và Nhật Bản, trong thời đại tân tự do toàn cầu hóa.

Hôm nay, Philippines được mô phỏng theo phong cách tiêu thụ của Mỹ mà không qua “thung lũng nước mắt” của sự phát triển kỷ nghệ do nhà nước lãnh đạo, đề cao tiết kiệm gia đình, sản xuất hàng loạt các mặt hàng xuất khẩu giá rẻ – những yếu tố chính cho phép các nước công nghiệp hoá mới (NICs) như Hàn Quốc thoát ra được khỏi cảnh nghèo đói trong thời gian gần đây.

Ảo tưởng của thịnh vượng

Việc mở rộng nhanh đến chóng mặt lĩnh vực bất động sản của Philippines đã tiến hành đồng thời với sự vắng mặt triền miên đáng thất vọng của các cơ sở công cộng hiện đại. Hầu như không có bất kỳ khu vực công viên công cộng lớn “xanh” nào (tương đồng với Botanic Gardens của Singapore hoặc Central Park của New York), nơi mọi người Philippines từ tất cả các tầng lớp xã hội có thể thoải mái tận hưởng một cách an toàn những kỳ quan và sự thanh thản của thiên nhiên trong một đại dương đầy tắc nghẽn và ô nhiễm. Các khoảng không gian công cộng thường bị bỏ quên bởi các chính quyền hoặc bị phá hoại bởi người dân không quan tâm.

Cũng có khoảng không gian công cộng hạn chế cho sự buông thả (tinh thần và vật chất) khỏi sự hối hả và nhộn nhịp của cuộc sống hàng ngày. Nhà nước Philippines cơ bản đã giao các trách nhiệm cho các doanh nghiệp vì lợi nhuận. Và đây chính là lý do tại sao các trung tâm mua sắm đã trở thành cốt lõi của cuộc sống đô thị ở Philippines. Trong khi đó, các trung tâm mua sắm đang trên bờ vực tiêu vong ở các nước khác, đặc biệt là ở Mỹ, nơi mua sắm trực tuyến và những buổi dã ngoại đô thị đã chiếm được trái tim và tâm trí của nhiều người dân thành thị.

Philippines, định hình bởi di sản thuộc địa, đã noi theo lối sống phương Tây và lối kiến trúc đô thị. Nhưng nó đã không thực sự hiện đại hóa, ít nhất là theo nghĩa của Weber. Chúng tôi chưa thấy tổ chức nhà nước nào thực sự hợp lý, vô tư mà đứng ngoài sự bảo trợ chính trị và cá nhân. Thậm chí nhiều lĩnh vực kinh doanh lại bị chi phối bởi vài gia tộc giàu có xưa (từ thời là thuộc địa Tây Ban Nha), do đó, thực là phi lý khi nói về sự cạnh tranh “thị trường tự do”.

Cơ sở hạ tầng công cộng của đất nước là một trong những điều kém phát triển nhất ở châu Á, trong khi các tổ chức giáo dục ưu tú của đất nước đã phải vật lộn để theo kịp với các đồng sự trong khu vực. Ngoài trường đại học hàng đầu của đất nước, Trường đại học Philippines, tất cả các trường đại học thượng hạng Philippines khác đã nhanh chóng tụt hậu so với các trường tương đương ở các vùng khác của châu Á và thế giới đang phát triển.

Tính hiện đại không hẳn phải là việc nói rành tiếng Anh – hoặc bất kỳ ngôn ngữ chung toàn cầu nào (global lingua franca). Nó cũng không phải là việc có trung tâm mua sắm lớn, mặc hàng hiệu toàn cầu, và rao giảng những giá trị chính trị-xã hội tự do. Đó chỉ là biểu hiện của sự hiện đại hóa, không phải là cốt lõi của nó. Tính hiện đại, trên tất cả, là về cách đặt hiệu quả, trọng dụng nhân tài và kiến thức lên trên các móc nối, bảo trợ, và truyền thống nhục nhã. Đây chính là lý do tại sao rất nhiều nước láng giềng của Philippines đã ôm chặt lấy di sản văn hóa của họ, trân quí nhiều hơn là hiện đại và thịnh vượng: Sự di động xã hội, sự thành công dựa trên công lao xứng đáng, và năng suất tri thức sâu sắc là vô cùng rõ ràng hơn ở những nơi như Đài Loan hay Hàn Quốc so với Philippines.

Quan trọng hơn, mức độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Philippines trong những năm gần đây đã không mang lại một hình thức bình đẳng, hiện đại của chủ nghĩa tư bản, có khả năng tạo những làn sóng thịnh vượng để nâng tất cả các tàu thuyền không phân biệt giới tính, giai cấp và gốc gác chủng tộc. Dịch vụ cấp thấp và các lĩnh vực đầu cơ cao như bất động sản đang là xương sống của tăng trưởng kinh tế gần đây, với nhiều tỷ kiều hối từ lao động Philippines ở nước ngoài (OFWs) thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Điều thiếu vắng to lớn của sự tăng trưởng toàn diện trong nước là một phản ánh của sự vắng mặt của các cơ quan nhà nước hiện đại, có thể cung cấp hiệu quả các dịch vụ công cộng và điều tiết thị trường quá tự phụ; sự thiếu đầu tư vào ngành Nghiên cứu và Phát triển (R & D) cho toàn bộ các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp; và nhiều thế kỷ truyền thống của nền chính trị bảo trợ, cũng như các tổ chức kinh tế phong kiến ở nông thôn, đã kềm kẹp hàng triệu người Philippines không nhận ra tiềm năng to lớn của họ.

Có lẽ đã đến lúc các tầng lớp ưu tú Philippines tái khám phá ra ý nghĩa thực sự của tính hiện đại, dân chủ và tiến bộ. Và với toàn dân, phải đấu tranh cho sự thịnh vượng chính đáng.

Theo SACHHIEM.NET

Tags: ,