Bác ‘Sáu Búa’ Lê Đức Thọ qua hồi ức của tướng Nguyễn Chí Vịnh

Có rất nhiều điều tôi đã học được từ nhà lãnh đạo ngay thẳng, quyết liệt, người được mệnh danh là “Sáu Búa” – bác Lê Đức Thọ.

Bài viết của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhà lãnh đạo Lê Đức Thọ (10/10/1911 – 10/10/2021).

Trong những người đồng chí của ba tôi, bác Lê Đức Thọ có lẽ là người chúng tôi được gặp nhiều nhất. Ông là người đọc điếu văn khi ba tôi mất, và sau đó năm nào cũng đến nhà tôi vào ngày giỗ ba, ngày mẹ mất, hay những ngày vui của gia đình. Đặc biệt, tôi còn được gặp ông nhiều lần khi đang ở chiến trường Campuchia, về TP.HCM, ra Hà Nội khi tôi đã trở thành sĩ quan quân đội.

Hội nghị Tân Trào và cái tên Nguyễn Chí Thanh

Năm 1944, Bí thư Xứ ủy Trung kỳ Nguyễn Vịnh vinh dự được ra Việt Bắc làm đại biểu dự hội nghị Đảng toàn quốc ở Tân Trào khai mạc ngày 14/8/1945 và được bầu vào TƯ, tham gia  TƯ Việt Minh để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Người viết thư giới thiệu ông Vịnh ra dự hội nghị Tân Trào là ông Tố Hữu, Bí thư Thừa Thiên Huế.

Được gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên, Nguyễn Vịnh rất hồi hộp và xúc động, không ngờ mới gặp Bác nói ngay: “Chào ông tướng du kích”, rồi Bác kéo ngồi cạnh, hỏi chuyện về cuộc đấu tranh đầy ác liệt ở Bình Trị Thiên.

Trong hội nghị Tân Trào, ông Lê Đức Thọ lúc bấy giờ phụ trách công tác tổ chức, bồi dưỡng đào tạo cán bộ của Đảng. Khi hội nghị sắp kết thúc, Ban tổ chức đọc danh sách những người trúng cử TƯ, đều là những cái tên quen thuộc, nổi tiếng trong phong trào cách mạng cả nước. Duy có Nguyễn Chí Thành là cái tên mới toanh.

Nguyễn Vịnh (lúc ấy mới 31 tuổi) đứng cạnh bác Phạm Văn Đồng, thấy đọc tên Nguyễn Chí Thành, mới hỏi: “Nguyễn Chí Thành là ai đấy anh?”. Bác Đồng trả lời: “Là anh đấy. Chính Bác đã đặt cho anh tên mới để giữ bí mật và cũng có nhiều ý nghĩa”. Sau đó, Nguyễn Vịnh báo cáo với ông Thọ và thưa với Bác là trong họ có người tên Thành (theo phong tục Huế, người ta kiêng lấy tên người lớn đặt cho mình, mà trong lãnh đạo Đảng lúc bấy giờ, có người tên thật là Thành, ông Thanh sợ “phạm húy”), nên xin Bác Hồ đặt là Thanh. Và cái tên Nguyễn Chí Thanh bắt đầu từ đó.

Nói chuyện với ông Đoàn Chương ở Paris trong ngày giỗ đầu ông Thanh, ông Thọ kể: “Tôi biết anh Thanh từ hội nghị Tân Trào. Hồi đó, để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa, Bác Hồ bảo phải kiện toàn TƯ. TƯ Đảng lúc đó số lượng vừa ít, lại vừa nhiều người miền Bắc, Bác chỉ thị phải bổ sung thêm các đồng chí Trung bộ, Nam bộ nữa.

Anh Cả (tức Nguyễn Lương Bằng), anh Hoàng Quốc Việt và mấy anh nữa phát hiện 4 người để lựa chọn: miền Trung hai người, là anh Nguyễn Chí Thanh và anh Lê Viết Lượng; miền Nam hai người, là anh Hà Huy Giáp và anh Ung Văn Khiêm. Anh Thanh được tín nhiệm cao và được bổ sung làm ủy viên TƯ chính thức luôn. Và cũng dịp đó anh mang tên mới là Nguyễn Chí Thanh, do chính Bác đặt cho”.

Nhà chính trị “đa di năng” của Đảng

Trong thời gian ba tôi ở miền Bắc, tôi thường thấy bác Thọ đến nhà, hai ông gặp nhau nói chuyện rất lâu, lúc nào cũng vui vẻ, tươi cười. Một ông làm tổ chức, một ông làm quân sự, sao mà có nhiều chuyện nói với nhau thế?

Sau này, chính bác Thọ kể cho mẹ tôi, khi đó ông và ông Thanh cùng tham gia “Ban công tác miền Nam”, nằm trong Bộ Chính trị, gọi tắt là Ban B, chuyên theo dõi và chỉ đạo cuộc đấu tranh ở miền Nam, do Bác Hồ và Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo, ông Lê Duẩn làm Tổ trưởng, thành viên có Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng. Bên cạnh đó có Ban A, gồm một số thành viên khác của Bộ Chính trị, được phân công chuyên trách theo dõi chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng CNXH ở miền Bắc.

Người ta nói nhiều về quá trình hoạt động cách mạng của ông Thọ: Gan dạ, tỉnh táo, tù đày gian khổ, vào sống ra chết trong kháng chiến chống Pháp rồi chiến trường Nam bộ ác liệt…, nhưng tôi thì thấy ở ông dáng dấp của một ông giáo học, ngay ngắn, chững chạc, nho nhã, điềm đạm, sâu sắc, luôn nở nụ cười trên môi, ăn mặc nói năng vô cùng giảng cứu, mà đúng ông cũng đã làm nhà giáo thật.

Ngay sau khi ra tù lần thứ hai, tháng 9/1944, ông đã được Đảng giao nhiệm vụ phụ trách khu an toàn của TƯ, công tác tổ chức và huấn luyện cán bộ. Tháng 10/1944, ông được chỉ định làm ủy viên TƯ, trực tiếp phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ.

Từ đó cho đến ngày cách mạng thành công, và trong suốt quá trình 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông là người chủ trì, tổ chức các lớp bồi dưỡng cán bộ trung, cao cấp, sơ cấp của Đảng. Sau tháng 8/1945, ông tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo cho nhiều tỉnh, thành để bổ sung cán bộ lãnh đạo khắp cả nước. Sau này ông Thọ còn có 2 lần kiêm chức Giám đốc trường Đảng Nguyễn Ái Quốc.

Trong giao tiếp thông thường, ông cũng dân dã như mọi người, và đặc biệt điềm đạm, chỉ có điều khác người là ông nói ít nhưng câu nào “chết” câu đó, không nói đi nói lại bao giờ. Nói như dân Nam bộ, “nghe biết liền là ông lớn”. Có lẽ vì phong cách ấy của ông mà người ta đồn thổi là gặp ông hay bị “sợ” và lúc đầu tôi cũng không hiểu vì sao ông lại có biệt danh “Sáu Búa”.

Ngày giỗ đầu của ông Thanh

Ngày ông Thanh mất, ông Thọ là người đọc điếu văn. Sau đó, gần như năm nào giỗ ông Thanh, ông cũng đến với tình cảm sâu sắc, gần gũi. Câu chuyện của ông về ba tôi bao giờ cũng đẹp, trong đó ẩn chứa nhiều bài học để chúng tôi phải suy nghĩ.

Trong hồi ức của chú Đoàn Chương, trước làm thư ký cho ba tôi, sau giúp việc bác Thọ trong đoàn đại biểu Việt Nam ở hội nghị Paris, có kể về buổi sáng Paris cùng ông Lê Đức Thọ, đúng một năm sau ngày ba tôi mất:

“Hôm ấy là ngày 6/7/1968, ngày giỗ đầu của anh Thanh, tôi thức dậy rất sớm, đi lại trong phòng. Rồi vì ngại làm mất giấc ngủ của anh em khác, tôi xuống sân, vừa hút thuốc vừa đi lui tới. Với bao kỷ niệm sâu lắng, tôi nhớ anh, nhớ chị và các cháu, nhớ các đồng chí cùng giúp việc cho anh gắn với nỗi nhớ nhà của người xa xứ. Bất ngờ thư ký của anh Thọ xuống mời tôi lên gặp. Tôi lên tầng hai, ngôi nhà của đồng chí Maurice Thorez (cố Tổng bí thư đảng Cộng sản Pháp), nơi lúc đó hai anh Lê Đức Thọ và Xuân Thủy ở và làm việc.

Anh Thọ hỏi thăm sức khỏe chị Cúc, các cháu và kể lại nhiều chuyện mà trước đó tôi chưa biết. Anh Thọ nói như lặng đi: “Anh Thanh mất đi là một tổn thất lớn cho Đảng. Với tớ, Đảng giao cho làm công tác tổ chức càng cảm thấy sâu sắc điều này, vì Bác và Bộ Chính trị đưa anh Thanh và anh Phạm Hùng vào chỉ đạo miền Nam cũng là để chuẩn bị đội kế tiếp, ai ngờ anh Thanh đi sớm quá”.

Hãy để mẹ cháu, ba cháu luôn là tấm gương

Tôi nhiều lần gặp bác Thọ, người bác nghiêm nghị nhưng luôn tươi cười. Càng sau này tôi mới nhìn ra ông là con người đầy quyền lực, và rất dứt khoát, sai nguyên tắc là không được. Chúng tôi có một kỷ niệm về tính nguyên tắc ấy của bác Thọ.

Đó là khi mẹ tôi mất, gia đình tôi có nguyện vọng chôn mẹ ở khu ưu tiên. Khi đó bác Lê Duẩn đồng ý, nhưng bác Thọ là người quyết định theo thẩm quyền của Trưởng Ban Tổ chức TƯ. Nghe tin mẹ tôi mất, bác Thọ đến ngay. Các chị nêu nguyện vọng ấy ra, ông im lặng không nói gì, suy nghĩ một lát ông nói: “Ba cháu đã sống và làm việc rất gương mẫu, cho đến lúc mất. Mẹ cháu cũng là người như vậy. Bây giờ bác có thể quyết định cho mẹ cháu vào chỗ đấy nhưng sẽ có nhiều người đòi hỏi, vì những người tương tự như mẹ cháu không được vào chỗ đó”.

Bấy giờ chú V. – thư ký cũ của ông Thanh, là người thân của gia đình nói: “Thưa anh, anh Thanh chị Cúc đã gương mẫu cả đời, nay đến lúc mất không ưu tiên được hay sao?”. Ông Thọ nói ngay: “Tôi không tiếc gì chuyện ưu tiên cho chị Cúc cả, nhưng không nên để người ta lấy chị Cúc ra làm ví dụ về việc chúng ta không gương mẫu”. Thế là cả gia đình tôi chấp thuận ý kiến của ông (mà không chấp thuận cũng không được).

Lúc bấy giờ gia đình tôi quả thật có buồn và giận ông, nhưng bây giờ nghĩ lại tôi mới hiểu bác Thọ đã xử lý đúng, nói cho cùng cũng là để giữ trọn vẹn uy tín cho ba mẹ tôi. Và cũng thấy được sự quyết liệt và dứt khoát của ông, ông biết là sẽ bị giận, nhưng vì cái chung, vì danh dự của ba mẹ tôi nên ông đã buộc phải có một quyết định dù nhỏ bé nhưng cũng rất khó khăn như vậy.

Sức mạnh quyền lực của ông trước hết chính là ở sự gương mẫu và luôn giữ vững những nguyên tắc chung của Đảng.

“Ông trùm mật vụ” thời kháng chiến

Sau khi ba tôi mất gần 1 năm, bác Thọ lên đường đi hội nghị Paris. Trong mấy năm đó, mỗi lần từ Pháp về Hà Nội ông đều đến thăm mẹ con tôi, lần nào bà nội và tôi cũng có quà. Ông say sưa kể chuyện hội nghị Paris, về các cuộc đấu trí tại hội nghị. Tôi cũng chưa hiểu gì nhiều, nhưng những câu chuyện ấy cuốn hút tôi kinh khủng, ông Thọ hiện lên như một con người thao lược, tài giỏi.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, bên cạnh các nhiệm vụ về Đảng, đối ngoại, an ninh mà nhiều người nói tới, tôi rất chú ý là ông được Bác Hồ và Bộ Chính trị cử vào Tổ công tác miền Nam do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn phụ trách, và có những lần bí mật có mặt ở miền Nam tham gia chỉ đạo chiến tranh giải phóng.

Sau đợt 1 của chiến dịch Mậu Thân năm 1968, ông được cử vào Nam làm Phó bí thư, cùng TƯ Cục trong những ngày khó khăn nhất của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, sau đó lại được Bác Hồ gọi ra Hà Nội gấp để lên đường đi Paris. Sau này tôi cố công tìm hiểu ông đi vào Nam – ra Bắc theo con đường nào, nhưng không có câu trả lời. Tôi đoán chắc ông cũng đi bằng con đường tuyệt mật mà ba tôi đã dùng vài năm trước đó để vào chiến trường. Cho tới năm 1975, ông lại trở về Nam, lần này là “Trưởng Ban Miền Nam của TƯ Đảng”, Đại diện của Bộ Chính trị bên cạnh Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh cho đến ngày thống nhất đất nước.

Lớn lên, tôi nghe, đọc nhiều về ông, và rất tò mò khi biết ông là một người lãnh đạo trên nhiều lĩnh vực: Công tác tổ chức của Đảng (từ ngày vào Đảng cho tới khi ông mất), chỉ đạo công tác quân sự, an  ninh ở Nam bộ trong thời gian dài, rồi công tác nghiên cứu chiến lược, công tác đối ngoại… việc gì ông cũng để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử của Đảng và của đất nước. Sức mạnh quyền lực của ông cũng ở chính những dấu ấn ấy mà đối thủ của ông ở Paris – Henry Kissinger đã phải thừa nhận: “Ông hoàn toàn biết ông muốn gì và phục vụ lý tưởng của ông một cách tận tuỵ và khéo léo”.

Cũng chẳng hiểu sao hồi trẻ tôi cứ ấn tượng mãi với danh xưng thân mật mà các chú, các bác dành cho ông – “Sáu Búa”. Sau này tôi mới hiểu đấy là tên gọi thân mật mà các đồng chí ở miền Nam đặt cho ông từ kháng chiến chống Pháp, nói về tính cách ngay thẳng, trung thực và quyết liệt của ông.

Theo ông Cao Đăng Chiếm – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, biệt danh này của ông cũng giống như biệt danh “Hai Đe” của ông Phạm Hùng. Ông Thọ “rất ghét những người báo cáo láo và tô hồng hiện thực, ông nghiêm khắc đòi hỏi cán bộ cấp dưới phải luôn luôn trung thực, hễ biết thì nói biết, nếu không biết thì nói không biết. Không vì chạy theo thành tích mà lừa dối cấp trên và tự lừa dối ngay cả với chính mình”.

Nhưng tôi còn có một cảm nhận thăng hoa khác khi hình dung “chiếc búa” đó còn được ông Sáu sử dụng khi đối mặt với kẻ thù trên chiến trường hay tiến công quyết liệt vào mọi âm mưu và thủ đoạn của đối phương tại bàn đàm phán, vừa trực diện dứt khoát, vừa uyển chuyển mềm dẻo nhưng sắc lẹm khi ông mổ xẻ đến tận gốc rễ mọi vấn đề đặt ra.

Nhà ngoại giao Mỹ “cáo già” Henry Kissinger từng thừa nhận là đã bị ông Sáu “phẫu thuật như một bác sỹ lành nghề” và thốt lên: “Chúng tôi không may gặp phải các ông, chứ nếu được lựa chọn, chúng tôi sẽ chọn đối phương dễ tính hơn!”.

Sau này tôi càng hiểu, càng ngấm hơn vì sao ông Sáu sử dụng “chiếc búa” ấy hoàn hảo đến thế, khi nào thì chiếc búa vung lên, khi nào “ẩn dưới gầm bàn”. Búa mà vung lên không đúng lúc thì chỉ lộ bài cho đối phương. Ngược lại, nếu giữ búa để đối phương còn phải “ngóng” xem mình ra đòn thế nào thì giữ được thế trận hóc hiểm và đã hành động là thành công. Nhưng quan trọng nhất, không bao giờ thay đổi là chỉ có thể giành được chiến thắng trên bàn ngoại giao khi chúng ta có chính nghĩa, và sức mạnh của chính nghĩa đó được thể hiện bằng những chiến thắng trên chiến trường.

Còn nữa, khi công tác trong ngành tình báo, tôi rất ngạc nhiên khi biết ông chính là người hình thành và chỉ đạo lực lượng an ninh – tình báo Nam bộ từ những ngày đầu tiên, khi Nam bộ kháng chiến chống Pháp, cho đến những năm đầu chống Mỹ ở miền Nam, khi ông là Phó bí thư Xứ ủy và sau đó từ tháng 6/1952 là Bí thư TƯ Cục miền Nam.

Ông Mười Hương (Trần Quốc Hương) kể với tôi: “Trong kháng chiến chống Pháp, lực lượng an ninh, tình báo đều bắt đầu từ công tác binh địch vận, do ông Sáu Thọ phụ trách. Sau hiệp định Genève mới hình thành lực lượng tình báo, an ninh riêng biệt, cự ly do ông Sáu Thọ trực tiếp tổ chức và chỉ đạo. Riêng những cơ sở đi sâu tiềm năng, đặc biệt có giá trị như Hai Trung (Phạm Xuân Ẩn), Phạm Ngọc Thảo… đều được ông Sáu trực tiếp gặp, kiểm tra và tuyển mộ”. Chính ông Mười Hương cũng đã được ông Sáu “chọn mặt gửi vàng”, xin TƯ cử vào Nam bộ làm công tác huấn luyện tình báo.

Còn ông Hai Trung thì kể: “Hồi kháng chiến, tôi đâu biết tình báo là gì, chỉ có cảm tình với cách mạng. Được mấy ổng kêu vào khu gặp ông Sáu Thọ – Bí thư TƯ Cục miền Nam. Đó là ngày 4 Tết Giáp Ngọ (6/2/1954), khi ta chưa mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Ổng hỏi: “Sắp tới ta phải đánh Mỹ, vậy tính làm sao để nắm được Mỹ, hiểu được Mỹ để thắng Mỹ?”. Tôi nói: “Dạ Pháp thì mình biết cả trăm năm nay rồi, chớ Mỹ đã ai gặp nó bao giờ đâu mà biết. Bây giờ muốn nắm được Mỹ, thì phải hiểu lối sống Mỹ, biết cách nghĩ của Mỹ, mà việc đầu tiên là phải biết tiếng Mỹ”.

Vậy là ổng quyết định đưa tôi vào ngành tình báo, giao nhiệm vụ phải tìm cách vào Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn ngay trong năm đó vì sắp tới sẽ có cuộc chuyển giao chiến lược chiến trường Đông Dương từ Pháp qua Mỹ. Nên người của mình phải sáp vô với Mỹ ngay từ bây giờ, đứng trong đội ngũ những người mà rồi đây Mỹ sẽ dùng, cộng tác từ những ngày đầu, là một gương mặt quen thuộc, được tin cẩn thì sẽ rất lợi cho nhiệm vụ sau này. Sau đó ông Mười Hương dặn: Sắp tới chú phải đi Mỹ, nhưng không hoạt động gì cả. Chỉ cần học tiếng Mỹ cho thật giỏi, hiểu thật kỹ người Mỹ rồi về đây tổ chức giao công tác sau”.

Trung úy đi chiến trường

Năm 1983, sau khi tốt nghiệp sĩ quan, tôi được học dự khóa để chuẩn bị đi Liên Xô bồi dưỡng về chuyên ngành quân sự. Vài tháng dự khóa, tôi hiểu mình là người duy nhất không học ở Liên Xô, không biết tiếng Nga nhưng được ưu tiên đi Liên Xô để “đổi đời”, và dù có đi thì khi về vẫn sẽ là con số 0 về mặt kiến thức.

Với những gì tôi được học, được rèn sau 3 năm ở trường sĩ quan, chỉ có một điểm đến đúng đắn nhất là chiến trường. Mà khi đó thì toàn quân như thế, các sĩ quan mới ra trường hầu hết đều ra mặt trận, nếu không lên phía Bắc thì cũng sang Campuchia.

Tôi đến gặp chú Văn Tiến Dũng, ông Dũng ngần ngại, tôi phải trình bày rất lâu ông mới nói: “Việc này chú phải trao đổi với bác Lê Đức Thọ”. Vài ngày sau, ông Dũng gọi tôi đến, bảo: “Bác Thọ gạt đi, bảo không được đâu, anh Thanh có mỗi thằng con trai, sang đấy làm sao thì mất giống nhà nó. Mà chị mới mất đưa nó đi làm gì?”.

Tôi gặp ông Ba Trà (tức Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Quốc phòng sau này), khi đó là Sư đoàn trưởng 330, đang chiến đấu ở biên giới Campuchia – Thái Lan. Ông bảo: “Cậu vào sư đoàn tôi đi, hiện đang ở tây bắc Campuchia, đánh nhau ác liệt lắm. Nhưng phải được ông Lê Đức Anh đồng ý”. Tôi đến gặp ông Sáu Nam, trình bày nguyện vọng: “Cháu xin vào sư 330 chỗ chú Ba Trà”.

Ông Sáu Nam suy nghĩ một lát rồi nói: “Chú sẽ nói với bác Sáu Thọ”. Lại “bác Sáu Thọ”? Sau đó ông Lê Đức Anh tới gặp ông Thọ và bảo lãnh cho tôi: “Tôi chịu trách nhiệm”! Gặp tôi, ông Sáu Nam nói: “Bác Thọ đồng ý cháu đi Campuchia nhưng không về sư 330 mà chuyển sang cơ quan tình báo”. Thực chất các ông tạo điều kiện cho tôi phấn đấu, vì theo các ông, vị trí ấy phù hợp với khả năng của tôi hơn.

Thật là đáng ngạc nhiên, khi mà một trung úy chỉ xin một việc rất nhỏ là ra mặt trận, mà Bộ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh Mặt trận, và cuối cùng là người lãnh đạo cao nhất của Đảng về tổ chức cán bộ phải đưa ra quyết định cuối cùng. Tôi hiểu, đó là tình cảm và trách nhiệm của các ông đối với ba mẹ tôi, những người đã cùng chiến đấu với họ nhưng không còn nữa.

“Cho nó tiếp tục ở chiến trường, phấn đấu trưởng thành”

Năm 1985, ông Sáu Thọ sang Campuchia công tác, vào thời điểm chuẩn bị Đại hội 6 của Đảng, Văn phòng bố trí cho ông ở căn biệt thự có bể bơi, trong khu nhà của Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam (Bộ Tư lệnh 719), đối diện nhà ông Lê Đức Anh. Khi đó ông đang là Trưởng Ban Tổ chức TƯ, Thường trực Ban Bí thư, giúp bác Lê Duẩn chỉ đạo công việc của Ban Bí thư. Ông cũng là Trưởng Tiểu ban chuẩn bị nhân sự của Đại hội 6.

Hôm đó ông Sáu Thọ làm việc với lãnh đạo Campuchia, có cả ông Sáu Nam và một số lãnh đạo của Mặt trận 719 cùng dự. Vì làm việc buổi chiều nên sau đó Văn phòng mời cơm. Họp xong chiều đã muộn, ông Sáu Thọ đứng dậy nói “Mời các đồng chí ăn cơm trước nhé, tôi có hẹn trao đổi điện thoại với Hà Nội”.

Khoảng hơn tiếng sau, ông Thọ mới đi xuống, thấy tất cả vẫn ngồi chờ, ông hỏi “Ô kìa sao lại ngồi thế này, sao không ăn trước đi?”, ông Lợi thư ký nói: “Thưa anh, các anh chờ anh xuống ăn cơm cùng ạ”. Ông Thọ cười nói: “Thế này thì ăn mầm đá rồi, thôi mời các anh!”. Mọi người cùng cười và ngồi xuống bàn ăn.

Còn nhớ một buổi chiều, anh Ngọc (thư ký ông Sáu Nam) gọi tôi vào: “Ông Sáu Thọ hỏi thăm chú đấy. Sáng nay ông hỏi ông Sáu Nam là Vịnh thế nào. Anh ngồi nghe lỏm được, ông Sáu Nam ca chú ghê lắm”!

Nghe ông Sáu Nam kể sơ qua công việc của tôi, ông bảo: “Gọi nó vào đây tôi gặp”. Chiều hôm sau khoảng 5h tôi vào, ông đang nằm võng trên thềm bể bơi, mắt lim dim, lúc đó mắt ông bắt đầu kém rồi.

Đầu tiên ông hỏi về gia đình, tôi thưa: “Mấy chị cháu mỗi người một nơi còn cháu sang bên này”. Rồi ông hỏi về công việc, tôi kể cho ông nghe những gì tôi hiểu về tình hình Campuchia khi đó. Tôi nhớ ông đã bỏ ra gần 2 tiếng nghe tôi nói. Ông hỏi rất kỹ về những điều tôi kể, những gì đơn vị chúng tôi đang làm, chúng tôi phục vụ tin tức cho Mặt trận như thế nào, vấn đề tình báo, vấn đề Phật giáo, vấn đề diệt chủng… Ông nghe rất kỹ, hỏi từng tí một, tôi biết đến đâu trả lời đến đó, xong ông bảo: “Cháu làm việc như thế là tốt, cứ thế mà làm cháu ạ!”.

Sau khi ông Sáu Thọ về Hà Nội, ông Sáu Nam gọi tôi vào gặp: “Bữa trước cháu nói gì mà bác Sáu Thọ hài lòng lắm. Bác bảo cho cháu tiếp tục ở lại Campuchia, và phát triển theo ngành tình báo. Chú rất mừng”. Tôi mới hiểu nếu không có cuộc gặp ấy, hoặc câu chuyện theo hướng khác, thì tôi đã phải rời đội ngũ và về nước. Vì ông Thọ cho tôi sang Campuchia để xem có làm được việc hay không, có tiến bộ không, nếu không, ông sẽ không tiếp tục để tôi ở lại chiến trường. Ông Sáu Nam mừng vì điều đó.

Một thượng úy quân đội ngồi bên cạnh nhà lãnh đạo số 2 của Đảng, vừa nằm võng vừa tỉ tê hỏi chuyện, từng chi tiết một, xem nó hiểu đến đâu, làm được việc gì…, không biết còn có anh cán bộ trẻ nào khác được may mắn như tôi không?

Ông Sáu Thọ với chiến trường Campuchia

Khi gặp ông Sáu Thọ ở Campuchia, vì chỉ là cán bộ cấp thấp nên tôi không được biết ông làm việc gì, chỉ thấy Chỉ huy Mặt trận 719 cũng như lãnh đạo Đoàn chuyên gia Việt Nam rất lắng nghe và tôn trọng ý kiến của ông. Còn lãnh đạo bạn thì hết sức kính trọng, thân thiết và tin cậy ông.

Sau này tôi mới được biết về những đóng góp quan trọng của ông trong thời gian đối phó với những hành động hiếu chiến, tàn ác của Khmer Đỏ đối với nhân dân ta, quyết định dùng chiến tranh vũ trang để chống xâm lược, chống diệt chủng. Những ngày đầu giúp bạn sau 7/1/1979, ông Sáu Thọ là Đại diện Bộ Chính trị, Trưởng đoàn chuyên gia Việt Nam ở Campuchia.

Ông Sáu Thọ có mối cơ duyên với Campuchia từ hồi kháng chiến chống Pháp. Một trong những nhiệm vụ mà Bác Hồ, Tổng Bí thư Trường Chinh và Thường vụ TƯ giao cho ông khi vào Nam Bộ công tác cuối năm 1948 là chuẩn bị tách Đảng Cộng sản Đông Dương thành ba Đảng.

Ông đã trình bày chủ trương đó với Xứ uỷ Nam Bộ và triệu tập hội nghị những cán bộ của ta công tác ở Campuchia giúp bạn soạn thảo cương lĩnh và điều lệ Đảng, thành lập Ban vận động sáng lập đảng Nhân dân Khmer do ông Sơn Ngọc Minh làm Trưởng ban, ông Tu Sa Mút làm Phó ban, lập ra Ban cán sự toàn Campuchia để giúp bạn xây dựng phong trào và mở lớp đào tạo cán bộ cho đảng bạn.

Ông Ba Quốc kể: Vào năm 1977, Khmer Đỏ đã có nhiều cuộc tấn công dọc biên giới, tàn sát bộ đội địa phương và nhân dân ta, tuy nhiên đánh giá chung vẫn chỉ là xung đột biên giới. Phản ứng của ta cũng tương ứng với mức độ ấy, tức là vẫn chú trọng giải pháp ngoại giao, nhằm cố gắng cao nhất để cứu vãn hòa bình. Tôi (ông Ba Quốc) là Cụm trưởng Điệp báo ở Hà Tiên/Kiên Giang, nhận được thông tin từ một cán bộ Sư đoàn của Quân khu Tây Nam, nêu rõ Khmer Đỏ xác định Việt Nam là “kẻ thù truyền kiếp” và quyết tâm phát động chiến tranh với Việt Nam.

Bản báo cáo được gửi ra cơ quan Tình báo, qua đó gửi lên Bộ Chính trị. Ngay sau đó, ông Sáu Thọ bay vào TP.HCM, tổ chức cuộc họp với cơ quan tình báo, gồm ông Tư Văn, Vũ Chính, Ba Quốc… để trực tiếp nghe báo cáo và phân tích tình hình.

Ông Ba nhớ lại: “Tôi lo lắm, vì lần đầu tiên được gặp một đồng chí lãnh đạo ở cấp cao như thế. Khi đó ta cũng mới chỉ coi Polpot là ‘bạn xấu’, chứ chưa xác định là kẻ thù, nên nói không khéo lại thành mất quan điểm”. Nhưng khi gặp, ông Sáu Thọ nêu: ‘Có gì cứ nói hết, nghĩ gì cứ nói thẳng. Nếu ý kiến có khác nhau, thì phải bàn mới ra đúng sai được’. Thế là tôi nói hết, nói thẳng, nghĩ sao nói vậy.

Nghe xong, ông Sáu chỉ thị: Tăng cường công tác tình báo nắm K đỏ! Tôi mừng lắm, vì như vậy là ta đã coi K đỏ là đối tượng, từ đấy tình báo có điều kiện để nắm địch rõ hơn, mạnh hơn và phục vụ đắc lực cho cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam từ những ngày đầu”.

Trong hồi ký của Thủ tướng Campuchia Hun Sen

Hồi ký của Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng nhắc nhiều đến ông Lê Đức Thọ: “Trước ngày 7/1/1979, tôi có 3 cuộc tiếp xúc với ông Lê Đức Thọ. Đầu tiên là cuộc gặp đầu năm 1978, sau khi tôi đã gặp các ông Lê Đức Anh, Trần Văn Trà, Văn Tiến Dũng để thông báo về tình hình Campuchia và về Khmer Đỏ. Sau đó ông Thọ gặp tôi, ngoài việc khẳng định lại bản chất phản động của bè lũ diệt chủng, ông yêu cầu tôi nói rõ ý đồ của Khmer Đỏ quyết tâm gây chiến tranh với Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của quan thầy.

Sau lần gặp đó, chúng tôi được thông báo chính thức là Việt Nam sẽ giúp cách mạng Campuchia xây dựng lực lượng, chuẩn bị chống lại Khmer Đỏ, giải phóng đất nước khỏi nạn diệt chủng. Đó chính là chủ trương quan trọng và cần thiết nhất để tôi được Việt Nam giúp đỡ đứng ra xây dựng 26 tiểu đoàn đứng chân ở Long Giao, Đồng Nai, tiền thân của Lực lượng vũ trang đoàn kết thống nhất Campuchia sau này.

Lần gặp thứ hai là ngày 8/11/1978 tại TP.HCM. Ông Lê Đức Thọ gặp lãnh đạo 5 nhóm khởi nghĩa ở Campuchia gồm nhóm của tôi (Hun Sen), cùng các ông Heng Somrin, Chia Sim, Sai Phu Thong và đoàn của Pen Sovan để trao đổi về việc thành lập Mặt trận (riêng đoàn của Bu Thoong không ra được do phải giữ bí mật vì lực lượng đang nằm ở nước ngoài).

Ông Sáu Thọ sắp xếp để tất cả các nhóm cùng ăn ở, làm việc với nhau trong một mái nhà, cùng nhau họp cả ngày lẫn đêm nhằm soạn thảo một cương lĩnh chính trị của mặt trận với tên gọi là “Mặt trận đoàn kết cứu nước Campuchia” và “Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia”. Sau đó chỉ ít ngày, Mặt trận Đoàn kết thống nhất Campuchia ra đời tại vùng giải phóng Mê Mút, Kompong Chàm.

Đến ngày 22/11/1978, ông Lê Đức Thọ lại gặp các nhà cách mạng Campuchia trong một bữa ăn rất thịnh soạn. Cuộc gặp đó có 7 người, và vấn đề quan trọng nhất là Mặt trận sẽ đại diện cho toàn thể người dân Campuchia đứng ra kêu gọi Việt Nam giúp đỡ tiêu diệt bè lũ Khmer Đỏ. Cuộc gặp đó quyết định việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia, cùng lực lượng vũ trang của Mặt trận giải phóng Campuchia khỏi ách kìm kẹp của Khmer Đỏ. Ba cuộc gặp, 3 quyết định lịch sử!”.

Phải khẳng định rằng ông Sáu là nhà lãnh đạo Việt Nam đã có con mắt hết sức tinh tường khi trực tiếp lựa chọn và bồi dưỡng Hun Sen lúc đó mới 26 tuổi trở thành Bộ trưởng Ngoại giao của Campuchia và trở thành Thủ tướng khi 32 tuổi.

Thủ tướng Hun Sen có kể lại về những cuộc làm việc riêng với ông Sáu sau ngày Campuchia được giải phóng, về cách ông Sáu khéo léo phân công riêng một Việt Kiều tên là Châu Ba hỗ trợ Hun Sen từng chi tiết như thế nào.

“Hun Sen có trình độ như một trí thức, rất có năng lực, có khả năng lãnh đạo, phải bồi dưỡng lâu dài!”, ông Sáu nói riêng với ông Châu Ba. Quả đúng là “cách anh nhìn người là cách anh đối xử với người, và cách anh đối xử với người là điều họ có thể sẽ trở thành”, triết lý dùng người như thế thì khó ai có thể bì được ông Sáu.

Bác Sáu Thọ “xét duyệt lý lịch” cho tôi lấy vợ

Vài năm sau, vào tháng 8/1986, từ Campuchia tôi xin nghỉ phép về Hà Nội, đưa bạn gái là vợ tôi bây giờ ra chào mọi người. Ngoài chị em, họ hàng, các chú bảo phải báo cáo với chú Văn Tiến Dũng và bác Sáu Thọ, không các ông sẽ trách.

Tôi, vợ chưa cưới và chị Hà được hẹn giờ gặp vào buổi chiều. Chúng tôi đến số 6 Nguyễn Cảnh Chân, ngồi chờ ông ở hành lang nối liền nhà lớn với nhà nhỏ, không vào phòng khách. Lát sau bác Thọ ra, hai người dìu hai bên, mắt ông đeo kính đen. “Cháu chào bác ạ”! “Ừ, các cháu đấy à. Mắt bác hư rồi không nhìn thấy gì đâu”.

Tới lúc đem nước ra, ông mời “uống nước đi”, xong cầm cốc uống trước. Tôi lúc đó còn trẻ, láu táu hỏi: “Bác bảo hỏng mắt mà sao cháu thấy bác cầm cốc nước chả sai tí nào, còn biết người ta đem nước ra”. “Cái thằng, cứ hỏi linh tinh!” – ông cười, thế là câu chuyện tự nhiên vui hẳn.

Chị Hà nói: “Thưa bác, Vịnh sắp cưới vợ, bạn gái là con chú Vũ Chính…”. “Chính nào? Không được”. Mọi người toát mồ hôi. Té ra ông Sáu Thọ nghe không rõ, có một ông Chính khác ở cơ quan TƯ, có “vấn đề” gì đó vào thời điểm trước Đại hội Đảng năm 1986. Ông Sáu nói một tràng, tôi nghĩ lỡ mà đúng là nhà vợ mình thì không biết ăn nói thế nào. Chị Hà thưa lại: “Không, chú Chính ở miền Nam suốt thời gian chiến tranh, bây giờ đang chỉ huy tình báo ở Campuchia”. “Ờ, thế thì tốt đấy. Anh Chính đấy bác biết, anh ấy tốt lắm. Thôi cưới sớm đi, giờ cưới vợ là cưới liền tay”.

Sau đó tôi quay lại Campuchia với ý định năm sau mới cưới. Khoảng một tháng sau, một buổi tối đầu tháng 10, ông Sáu Nam gọi tôi vào. Hồi đó ở Campuchia 6h đã giới nghiêm, 8h tối là khuya lắm rồi, mà vào Bộ Tư lệnh 719 phải qua bao trạm gác như pháo đài.

Ông hỏi chuyện cưới vợ, tôi cũng thưa lại ý định như thế, tự nhiên ông nói: “Cháu về bàn với chị Hà làm đám cưới sớm đi”. Tôi không hiểu lý do: “Thưa chú, cưới sớm là bao giờ”? “Cưới liền đi. Chú vừa ở Hà Nội vào, bác Sáu Thọ nói Đại hội đến nơi rồi, bảo nó cưới sớm, chứ để sau Đại hội sợ có người đến, người không”. Tôi về trao đổi với vợ cùng hai gia đình, mọi người đồng ý, thế là có 10 ngày, cả ăn hỏi, cả ra mắt và chuẩn bị mọi thứ cho đám cưới.

Ngày ông Sáu Thọ đến dự đám cưới tôi, phải có người dìu lên cầu thang, ông đến rất sớm, và rất vui, ít khi nào thấy ông cười nhiều, nói chuyện nhiều như hôm ấy. Ngày cưới tôi có anh bạn cho mượn cái camera – khi đó sang ghê lắm, ít ai có nên cũng không dám mang ra dùng.

Anh Sáu Ngọc bảo: “Có gì cứ hỏi ông Sáu Lớn, ông bảo không thì đừng có quay, mà ông đồng ý thì cứ quay mạnh vào”. Tôi nghe lời, ngồi bên cạnh tỉ tê: “Thưa bác, cháu có anh bạn cho mượn cái máy quay video, cháu xin phép bác cho quay làm kỉ niệm”. Ông bảo: “Ờ được, quay đi! Cái này mới và hiện đại lắm, cưới con anh Thanh thì phải quay phim để làm kỷ niệm”. Lúc dìu ông đi xuống cầu thang, ông dừng lại: “Quay đi. Quay đi!”. Thế là chúng tôi có một băng video vô cùng quý giá ghi lại ngày cưới, gồm đông đủ các thành viên trong gia đình, cùng tất cả các bác, các chú bạn của ba mẹ tôi hầu như không thiếu một ai.

Vài năm sau, khi gặp lại ở TP.HCM, ông có nhắc lại ngày cưới rất vui và đầy đủ ấy của tôi, và hỏi tôi về gia đình, nhà cửa, cuộc sống… Biết chúng tôi đã trả ngôi nhà 34 Lý Nam Đế, Hà Nội, ông có ý kiến với các lãnh đạo thành phố cấp cho gia đình tôi 1 căn nhà nhỏ, đó là căn nhà riêng đầu tiên của gia đình tôi sau khi trả nhà ở Hà Nội.

Một vài việc rất nhỏ ấy thôi, và bản thân tôi dù rất nhỏ bé, nhưng vì ba mẹ tôi mất rồi nên các ông tự cho mình cái quyền và trách nhiệm tham gia vào cuộc sống và những vấn đề hệ trọng của tôi sau này.

Theo VIETNAMNET 

Tags: