⠀
Cây số 15 đèo Mang Yang – trận đánh bị lãng quên
Cuộc phục kích và sau đó là xoá sổ liên đoàn cơ động 100 là một trong những trận đánh cuối cùng của chiến tranh Đông Dương có sự tham dự của trên 1 tiểu đoàn của Pháp và Việt Minh.
Lược dịch từ bài viết của Đại uý Kirk A. Luedeke đăng tải trêt trang ARMOR Magazine.
Tình hình chiến lược
Cuối tháng 6/1954, cuộc chiến tranh Đông Dương đã đi đến hồi kết (1). Thất bại nặng nề của Pháp tại Điện Biên Phủ, cùng với sự gia tăng số thương vong tương ứng theo từng năm kể từ khi chiến tranh bắt đầu năm 1946, đã rút hết ý chí tiếp tục chiến đấu của Pháp. Nước Pháp bắt đầu kêu gọi rút quân.
Chính phủ Việt Nam non trẻ tin rằng thắng lợi tại Điện Biên Phủ chưa đủ để bảo đảm cho sự nhượng bộ mà họ mong muốn từ chính phủ Pháp (2). Do đó, mệnh lệnh đưa ra tiếp tục cuộc chiến đấu chống gây thương vong tối đa có thể cho quân Pháp. Máu của lính Pháp càng đổ nhiều ở Việt Nam, vị thế của đoàn đàm phán Việt Nam ở Geneva, Thụy Sĩ càng vững chắc.
Cứ điểm của quân Pháp ở An Khê là một trong những tiền đồn được rút bỏ sau sự kiện Điện Biên Phủ. Trong nhiều trường hợp, dân thường và sĩ quan cao cấp di tản khỏi An Khê bằng máy bay, trong khi đại bộ phận binh sĩ Pháp di tản trong những đội hình thiết giáp dọc theo những con đường quốc lộ lộng gió uốn khúc ngang cao nguyên Trung phần. Một đoàn xe trong số đó là liên đoàn cơ động 100, một đơn vị hỗn hợp bộ-pháo đã chiến đấu với Việt Minh trên cao nguyên Trung phần trong suốt 1 năm. Tổn thất và mệt mỏi, và cả tự hào, binh lính của G.M.100 đang sẵn sang để về nhà khi họ rời bỏ cứ điểm ngày 24/6/1954. Phần lớn sẽ không bao giờ đạt được điều đó, sẽ chết trong một trận phục kích không lường trước dẫn tới sự xoá sổ của 1 đơn vị hùng mạnh một thời. Không phải là 1 trận đánh chủ chốt theo tiêu chuẩn của chiến tranh Đông Dương, cái chết của G.M. 100 được mô tả bởi giao tranh khốc liệt, và sụp đổ bởi sai lầm của những người chỉ huy đơn vị. Binh sĩ G.M.100 nằm trong số những chiến binh tốt nhất của quân đội Pháp, và đó là lí do một số người cuối cùng đã tới được Pleiku an toàn nhiều ngày sau trận phục kích.
Khu vực chiến sự
Nằm trên Tây Nguyên giữa tỉnh lị của Pleiku và Quy Nhơn, trên bờ biển Đông, An Khê là 1 cứ điểm quan trọng của Pháp. Do nó nằm gần những trục đường ít ỏi trên cao nguyên, quân Pháp có thể tuần tiễu khu vực bằng cơ giới và ngăn chặn các đơn vị Việt Minh khi họ định xâm nhập xuống phía nam (4)
Cuối tháng 6/1954, phát hiện Việt Minh đang trong tư thế mở cuộc tiến công lớn vào Tây Nguyên, và do không còn lực lượng dự bị để chống lại họ, Bộ chỉ huy Pháp ra lệnh rút bỏ An Khê. Việt Minh dự định tấn công quân Pháp đang rút chạy, đã triển khai bố trí để ngăn chặn đội hình quân Pháp khi họ đang tiến đến những điểm hội quân nằm rải rác trên đất Việt Nam.
Cuối tháng 6/1954 là mùa khô ở Việt Nam. Các trục đường dễ lưu thông, cho phép việc chuyển quân trên các đường quốc lộ diễn ra nhanh chóng. Đã ở Việt Nam trong suốt 1 năm, lính Pháp đã thích nghi với cái nóng thiêu đốt của mùa hè.
Địa hình đóng vai trò quyết định trong trận tiêu diệt G.M.100. Con đường giữa An Khê và Pleiku (quốc lộ 19) được bao bọc bởi cỏ voi (elephant grass) và rừng cây dày đặc che giấu hoàn hảo cho quân tấn công. Ở nhiều điểm dọc quốc lộ 19, địa hình núi đá tạo thành những hẻm núi chật hẹp, hạn chế rất nhiều việc cơ động lên cao. Đèo Mang Yang là điểm hội quân giữa G.M.100 và G.M.42, cách An Khê 20km. Đại tá Barrou coi con đèo là điểm then chốt.
Thành phần các bên
Các GM (liên đoàn cơ động) được thiết lập theo mô hình các lữ đoàn cơ giới hoá độc lập dựa trên các chiến đoàn (combat commands) của Mỹ trong WW2. GM thường bao gồm 3 tiểu đoàn bộ binh và 1 tiểu đoàn pháo binh, cùng với các bộ phận thiết giáp hoặc tăng, công binh, thông tin và quân y, tổng cộng 3000-3500 quân. Các GM rất hiệu quả trong việc nhanh chóng tăng viện cho các vị trí ở đồng bằng, nhưng đồi núi và đầm lầy thịnh hành ở Việt Nam cản trở hoạt động của họ, giới hạn các GM ở những trục đường chật hẹp. Khả năng cơ động nhanh chóng của họ nhanh chóng trở thành gót chân Achilles, do các xe cơ giới không thể cơ động ở địa hình phức tạp (6.)
Lực lượng tham chiến của Pháp bao gồm:
– Liên đoàn cơ động 100 do đại tá Barrou chỉ huy.
– Đại đội chỉ huy của G.M.100 do đại uý Fievet chỉ huy.
– Trung đoàn Triều Tiên do trung tá Lajounie chỉ huy.
– Tiểu đoàn 1 Triều Tiên do thiếu tá Kleinmann chỉ huy.
– Tiểu đoàn 2 Triều Tiên do thiếu tá Guinard chỉ huy.
– Tiểu đoàn hỗn hợp thuộc trung đoàn 43 bộ binh thuộc địa (Bataillon de March /43e Regiment d’Infanterie Coloniale) do thiếu tá Muller chỉ huy (từ đây sẽ gọi tắt là tiểu đoàn 43 – chiangshan).
– Tiểu đoàn 2, trung đoàn 10 pháo binh thuộc địa do thiếu tá Arvieux chỉ huy.
– Chi đội 3, trung đoàn 5 thiết giáp (Royale-Pologne) do đại uý Doucet chỉ huy.
Liên đoàn 100 là 1 đơn vị kì cựu với quân số trên giấy tờ là 843 lính cho mỗi tiểu đoàn bộ binh. Trung đoàn Triều Tiên đã chứng tỏ mình trong chiến đấu cùng với sư đoàn 2 bộ binh Mỹ ở Triều Tiên(7). Nhiều sĩ quan của nó đã tự hạ cấp để đi phục vụ ở Triều Tiên (Many of its officers had taken a reduction in rank to serve in the Coree). Tiểu đoàn thuộc địa 43 là 1 đơn vị hỗn hợp người Việt Nam và Campuchia đã chiến đấu tốt trong quá khứ (8.).
Có thể nói thêm là G.M.100 đã mệt mỏi sau những trận chiến đẫm máu và nhiều người xem cuộc rút quân này là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến đã kết thúc với họ. G.M.100 được lãnh đạo tốt bởi các sĩ quan và hạ sĩ quan, ở cấp đại đội cũng như các cấp cao hơn. Đại tá Barrou là đã sớm nhận ra điểm yếu của liên đoàn cơ động dưới quyền mình khi ông viết trong nhật ký:
“Điểm yếu nhất là việc bảo vệ pháo binh và các cơ sở chỉ huy, thông tin khi phải để ra càng nhiều bộ binh càng tốt làm nhiệm vụ truy lung và tiêu diệt kẻ địch”. “Những thứ làm nên sức mạnh của GM là hậu cần và liên lạc cũng tạo ra những đòi hỏi khó khăn ở khu vực rừng núi khi mà đường xá rất ít và ở trong tình trạng tồi tệ” (9.)
Những điều ám ảnh đại tá, sau đó sẽ quyết định số phận đơn vị của ông. Đội ngũ lãnh đạo của G.M.100 rất mạnh, bao gồm các sĩ quan tận tuỵ và dày dạn không lạ lẫm gì với cuộc chiến ở Việt Nam. Có lẽ đây là một sự tưởng thưởng cho họ – những trung sĩ, trung uý, đại uý và thiếu tá của liên đoàn – là nhiều binh sĩ đã sống sót qua cuộc phục kích đẫm máu ở cây số 15.
Trung đoàn 803 Việt Minh
(Tác giả nhầm về phiên hiệu đơn vị của ta. Đánh trận này là trung đoàn 96 (thiếu 1d) của cụ Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà) và 1d của trung đoàn 120 – chiangshan).
Trung đoàn 803 Việt Minh đã chiến đấu chống lại người Pháp trên Tây Nguyên trong 2 năm và đã bắt binh sĩ G.M.100 trả giá đắt từ tháng 2/1954 trong những trận phục kích và pháo kích bằng súng cối vào An Khê. G.M.100 đã đáp lại điều đó ở Dak Ya-Ayun trong tháng 3 (It was a price that G.M. 100 had paid in kind at Dak Ya-Ayun in March). Có vẻ phù hợp là 2 tháng sau trung đoàn 803 sẽ là người thực hiện trận phục kích đánh dấu sự cáo chung của đơn vị Pháp này.
Không rõ về các chỉ huy trung đoàn 803. Không có báo cáo nào về tên các sĩ quan trung đoàn hay tiểu đoàn, đối với họ là cuộc chiến để giữ bí mật. Việt Minh thắng các trận đánh với tổn thất lớn về người và do đó, nhiều sĩ quan không sống sót qua trận đánh. Một binh nhì trong trận chiến đấu rất có thể sẽ đảm nhiệm vị trí chỉ huy của trung sĩ hay trung uý trong trận tiếp theo. Đấu tranh vì tự do và sự giải phóng, Việt Minh không đề cao cá nhân mà chiến đấu theo tập thể. Cơ cấu lãnh đạo của Việt Minh khác với người Pháp, nhưng đủ hiệu quả. Có nhiều sĩ quan chính trị trong quân đội Việt Minh, các chính trị viên thường kết hợp với các sĩ quan và hạ sĩ quan lãnh đạo binh sĩ Việt trung thành với lý tưởng Cộng sản.
Sự cáo chung của G.M.100 – Bước khởi đầu
Với việc Điện Biên Phủ thất thủ và không còn lực lượng dự bị đế ngăn chặn làn song tiến công sắp tới của Cộng sản vào cao nguyên trung phần, bộ chỉ huy Pháp ra lệnh cho G.M.100 bỏ An Khê rút về Pleiku, 80km về phía tây trục đường do đối phương kiểm soát. Dự kiến G.M.100 khởi hành vào 25/6, sau khi hoàn tất di tản các công dân Pháp, quan chức cao cấp và trang thiết bị ở An Khê bằng đường không.
Ngày 23/6, tin tình báo cho biết trung đoàn 803 Việt Minh đang di chuyển từ căn cứ của họ ở An Hoà tới quốc lộ 19. Các tin tức cũng cho biết trung đoàn 803 có ý định ngăn chặn đoàn quân di tản trước khi họ tới được Pleiku. Tin tức quan trọng này, sẽ dẫn tới sai lầm đắt giá đầu tiên của đại tá Barrou góp phần làm đơn vị của ông bị tiêu diệt. Chuyển ngày xuất phát lên 24/6, Barrou quyết định G.M.100 sẽ di chuyển 22km tới đèo Mang Yang, nơi các đơn vị của G.M.42 và liên đoàn dù 1 (A.G.1) đang chờ sẵn để hội quân và hộ tống đoàn xe tới Pleiku. Barrou dự định sẽ vượt qua đoạn đường này thật nhanh chóng, bỏ qua trinh sát và cảnh giới. Kế hoạch ban đầu là G.M.100 sẽ dừng ở cây số 11, trong khi 1 đại đội của tiểu đoàn thuộc địa 43 sẽ trinh sát 11km tiếp theo trước khi cho cả đoàn quân tiến vào khu vực hẻm núi khó cơ động giữa cây số 12 và 20 (the narrow defiles and restricted maneuver terrain between kilometers 12-20). Giờ đây Barrou quyết định cả đoàn tiến về cây số 22 trong một khối duy nhất. Ông hy vọng sẽ đánh bại trung đoàn 803 để tới đèo Mang Yang và đã chuẩn bị hy sinh công tác cảnh giới để đạt được điều đó.
G.M.100 rới An Khê lúc 0300 ngày 24/6/1954. Tiểu đoàn thuộc địa 43 Campuchia-Pháp dẫn đầu, tiếp theo là tiểu đoàn 2 và tiểu đoàn 1 Triều Tiên. Cả 3 tiểu đoàn ngồi trên xe mui trần để có thể quan sát xung quanh. Có mặt trong đội hình G.M.100 còn có tiểu đoàn khinh quân 520, một đơn vị lính người Việt Nam xây dựng theo phương thức của Việt Minh nhằm tiếp cận và tiêu diệt các đơn vị du kích Cộng sản. Thật không may, tiểu đoàn khinh quân này là 1 đơn vị vô kỷ luật, và sự hiện diện của nó trong đội hình thiết giáp trong ngày định mệnh này sẽ gây hậu quả khủng khiếp cho đại tá Barrou và lính của ông (12.)
Mỗi tiểu đoàn bộ binh của G.M.100 có 1 đại đội pháo phối thuộc cho họ. Đại đội chỉ huy và sở chỉ huy lưu động của liên đoàn bố trí trong đoàn xe giữa tiểu đoàn 520. Đến bình minh, đoàn xe trên đường tới Pleiku cùng với 300 hoặc hơn thế dân thường từ An Khê không được di tản bằng đường không. Mặc dù điều này trái lệnh của bộ chỉ huy Pháp cấm cho dân thường đi cùng với đoàn xe quân sự, không người nào của G.M.100 tỏ ra quan tâm hay chú ý. Khi đội hình đã trên đường, máy bay ném bom B26 phá huỷ các kho đạn dược và hậu cần ở An Khê. Cuộc hành quân bắt đầu.
Trung đoàn 803 Việt Minh biết rõ G.M.100 đang đi đâu, và vào lúc này, họ đang chạy đua bằng đôi chân để tới quốc lộ 19 trước khi G.M.100 hội quân với G.M.42 và A.G.1. Việt Minh hiểu rằng nếu người Pháp hội quân thành công, Việt Minh sẽ không đủ sức để ngăn chặn họ đi về Pleiku. Điều quyết định tới thành công của nhiệm vụ này là họ phải tấn công đoàn xe Pháp ở một địa điểm nào đó nằm giữa cây số 11 và 15.
Trong tay đại tá Barrou còn 1 đơn vị dưới quyền mà ông định sử dụng. Một đại đội người Bana do đại uý Vitasse, 1 biệt kích Pháp đã chiến đấu ở Việt Nam 4 năm chỉ huy, bố trí trong rừng ở phía bắc quốc lộ 19. Bất kỳ đơn vị Cộng sản nào định vượt đường phía tây An Khê sẽ bị đơn vị của Vitasse phát hiện và cảnh báo cho quân Pháp.
Lúc 0900, đoàn xe tới cây số 6 và bị bắn bởi súng liên thanh nhẹ. Một số binh sĩ tiểu đoàn 1 Triều Tiên bị thương, nhưng đối phương đã biến mất cũng nhanh như khi họ đến. Điểm đầu tiên cho Việt Minh. Đoàn xe tiếp tục hành trình, binh sĩ GM gia tăng bực bội, cảm nhận sự nguy hiểm ẩn giấu trong rừng rậm bao bọc quanh họ.
G.M.100 nghỉ chân tại cây số 11, mục tiêu chính của ngày hành quân đầu tiên. Kể từ cây số 15, con đường, bao bọc bởi rừng rậm dày đặc và vách đá, chạy qua những điểm phục kích lí tưởng. Tại đây đại tá Barrou quyết định chia đoàn xe làm 4 nhóm, mỗi nhóm gồm gồm cả bộ binh, pháo binh và thiết giáp, mỗi nhóm sẽ là 1 đơn vị tác chiến độc lập, có thể tự vệ nếu gặp nguy hiểm, đồng thời tránh cho cả đoàn bị tiêu diệt trong trường hợp Việt Minh đặt bẫy. Nhóm đầu tiên là tiểu đoàn 43, đại đội đi đầu do đại uý kì cựu Leounzon chỉ huy rời cây số 11 lúc 1250, nhóm 2 lúc 1300, nhóm 3 lúc 1330 và nhóm cuối cùng lúc 1400. Các nhóm duy trì liên lạc vô tuyến khi hành quân.
Lúc 1330, xe thông tin của G.M.100 nhận được điện khẩn của đại uý Vitasse: “Chú ý! Các đơn vị Việt Minh cách quốc lộ 19 3km về phía bắc”. Gần như đồng thời, 1 máy bay trinh sát của Pháp phát hiện Việt Minh ở Kon-Barr, cách cây số 11 8km về phía bắc. Lập tức, các khẩu pháo 105mm của đại đội 4, vẫn còn ở lại cây số 11 nã đạn vào các vị trí mà máy bay trinh sát chỉ điểm ở gần Kon-Barr. Với thông tin quan trọng này, dường như đoàn xe Pháp đã có được thứ cần thiết để ngăn chặn thảm hoạ.
Xe thông tin của G.M. 100 ghi nhận báo cáo và chuyển chúng xuống các nhóm của đoàn. Tiểu đoàn khinh quân 520, tiểu đoàn 1 và 2 Triều Tiên, tiểu đoàn 2/10 pháo binh, tất cả đều nhận được thông tin. Vấn đề là xe thông tin không liên lạc với tiểu đoàn 43, và họ đang đi đầu đội hình! Sẽ không bao giờ biết được vì sao lại có sai lầm tai hoạ này, vì xe thông tin và các nhân viên đều bị tiêu diệt trong trận đánh sau đó. Tuy nhiên, đại tá Barrou đã nhiều lần phàn nàn là ông thiếu 20 nhân viên điện đài so với biên chế. Thiếu cảnh báo về sự xuất hiện của Việt Minh ở quốc lộ 19, Leounzon và tiểu đoàn 43 hành quân mà không đề phòng.
May mắn cho G.M.100, đại uý Leounzon là 1 chiến binh hiểu biết về rừng già đã có kinh nghiệm với những trận phục kích của Việt Minh sau nhiều năm chiến đấu. Ở cây số 15, con đường chạy dài theo một dải đất bằng hẹp, bao phủ bởi cỏ voi cao 6 feet kéo dài về phía tây. Yên tĩnh. Quá yên tĩnh. Không nhìn thấy cả chim chóc và điều này khiến Leounzon lo lắng. Liên lạc với thiếu tá Muller, tiểu đoàn trưởng, anh ta đề nghị cho 1 toán tiền trạm trước khi cả đoàn đi vào khu vực. Muller băn khoăn vì thời gian cần thiết để làm việc đó. Ông cũng cảm thấy rằng nếu Leounzon đụng địch, các đại đội còn lại không thể yểm trợ vì bị bụi rậm cản trở tầm nhìn. Không nản chí, Leounzon đề nghị:
“Nào, hãy cùng thoả thuận chuyện này. Tôi sẽ cùng đại đội rời khỏi con đường và chỉ đi vòng lên trên kia qua bãi cỏ. Nếu gần đường không có gì, chúng ta sẽ biết được, và nếu tôi đụng địch, điều đó sẽ cảnh báo anh sớm và anh có thể hỗ trợ tôi mà không làm suy yếu đoàn xe”(13)
Muller đồng ý và đại đội 1 của Leounzon rời khỏi con đường, di chuyển thận trọng qua bãi cỏ voi, cố gắng trèo lên ngọn đồi nhỏ ở giữa bãi đất có thể quan sát tốt hơn cả khu vực. Trung sĩ Li-Som, một người Campuchia và một trong những người lính tốt nhất của Leounzon dừng lại và bảo cả tiểu đội im lặng. Anh ta lắng nghe cẩn thận, đôi mắt mở to khi nhận ra mình đang nghe thấy cái gì. Khi 1 cơ thể lớn di chuyển qua bãi cỏ voi, các nhánh cỏ phát ra tiếng “knack” khi chúng trở lại vị trí cũ sau khi bị dẫm lên. Li-Som nhanh chóng nhận ra Việt Minh đang ở đây và đang sẵn sang tiêu diệt G.M.100 khi họ di chuyển qua địa hình trống trải mà không ẩn nấp. Đột nhiên, 2 khẩu súng máy Việt Minh khai hoả vào 1 trung đội Campuchia khác của đại đội Leounzon ở cự ly 30m. Li-Som lao về phía khẩu súng, ra lệnh cho trung đội theo mình. Khi anh ta ném lựu đạn phá huỷ ổ súng đối phương, khẩu kia bắn gục Li-Som bằng một loạt đạn. Lúc này là 1420. Trận đánh đã bắt đầu.
Trận chiến và các sự kiện sau đó
Đại đội 1 của Leounzon ngay lập tức vào trận, bắn trả lại. Lính thông tin (RTO) của Leounzon cố liên lạc với thiếu tá Muller, nhưng điện đài đã bị 1 viên đạn .50 bắn vỡ. Phá huỷ nó để Việt Minh không sử dụng lại được, anh ta tham gia trận đánh. Việt Minh tấn công dữ dội tiểu đoàn 43 bằng hoả lực súng máy, bazooka, súng không giật và súng cối. Trên thực tế, toàn bộ trung đoàn 803 đã triển khai quanh cây số 15 và đang tiến hành một trận phục kích hoàn hảo trước một đối thủ bị bất ngờ và mất phương hướng. Các đơn vị bị máy bay trinh sát phát hiện chỉ là nghi binh, trong khi trung đoàn 803 đã vào vị trí nhiều giờ trước khi G.M.100 tới. Quân Pháp đã thua trong cuộc đua tới đèo Mang Yang, và giờ đây đang chiến đấu để sinh tồn.
Trước 1420, đại tá Barrou đi phía sau trung đội thiết giáp, gồm 3 xe half-track và 2 thiết giáp M8. Barrou ngồi trên chiếc jeep mui trần, nhưng đi cùng với xe thông tin liên đoàn, thông tin cho ông biết về chướng ngại vật bằng đá trên đường ở cây số 15, theo báo cáo của 1 máy bay trinh sát khác.
Lúc 1415, Barrou nhận thấy nhóm đi đầu của đoàn xe đã tăng tốc độ và trung đội thiết giáp đã nới rộng khoảng cách giữa nhóm đi đầu với đại đội chỉ huy. Barrou ra lệnh cho xe thông tin báo cho trung đội thiết giáp chạy chậm lại. Ngay sau khi trung đội trưởng thiết giáp nhận được thông báo, Barrou nghe thấy tiếng súng máy và tiếng lựu đạn của Li-Som. Đột nhiên, súng cối hạng nặng và súng không giật nã vào đại đội chỉ huy. Xe cộ bắt đầu bốc cháy và tiếng kêu gào của những người trúng đạn chìm đi trong những tiếng nổ.
Chỉ trong 4 phút, trung đội thiết giáp đã bị tiêu diệt. Cả 3 xe half track và 1 xe M8 bốc cháy. Chiếc M8 còn lại, mặc dù bị bất động, vẫn phát hiện được ổ súng máy của đối phương đang chặn đoàn xe Pháp trên đường và bắn tung nó bằng một loạt đạn liên thanh. Lúc 1425, xe thông tin của G.M.100 trúng một phát đạn bắn trực tiếp từ khẩu không giật 57mm của đối phương và nổ tung trong một quả cầu lửa. Tất cả những ai có thể giải thích vì sao tiểu đoàn thuộc địa 43 không được cảnh báo về sự hiện diện của Việt Minh đều chết một cách đau đớn. Ra đi cùng với chiếc xe là khả năng chỉ huy và điều khiển đoàn xe của đại tá Barrou cũng không còn. Tiểu đoàn 43 và đại đội chỉ huy đều đang tự lực chiến đấu vì sự sống còn. Hỗn loạn bao trùm.
Đại tá Barrou và đại uý Fievet, đại đội trưởng đại đội chỉ huy cố gắng tập hợp binh lính để mở cuộc phản công vào các vị trí của Việt Minh trên mỏm đồi phía bắc đoàn xe đang xả vào đoàn xe bất động những luồng đạn chết chóc. Fievet gục xuống, bị thương nặng, trong khi đại tá Barrou cũng trúng đạn vào đùi và lăn xuống rãnh nơi Fievet đang hấp hối, ông trao cho Fievet Huân chương chữ thập danh dự của sĩ quan lê dương (Officer’s Cross of the Legion of Honor) trước khi anh ta tắt thở.
Trung tá Lajouanie, trung đoàn trưởng trung đoàn Triều Tiên cũng tổ chức phản công vào ngọn đồi do đối phương chiếm giữ. Đạn ria của chiếc M8 còn lại đang ghìm đầu các vị trí địch và có vẻ quân Pháp có thể đánh vòng vào sườn và chiếm ngọn đồi. Tuy nhiên, khi Lajounie tấn công, pháo thủ chiếc M8 bị bắn chết và Việt Minh dồn sức vào quân xung phong Pháp, đốn gục họ bằng hoả lực dữ dội. Lajounie ngã xuống gần đại tá Barrou và ông cũng được tặng huân chương Danh dự của lê dương. Đến 1445, đại đội chỉ huy không còn là một lực lượng chiến đấu, và nhiều sĩ quan chủ chốt của G.M.100 đã chết.
Barrou trèo lên chiếc M8 câm lặng, định điều khiển súng trên xe bắn vào các vị trí Việt Minh. Không may cho Barrou, ông bị phát hiện và bị bắn trước khi làm khẩu súng máy hoạt động trở lại. Barrou rơi từ trên xe xuống và lăn xuống rãnh nơi ông quyết định sẽ chết. Xé nát giấy tờ, ông nằm đó cho tới khi được y tá băng bó. Không nhận ra người máu me đầy mình nằm đó là đại tá, người y tá di chuyển về phía tiểu đoàn 43 sau khi đã sơ cứu cho ông.
Thiếu tá Hipolite, trung đoàn phó Trung đoàn Triều Tiên bị giết ngay sau đó và bộ binh Việt Minh trèo lên các xe của đại đội chỉ huy, hạ sát các binh sĩ bị thương và tiếp tục cuộc xoá sổ liên đoàn. Mười phút sau khi cuộc phục kích bắt đầu, G.M.100 đã mất toàn bộ phương tiện thông tin và 3 sĩ quan cao cấp. Thiếu tá Muller và tiểu đoàn 43 đang chiến đấu để sống còn, nhưng cứu viện đang trên đường. Muller làm điều cần thiết, chỉ huy nhóm của mình không chờ lệnh đại tá Barrou. Muller không biết rằng chỉ huy của mình đang nằm trong rãnh, choáng váng vì vết thương và không còn khả năng chỉ huy cuộc chiến đấu.
Tiểu đoàn khinh quân 520, vốn không phải là thành phần của G.M.100 và ít xứng đáng mang danh là một đơn vị chiến đấu (14), tan vỡ và bỏ chạy ngay khi trận đánh bắt đầu, bỏ mặc đại đội chỉ huy GM và đại đội chỉ huy của tiểu đoàn 2/10 pháo binh đơn độc. Tài xế các xe chở chất nổ công binh bỏ xe chạy vào rừng tìm chỗ nấp. Lúc 1500, những chiếc xe công binh chở đầy pháo sáng (pyrotechnics) và chất nổ bị bỏ lại bắt đầu nổ tung dưới làn đạn dữ dội của Việt Minh. Mảnh vỡ trùm lên các binh sĩ Pháp đang nấp sau xe ở gần đó.
Tiểu đoàn 2 và tiểu đoàn 1 Triều Tiên tới ngay sau 1500 và vượt qua những chiếc xe cháy để hội quân với tiểu đoàn 43. Tận dụng thời cơ Việt Minh đang bất ngờ trước sự xuất hiện của 2 tiểu đoàn nguyên vẹn, tiểu đoàn 43 cố gắng vượt vòng vây với số xe tối đa có thể và bị tổn thất nặng nề trước hoả lực Việt Minh. Vài chiếc xe của tiểu đoàn 43 đã thoát khỏi cuộc tàn sát và tới được cây số 22 để kể về trận phục kích.
Thiếu tá Kleinmann, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 Triều Tiên và các sĩ quan còn lại của G.M.100 tổ chức cuộc phòng thủ bao quanh đoàn xe đã tan vỡ. Ông ra lệnh cho đại đội 4 triển khai những khẩu lựu pháo và hạ nòng bắn thằng vào các vị trí Việt Minh khi bộ binh của họ định xông lên tấn công. Hành động này không nghi ngờ gì đã cứu sống người Pháp, cuộc tấn công của Việt Minh tan vỡ dưới sức tàn phá của pháo binh. Đối với các binh sĩ các tiểu đoàn 43 và Triều Tiên, nhìn thấy quân Việt bị hạ gục giúp tinh thần của họ phấn chấn lên và dường như được truyền thêm quyết tâm chiến đấu vì sự sống.
Lúc 1620, đạn dược bắt đầu cạn. Máy bay B26 của không quân tới yểm trợ, nhưng do giao chiến diễn ra ở cự ly quá gần, cả lính Pháp và Việt đều bị sát thương bởi những loạt đạn bắn xuống bừa bãi từ trên không. Khi hoàng hôn xuống, quân Pháp nhận ra họ không thể cầm cự thêm. Đại đội 4 pháo binh đã bị loại khỏi vòng chiến, các pháo thủ chết và bị thương, pháo hết sạch đạn. Khi quân Pháp chặn được các đợt tấn công của bộ binh Việt Minh, súng cối nã vào chu vi phòng thủ của Pháp khiến cho số thương vong liên tục gia tăng.
Lúc 1715, thiếu tá Kleinmann nhận được lệnh từ bộ chỉ huy vùng của Pháp ra lệnh cho ông bỏ xe đi bộ và phá vây tới cây số 22 với bất cứ thương binh nào có thể mang theo để hội quân với G.M.42 và các đơn vị Pháp ở đó. Kleinmann thảo luận với tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 Triều Tiên, thiếu tá Guinard. Cả hai quyết định rằng không thể nào mang theo các thương binh nặng. Làm như vậy trên quãng đường khó khăn hơn 10km xuyên qua rừng rậm và dưới hoả lực sẽ gây thêm nhiều thương vong. Họ quyết định bỏ lại thương binh cùng với các nhân viên quân y tình nguyện. Cuộc đối thoại tiếp theo giữa thiếu tá Kleinmann và thiếu tá – bác sĩ Varme-Janville, bác sĩ phẫu thuật của G.M.100:
“Janville, chúng ta nhận được lệnh. Rời khỏi con đường lúc 1900.”
“Còn những người bị thương?”
“Janville, các thương binh ở lại đây. Anh biết ta không thể làm gì cho họ sau khi rời khỏi đường.”
“Thưa ngài, tôi không nghĩ mình có ích nhiều trong chuyện này. Người ta có các bác sĩ giỏi ở Pleiku nhưng mọi người cần tôi ở đây. Tôi sẽ ở lại với họ”(15)
Lúc 1900, những binh sĩ còn lại của G.M.100 phá vòng vây đã giết quá nhiều đồng đội của họ. Khi chạy vào rừng, họ thấy những người bị thương ở chân trụ lại ở đoàn xe chiến đấu trong nỗ lực cuối cùng nhằm có thêm thời gian cho bộ binh chạy thoát.
Các sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn nhận ra rằng Việt Minh có thể phát hiện cuộc rút lui và sẽ chặn họ lại. Họ quyết định chia thành những toán nhỏ cỡ trung đội do các sĩ quan hoặc hạ sĩ quan chỉ huy, vượt đoạn đường khó khăn tới cây số 22.
Trong những ngày tiếp theo, các toán này phải vượt qua rừng già dày đặc, các trận phục kích lẻ tẻ của Việt Minh, và những người dân tộc thiểu số đang tìm cách giết hoặc bắt cóc lính Pháp. Cuối cùng, lúc 11h30 ngày 25/6, một trung đội của đại đội 4, tiểu đoàn 1 Triều Tiên đã gặp toán tuần tra của liên đoàn dù 1. Những tàn binh kiệt quệ của G.M.100 cuối cùng cũng tới được cây số 22. Trong khi những binh sĩ này sống sót, đơn vị của họ, G.M.100 danh tiếng một thời đã chết 1 ngày trước đó ở cây số 15 trên quốc lộ 19.
Những sự kiện chính, kết quả
Buồn thay, đối với những người lính G.M.100, thử thách vẫn chưa chấm dứt. Họ còn phải đương đầu với 55km trên con đường thù địch và đoàn quân hỗn hợp G.M.42 và 100, A.G.1 tiếp tục bị quấy nhiễu cho đến khi họ tới được Pleiku ngày 29/6. Trong số 222 người của đại đội chỉ huy khi G.M.100 rời An Khê, chỉ còn lại 84 người. Tiểu đoàn 43 thuộc địa, tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 2 Triều Tiên, gồm 834 lính mỗi tiểu đoàn giờ còn lại tương ứng là 452, 497 và 345. Tiểu đoàn 2, trung đoàn 10 pháo binh thuộc địa còn lại 215 so với quân số ban đầu là 474. 85% xe cộ, 100% pháo binh và 68% thiết bị thông tin của G.M.100 bị mất. 50% súng trường và súng máy bị Việt Minh tịch thu.
Đại tá Barrou, thật đáng ngạc nhiên, đã sống sót sau khi đơn vị của ông bị huỷ diệt, được một đội tuần tra Pháp cứu và cáng về. Đội tuần tra sau đó bị Việt Minh bắt và Barrou phải tham dự vào cuộc hành trình chết chóc suốt 100 dặm hoặc hơn tới trại tù binh, nhưng ông đã sống sót qua cuộc chiến và cuối cùng được trao trả về Pháp.
Trung đoàn 803 Việt Minh cho đi cũng nhiều như đã nhận và được bổ súng 1 tiểu đoàn một ngày sau trận chiến đấu ở cây số 15. Họ nhanh chóng tham dự lại các hoạt động tác chiến trên Tây Nguyên và tiếp tục chiến đấu chống quân Pháp cho tới khi hiệp định được ký ngày 20/7.
Do truyền thống giữ bí mật của Việt Minh, không rõ họ đã bị tổn thất bao nhiêu, nhưng không nghi ngờ gì là trung đoàn đã khoác lên mình vinh quang tiêu diệt 1 trong những đơn vị cơ giới tốt nhất của quân đội Pháp. Nhiều năm sau, trung đoàn 803 sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại kẻ xâm chiếm mới. Lần này là quân đội Hoa Kỳ.
Mục đích của Việt Minh trong việc tiêu diệt đoàn xe Pháp đang rút về Pleiku rất đơn giản. Bằng việc chứng minh khả năng gây thiệt hại nặng nề cho quân đội Pháp sau tấm gương thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ, người Việt có thể điều chỉnh các điều khoản của hiệp định hoà bình giữa Pháp và chính phủ Việt Nam lâm thời của Hồ Chí Minh. Không đời nào họ muốn nước Pháp giữ lại phần lãnh thổ nào của Việt Nam, hay muốn nước Pháp cảm thấy muốn tiếp tục cuộc chiến. Bằng việc tiêu diệt đoàn xe Pháp, người Việt đánh đối thủ đang gục ngã, nhưng họ làm thế để gửi đến một thông điệp rõ ràng rằng Việt Nam là người chiến thắng.
Với tất cả những mục tiêu và ý định, cuộc chiến đã kết thúc khi G.M.100 bị tiêu diệt ngày 24/6/1954. Tuy nhiên, bằng những gì đã làm, người Việt thúc đẩy sự ra đi của người Pháp khỏi Việt Nam và cho người Pháp thấy thực tế là trước khi người lính cuối cùng rút đi, sẽ vẫn là cuộc chiến cho tới cùng. Nước Pháp đã ở lại quá lâu mảnh đất mà giờ đây họ đang chuẩn bị từ bỏ. Để bảo đảm người Pháp không thể nghĩ khác, không thể cân nhắc về việc theo đuổi chiến tranh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng vĩ đại nhất của Việt Nam tiếp tục gây sức ép cho đến khi nước Pháp nhận ra rằng tiếp tục sự hiện diện của họ trên Việt Nam sẽ dẫn tới nhiều cái giá sinh mạng binh lính phải trả. Không đầy 1 tháng sau thảm hoạ ở cây số 15, người lính Pháp cuối cùng rời khỏi đất Việt Nam.
Nhiều sự kiện đã góp phần vào việc G.M.100 bị tiêu diệt. Đại tá Barrou vốn rất cẩn trọng và giỏi sử dụng các đội trinh sát và tiền vệ khi cơ động liên đoàn. Khi nhận được báo cáo trung đoàn 803 định cắt đứt ông Pleiku, ông cố chạy đua với Việt Minh, thay vì thực hiện các biện pháp trinh sát và cảnh giới có thể đã ngăn ngừa cuộc phục kích. Cám ơn cho hành động độc lập của riêng đại uý Leouzon, trong một phạm vi rất nhỏ đơn vị đã được cảnh báo sớm trước khi đoàn xe đi vào tầm bắn của hoả lực gián tiếp và trực tiếp. Chia nhỏ đoàn xe cũng cho phép trung đoàn 803 tập trung tấn công nhóm đi đầu, gây thiệt hại nặng cho họ trước khi các tiểu đoàn Triều Tiên có thể tới nơi để chặn làn sóng tấn công lại
Việc xe thông tin không thông báo được cho Thiếu tá Muller tiểu đoàn 43 biết đã phát hiện Việt Minh ở cây số 15 là yếu tố quyết định đến cách Muller triển khai lực lượng. Khi đại uý Leouzon đề nghị thăm dò bên sườn đoàn xe, cả anh ta lẫn Muller đều không có một ý niệm nào là Việt Minh đang ở trong khu vực. Thất bại quyết định trong liên lạc này không nghi ngờ gì đã góp phần lớn vào cái chết của các binh sĩ Pháp ở cây số 15.
G.M.100 mất toàn bộ các vị trí chỉ huy và điều khiển ngay trong những phút đầu tiên bị phục kích. Kết quả là, cả 3 tiểu đoàn trưởng đều tự thân chiến đấu mà không có sự phối hợp nào. Các sĩ quan tiểu đoàn đã làm nhiệm vụ rất tốt trong việc lãnh đạo đơn vị, nhưng do không có sự chỉ huy chung, quân Pháp không thể thực hiện nỗ lực phá vỡ vòng vây chết chóc xung quanh họ, họ mở nhiều cuộc tấn công lẻ tẻ thất bại trước khi phải co cụm vào chu vi phòng thủ. Cái chết của trung tá Lajounie và thiếu tá Hipolite, và sự bất lực của đại tá Barrou, đã gây hậu quả đối với G.M.100, và chỉ nhờ kỷ luật và lãnh đạo trong các cấp bộ binh mà toàn bộ đạo quân đã không bị tiêu diệt.
Trung đoàn trưởng trung đoàn 803 đã chọn địa điểm rất chuẩn xác để tiêu diệt kẻ địch. Ông sử dụng hoả lực mạnh có hiệu quả, phá huỷ các xe cộ và do đó dồn đoàn xe vào trong tầm sát thương trong khi binh sĩ có thể tiếp tục gây tổn thất lên hàng ngũ quân Pháp. Duy trì hoả lực súng cối liên tục, ông không cho quân Pháp bất cứ cơ hội nào để củng cố và tổ chức lại có hiệu quả, và có thể dễ dàng đánh bại các đợt phản kích lẻ tẻ. Khi cuộc tấn công của bộ binh bắt đầu bị chùn lại, ông rút họ về để dùng súng cối và súng máy hạng nặng làm suy yếu sức kháng cự của quân Pháp. Ông đã tiến hành một trận phục kích tuyệt vời mà người Pháp nào trốn thoát được là đã rất may mắn.
Hậu quả
Thất bại của G.M.100 đi cùng với sự nhận ra rằng đổ máu thêm ở Việt Nam là vô ích. Cuộc chiến đã thất bại trước cuộc phục kích ở cây số 15, nhưng một chiến thắng của Pháp trước trung đoàn 803 không thể thay đổi việc ngừng bắn. Nước Pháp thất bại trong nỗ lực duy trì Việt Nam làm thuộc địa, không phải vì quân đội của họ không có khả năng đánh bại Việt Minh, mà vì nước Pháp không chấp nhận trả giá để giữ Việt Namnhư người Việt Nam chấp nhận trả giá cho độc lập. Nước Pháp rút ra bài học này với cái giá là hơn 172,178 lính Pháp và đồng minh chết và bị thương mặc dù họ có trong tay 1 quân đội chuyên nghiệp với những trang bị tuyệt vời, với số lượng và tinh thần mà khi chiến đấu hang ngày với Việt Minh chỉ có số lượng và sự cuồng tín, the mass and fanaticism with which the Viet Minh fought each day was more of a match for her. Bài học này là cho tất cả, kể cả nước Mỹ đã thất bại trong việc chú ý xem điều gì đã xảy ra với người Pháp, và đã phải học lại những bài học mà quân đội Pháp đã phải trả bằng máu.
Nếu những nhà lãnh đạo nước Mỹ nghiên cứu tấm gương của chiến tranh Đông Dương, có lẽ nhiều mất mát mà đất nước này phải chịu trong chiến tranh ở ĐNA sẽ không bao giờ xảy ra. Quân đội chúng ta phạm cùng một sai lầm với người Pháp, chiến đấu với một đối thủ trung thành với đất nước Việt Nam hơn chúng ta rất nhiều. Sự sợ hãi và căm ghét Cộng sản mù quáng khiến chúng ta lao vào cuộc chiến không thể thắng. Tác động lâu dài của trận đánh đẫm máu ở cây số 15 có thể nhìn thấy ở mỗi cái tên người Mỹ ở bức tường tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ở Washington D.C.
Nguyên tắc chiến tranh
Cơ động. Việt Minh biết rõ đoàn xe Pháp bị tấn công trên địa hình trống trải sẽ không có thời gian hay khả năng cơ động khi họ đụng phục kích. Bộ binh Pháp ngồi trên xe không mui nhưng cỏ voi cao cản trở họ liên lạc với các xe và bộ binh khác. Sự thiếu khả năng cơ động buộc quân Pháp phải chiến đấu phòng ngự trên địa hình trống trải, bao vây bởi đối phương có lợi thế về nguỵ trang và điểm cao.
Kiểm soát lực lượng. Mặc dù đoàn xe Pháp có hơn 2000 lính chiến đấu trong biên chế, Đại tá Barrou đã chia nhỏ lực lượng đi trên đường, cho phép Việt Minh tấn công G.M.100 khi từng nhóm một đi vào điểm phục kích. Quân số 2 bên tương đương trên giấy tờ, nhưng vào thời điểm các tiểu đoàn Triều Tiên tới nơi, tiểu đoàn khinh quân 520 đã bỏ chạy, đại đội chỉ huy bị tiêu diệt và tiểu đoàn 43 đã bị bao vây và đang hứng chịu hoả lực. Quân Pháp chưa bao giờ có thể tập trung lực lượng vào một điểm, do đó họ không thể phá vây thành công.
Tập trung quân. Trung đoàn 803 bố trí lực lượng tập trung chống lại G.M.100 để đạt hiệu quả cao. Bố trí súng máy, súng cối hạng nặng, súng chống tăng 57mm và hoả lực bộ binh bắn vào đoàn xe lộ liễu, Việt Minh thành công với hiệu quả chết người. Ngược lại, quân Pháp không thể tập trung lại, họ bị chia cắt và không có biện pháp phối hợp các đợt phản kích. Sự bất lực trong việc chống lại sức tập trung áp đảo của Việt Minh đã phán xét số phận G.M.100 ngay từ phút đầu.
Cảnh giới. Đại tá Barrou hy sinh công tác cảnh giới để đổi lấy tốc độ và rất nhiều binh sĩ của ông đã phải trả giá. Với việc không trinh sát đầy đủ khu vực phía tây cây số 11, ông đã để đoàn xe chở lính của mình tiến lên một cách mù mờ, không biết gì về địa hình hay những nguy hiểm nằm phía trước. Làm như thế, ông đã cho quân Việt thế chủ động và ưu thế rõ rệt. Họ biết người Pháp ở đâu và giới hạn sức chiến đấu của họ. Đại tá Barrou không có ý niệm nào về vị trí của Việt Minh trừ số bị phát hiện gần quốc lộ 19. Thay vì điều chỉnh lại kế hoạch, bố trí cảnh giới, ông đã tiếp tục tiến lên trong trạng thái mù.
Yếu tổ bất ngờ. Thiếu cảnh giới, quân Pháp đã để Việt Minh tạo được bất ngờ. Mặc dù quân Pháp biết rằng họ ở quanh đây, nhóm đi đầu đội hình lại không biết. Nếu bản năng của Leouzon không khiến anh thăm dò đường tiến của tiểu đoàn ở khu vực cây số 15, sự bất ngờ hẳn đã hoàn hảo và cả đoàn xe đã bị tóm gọn trên đường trống. Ngay cả khi điều đó không xảy ra, người Việt Nam vẫn có lợi thế về sự bất ngờ và đã tận dụng nó hết sức hiệu quả.
Thống nhất chỉ huy. G.M.100 có nhiều sĩ quan, nhưng bất hạnh là 3 sĩ quan cao cấp nhất bị loại khỏi vòng chiến ngay từ những phút đầu. Do các tiểu đoàn trưởng còn đang vướng bận chiến đấu cho bản than, không ai nắm quyền chỉ huy cho tới khi thiếu tá Kleinmann tới nơi 40 phút sau khi cuộc phục kích mở màn. Trong 40 phút đó, toàn bộ trung đội thiết giáp đã bị tiêu diệt cũng như phần lớn xe cộ của đoàn. Kleinmann tiếp nhận sự hỗn loạn và đã làm tất cả những gì có thể, nhưng vào lúc ông đến, cơ hội giành lại thế chủ động cho quân Pháp đã qua và trận đánh hầu như đã nằm trong tay Việt Minh. Barrou không có kế hoạch sơ bộ nào cho chống phục kích, hay chỉ dẫn nào cho cấp dưới trong trường hợp ông bị loại khỏi vòng chiến. Kết quả là, thời giờ quyết định đã mất vào việc tổ chức lại hệ thống chỉ huy, và với thời giờ bị mất đó, khả năng thắng trận đánh của G.M.100 cũng trôi đi.
Phần kết
Những người lính của G.M.100 là những binh sĩ tốt nhất của quân đội Pháp. Họ đã “đối mặt với voi” trong nhiều thời điểm trên các cao nguyên của Việt Nam năm trước và nằm trong số những binh sĩ chuyên nghiệp, có kinh nghiệm nhất trên thế giới. Tiểu đoàn 1 và 2 Triều Tiên đã giành chiến thắng vinh quang ở Chipyong-Ni và Arrowhead Ridge nhiều năm trước và rất tự hào về điều đó. Nhưng, như các cựu binh sớm nhận ra, “Indochine no est Coree.”. Việt Nam (đúng ra phải là Đông Dương) không phải là Triều Tiên. G.M.100 chết ở cây số 15 vì một loạt những sai lầm đã dẫn tới một trận đánh mà họ không có cơ hội chiến thắng. Quyết định sai lầm của các chỉ huy cấp cao làm mất mạng rất nhiều binh sĩ, trong khi sự chỉ huy nổi bật ở cấp dưới đã cứu nhiều người. Đó là chiến tranh. Trung tướng về hưu Harold G. Moore có lẽ đã tổng kết số phận G.M.100 tốt nhất tron cuốn sách của ông, We Were Soldiers Once. .And Young.
“Ngay sau khi tới Việt Nam, thượng sĩ Plumley và tôi lấy 1 chiếc jeep và 1 cảnh vệ mang shotgun lái 10 dặm về phía tây An Khê trên đường 19, vào khu vực trận địa, tới mốc cây số 15. Tại đây, Việt Minh đã tiêu diệt phần lớn liên đoàn cơ động 100 của Pháp trong 1 trận phục kích chết chóc. Chúng tôi đi bộ trên trận địa, nơi có 1 đài tưởng niệm cao 6 feet lỗ chỗ vết đạn, viết bằng tiếng Việt và Pháp: “Tại đây, ngày 24/6/1954, binh sĩ Pháp và Việt Namhy sinh vì Tổ quốc…” (Here on June 24, 1954, soldiers of France and Vietnam died for their countries)
Plumley và tôi đi quanh đó trong 2 giờ. Những mảnh xương, bộ phận vũ khí và xe cộ, quân trang, đầu đạn và vỏ đạn vẫn bừa bãi trên mặt đất. Từ cuộc viếng thăm này tôi rút ra được bài học:
Chết là cái giá phải trả cho việc đánh giá thấp đối thủ ngoan cường này”(16)
————————————
Chú thích:
1-Bernard B. Fall, Street Without Joy (Stackpole Books, New York, 1964) p.187-188.
2-Fall, p. 190.
3-Jim Mesko, Ground War – Vietnam 1945-1965 (Squadron Signal Pub., Carrollton, Texas, 1990) p. 3-4.
4-Fall, p. 186.
5-Mesko, p. 6.
6-Martin Windrow and Mike Chappell, Men-At- Arms Series: The French Indochina War (Osprey Military Publications, Wellinborough, UK, 1998) pp. 16-17.
7-Robert Barr Smith, Men At War (Avon History, New York, 1997) p. 349.
8-Fall, p. 193.
9-Fall, p. 189.
10-Windrow, Chappell, pp.20-21.
11-Windrow, Chappell p. 21.
12-Fall, p.206.
13-Fall, pp. 210-211.
14-Barr-Smith p. 350.
15-Fall, p. 218-219.
16-Harold G. Moore and Joseph L. Galloway, We Were Soldiers Once…And Young (Harper Perennial, New York) 1992 p. 49.
Theo QUÂN SỬ VIỆT NAM
Tags: Kháng chiến chống Pháp