10 vụ bê bối tình báo chấn động thế giới

Các cơ quan tình báo là tổ chức chịu trách nhiệm giảm thiểu, ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia. Họ làm mọi cách để thu thập thông tin; cũng như tiến hành nhiều sứ mệnh bí mật vì lợi ích quốc gia.

10 vụ bê bối tình báo chấn động thế giới

Thế kỷ 20 là thời điểm nhân loại có những bước tiến chưa từng có trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trong khi đó, cùng với sự xuất hiện và cạnh tranh của các cường quốc, bối cảnh chính trị thế giới trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Tất cả những điều này tác động mạnh mẽ đến cách thức các chính phủ duy trì và đảm bảo an ninh quốc gia. Vai trò của các cơ quan tình báo vì thế cũng trở nên quan trọng hơn. Tuy nhiên, không phải bất cứ phi vụ nào của họ cũng hoàn thành.

10. Ám sát hàng hoạt

Cơ quan liên quan: Bộ An ninh và Tình báo Iran (MOIS)

Trong suốt thế kỷ 20, bất chấp cuộc chuyển đổi quyền lực chính trị đặc biệt quan trọng trong nước, tình báo và cảnh sát chìm của Iran vẫn duy trì nhiều đặc trưng như ở chế độ cũ.

Cụ thể, cuộc cách mạng Iran năm 1979 đặt dấu chấm hết cho chế độ độc tài Shah và thay vào đó là chế độ Ayatollah Khomeini với sự khác biệt cơ bản về đường lối chính trị. Tuy nhiên, cơ quan tình báo hàng đầu của chính quyền mới, MOIS, không khác là bao so với tiền nhiệm của nó, SAVAK dưới chế độ Shah. Nó trở thành nỗi khiếp đảm đối với nhiều người Iran với những âm mưu ám sát, tiêu diệt hàng loạt các đối thủ chính trị. Một chuỗi các vụ ám sát kéo dài trong giai đoạn 1988 – 1998 được cho là sứ mệnh khét tiếng nhất của MOIS.

Cơ quan tình báo của chính quyền Khomeini bị cáo buộc gây ra cái chết cho khoảng 80 công dân Iran trong khoảng thời gian này. Hầu hết các nạn nhân của họ là nhà văn, giới trí thức và các nhà hoạt động chính trị. Các vụ ám sát bị phanh phui năm 1998, sau khi cơ quan này sát hại lãnh đạo đảng đối lập Dariush Forouhar và 3 nhà văn có tư tưởng chống Khomeini chỉ trong 2 ngày.

Lãnh tụ Iran, Khomeini sau đó tuyên bố rộng rãi rằng, chính phủ không hề dính dáng gì đến chuỗi âm mưu ám sát của MOIS. Theo đó, chính quyền Iran đẩy toàn bộ trách nhiệm sang cho Thứ trưởng Tình báo Saeed Emami. Ông Emami sau này được thông báo là tự tử trong tù nhưng nhiều người tin rằng thực ra, ông bị loại bỏ để bảo vệ các bí mật của MOIS và chính quyền Khomeini.

9. Vụ ám sát Thủ tướng Thái Lan

Cơ quan liên quan: Bộ Chỉ huy Các chiến dịch an ninh nội địa Thái Lan (ISOC)

ISOC là cơ quan tình báo của Thái Lan được thành lập năm 1966. Ban đầu, cơ quan này được tạo ra và nhận các hỗ trợ từ Mỹ trong một nỗ lực chung để ngăn chặn các hoạt động cộng sản ở Thái Lan.

Sau khi chiến tranh kết thúc, Mỹ rút quân, ISOC hoạt động theo chỉ thị của quân đội Thái Lan. Kể từ đó, tổ chức này được biên chế như một đơn vị quân đội, chịu trách nhiệm duy trì và đảm bảo an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, một sự kiện chấn động liên quan đến ISOC bất ngờ xảy ra. Phó Giám đốc của cơ quan này dính líu đến âm mưu ám sát Thủ tướng

khi ông Thaksin còn đang tại nhiệm nhiệm kỳ 2001 – 2006. Ông Pallop Tinsulanonda, Phó Giám đốc ISOC sau đó bị buộc tội phản quốc khi ra lệnh cho một trong những phụ tá của mình lái xe hơi chứa đầy 67 kg chất nổ vào trong dinh thự Thủ tướng. Ban đầu, ông Pallop chối bỏ liên quan đến âm mưu ám sát với lập luận, nếu ông là kẻ đứng sau sự kiện này thì nó đã không thất bại.

Sau khi Thủ tướng Thaksin bị lật đổ năm 2006, ông Pallop được bổ nhiệm làm cố vấn quan hệ công chúng cho ISOC.

8. Nghe lén Bộ Thương mại và Công nghiệp Afghanistan

Cơ quan liên quan: Bundesnachrichtendiens – tình báo Đức.

Bundesnachrichtendiens (BND) là cơ quan tình báo của Đức hoạt động tại hàng chục quốc gia trên thế giới và được cài cắm tại nhiều cơ quan quyền lực hàng đầu của các chính phủ.

Các hoạt động của BND gần như đều tuyệt đối bí mật, với việc áp dụng một trong các phương pháp thu thập thông tin tình báo hiệu quả là nghe lén điện thoại.

Một trong những vụ nghe lén rùm beng dư luận của BND là tại Bộ Thương Mại và Công nghiệp Afghanistan năm 2006. BND đã cài phần mềm gián điệp vào hệ thống máy tính của bộ này để từ đó, đánh cắp các thông tin mật, chuyển thẳng lên chính phủ Đức. Thông tin mật mà họ đánh cắp được bao gồm các tài liệu nội bộ hay các thư điện tử chính phủ…

Sau khi bại lộ, vụ nghe lén của BND bị dư luận lên án gay gắt. Afghanistan phẫn nộ với cảm giác bị phản bội và lừa dối khi Đức được cho là đồng minh thân cận của họ. Trong khi đó, tại Đức, nhiều cuộc tranh luận đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp của cơ quan tình báo để hoạt động bất chấp các quy định pháp luật.

Cho đến nay, lý do đằng sau việc BND giám sát, nghe lén Bộ Thương Mại và Công nghiệp Afghanistan vẫn chưa được xác thực rõ ràng nhưng Berlin đã nhanh chóng đảm bảo với Kabul rằng, tất cả mọi thông tin họ thu thập được đều đã bị hủy bỏ.

7. Vụ đánh bom khách sạn Hilton ở Sydney

Cơ quan liên quan: Tổ chức Tình báo An ninh Australia (ASIO)

ASIO là cơ quan phụ trách bảo vệ bờ biển của Australia khỏi các mối đe dọa quốc tế, hoạt động bên nghoài Canberra kể từ năm 1949. Trong suốt những năm hoạt động dưới sự chỉ đạo của chính phủ Australia, ASIO không ít lần gây sóng gió dư luận bởi các các sứ mệnh gây tranh cãi mà họ đảm nhiệm. Một trong số đó là vụ đánh bom khách sạn Hilton ở Sydney.

Cụ thể, tháng 2/1978, khách sạn Hilton ở Sydney được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Các nguyên thủ quốc gia trong khu vực thịnh vượng chung đầu tiên. Đây là một sự kiện có sự tham dự của hàng chục nhân vật chính trị quan trọng.

Tuy nhiên, vào một đêm khuya khoắt, khi 12 nguyên thủ quốc gia đang say giấc ở khách sạn thì một quả bom phát nổ khi nhân viên vệ sinh đổ rác từ thùng rác của khách sạn vào xe tải. Vụ nổ giết chết 2 công nhân vệ sinh, một sĩ quan cảnh sát và làm bị thương nhiều công dân khác.

Ba nghi can của vụ đánh bom bị bắt. Tuy nhiên, các cuộc điều tra của cảnh sát sau đó hé lộ nhiều nghi vấn. Chẳng hạn, một nhà khoa học làm việc trong cơ quan nhà nước, liên quan đến vụ đánh bom khai, chính ASIO ép ông phải chế tạo 2 quả bom.

Từ tất cả những nghi vấn đó, người ta kêu gọi một cuộc điều tra trên phạm vi liên bang để làm rõ vụ đánh bom. Tuy nhiên, chính phủ Australia chống lại yêu cầu trên và cuộc điều tra buộc phải khép lại. Nhiều người tin rằng, chính chính phủ Australia chỉ thị cho ASIO đặt bom khách sạn với hi vọng vụ khủng bố sẽ mở đường cho luật mở rộng quyền hạn của cảnh sát và an ninh được quốc hội thông qua.

6. Gián điệp Trung Quốc trong lòng CIA

Cơ quan liên quan: Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc (MSS)

Dù chủ yếu giữ trọng trách bảo vệ đất nước và chống hoạt động gián điệp nhưng MSS cũng tìm mọi cách cài cắm các điệp viên ra bên ngoài lãnh thổ quốc gia. Một trong số đó là Larry Wu-Tai Chin.

Ông Wu-Tai Chin ban đầu là thông dịch viên cho lãnh sự quán Mỹ tại Thượng Hải. Tuy nhiên, sau đó, ông được Cục Tình báo Trung ương Mỹ thuê dịch các tài liệu tiếng Trung. Cuộc đời làm điệp viên nhị trùng của Wu-Tai Chin cũng bắt đầu từ đây khi ông bị Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc (MSS) thuyết phục làm việc cho họ.

Trong vai trò mới, Wu đã cung cấp cho chính phủ Trung Quốc nhiều tin tình báo về các hoạt động của Mỹ ở châu Á; đồng thời thông tin về quê hương các kế hoạch cải thiện và thúc đẩy quan hệ giữa 2 siêu cường của Tổng thống Mỹ Nixon.

Sau 35 năm hoạt động gián điệp cho chính phủ Trung Quốc, thân phận điệp viên nhị trùng của ông Larry Wu-Tai Chin cuối cùng cũng bị bại lộ.

5. Vụ bê bối “Lillehammer Affair”

Cơ quan liên quan: Mossad, Tổ chức tình báo của Israel

Vị thế của Israel trên sân khấu chính trị thế giới đã buộc quốc gia này phải tìm mọi cách, kể cả việc thực thi các hoạt động nguy hiểm để bảo vệ mình. Mossad là cơ quan tình báo chịu trách nhiệm dẫn đầu trong cuộc chiến chống khủng bố và bảo vệ cộng đồng Do Thái trên toàn thế giới của Israel. Cơ quan này đã thực hiện nhiều nhiệm vụ nguy hiểm và táo bạo kể từ khi được thành lập năm 1949 với hàng chục âm mưu ám sát, trong đó bê bối “Lillehammer Affair” là rùm beng nhất.

Năm 1973, Mossad cho rằng, họ đã sát hại thành công Ali Hassan Salameh, lãnh đạo của “Black September (Tháng 9 đen tối) ở Lillehammer, Na Uy. Tuy nhiên, kẻ bị giết hóa ra lại không phải là người đứng sau vụ thảm sát Munich năm 1972, mà là Ahmed Bouchiki, một bồi bàn người Ma Rốc.

Hai nhân viên Mossad thực hiện vụ ám sát bị bắt ngay hôm sau vì có nhân chứng nhận dạng. Vụ bê bối làm ảnh hưởng lớn đến một số nhiệm vụ khác của Mossad ở châu Âu.

4. “Âm mưu của ngài Đại sứ”

Cơ quan liên quan: Tổ chức tình báo bí mật Anh (SIS)

SIS nhận chỉ thị trực tiếp từ chính phủ Anh và tham gia đáng kể trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới. SIS đã chiến đấu để ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô lan tràn sang Tây Âu.

Một trong những hoạt động nguy hiểm mà SIS cố gắng thực hiện (nhưng thất bại) được gọi bằng cái tên «Âm mưu của ngài Đại sứ » nhằm lật đổ chính phủ Bolshevik, từng nắm quyền lãnh đạo Liên Xô từ năm 1918.

Theo đó, điệp viên huyền thoại Sidney Reilly của SIS và nhà ngoại giao người Anh kỳ cựu Sir Robert Lockhart vạch ra kế hoạch ám sát Vladimir Lenin và các lãnh đạo Bolshevik cốt cán. Họ mua chuộc các vệ sĩ của điện Kremlin, những người bất mãn với sự lãnh đạo của chính phủ Bolshevik.

Tuy nhiên, trước khi kế hoạch ám sát được thi hành, lãnh tụ của Liên Xô – Lenin và người đứng đầu Cheka, cơ quan tình báo của Liên Xô thời đó là Moisei Uritsky – bị ám sát bởi một thành viên đảng Xã hội và một binh sĩ khác trong cùng một ngày. Cả Lenin và Moisei Uritsky đều trúng đạn nhưng lãnh tụ của Liên Xô đã may mắn thoát chết. Trong khi đó, ông Moisei Uritsky mất mạng.

Ngay sau vụ ám sát, một cuộc điều tra quy mô lớn chưa từng có nhanh chóng được chính phủ Bolshevik phát động. “Âm mưu của ngài Đại sứ” do điệp viên SIS, Sidney Reilly chủ mưu vì thế cũng bại lộ. Tuy nhiên, Reilly may mắn trốn được sang Phần Lan và cuối cùng, trở về London an toàn. Song, ngài Đại sứ Lockhart không may mắn như thế, khi bị chính phủ Bolshevik bắt giữ và sau đó, được trao trả cho Anh để đổi lấy tự do cho nhà ngoại giao Liên Xô Maxim Litvinov.

3. Sự kiện Vịnh con Lợn

Cơ quan liên quan: Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA)

CIA được cho là cơ quan tình báo nổi tiếng nhất thế giới. Không ít lần, họ được giao đảm nhiệm các sứ mệnh hệ trọng liên quan đến an ninh quốc gia và cần được xử lý nhanh chóng, gọn và bí mật. Một trong những sứ mệnh xôn xao nhất của CIA là sự kiện Vịnh con Lợn vào đầu nhiệm kỳ của Tổng thống John Kennedy.

Sự kiện này là nỗ lực bất thành của CIA để lật độ chính phủ Fidel Castro ở Cuba. Theo đó, bằng cách huấn luyện và đào tạo lực lượng những người Cuba lưu vong, CIA đứng sau giật dây họ xâm chiếm miền Nam Cuba vào tháng 4/1961. Quân đội Mỹ hỗ trợ nhiều cho lực lượng những người Cuba lưu vong. Tuy nhiên, Quân đội Cuba nhờ thông tin tình báo đã có sự chuẩn bị trước, nên dễ dàng đánh bại đội quân lưu vong chỉ trong ba ngày. Do cuộc đổ bộ chính diễn ra tại bờ biển Playa Girón, nằm ở cửa vịnh con lợn nên sau đó, người ta lấy tên vịnh này đặt tên cho sự kiện trên.

2. Âm mưu đánh chìm tàu Rainbow Warrior

Cơ quan liên quan: Tổng cục An ninh Hải ngoại Pháp (DGSE) DGSE chính thức thành lập vào năm 1982, là cơ quan tình báo của chính phủ Pháp đảm nhiệm các sứ mệnh bên ngoài lãnh thổ nước Pháp. Năm 1985, DGSE được giao sứ mệnh bảo vệ quyền thử hạt nhân của Pháp tại Thái Bình Dương trước sự phản đối dữ dội của nhiều tổ chức. Do đó, ngày 10/5/1985, DGSE thực hiện phi vụ đánh chìm tàu Rainbow Warrior của tổ chức Hòa Bình Xanh tại cảng Auckland của New Zealand làm một thủy thủ trên tàu thiệt mạng. Theo điều tra của cảnh sát, thủ phạm phá hoại tàu là hai vợ chồng người Pháp: Claire và Jacques Turenge. Sau đó, cả hai thủ phạm đều bị tuyên án 10 năm tù giam.

Tuy nhiên, nghi có những khuất tất bên trong vụ việc này, tờ Le Monde của Pháp quyết định mở một cuộc điều tra và phát hiện chính DGSE đã đạo diễn toàn bộ vụ đánh chìm tàu Rainbow Warrior nhằm ngăn chặn việc tổ chức Hòa Bình Xanh đưa tàu đến quần đảo Muroara để phản đối các vụ thử hạt nhân của Pháp.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp thời đó là Charles Hemu chính là người ra lệnh cho DGSE triển khai chiến dịch “Satanic” để 5 nhân viên tình báo phá hoại chiếc Rainbow Warrior. Cặp vợ chồng cải trang Turenge chính là Thiếu tá Alain Mafart và nữ Đại uý Dominique Prieur của DGSE. Sau đó, Pháp và New Zealand ký một thỏa thuận, theo đó, Pháp cam kết bồi thường 8,16 triệu USD cho New Zealand và đổi lại, New Zealand sẽ trao trả hai điệp viên Alain Mafart và Dominique Prieur cho Pháp. Hai điệp viên này sau đó phải ngồi tù hai năm tại một căn cứ quân sự của Pháp ở Polynesia. Vụ bê bối đã làm dấy lên làn sóng quốc tế phải đối hành động vi phạm luật quốc tế của chính phủ Pháp và gây căng thẳng ngoại giao giữa Pháp và NewZealand trong một thời gian dài. Bộ trưởng Quốc phòng Charles Hemu cũng vì bê bối này, mà phải từ chức ngày 20/9/1985.

1. Vụ ám sát Alexander Litvinenko

Cơ quan liên quan: Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB)

FSB là cơ quan tình báo hoạt động dưới sự chỉ đạo của điện Kremlin, được khai sinh vào đầu những năm 1990 sau khi Liên Xô tan rã. FSB được xem là hậu bối của cơ quan tình báo nổi tiếng của Liên Xô KGB. Alexander Litvinenko từng là cựu mật vụ của KGB nhưng đã phản bội tổ chức và tổ quốc, chuyển sang làm việc cho Anh, sống lưu vong tại London. Ngày 1/11/2006, Litvinenko bị ngộ độc sau khi ăn ở một khách sạn tại thành phố London. Sau các cuộc điều tra, cảnh sát Anh xác định Litvinenko bị đầu độc bởi một cựu thành viên của KGB. Đồng thời, nhiều người tin rằng, chính FSB đứng sau giật giây vụ ám sát dù không có bằng chứng rõ ràng để chứng minh điều đó. Dù nhanh chóng được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện London nhưng do bị nhiễm chất polonium-210, một loại chất phóng xạ quá mạnh nên Litvinenko đã tử vong 22 ngày sau đó. Các điều tra của cảnh sát Anh sau này khẳng định, một số thành viên trong chính phủ Nga có liên quan tới vụ ám sát này. Tuy nhiên, cuối cùng, vụ án vẫn không thể xác định được hung thủ.

Theo KIẾN THỨC

Tags: ,