⠀
Chùm ảnh: ‘Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi. Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi…’
Đi ngược về nguồn dòng sông Mã huyền thoại trong âm hưởng hào hùng của bài thơ Tây Tiến sẽ là trải nghiệm khó quên dành cho du khách phương xa…
Chảy từ địa phận nước bạn Lào qua hai tỉnh Sơn La, Thanh Hóa trước đổ ra Biển Đông, sông Mã có chiều dài 512 km (phần trên lãnh thổ Việt Nam dài 410 km), là một trong những dòng sông lớn và có vị trí quan trọng trong tiến trình lịch sử văn hóa của Việt Nam.
Theo các nhà nghiên cứu, tên gọi của sông Mã xuất phát từ tên tiếng dân tộc Thái và tiếng Lào là nậm Ma, trong đó “nậm” nghĩa là sông, nước. Đây cũng là tên chính thức của đoạn sông bên Lào.
Trên phương diện từ nguyên học, theo cuốn “Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt” (Nhà xuất bản Giáo dục, 2006), từ “Ma” trong tên gọi nậm Ma đồng nghĩa với từ “mạ” trong tiếng Việt cổ, còn lưu lại trong phương ngữ miền Trung, có nghĩa là “mẹ”.
Như vậy, tên gọi nguyên bản của sông Mã có nghĩa là sông Mẹ, hiểu rộng ra là một con sông lớn, có nguồn nước dồi dào nuôi sống cư dân như một người mẹ hiền.
Các sử quan phong kiến Việt Nam đã ghi lại tên của dòng sông này trong văn thư là sông Mã, với từ “Mã” theo nghĩa Hán – Việt là con ngựa. Tên gọi này cũng phù hợp với đặc điểm của một dòng sông có dòng nước chảy xiết như ngựa phi.
Nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Việt Nam gắn liền với sông Mã. Phù sa sông Mã là nguồn chủ yếu tạo nên đồng bằng Thanh Hóa, đồng bằng lớn thứ ba ở Việt Nam. Đồng bằng này cũng là một trong những cái nôi của nền văn minh Đông Sơn.
Những thế kỷ sau đó, vùng đồng bằng hình thành từ sông Mã trở thành nơi sinh trưởng của vô số nhân tài kiệt xuất, cũng như vùng đất phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam.
Đến thế kỷ thứ 10, một đoạn sông Mã đã được Vua Lê Đại Hành tổ chức khơi thông tạo tuyến kênh Nhà Lê, là tuyến giao thông đường thủy trọng yếu nối từ kinh đô Hoa Lư tới biên giới đất nước thời đó ở Đèo Ngang.
Thời nhà Nguyễn, vua Minh Mạng đã cho đúc hình ảnh sông Mã lên Cửu Đỉnh như một cách khẳng định tầm quan trọng của dòng sông này trong hình thế đất nước.
Đến giai đoạn kháng chiến chống Pháp, sông Mã gắn với những năm tháng hào hùng của người chiến binh cứu quốc ở liên chiến trường Việt – Lào.
Điều này được thể hiện qua những câu thơ bất hủ trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi / Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi…”; “…Áo bào thay chiếu, anh về đất / Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.
Từ một dòng sông, sông Mã đã trở thành tên một huyện – huyện Sông Mã của tỉnh Sơn La (thành lập năm 1962), và tên một thị trấn – thị trấn Sông Mã, huyện lỵ của huyện Sông Mã (thành lập năm 1977).
Ngày nay, phần lớn chiều dài sông Mã vẫn mang vẻ đẹp hoang sơ với cảnh đồi núi trập trùng được tô điểm bằng những bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số. Đi ngược về nguồn dòng sông lịch sử này trong âm hưởng hào hùng của bài thơ Tây Tiến sẽ là trải nghiệm khó quên dành cho du khách phương xa…
Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG
Tags: Địa điểm du lịch, Danh lam thắng cảnh, Sơn La, Thanh Hóa, Sông