⠀
Các trận hải chiến kinh điển thế giới: 6 – Trận Tsushima
Hải chiến Tsushima là một trận hải chiến giữa hạm đội của Đế quốc Nga và hạm đội của Đế quốc Nhật Bản diễn ra tại eo biển Tsushima trong Chiến tranh Nga-Nhật ngày 27-28/5/1905.
Trước khi chiến tranh Nga-Nhật nổ ra, các cường quốc đã cho đóng tàu chiến với đủ loại pháo với các cỡ nòng khác nhau, chủ yếu là 150mm (6-inch), 203mm (8-inch), 254mm (10-inch) và 305mm (12-inch), với dự kiến là các chiến hạm này sẽ đánh giáp lá cà trong đội hình khép kín để quyết định chiến trường. Kinh nghiệm chiến trường cho thấy các cỗ trọng pháo với tầm bắn xa có lợi thế hơn, được ưa chuộng trong các trận hải chiến hơn là các khẩu đội pháo gồm nhiều cỡ nòng hỗn hợp.
Ngay từ năm 1904, Hải quân Đế chế Nhật bản đã cho đóng tàu Satsuma (hạ thủy ngay trước trận hải chiến Tsushima, ngày 15 tháng 5 năm 1905), chiếc tàu chiến đầu tiên được trang bị hoàn toàn bằng trọng pháo. Hải quân Hoàng gia của Đế quốc Anh nhanh chóng bắt nhịp, khởi công đóng tàu chiến HMS Dreadnought tháng 10 năm 1905, và trở thành tàu chiến đầu tiên được trang bị hoàn toàn bằng đại pháo 305mm.
Tàu HMS Dreadnought được hạ thủy vào năm 1906, đánh dấu mốc thời kỳ “tiền-Dreadnoughts” trước 1906 và “Dreadnoughts” từ 1906 trở đi.
Trước đó, ngày 8/2/1904, các khu trục hạm của Hải quân Nhật bất ngờ tấn công Hạm đội Viễn Đông của Nga bỏ neo tại cảng Lữ Thuận, ba tàu chiến trong đó có hai chiến hạm và một tuần dương hạm bị hư hại trong trận đánh. Trong khi cuộc tiến công của Nhật làm cho cả nước Nga sững sờ thì các nước Anh-Mỹ đều tỏ ý khen ngợi sự táo bạo của ngưới Nhật. Chiến tranh Nga-Nhật bùng nổ.
Mục tiêu đầu tiên của Nhật bản là kiểm soát đường liên lạc và tiếp vận nối liền Nhật bản với lục địa Á châu, để Nhật bản có thể tiếp tục cuộc chiến tranh ở Mãn Châu. Để đạt được điều này, Nhật cần phải vô hiệu hóa sức mạnh hải quân Nga ở Viễn Đông.
Ban đầu, hải quân Nga án binh bất động và không giao chiến với quân Nhật, quân Nhật có thể đổ bộ dễ dàng lên Triều Tiên mà không gặp phải bất kỳ sự chống cự nào. Sau những thất bại thảm hại trên bộ lẫn trên biển, Đô đốc Nga Stepan Makarov được cử tới Viễn Đông đã thổi vào hạm đội Nga sức sống mới và họ đã có thể giành được một số thắng lợi nhỏ trước người Nhật.
Tuy nhiên, trong 1 trận hải chiến, kỳ hạm của Đô đốc Makarov là chiến hạm Petropavlovsk trúng thủy lôi Nhật, đô đốc bị tử trận, người kế nhiệm đô đốc không dám thách thức Hạm đội Nhật Bản. Kết quả là hạm đội Nga bị giam chân ở cảng Lữ Thuận.
Tới tháng 5, quân Nhật đổ bộ lên bán đảo Liêu Đông và tới tháng 8 bắt đầu vây hãm hoàn toàn hạm đội Nga. Tháng 8, bộ chỉ huy Nga quyết định cho Đệ nhất Hải đội Thái Bình Dương xuất kích và liên hợp với Hải đội Vladivostok để đối phó với quân Nhật. Tuy nhiên, cả hai Hải đội của Hạm đội Thái Bình Dương này đều bị đánh tan trong các trận hải chiến tại biển Hoàng Hải và Uslan vào ngày 10 và 14/8/1904. Những tàu chiến còn sống sót của hạm đội Nga, cuối cùng đều bị nhận chìm ở cảng Lữ Thuận.
Xén toàn cục, trong trận hải chiến này, hạm đội Nhật Bản dưới quyền chỉ huy của Đô đốc (Admiral) Heihachiro Togo đã tiêu diệt hai phần ba hạm đội Nga dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Zinovy Rozhestvensky. Theo sách “Theodore Rex”, sử gia Edmund Morris gọi nó là trận hải chiến lớn nhất kể từ sau trận Trafalgar. Nó là trận hải chiến lớn nhất thời kỳ chiến hạm tiền-dreadnought. Theo tác giả Julian S. Corbett, với đại thắng này, Hải quân Nhật Bản đã làm nên một “thắng lợi quyết định và toàn diện nhất của thủy quân trong lịch sử”.
Thắng lợi to lớn của hạm đội Nhật buộc Nga phải ký Hiệp định Portsmouth, nhượng lại cho Nhật Bản các quyền lợi ở châu Á và khẳng định vai trò bá chủ của Nhật Bản ở Đông Á. Thế lực của Nga ở Viễn Đông sau trận hải chiến này cũng kết thúc, nước Nhật trở thành cường quốc bá chủ Đông Á, Mãn Châu, Triều Tiên. Do những thảm bại này mà đế quốc Nga gần đứng trên bờ vực sụp đổ với cuộc Cách mạng năm 1905.
Về mặt lịch sử quân sự, hải chiến Tsushima được xem là một thắng lợi quyết định và toàn diện nhất trong quân trên biển, đồng thời là trận hải chiến đầu tiên trong lịch sử khi các thiết giáp hạm đóng vai trò quyết định kết cục trận đánh.
Về mặt chiến thuật của hải chiến Tsushima, phải kể đến: Các chiến hạm, tuần dương hạm, và các tàu các loại khác được chia thành từng đoàn, mỗi đoàn được chỉ huy bởi một sỹ quan cao cấp (như đô đốc). Trong trận hải chiến Tsushima, Đô đốc Togo là chỉ huy trưởng chiến hạm Mikasa (các đoàn khác được chỉ huy bởi Phó đô đốc, Chuẩn đô đốc, thiếu tướng hải quân, thuyền trưởng và sỹ quan chỉ huy khu trục hạm). Trong đội hình chiến đấu, kế tiếp theo Mikasa là các chiến hạm Shikishima, Fuji và Asahi, theo sau chúng là hai tuần dương hạm bọc thép.
Khi Đô đốc Togo hạ lệnh tiến hành bước ngoặt “tuần tự” sang cánh trái để giữ nguyên đội hình chiến đấu, tức là kỳ hạm Mikasa tiếp tục dẫn đầu (hiển nhiên là Đô đốc Togo muốn các lực lượng mạnh nhất của mình xung trận trước hết).
Quay tàu tuần tự nghĩa là mỗi tàu sẽ tiến hành quay bánh lái tiếp theo tàu trước nó, trên thực tế mỗi tàu sẽ lần lượt đổi hướng tại cùng một điểm trên biển (điều này rất nguy hiểm, vì đối phương sẽ có cơ hội tập trung hỏa lực bắn vào khu vực đó). Đô đốc Togo cũng có thể ra lệnh cho các tàu “đồng loạt” bẻ lái, tức là các tàu sẽ đổi hướng cùng lúc và quay ngược lại, giống như cách hạm đội Pháp-Tây ban nha vận động trong trận Trafalgar.
Cách này sẽ nhanh hơn, nhưng sẽ làm rối loạn đội hình chiến đấu, gây ra hỗn loạn khiến cho kế hoạch tác chiến phải thay đổi, đặt các tuần dương hạm lên tuyến đầu, và đó là điều mà Đô đốc Togo không mong muốn.
Theo NĂNG LƯỢNG MỚI
Tags: Chiến tranh Nga - Nhật, Các trận hải chiến kinh điển thế giới