Chùm ảnh: Khám đường Tây Ninh – một ‘nhà tù Côn Đảo’ trên đất liền

Nơi ăn, chốn ở của người tù tại đây không khác gì chuồng trại chăn nuôi gia súc. Họ không được cấp phát quần áo, chăn chiếu, không được sở hữu cả các vật dụng cá nhân.

Nằm ở đường Trần Quốc Toản, TP Tây Ninh, khám đường Tây Ninh là một nhà tù lớn do thực dân Pháp xây dựng vào cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20 ở tỉnh Tây Ninh để giam cầm, tra tấn những người không phục tùng ách cai trị của người Pháp.

Khám đường này có lối kiến trúc giống như một số nhà tù ở Côn Đảo, với những dãy phòng giam có hành lang bao quanh.

Bên ngoài khám đường có tháp canh. Lực lượng lính gác có vũ trang luôn canh phòng cẩn mật khu khám đường 24/24 giờ.

Mỗi buồng giam có diện tích khoảng hơn 50 m2, lúc cao điểm có thể nhốt đến 100 người.

Nơi ăn, chốn ở của người tù tại đây không khác gì chuồng trại chăn nuôi gia súc. Họ không được cấp phát quần áo, chăn chiếu, không được sở hữu cả các vật dụng cá nhân.

Tù nhân nằm trên các nền xi măng không chăn chiếu, lạnh cóng vào ban đêm. Tối đến họ không được ra khỏi phòng. Tiểu tiện, đại tiện đều ở trong phòng. Có bể chứa nước nhưng ít khi có nước đầy đủ nên mùi nước tiểu, mùi phân người tỏa ra đến nghẹt thở.

Sau năm 1954, Mỹ – Diệm cũng sử dụng và mở rộng thêm khám đường Tây Ninh. Những biện pháp tra tấn hiện đại kiểu Mỹ được áp dụng để truy bức tù nhân – không chỉ là người cách mạng mà có cả giới trí thức và những người chống đối chế độ Ngô Đình Diệm.

Đặc biệt, từ năm 1956, Mỹ – Diệm mở chiến dịch lớn đàn áp phong trào cách mạng miền Nam. Thời gian này nhiều cơ sở cách mạng của ta bị lộ, chiến sĩ cách mạng của ta bị bắt ngày càng đông.

Hầu hết các chiến sĩ bị đưa về khám đường Tây Ninh để đánh đập, tra khảo tàn bạo, xử án sơ thẩm rồi chuyển đi các trại tù khác như khám Chí Hòa, hoặc trại tù Phú Lợi…

Mỹ – Diệm đã dùng mọi kiểu cách, mọi hình thức tra khảo thô bạo và tàn nhẫn hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng. Dù phải chịu đói khát, bệnh tật, đau đớn và cả cái chết… nhưng ý chí của những chiến sĩ cách mạng kiên trung không hề bị lay chuyển.

Một trong những tù nhân nổi tiếng từng bị giam ở khám đường Tây Ninh là đồng chí Hoàng Lê Kha, Tỉnh ủy viên tỉnh Tây Ninh, bị bắt ngày 5/8/1959. Đồng chí đã bị chúng đánh đập, tra tấn hết sức tàn nhẫn để khai thác thông tin.

Không thể lay chuyển một người Cộng sản kiên cường, chúng đành chuyển sang tòa án xét xử, cuối cùng kết án tử hình. Đồng chí Hoàng Lê Kha sau đó bí mật đem đi xử chém bởi Luật 10/59 ở ấp Tam Hạp, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

Ngày nay, khám đường Tây Ninh là một chứng tích lịch sử quan trọng tố cáo tội ác của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trên mảnh đất hình chữ S. Đây cũng là nơi ghi dấu ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , , ,