Chiến dịch Biên giới 1950 – bước ngoặt lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Pháp

Chiến dịch Biên giới 1950 là cuộc tấn công chiến lược của bộ đội Việt Minh. Thắng lợi của Chiến dịch đã góp phần củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, khai thông đường liên lạc quốc tế (qua biên giới với Trung quốc), từ đó, quân ta nắm quyền chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ.

Bối cảnh lịch sử của Chiến dịch Biên giới 1950

Trên thế giới: Liên Xô thành trì vững chắc của phong trào cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc thế giới vào thời điểm này đã có nhiều sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của mình, có lợi cho cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới, trong đó có nước ta. Ở khu vực châu Á, với việc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân thắng lợi nửa cuối năm 1949, tháng 10 – 1949 nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa theo đường lối xã hội chủ nghĩa được thành lập. Vì vậy thiết lập được quan hệ ngoại giao với Trung Quốc là một vấn đề cấp thiết và hoàn toàn có lợi cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam thời điểm đó.

Ở Việt Nam: Bước sang giai đoạn đầu những năm 50 của thế kỷ XX, tình hình trong nước có những thay đổi có tính quyết định. Tương quan lực lượng và so sánh cục diện trên chiến trường đều có lợi cho phía ta và bất lợi cho phía thực dân Pháp. Với đường lối kháng chiến đúng đắn (toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính), sự nghiệp trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược tính đến thời gian này đã gặt hái rất nhiều thành công. Đặc biệt là qua chiến dịch Việt Bắc – Thu Đông 1947 thì cục diện chiến trường hay nói cách khác là thế chủ động đã nghiêng hẳn về phía cách mạng.

Thuận lợi là cơ bản, song tại thời điểm đó những khó khăn vẫn rất to lớn. Cụ thể đó là việc: đến cuối năm 1949, nền độc lập cũng như chính thể của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn chưa được một quốc gia nào trên thế giới công nhận. Điều đó đồng nghĩa với việc cuộc kháng chiến của chúng ta vẫn sẽ là “đơn thương độc mã”, không có sự viện trợ hay giúp đỡ từ bên ngoài. Mà trong hoàn cảnh thực tế của đất nước, do chiến tranh liên miên, đất nước không có điều kiện để phát triển. Trước đòi hỏi tất yếu của cách mạng Việt Nam về việc tìm đồng minh, đầu năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến công tác ngoại giao hết sức bí mật tới Trung Quốc và sau đó là Liên Xô.

Về phía thực dân Pháp, sau những thất bại liên tiếp trong những năm đầu tái chiến với Việt Minh, thực dân Pháp tăng cường siết chặt bằng cách tǎng cường lực lượng trên chiến trường đồng bằng Bắc Bộ, tổ chức một hệ thống phòng ngự mới dựa vào những cứ điểm lớn và những binh đoàn ứng chiến lớn, tǎng cường phi cơ và trọng pháo để chống lại các cuộc tấn công của quân Việt Minh đồng thời mở những cuộc càn quét liên tiếp dữ dội ở trong vùng chiếm đóng, nhất là ở Nam Bộ để củng cố chỗ đứng chân.

Để lấy lại thế chủ động, thực dân Pháp thực hiện tăng cường hệ thống phòng ngự đường số 4, khoá biên giới Việt – Trung nhằm cô lập căn cứ địa Việt Minh với bên ngoài, thiết lập hành lang Đông – Tây, cô lập Việt Bắc với đồng bằng Bắc Bộ, chuẩn bị lực lượng để tấn công Việt Bắc lần 2 nhằm tiêu diệt đầu não củaViệt Minh.

Tuy vậy, có thể thấy rằng sau 5 năm chiến tranh, quân Pháp tại Đông Dương càng ngày càng sa lầy vào thế phòng ngự.

Diễn biến Chiến dịch

Ngày 16/9/1950, Trung đoàn 174 và Trung đoàn 209 của quân Việt Minh chủ động đánh chiếm cứ điểm Đông Khê với mục đích cô lập Cao Bằng, uy hiếp cứ điểm Thất Khê và phá thế trận phòng thủ của quân Pháp trên đường số 4. Đến ngày 18, cứ điểm Đông Khê hoàn toàn thất thủ, mặc dù đã được không quân yểm trợ.

Pháp nhanh chóng điều động quân đội ở Bắc Bộ thực hiện cuộc “hành quân kép”:

– Một cánh do trung tá Le Page chỉ huy hành quân từ Thất Khê lên nhằm chiếm lại cứ điểm Đông Khê mở lại đường số 4 và thu hút chủ lực của quân Việt Minh;

– Một cánh do trung tá Charton chỉ huy tiến công từ Cao Bằng xuống gặp Le Page ở Đông Khê.

Trung đoàn 209 (Trung đoàn Sông Lô )của Việt Minh đã hành quân lên Quang Liệt, phía bắc Đông Khê để chặn đánh binh đoàn Charton. Ngày 6/10, cánh quân của Charton cũng đến được Cốc Xá và bắt liên lạc được với Le Page. Đại đoàn 308 lập tức bao vây chặt Cốc Xá và điểm cao 477. Trung đoàn 209 chặn ở phía bắc. Phía nam, Trung đoàn 174 chốt chặn đường rút ở Cốc Tồn – Khau Pia. Sáng sớm ngày 6/10, Trung đoàn 36 bắt đầu tấn công Cốc Xá và đến buổi trưa thì gần như toàn bộ binh đoàn Le Page đã bị xoá sổ chỉ còn 650 trên tổng số 2500 người, số ít còn lại cố chạy sang điểm cao 477 cùng với chỉ huy Le Page. Nhưng tại 477, 5 tiểu đoàn của Đại đoàn 308 và của Trung đoàn 209 đã vây chặt quân Charton. Hai bên giành nhau quyết liệt tại các điểm cao ở đây. Đến chiều, binh đoàn Charton trở nên rối loạn khi biết tin binh đoàn Le Page đã bị xoá sổ. Charton đã tập hợp những người còn sống sót rút khỏi điểm cao 477 mở đuờng máu về Nà Cao, nhưng đến chiều thì bị bắt làm tù binh cùng với toàn bộ ban tham mưu.

Những quân lính còn lại của Le Page cùng với chỉ huy của mình mất liên lạc với Charton đã tìm cách rút theo đường rừng để về Thất Khê nhưng đến sang ngày 8 tháng 10, Le Page cũng đã bị các quân sĩ của Trung đoàn 88 Đại đoàn 308 bắt làm tù binh cùng với các sĩ quan tham mưu của mình.

Tính đến ngày 8/10, bộ đội Việt Minh đã loại khỏi vòng chiến đấu 8 tiểu đoàn quân Pháp, làm sụp đổ kế hoạch phòng thủ biên giới.

Trước nguy cơ Thất Khê sẽ lại bị tiêu diệt như Đông Khê, bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp đã ra lệnh rút khỏi Thất Khê trong rối loạn và phải chịu những tổn thất nặng nề khi bị 4 tiểu đoàn của Đại đoàn 308 cùng toàn bộ Trung đoàn 174 (Cao Bắc Lạng) truy kích.

Đến ngày 17/10, Việt Minh chủ động kết thúc chiến dịch.

Dưới sự uy hiếp của bộ đội Việt Minh và sự hoang mang của bộ chỉ huy Pháp, đến ngày 22/10/1950, quân Pháp phải rút bỏ hoàn toàn khỏi các cứ điểm còn lại trên đường 4 như Thất Khê, Na Sầm, Đồng Lập, Lạng Sơn… với thiệt hại rất nặng về trang bị.

Kết quả là sau Chiến dịch Biên giới,ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 8.000 lính, thu được 3.000 tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh. Chiến dịch khai thông một đoạn biên giới dài, nối Việt Bắc với các nướcđồng minh lớn thành một dải liên tục đến tận châu Âu.

Đây là chiến dịch đầu tiên mà bộ đội Việt Minh chủ động tấn công, làm thay đổi cục diện chiến trường: bắt đầu giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ. Quân Pháp thất bại lớn cả về quân sự và chính trị, bị đẩy lùi vào thế phòng ngự bị động. Chiến dịch này có ý nghĩa bản lề quan trọng, là bước ngoặt của cuộc chiến tranh. Thắng lợi to lớn này đã mở ra một thời kỳ mới trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược – thời kỳ thế chủ động trên chiến trường hoàn toàn nằm trong tay quân đội cách mạng Việt Nam.

Theo KHCNCAOBANG.GOV.VN

Tags: ,