Chùm ảnh: Sông Kẻ Vạn – một dòng chảy lịch sử ở Cố đô Huế

Sông Kẻ Vạn được đào vào năm 1814-1815, dưới thời vua Gia Long, còn được gọi là Hữu Hộ Thành hà. Chiến thuyền của nhà Nguyễn từng đi lại tấp nập trên dòng sông này.

Nằm ở phía Tây của Kinh thành Huế, sông Kẻ Vạn là một dòng sông gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Cố đô Huế.

Về mặt địa lý, sông có chiều dài 5,5 km, bắt đầu từ sông Hương ở khu vực cầu Bạch Hổ, chảy dọc mặt Tây Kinh thành, nối với sông Bạch Yến rồi đổ vào Cửa Hậu ở mặt Bắc Kinh thành.

Sông được đào vào năm 1814-1815, dưới thời vua Gia Long, còn được gọi là Hữu Hộ Thành hà (dòng sông bảo vệ cánh phải của Kinh thành).

Ngoài chức năng phòng thủ, sông còn là tuyến đường thủy phục vụ nhu cầu giao thông, thương mại xung quanh Kinh thành Huế.

Thuở ban đầu, dọc bờ sông Kẻ Vạn có các trại thủy quân, có âu thuyền cho chiến thuyền neo đậu và các công xưởng để tu sửa định kỳ các loại thuyền bè.

Theo thời gian, gia đình lính thủy dần dần định cư ven bờ sông ở khu vực làng Vạn Xuân, từ đó nhân dân gọi là làng Kẻ Vạn. Cũng từ đó nơi đây hình thành bến đò và chợ Kẻ Vạn.

Đầu nguồn sông Kẻ Vạn còn lưu giữ tấm bia “Lợi Tế kiều”, ghi lại việc cầu Lợi Tế (ở vị trí cầu Kim Long ngày nay) được xây dựng vào thời vua Minh Mạng.

Trải qua sự biến đổi của thởi cuộc, khung cảnh tàu tuyền tấp nập trên sông Kẻ Vạn đã trở thành dĩ vãng.

Những gì còn lại chỉ là dòng nước thanh bình chảy qua những chòm xóm mộc mạc thấp thoáng sau lùm cây xanh.

Trên bản đồ du lịch, sông Kẻ Vạn là địa danh hầu như không được khách phương xa biết đến.

Điều này khiến dòng sông đào có tuổi đời hai thế kỷ trở thành một chốn “nguyên sơ” dành cho những ai muốn cảm nhận phong vị êm đềm của cuộc sống ở Cố đô Huế.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , ,