Chùm ảnh: Trên con đường Hạnh phúc huyền thoại của Hà Giang

Con đường Hạnh phúc của Hà Giang là nơi 14 thanh niên xung phong đã hy sinh trong quá trình mở đường, đem lại hạnh phúc thực sự cho đồng bào.

Trước thập niên 1960, từ thị xã Hà Giang lên đến huyện Mèo Vạc chưa có đường ô tô. Khi đó, chỉ có con đường mòn gập lởm chởm đá sỏi cho người đi bộ và ngựa thồ hàng xuyên qua một vùng núi non vô cùng hiểm trở.

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của khu vực xa xôi hẻo lánh và có điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt này, Trung ương và Khu uỷ Việt Bắc đã chủ trương mở đường Hà Giang – Đồng Văn hay Quốc lộ 4C, còn được gọi là con đường Hạnh Phúc.

Ngày 10/9/1959, con đường được khởi công. Những ngày sau đó, trên 1.200 dân công địa phương và 1.000 thanh niên xung phong đến từ các tỉnh khác đã dấn thân vào cuộc mở đường đầy gian khổ và hào hùng.

Đoạn đường vượt qua đèo Mã Pí Lèng là thử thách lớn nhất trên con đường Hạnh Phúc. Trải qua 11 tháng, biết bao thanh niên xung phong đã phải treo mình trước dòng Nho Quế để khai phá cung đường này.

Đến ngày 20/3/1965, quãng đường dài 21 km treo trên vách đá nối từ Đồng Văn sang đến Mèo Vạc, điểm cuối của con đường Hạnh Phúc đã thông suốt. Toàn bộ con đường kỳ vĩ đã hoàn thành với chiều dài toàn tuyến là 185 km.

Theo thống kê, tổng số ngày công để thực hiện đường Hạnh Phúc là 2.246.321 ngày với khối lượng 2.899.638m3 đất đá. Chi phí làm đường vào thời giá khoảng những năm 1960 chỉ khoảng 5,5 triệu đồng. Nhưng đó là con đường mà giá trị không thể đong đếm bằng vật chất.

Không chỉ là mồ hôi và nước mắt, con đường Hạnh Phúc còn thấm máu của 14 thanh niên xung phong đã vĩnh viễn nằm lại trên vùng núi đá tai mèo trùng trùng, điệp điệp trong quá trình mở con đường này.

Sau ngày con đường Hạnh Phúc hoàn thành, từ một vùng cao nguyên đá lạnh lẽo nghèo khổ, đời sống của đồng bào các dân tộc anh em đã thay đổi mạnh mẽ, từng bước bắt kịp các khu vực khác ở miền Tây Bắc.

Có thể nói, ngày 20/3/1965, ngày Con Đường hoàn thành cũng là ngày mà một con đường đi đến ấm no, hạnh phúc đã được mở ra cho nhân dân. Đó là ngày khai sinh một con đường huyền thoại của Việt Nam thế kỷ 20.

Thật trùng hợp, đến năm 2012 Liên Hợp Quốc đã lấy ngày 20/3 là ngày Quốc tế hạnh phúc. Ngày này là ý tưởng do chuyên gia Liên Hợp Quốc Jayme Illien đưa ra nhằm tôn vinh, phát triển và nâng cao hạnh phúc trên toàn cầu.

Nhiều thập niên sau khi được khai thông, con đường Hạnh Phúc tiếp tục được duy tu, nâng cấp, mở rộng để đáp ứng nhu cầu đi lại của đồng bào địa phương và sự phát triển kinh tế xã hội của cao nguyên đá.

Với sự bùng nổ của du lịch những năm gần đây, con đường Hạnh Phúc đã trở thành tuyến đường ưa thích của du khách trong và ngoài nước trên hành trình khám những cảnh quan hùng vĩ và nét văn hóa đặc sắc của mảnh đất địa đầu Tây Bắc.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , , ,