Chùm ảnh: Những cây cầu cổ giữa lòng Kinh thành Huế

Vắt ngang qua kinh thành Huế, sông Ngự Hà còn được gọi là sông Vua, được đào vào các thời vua Gia Long và Minh Mạng. Trên con sông này ngày nay còn 5 cây cầu cổ, mỗi cây cầu lại có một nét đặc biệt mà không phải ai cũng biết.

>> Chùm ảnh: Sông Ngự Hà – dòng sông Vua chia đôi Kinh thành Huế
.

Từ Đông sang Tây, cây cầu cổ đầu tiên trên sông Ngự Hà là cầu Lương Y, còn gọi là cống Đông Thành Thủy Quan. Cầu nằm trên đường Xuân 68, trục đường chạy dọc theo mặt Đông của Kinh thành Huế.

Cầu được xây bằng gạch vồ, dáng cong cong, cũng là kiểu dáng chung của các cây cầu trong Kinh thành. Dưới cầu có một cửa cống đủ lớn cho thuyền nhỏ đi qua.

Nét đặc biệt của cầu Lương Y là trên thành cầu vẫn còn giữ được các ổ để đặt súng thần công. Cây cầu có vị trí quan trọng về quân sự do án ngữ cửa ngõ đường thủy ở phía Đông Kinh thành Huế.

Cây cầu tiếp theo là cầu Kho, còn gọi là cầu Ngự Hà. Cầu nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, trục đường lớn nhất đi qua Kinh thành Huế.

Cầu có ba cửa cống, cửa ở giữa lớn nhất, hai cửa nhỏ hơn ở hai bên. Đây là cầu dài nhất trong các cầu trên sông Ngự Hà.

Ở đầu phía Bắc của cầu có một nhà bia, bên trong đặt tấm bia cổ tên là “Ngự chế Ngự Hà bi ký” do đích thân Vua Minh Mạng biên soạn. Nội dung khắc trên bia nói về sông Ngự Hà và các cây cầu phía Đông của con sông này.

Trên bia có đoạn nói về nguồn gốc tên sông Ngự Hà và cầu Ngự Hà: “…Cầu xây đá thanh, hai bên có lan can bằng đá để bảo vệ. Mặc khác, vì sông này trước đó chưa có tên, bèn gọi tên là Ngự Hà, cho nên cũng lấy nó để đặt tên cầu”.

Cây cầu tiếp theo trên sông Ngự Hà là cầu Khánh Ninh, còn gọi là cống Hắc Báo. Cây cầu có một đầu giao với đường Trần Văn Kỷ và đường Ngô Thế Lân, đầu bên kia nối với đường Triệu Quang Phục.

Cầu Khánh Ninh có một cửa cống, những kiểu dáng có phần khác với cầu Lương Y khi hai bên cửa cống không có trụ vuông. Cầu cũng ngắn hơn so với cầu Lương Y vì khúc sông Ngự Hà ở đoạn này hẹp hơn.

Đầu phía Bắc của cầu Khánh Ninh cũng có một nhà bia, bên trong đặt tấm bia “Ngự chế Khánh Ninh kiều bi ký”.

Nội dung bia đá nói về sông Ngự Hà, nguồn gốc của cầu Khánh Ninh cùng các cây cầu phía Tây sông Ngự Hà. Cùng với bia “Ngự chế Ngự Hà bi ký”, bia “Ngự chế Khánh Ninh kiều bi ký” được các nhà nghiên cứu coi là bia đá cổ có giá trị đặc biệt của Cố đô Huế.

Cách cầu Khánh Ninh không xa là cầu Vĩnh Lợi. Cây cầu này nằm trên đường Nguyễn Trãi, tuyến đường huyết mạch phía Tây Kinh thành Huế.

Cầu Vĩnh Lợi chỉ có một cửa cống. Độ dài và kiểu dáng của cầu tương tự như cầu Khánh Ninh.

Cầu Vĩnh Lợi nhìn từ cầu Khánh Ninh. Hai cây cầu này cùng nằm trên một trục thẳng của sông Ngự Hà.

Cây cầu cuối cùng trên sông Ngự Hà là Cầu Thủy quan, còn gọi là cống Tây Thành Thủy Quan. Cầu nằm trên trục đường Tôn Thất Hiệp chạy dọc mặt tường thành phía Tây Kinh thành Huế.

Cầu Thủy Quan có một cửa cống. Cũng như cầu Lương Y, cây cầu này là một công trình có công năng phòng thủ nên trên thành cầu có các khoảng hở để đặt súng thần công.

Ở đoạn tường thành sát với cầu, vào thời thuộc địa quân Pháp đã cho xây một lô cốt lớn, khiến cây cầu này trở thành một cứ điểm phòng thủ ở phía Tây Kinh thành.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , , ,