Các dấu hiệu cho thấy bạn đang có vấn đề về tâm thần

Lâu nay, nhiều người vẫn tưởng rằng bệnh tâm thần có nghĩa là điên dại. Thực ra, đây là một loại rối loạn chức năng hoạt động của não với nhiều biểu hiện và mức độ khác nhau. Một điều tra mới đây cho thấy, 15% dân số Việt Nam có các biểu hiện liên quan đến bệnh lý này.

Cẩm nang các dấu hiệu cho thấy bạn đang có vấn đề về tâm thần

Tâm thần học nghiên cứu các hiện tượng tâm thần. Các thầy thuốc tâm thần phải làm chủ được các nhận xét chính xác và có kỹ năng để nhận biết những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn tâm thần.

Dấu hiệu là những nhận xét khách quan của thầy thuốc.

Triệu chứng là những trải nghiệm chủ quan của người bệnh.

Hội chứng là một nhóm các dấu hiệu và triệu chứng thường xảy ra cùng với nhau tạo thành một đơn vị bệnh lý.

Việc giáo dục cho người bệnh và người thân của họ hiểu biết về các dấu hiệu và triệu chứng bệnh là cần thiết trong việc giúp phát hiện bệnh sớm hoặc nhận biết sớm sự tái phát bệnh.

Lưu ý: sự xuất hiện và tồn tại một số triệu chứng không xác định bạn có bệnh hay không, mà bạn nên đến gặp thầy thuốc chuyên khoa tâm thần để được đánh giá cụ thể dựa theo hệ thống các tiêu chuẩn chẩn đoán.

Tuy nhiên các dấu hiệu và triệu chứng được sử dụng bằng các thuật ngữ không thông dụng, nên có thể khó hiểu hoặc bị hiểu nhầm với phần đông mọi người. Vì vậy, tại phần cuối bài này có phần phụ lục nêu cụ thể một số các biểu hiện bất thường bằng các từ ngữ thông thường và gần gũi với mọi người.

1. Ý thức: trạng thái nhận thức

Tổng giác (apperception): sự tri giác đã được điều chỉnh bởi cảm xúc và tư duy.

Cảm giác: trạng thái hoạt động nhận thức của các giác quan chuyên biệt.

1.1. Các xáo trộn ý thức:

Rối loạn định hướng: về thời gian, không gian hoặc người.

Ý thức u ám: sự kém tỉnh táo với những xáo trộn về tri giác và thái độ.

Ngủ gà: buồn ngủ bất thường, còn phản ứng khi kích thích mạnh.

Sững sờ: mất phản ứng và mất nhận thức đối với xung quanh.

Trạng thái hoàng hôn: ý thức bị rối loạn có ảo giác.

Mê sảng: giảm khả năng chú ý, phản ứng bấn loạn, không yên, lú lẫn, rối loạn định hướng kèm với sợ hãi và ảo giác.

Mê mộng: rối loạn nặng hơn sảng với nhiều ảo giác.

Hôn mê: mức độ mất ý thức nặng.

1.2. Các xáo trộn sự chú ý: sự chú ý là khả năng duy trì sự tập trung vào một hoạt động

Sao lãng: mất khả năng tập trung chú ý, sự chú ý bị lôi cuốn vào những kích thích bên ngoài không quan trọng hoặc không liên quan.

Mất chú ý chọn lọc: xảy ra trong những tình huống gây lo âu.

Tăng cảnh giác: sự chú ý quá mức và tập trung vào tất cả các kích thích bên trong và bên ngoài.

Lên đồng (trance): sự chú ý bị hội tụ và ý thức bị thay đổi.

1.3. Các xáo trộn tính bị ám thị: các đáp ứng tuân theo và không phê phán đối với một ý nghĩ hoặc sự ảnh huởng

Rối loạn cảm xúc tay đôi (hoặc tay ba): bệnh cảm xúc đuợc chia sẻ giữa hai (hoặc ba) người.

Thôi miên: sự biến đổi ý thức nhân tạo, đặc trưng bởi tính bị ám thị tăng cao.

2. Tình cảm (emotion): là một trạng thái cảm xúc phức tạp bao gồm các thành phần tinh thần, bản thể và hành vi có liên quan đến cảm xúc và khí sắc

2.1. Cảm xúc (affect) là biểu hiện quan sát được của tình cảm

Cảm xúc hòa hợp: là trạng thái mà sắc thái  tình cảm hoà hợp với tư duy, ý nghĩ kèm theo.

Cảm xúc không hoà hợp: không hoà hợp giữa sắc thái  tình cảm  với tư duy, ý nghĩ kèm theo.

Cảm xúc phẳng lặng: mất hoặc gần như mất hẳn các biểu lộ cảm xúc

Cảm xúc cùn mòn: sự giảm nặng về cường độ của sắc thái cảm xúc được biểu lộ.

Cảm xúc thu hẹp: sự giảm rõ ràng về cường độ của sắc thái cảm xúc, nhưng không nặng như cảm xúc cùn mòn.

Cảm xúc không ổn định: thay đổi nhanh chóng và đột ngột của sắc thái cảm xúc tình cảm, không liên quan đến kích thích bên ngoài.

2.2. Khí sắc (mood) là một tình cảm lan toả và kéo dài, trải nghiệm chủ quan và được người đó kể lại hoặc được quan sát thấy bởi những người xung quanh; khí sắc là trương lực của cảm xúc.

Khí sắc trung tính: dải bình thường của khí sắc, không bao gồm khí sắc trầm cảm hoặc hưng phấn.

Loạn cảm: một khí sắc khó chịu

Cởi mở: sự biểu lộ cảm xúc không có kiềm chế.

Cáu gắt: dễ bị khó chịu và làm cho tức giận

Không ổn định: sự dao động giữa hưng phấn và trầm cảm hoặc lo âu.

Khí sắc tăng cao: tự tin và thích thú, vui vẻ hơn bình thường.

Hưng phấn (khoái cảm): sự tăng mạnh về cường độ với cảm xúc tự cao.

Ngây ngất: cảm xúc sung sướng mê ly tột độ.

Trầm cảm: cảm xúc buồn bệnh lý.

Mất hứng thú: không quan tâm và tránh né tất cả các hoạt động bình thường và vui thú hàng ngày.

Đau khổ hoặc đau buồn: sự buồn tương ứng với một mất mát có thực.

Mất nhận cảm (alexithymia): không thể hoặc khó mô tả được tình cảm hoặc khí sắc.

2.3. Những tình cảm khác

Lo âu: cảm giác lo sợ bởi sự chờ đợi nguy hiểm, có thể bên trong hoặc bên ngoài.

Lo âu lơ lửng: sợ lan toả, không gắn liền với một ý nghĩ nào.

Sợ: lo âu bởi sự nguy hiểm có thật và nhận biết được.

Kích động: lo âu nặng kèm với sự bất an vận động.

Căng thẳng: tăng các hoạt động vận động và tâm lý, không thoải mái.

Hoảng sợ: cơn lo âu mạnh mẽ, đột ngột kèm theo sự tràn ngập cảm giác đe doạ và các triệu chứng thực vật.

Vô cảm: sắc thái tình cảm cùn nhụt kèm với sự thờ ơ.

Hai chiều: tồn tại đồng thời các xung động trái ngược nhau trên cùng một đối tượng.

Xấu hổ: không sống nổi với sự tự mong đợi.

Tội lỗi: tình cảm thứ phát sau một hành động được cảm nhận là sai.

2.4. Các xáo trộn sinh lý kèm theo khí sắc: các dấu hiệu rối loạn chức năng bản thể (thường là thực vật)

Chán ăn: mất hoặc giảm sự ngon miệng

Ăn nhiều: tăng ngon miệng và dùng nhiều thực phẩm

Mất ngủ: mất hoặc giảm khả năng ngủ (khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ, thức dậy sớm)

Ngủ nhiều: ngủ quá mức

Sự biến đổi ban ngày: khí sắc xấu nhất vào lúc sáng, sau đó cải thiện dần dần.

Giảm tình dục: giảm thích thú, ham muốn và sự thực hiện về tình dục

Táo bón: khó thải phân

3. Hành vi vận động thể hiện về phương diện tinh thần, bao gồm các xung động, động cơ, ước muốn, bản năng, sự khao khát.

Nhại động tác: sự bắt chước bệnh lý các cử động của người khác

Căng trương lực: các bất thường vận động trong các rối loạn không thực thể

  • Uốn sáp: bất động vị trí duy trì trong thời gian dài
  • Căng trương lực kích động: các hoạt động vận động kích động không mục đích, không do ảnh hưởng từ bên ngoài
  • Căng trương lực sững sờ: hoạt động vận động chậm chạp đáng kể, thường tới mức bất động và có vẻ như không ý thức với xung quanh
  • Căng trương lực cứng đờ: tư thế cứng đờ chống lại lực di chuyển từ bên ngoài
  • Căng trương lực tư thế: tư thế kỳ quặc hoặc không thích hợp, duy trì trong một thời gian dài
  • Uốn sáp tạo hình: người bệnh duy trì tư thế theo sự dịch chuyển của người bên ngoài giống như ta nặn một vật bằng sáp

Phủ định: sự kháng cự bất động chống lại mọi cố gắng di chuyển từ bên ngoài

Mất trương lực: sự yếu và mất trương lực cơ tạm thời do biến đổi trạng thái tình cảm

Định hình: hành động cơ thể hoặc lời nói lặp đi lặp lại theo khuôn mẫu cố định

Điệu bộ kiểu cách: cử động thói quen không tự ý

Tự động: thực hiện tự động một hay nhiều cử động nói chung thể hiện của hoạt động biểu tượng vô thức

Tự động điều khiển: tự động theo những gợi ý, đề nghị (sự vâng lời tự động)

Nín lặng (câm nín): sự không nói mà không có bất thường cấu trúc

Hoạt động quá mức

  • Kích động tâm thần vận động: hoạt động vận động và nhận thức quá mức, thường không sinh lợi và không phản ánh căng thẳng nội tâm
  • Tăng động: hoạt động phá phách, hung bạo, không yên
  • Tic: cử động vận động co thắt không tự ý
  • Miên hành: hoạt động vận động trong giấc ngủ
  • Bồn chồn: cảm giác chủ quan về sự căng thẳng cơ bắp thứ phát do thuốc chống loạn thần, gây ra sự đứng ngồi không yên chỗ, đi tới đi lui
  • Cưỡng bức: xung động không thể kiểm soát bắt phải thực hiện một hành động lặp đi lặp lại (cơn khát rượu, xung động ăn cắp, cuồng dâm, cơn nhổ tóc, nghi thức)
  • Loạng choạngthất điều: mất sự phối hợp cơ bắp, mất điều hoà hoạt động cơ bắp
  • Ăn nhiều: ăn quá mức bệnh lý

Giảm hoạt động: giảm hoạt động vận động và nhận thức, chậm chạp tâm thần vận động, chậm chạp thấy rõ về tư duy, lời nói và các cử động

Bắt chước: hoạt động vận động bắt chước đơn giản của trẻ con

Hung bạo: hành động có mục đích, dữ tợn về lời nói hoặc thể chất; là bạn đồng hành của cảm xúc hung dữ, tức giận hoặc thù địch

Diễn vai: sự biểu lộ trực tiếp trong hành động của một mong ước hoặc xung động vô thức

Mất ý chí: giảm xung động hành động và tư duy, kèm với sự thờ ơ về hậu quả của hành động, kèm với thiếu sót thần kinh

4. Tư duy: dòng ý nghĩ, biểu tượng và liên tưởng có mục đích, được khởi phát từ một vấn đề hoặc nhiệm vụ và dẫn đến một kết luận có định hướng thực tế; khi có một trình tự hợp lý, là tư duy bình thường

4.1. Các xáo trộn chung về hình thức tư duy

Rối loạn tâm thần: hội chứng tâm lý hoặc hành vi có ý nghĩa lâm sàng, kèm với đau khổ hoặc mất khả năng, không phải là một phản ứng mong đợi đối với một sự kiện riêng biệt

Loạn thần: không còn khả năng phân biệt đuợc thực tế với tưởng tượng

Kiểm nghiệm thực tế: đánh giá và phán xét khách quan về thế giới bên ngoài của đối tượng

Tư duy không hợp lý: tư duy chứa đựng những kết luận sai lầm hoặc các mâu thuẫn nội tại

Tư duy tự kỷ: sự ưu tư vào thế giới riêng tư, nội tâm

4.2. Các xáo trộn xác định về hình thức tư duy

Sáng tạo ngôn ngữ: từ mới được sáng tạo bởi người bệnh

Nói hổ lốn: sự xáo trộn các từ, ngữ không liên quan

Nói vòng vo: lời nói gián tiếp, bị kéo dài bởi những chi tiết phụ và nhận xét ngoài rìa trước khi đi đến mục đích mong muốn

Trệch hướng: không khả năng liên tưởng tư duy đến mục đích mong đợi

Không liên quan: tư duy không thể hiểu được, không có sự hợp lý trong sự kết nối ngôn từ, văn phạm, dẫn đến sự vô tổ chức

Kiên định: vẫn đáp lại một kích thích ban đầu, dù đã có một kích thích mới

Nói lặp lại: sự lặp lại vô nghĩa những từ ngữ xác định

Nhại lời: lặp lại bệnh lý những từ ngữ của người khác, có thể được nói với giọng mỉa mai

Cô đọng: sự hợp nhất các khái niệm khác nhau thành một

Trả lời không liên quan: câu trả lời không hài hoà với câu hỏi được đặt (còn gọi là trả lời bên cạnh)

Trật đường rầy: dòng tư duy nhảy từ một chủ đề này sang một chủ đề khác không liên quan, khi nặng nề thì trở thành không liên quan

Phi tán: ngôn ngữ nhanh, liên tục chuyển từ đề tài này sang đề tài khác mà các ý tưởng có thể kết nối được và khi không nặng thì còn có thể hiểu được

Liên tưởng âm thanh: liên tưởng các từ giống nhau về mặt âm thanh chứ không phải về ý nghĩa, có thể có nhịp và chơi chữ

Ngắt quãng: sự dừng đột ngột dòng tư duy trước khi ý tưởng đó kết thúc, sau một lúc người bệnh không gợi nhớ được điều đang định nói (sự tước đoạt tư duy)

4.3. Các xáo trộn xác định về nội dung tư duy

Tư duy nghèo nàn: tư duy chứa đựng ít thông tin do từ ngữ mơ hồ hoặc tối nghĩa

Ý tưởng vượt giá trị: niềm tin sai lầm vô lý, tồn tại không chắc như hoang tưởng

Hoang tưởng: niềm tin sai lầm, dựa trên suy luận không đúng với thực tế

  • Hoang tưởng kỳ quái: niềm tin sai lầm, hoàn toàn vô lý, ngớ ngẩn
  • Hoang tưởng hệ thống hoá: hoang tưởng hợp nhất theo một chủ đề
  • Hoang tưởng phù hợp khí sắc: hoang tưởng có nội dung phù hợp khí sắc
  • Hoang tưởng không phù hợp khí sắc: hoang tưởng có nội dung không phù hợp khí sắc
  • Hoang tưởng hư vô: cảm giác bản thân, người xung quanh hoặc thế giới không tồn tại
  • Hoang tưởng nghèo khổ: người bệnh tin rằng họ bị lấy mất hết tài sản
  • Hoang tưởng paranoid: hoang tưởng bị hại, hoang tưởng tự cao, hoang tưởng liên hệ
  • Hoang tưởng tự buộc tội: cảm giác hối hận và có tội
  • Hoang tưởng bị điều khiển: cho rằng ý nghĩ, tư duy, cảm xúc bị điều khiển bởi một lực lượng bên ngoài; tư duy bị đánh cắp, tư duy bị áp đặt, tư duy bị phát thanh, tư duy bị điều khiển
  • Hoang tưởng bội tín (ghen tuông): cho rằng người yêu không chung thủy
  • Hoang tưởng được yêu: tin rằng ai đó thực sự yêu họ

Xu hướng tư duy: đặt trọng tâm tư duy vào một ý nghĩ riêng biệt, kèm với một cảm xúc mạnh mẽ

Nghi bệnh: mối bận tâm quá mức về sức khoẻ của bản thân mà không có cơ sở bệnh lý cơ thể thực sự ngoài những lời giải thích sai lạc về các dấu hiệu hoặc cảm giác xem như là bất thường

Ám ảnh: tồn tại dai dẳng ý nghĩ không cưỡng lại được, không thể xua đuổi được, kèm lo âu

Cưỡng bức/bó buộc: bức thiết bệnh lý phải hành động một xung động, nếu không sẽ gây lo âu; hành vi lặp đi lặp lại

Tục ngôn (coprolalia): cưỡng bức thốt ra những lời tục tĩu

Ám ảnh sợ: sợ hãi dai dẳng, vô lý quá mức về một đối tượng, tình huống xác định nào đó dẫn đến những hành vi tránh né nguồn gây sợ

  • Ám ảnh sợ xác định: sợ một vật hoặc một tình huống cụ thể (sợ nhện, sợ rắn, sợ dao)
  • Ám ảnh sợ xã hội: sợ bị làm xấu hổ nơi công cộng, sợ nói, sợ hành động, sợ ăn uống nơi công cộng
  • Ám ảnh sợ độ cao
  • Ám ảnh sợ khoảng trống
  • Ám ảnh sợ đỏ mặt
  • Ám ảnh sợ chỗ kín (nơi bị vây quanh không có lối thoát dễ dàng)
  • Ám ảnh sợ người lạ
  • Ám ảnh sợ thú vật

5. Lời nói: ý tưởng, tư duy, cảm xúc được biểu hiện thông qua ngôn ngữ; sự giao tiếp qua việc sử dụng các từ và ngôn ngữ

5.1. Các xáo trộn lời nói

Ép buộc phải nói: nói nhanh, nhiều và khó chặn lại được

Nói nhiều: lời nói hợp lý, liên quan và phong phú

Lời nói nghèo nàn:  hạn chế sử dụng lời nói, nói ít

Lời nói không tự động: không chủ động nói mà chỉ đáp lại khi được hỏi

Nội dung nghèo nàn: lời nói đủ câu từ nhưng có ít thông tin vì mơ hồ, lặp đi lặp lại

Mất âm điệu: mất âm điệu lời nói bình thường

Khó phát âm: khó phát âm, không phải do không biết từ

Lời nói nhẹ hoặc lớn quá mức: mất sự điều chỉnh âm lượng lời nói bình thường

Nói lắp: lặp lại hoặc kéo dài một âm, làm cho lời nói thiếu sự trôi chảy

5.2. Các xáo trộn tạo ngôn

Mất vận ngôn: không khả năng nói bình thường, lời nói rất khó khăn, ngừng lại và không chính xác; trong khi sự hiểu lời nói còn bình thường

Mất thông ngôn: mất khả năng hiểu ý nghĩa của lời nói; lời nói trôi chảy và tự động nhưng không liên quan và vô nghĩa

Mất định danh: khó tìm được tên đúng của một vật

Mất ngôn ngữ cú pháp: không khả năng sắp xếp các từ vào một trật tự thích hợp

Mất ngôn ngữ toàn bộ

6. Tri giác: quá trình truyền kích thích vật lý thành thông tin sinh lý: quá trình tâm thần đưa các kích thích giác quan vào ý thức

6.1. Các xáo trộn tri giác

Ảo giác: tri giác giác quan sai không liên quan với thực tế bên ngoài; Ảo giác xảy ra lúc đang đi vào giấc ngủ (hypnagogic) hoặc xảy ra lúc đang tỉnh giấc (hypnopompic), thì được xem là không có bệnh lý

  • Ảo thanh: tri giác sai về âm thanh, thường là giọng nói chứ không phải tiếng ồn
  • Ảo thị: tri giác sai về cảnh vật
  • Ảo khứu: tri giác sai về mùi
  • Ảo vị: tri giác sai về vị nếm
  • Ảo xúc: tri giác sai về sờ hoặc cảm giác bề mặt; chi ma, kiến bò
  • Ảo giác bản thể: cảm giác sai về những thứ xảy ra bên trong cơ thể

Ảo tưởng: tri giác sai đối với một thực tế bên ngoài

6.2. Các xáo trộn liên quan đến rối loạn nhận thức

Mất nhận thức: mất khả năng nhận ra và giải thích ý nghĩa của cảm giác

Mất nhận biết bệnh: không khả năng nhận ra thiếu sót thần kinh đang xảy ra

Mất nhận biết cơ thể: không khả năng nhận ra phần cơ thể của mình

Mất nhận thức thị giác: không khà năng nhận ra các đồ vật hoặc người

Mất dùng động tác: không khả năng thực hiện những nhiệm vụ xác định

6.3. Các xáo trộn liên quan đến hiện tượng chuyển di và phân ly: cơ thể hoá sự ức chế hoặc sự phát triển các triệu chứng cơ thể và sự bất thường hoạt động cơ tự ý hoặc cơ quan giác quan; không chịu sự điều khiển tự ý và không được giải thích bởi bất kỳ rối loạn thực thể nào

Mất cảm giác phân ly: mất phương thức giác quan thông thường gây ra bởi các xung đột cảm xúc

Giải thể nhân cách: cảm giác chủ quan về cuộc sống không thật, kỳ lạ, hoặc không quen thuộc với bản thân

Tri giác sai thực tế: cảm giác chủ quan rằng môi trường xung quanh kỳ lạ và không thật, cảm giác rằng thực tế bị thay đổi

Tri giác biến hình: nhìn sự vật lớn hơn hoặc nhỏ hơn so với kích thước thật

Đa nhân cách: một người thể hiện trong những thời điểm khác nhau là hai hoặc nhiều nhân cách khác nhau

7. Trí nhớ: hoạt động lưu trữ thông tin trong não và sau đó đưa trở lại vào ý thức

7.1. Các xáo trộn trí nhớ

Quên: không khả năng nhớ lại một phần hoặc toàn bộ các kinh nghiệm

  • Quên thuận chiều: quên những sự kiện xảy ra sau một thời điểm
  • Quên ngược chiều: quên những sự kiện xảy ra trước một thời điểm

Nhớ giả: sự giả trí nhớ bằng cách bóp méo việc nhớ lại

  • Nhận nhầm: sự nhận ra mà nhầm lẫn
  • Bịa chuyện: sự lấp đầy vô thức các khoảng trống trí nhớ bằng kinh nghiệm không thật hoặc tưởng tượng mà người bệnh tin là như vậy, nhưng không có cơ sở thực tế

Tăng nhớ: mức độ nhớ lại tăng quá mức

Trí nhớ sàng lọc: một trí nhớ dung nạp có ý thức che đậy cho một trí nhớ đau khổ

Sự ức chế: cơ chế phòng vệ đặc trưng bởi sự quên vô thức các ý nghĩ hoặc xung động không chấp nhận được

Quên tạm thời: nhất thời không nhớ được tên hoặc một danh từ thích hợp

7.2. Các mức độ nhớ

Nhớ lập tức: nhớ lại các tài liệu được ghi nhận trong phạm vi vài giây, vài phút

Nhớ gần: nhớ lại các sự kiện đã trôi qua vài ngày

Nhớ quá khứ gần: nhớ lại các sự kiện đã trôi qua vài tháng

Nhớ xa: nhớ lại các sự kiện trong quá khứ xa

8. Trí tuệ (sự thông minh): khả năng hiểu, nhớ lại, huy động và hợp nhất có cấu trúc học thức trước kia vào việc ứng phó với các tình huống mới

8.1. Chậm phát triển tâm thần: thiếu sự thông minh gây ảnh hưởng đến hoạt động xã hội và nghề nghiệp

8.2. Sa sút tâm thần: sự phá hủy thực thể và toàn bộ hoạt động trí tuệ mà không có rối loạn ý thức

8.3. Giả sa sút: các đặc điểm lâm sàng giống như sa sút không gây ra bởi bệnh cơ thể; thường là do trầm cảm

8.4. Tư duy cụ thể: tư duy với nghĩa đen, ít sử dụng ẩn dụ, không có những ý nghĩa tinh tế, tư duy một hướng

8.5. Tư duy trừu tượng: khả năng đánh giá những ý nghĩa tinh tế, tư duy nhiều chiều có sử dụng những ẩn dụ và giả thuyết thích hợp

9. Thấu hiểu: khả năng hiểu biết nguyên nhân và ý nghĩa thực sự của một tình huống

9.1. Thấu hiểu trí tuệ: hiểu biết tính chân thực khách quan của một tình huống, không có khả năng áp dụng hiểu biết vào bất cứ cách thức hữu ích nào để làm chủ tình huống

9.2. Thấu hiểu sự thật: hiểu biết tính chân thực khách quan của một tình huống, đi kèm với động cơ và sự thúc đẩy tình cảm để làm chủ tình huống

9.3. Thấu hiểu bị suy giảm: giảm khả năng hiểu biết tính chân thực khách quan của một tình huống

10. Phán xét: khả năng xác định một tình huống một cách đúng đắn và hành động thích hợp trong tình huống đó

10.1. Phán xét phê bình: khả năng xác định, phân biệt và chọn lọc các chọn lựa khác nhau trong một tình huống

10.2. Phán xét tự động: thao tác phản xạ của một hành động

10.3. Phán xét bị suy giảm: giảm khả năng hiểu biết một tình huống một cách đúng đắn và để hành động thích hợp trong tình huống đó

 ——————————————————————————

Phụ lục: các triệu chứng tâm thần thường gặp

Vẻ mặt đờ đẫn kém linh hoạt, nói năng và hoạt động vận động chậm chạp hơn thường ngày

Thường nằm, ngồi yên một chỗ, ít hoạt động giao tiếp với mọi người

Vẻ mặt buồn, thiếu nụ cười xã giao thường ngày; dễ nổi cáu vì những chuyện nhỏ nhặt

Mất hứng thú đối với các sinh hoạt thường ngày hoặc đối với sở thích cá nhân

Bỏ bê công việc

Ý nghĩ chán sống, hoặc ý nghĩ tự tử, cho rằng chết thì tốt hơn

Ăn uống kém ngon hoặc bỏ ăn (không phải do cố ý)

Bồn chồn, không ngồi yên một chỗ; kích động đập phá đồ đạc, la hét, đánh người khác

Nói nhiều, không ai hỏi cũng nói, gặp ai cũng chào hỏi làm quen, đi chơi nhiều, tiêu sài hoang phí, cư xử hào phóng với mọi người bất kể lạ hay quen

Giảm tập trung chú ý trong công việc, hay quên những chuyện thường ngày, giảm trí nhớ

Thường xuyên khó ngủ (trên 30 phút mà chưa ngủ được), thức giấc nhiều lần, ngủ ít (dưới 6 tiếng)

Thường lo lắng quá mức, hoặc lo sợ hồi hộp về những chuyện nhỏ nhặt thường ngày

Sợ điều gì đó mà không kiềm chế được, dù biết đó là điều vô lý

Có các hành động lặp đi lặp lại như rửa tay nhiều lần, hay kiểm tra việc khóa cửa, tắt đèn

Nhức đầu, căng thẳng khi suy nghĩ

Nghe giọng nói lạ nói chuyện trong tai, không rõ xuất phát từ đâu

Lo sợ có người theo dõi, âm mưu ám hại mình không lý do

Tự cho mình là tài giỏi xuất chúng, có khả năng phát minh sáng chế nhưng không có sản phẩm

Ngồi một mình cười, nói không liên quan gì đến thực tế xung quanh

Ăn mặc lôi thôi, ít chăm sóc vệ sinh cá nhân, đi lang thang ngoài đường

Thường xuyên uống bia, rượu quá mức dẫn đến bỏ bê công việc hoặc gây hại cho sức khoẻ

Theo TAMTHANHOC.5U.COM

Tags: