Khi Việt Nam chiến thắng

Những người làm báo in trong mảng thể thao có một dạng trải nghiệm đặc biệt: chuẩn bị một lúc nhiều trang báo khác nhau, cho 2 kịch bản của một trận đấu.

Báo in bị giới hạn thời gian sản xuất bởi quy trình in ấn và phát hành. Báo cần được in vào nửa đêm, hoặc cùng lắm là 4 giờ sáng để có thể xuất hiện trên các sạp báo mọi miền vào sáng sớm ngày hôm đó. Với rất nhiều trận đấu quan trọng, diễn ra vào tối muộn, không thể viết, biên tập và dàn trang sau khi trận đấu kết thúc. Chúng được chuẩn bị trước, hoàn thiện, chỉnh sửa trong khi trận đấu đang diễn ra, và ngay khi trận đấu kết thúc, kịch bản đúng lên đường ra nhà in.

Đôi lúc, với một trận đấu quan trọng, mà số trang tường thuật, phân tích và bình luận chiếm tới nửa tờ báo, thì phải chuẩn bị kịch bản cho nhiều trang. Một khối lượng công việc cực lớn được thực hiện bằng sự tưởng tượng. Phóng viên, biên tập viên và họa sỹ trình bày phải “giả lập” cảm xúc của mình trước một sự kiện chưa hề biết trước kết quả. Có 2 trang nhất trái ngược, đều phải đong đầy cảm xúc. Có ít nhất 2 bài bình luận trái ngược, đều phải chia sẻ được suy nghĩ của người hâm mộ. Có ít nhất 2 bài phân tích, đều phải chỉ ra được mạnh-yếu của kẻ thắng người thua như thể đó là quy luật.

Có người, trước cách làm ấy, mỉa mai rằng đám nhà báo thể thao “giọng nào cũng nói được”. Nhưng trong gần 10 năm làm báo thể thao, tôi chưa bao giờ thôi tự hào về cái đầu việc đặc biệt ấy. Cái cách chúng tôi thực hiện song song 2 trang báo ngay khi bóng đang lăn trên sân, là một hình ảnh đại diện cho sự mong manh của thể thao nói riêng, và bóng đá đỉnh cao nói chung. Thắng-thua, thành-bại chỉ là một khoảnh khắc. Không cái gì là tuyệt đối. Trong mỗi đội bóng, mỗi hành trình của họ ở mỗi giải đấu, đều có mặt yếu và mặt mạnh. Việc nhìn vào mặt mạnh của một đội bóng khi họ thắng; nhìn vào mặt yếu khi họ thua, chỉ là lựa chọn thời điểm thích hợp.

Suốt gần 10 năm, tôi đã trải qua không biết bao nhiêu lần “làm báo 2 kịch bản” như thế. Không biết bao nhiêu lần, đã trực tiếp hay chứng kiến đồng nghiệp được giao viết những bài báo mà vừa gõ vừa cầu nguyện, là chúng không bao giờ lên trang. Quãng thời gian đó, khi phải mổ xẻ một vấn đề hai lần, lật đi lật lại sự thắng-thua và tự phản biện trong tưởng tượng, càng dạy chúng tôi yêu quý giá trị của những khoảnh khắc bất ngờ.

Hôm nay, U23 Việt Nam có thể đã thua. Và nếu thua, đó không phải là một điều bất thường. Chúng ta sẽ chấp nhận điều đó, mà không cần đến các phân tích chuyên môn.

Hôm nay, U23 Việt Nam có thể đã thua. Cho dù trận đấu này diễn ra sớm, không cần làm báo 2 kịch bản, nhưng chắc chắn là có nhiều đồng nghiệp của tôi đã phải lẩm nhẩm mình sẽ viết gì nếu đội nhà dừng bước.

Nhưng hôm nay, U23 Việt Nam đã thắng. Bằng những khoảnh khắc xuất thần. Số phận đảo chiều liên tục trong những tiếng thét gào của CĐV trước màn hình TV. Nhiều khoảnh khắc có thể mô tả bằng từ “đáng sợ”. Thậm chí, lúc 21h12′, khi Iraq thực hiện thành công loạt đá luân lưu thứ hai, tôi đã muốn tắt màn hình đi vì không chịu nổi.

Hôm nay, U23 Việt Nam đã thắng. Sẽ có nhiều lời ngợi khen, có cả những phân tích trái chiều, và không ai cấm chúng ta mở rộng những suy tưởng về quá khứ và tương lai, đặt chiến thắng này vào một dòng suy nghĩ chung về sự phát triển của bóng đá thể thao, về V-League, VFF, VPF hay các ông bầu.

Nhưng giá trị của thể thao đỉnh cao chính là sự đảo chiều số phận trong khoảnh khắc. Nếu bóng đá chỉ là một chuỗi các quy luật thì sân bóng kém hấp dẫn hơn máy Play Station. Chính những hình ảnh thăng hoa ngắn ngủi ấy, như cú đánh đầu của Công Vinh vào lưới Thái Lan 10 năm về trước, hay pha cản phá cú 11m của Tiến Dũng tối nay, mới là thứ khắc sâu vào trí não người xem và để lại cảm xúc êm đềm nhiều năm về sau. Không phải là “chiến thuật”, “tiến trình phát triển” hay “hệ thống đào tạo”…

Hôm nay, U23 Việt Nam đã thắng. Cũng không sai nếu đặt ra câu hỏi rằng việc lọt vào top 4 châu lục lứa tuổi U23 thì “có ý nghĩa gì trong bức tranh phát triển”. Cũng không sai nếu đặt ra câu hỏi rằng chiến thắng này có “đại diện cho sức mạnh của nền bóng đá”.

Nhưng bất kỳ người yêu đội tuyển nào đã ngồi trước màn hình qua 2 hiệp phụ, và 5 loạt sút luân lưu, sẽ đồng ý với tôi, rằng ý nghĩa quan trọng nhất của trận đấu tối nay, đơn giản, là “Đội tuyển đã thắng”.

Đội tuyển đã thắng. Đường phố phủ cờ đỏ sao vàng. Cảm xúc của người hâm mộ sau quả đá luân lưu cuối cùng là thật, là thiêng liêng và không gì có thể chen vào. Không cần là “nấc thang mới” hay “phản ánh” bất kỳ cái gì lớn lao.

Điều kỳ diệu của bóng đá là những khoảnh khắc cô đọng như thế.

 >> Chùm ảnh: Khoảnh khắc chiến thắng của U23 Việt Nam trước đối thủ nặng ký Iraq

>> Chùm ảnh: Biển người trên đường phố mừng chiến thắng lịch sử của bóng đá Việt Nam

.

Theo ĐỨC HOÀNG / VNEXPRESS

Tags: