⠀
Chùm ảnh: Top 10 địa điểm tâm linh phải ghé thăm ở phố cổ Hội An
Khám phá những nét văn hóa tâm linh độc đáo của phố cổ Hội An qua 10 địa điểm thờ tự đặc sắc ở Di sản văn hóa thế giới này.
1. Chùa Cầu Hội An (186 Trần Phú) là công trình kiến trúc độc đáo và nổi tiếng bậc nhất phố cổ Hội An. Trên cầu có gian thờ Bắc Đế Trấn Võ – vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người, thể hiện khát vọng thiêng liêng mà con người muốn gửi gắm cùng trời đất.
2. Đình Cẩm Phô (52 Nguyễn Thị Minh Khai) là ngôi đình cổ nhất Hội An, hình thành vào khoảng cuối thế kỷ 15 và được tu bổ lại như hiện nay vào năm 1817. Đình thờ Thành Hoàng, các vị thần bảo hộ vùng đất và các vị Tiền hiền, Hậu hiền của làng.
3. Hội quán Quảng Đông (176 Trần Phú) còn gọi là Hội quán Quảng Triệu, được xây dựng vào năm 1885. Công trình ban đầu thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Đức Khổng Tử, sau năm 1911 chuyển sang thờ Quan Công và Tiền Hiền.
4. Hội quán Phúc Kiến (46 Trần Phú) có tiền thân là một gian miếu nhỏ thờ pho tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu vào năm 1697. Ngày này hội quán là nơi thờ Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu và các vị thần bảo hộ về sông nước, tiền của, con cái, các vị tổ tiên.
5. Hội quán Dương Thương (64 Trần Phú) còn gọi là hội quán Ngũ Bang, được xây dựng từ năm 1741 với sự đóng góp của các thương nhân 5 bang: Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam, Gia Ứng. Vị thần chính được thờ ở nơi đây là Thiên Hậu Ngũ Bang.
6. Hội quán Hải Nam (10 Trần Phú) còn được gọi là hội quán Quỳnh Phủ, do Hoa kiều bang Hải Nam đóng góp tiền của xây dựng vào năm 1875. Hội quán thờ 108 thương nhân người Hoa vùng Hải Nam bị chết oan trên vùng biển Thu Xà (Quảng Ngãi) vào năm 1851, dưới triều vua Tự Đức.
7. Hội quán Triều Châu (157 Nguyễn Duy Hiệu) được cộng đồng người Hoa gốc Triều Châu xây dựng vào năm 1845 để làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Hội quán này thờ thần Phục Ba,vị thần chuyên chế ngự sóng gió, giúp cho việc đi lại buôn bán trên biển được bình yên, thuận lợi.
8. Miếu Quan Công (24 Trần Phú) còn được gọi là Chùa Ông, được người Minh Hương có nguồn gốc Trung Hoa và người Việt khởi dựng vào năm 1653. Ngôi miếu này thờ Quan Công, vị tướng nổi tiếng thời Tam Quốc, được coi là biểu tượng của trung hiếu, tiết nghĩa.
9. Tụy Tiên Đường Minh Hương (14 Trần Phú) còn gọi là hội quán Minh Hương, được cộng đồng người Minh Hương xây dựng vào giữa thế kỷ 17 trên khu đất số 20 Phan Châu Trinh, năm 1905 thì được di dời về vị trí hiện nay. Nơi đây thờ các bậc tiền hiền của người Minh Hương.
10. Miếu Hy Hòa (6 Nguyễn Thái Học) được xây dựng vào đầu thế kỷ 19, trên đất của làng Minh Hương ở Hội An xưa. Miếu Hy là nơi thờ Ngũ Hành Tiên Nương, gồm 5 vị nữ thần tượng trưng cho 5 nguyên tố Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ trong Ngũ Hành, phù trợ tầng lớp thị dân thời xưa.
Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG
Tags: Di tích lịch sử, Địa điểm du lịch, Di sản thế giới, Hội An