Chùm ảnh: Đồn Đông Khê – nơi diễn ra trận công kiên đầu tay của Việt Minh

Trận Đông Khê là trận tiến công địch trong công sự vững chắc lớn nhất của Việt Minh kể từ sau ngày độc lập tới thời điểm năm 1950. Trận đánh đã đánh dấu sự phát triển của quân đội Việt Minh, làm cơ sở cho sự hình thành chiến thuật sau này.Chùm ảnh: Đồn Đông Khê – nơi diễn ra trận đánh công kiên đầu tay của Việt Minh

Nằm trên một ngọn đồi cao ở thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An, tỉnh cao Cao Bằng, đồn Đông Khê là nơi diễn ra trận đánh mở màn cho chiến dịch Biên giới thu – đông năm 1950, tạo tiền đề cho cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Cụm di tích đồn Đông Khê bao gồm các di tích chủ yếu là hệ thống lô cốt và hầm ngầm của địch cùng nhiều công trình khác như hệ thống hàng rào, công sự, cổng đồn có ụ súng đặt hoả lực 12, các địa điểm đóng quân và đồn trú của địch.

Đông Khê là cụm cứ điểm quan trọng trên tuyến phòng thủ Quốc lộ 4 của Pháp. Lực lượng địch gồm 2 đại đội lính lê dương và một trung đội ngụy quân, trang bị pháo 105mm, 57mm, pháo cối và hỏa lực mạnh khác.

Chùm ảnh: Đồn Đông Khê – nơi diễn ra trận đánh công kiên đầu tay của Việt Minh

Từ ngày 16/9/1950, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái trực tiếp chỉ huy trận Đông Khê nhằm tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê, cô lập địch ở Cao Bằng, tạo điều kiện đánh viện binh địch trên Quốc lộ 4. Trận đánh này diễn ra theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, từ 6h ngày 16/9/1950 đến rạng sáng 17/9/1950. Ta tiêu diệt các cứ điểm ngoại vi; tiến công địch liên tục, chiếm được 5 đồn tiền tiêu, nhưng chưa phát triển được. Địch tập trung hỏa lực và xung lực phản kích chiếm lại 3 đồn, gây cho ta nhiều khó khăn.

Sang giai đoạn 2, từ 17h ngày 17/9/1950, Chỉ huy trưởng mặt trận để Trung đoàn 174 chuyển hướng đột phá từ hướng Bắc sang hướng Đông Bắc nhằm kiềm chế địch, để tập trung lực lượng tiêu diệt địch trong trung tâm, đồng thời thay đổi hướng tiến công chủ yếu sang phía Đông.

3 giờ ngày 18/9, pháo binh ta bắn vào các mục tiêu địch trong trung tâm. Trên các hướng, bộ đội ta xung phong tiến công và xuất hiện nhiều gương chiến đấu dũng cảm như Lý Văn Mưu, La Văn Cầu, Trần Cừ.

Trước sức tiến công quyết liệt của bộ đội ta, địch phải lui về khu nhà chỉ huy cố thủ. 4h30 phút ngày 18/9, quân ta thọc sâu chiếm Sở chỉ huy, buộc số địch còn lại xin hàng, bắt chỉ huy trưởng cứ điểm và sĩ quan tham mưu. Đến 10 giờ cùng ngày, ta làm chủ trận địa, trận đánh kết thúc.

Sau hơn 2 ngày chiến đấu với hình thức chiến thuật công kiên, ta chiếm được cứ điểm Đông Khê, đập vỡ mắt xích quan trọng trên tuyến phòng thủ Quốc lộ 4 của Pháp, loại khỏi vòng chiến đấu 300 quân Âu-Phi, thu toàn bộ vũ khí.

Chiến thắng của trận Đông Khê đã tạo điều kiện quyết định cho chiến dịch phát triển, buộc địch phải rút khỏi Cao Bằng, tạo cơ hội cho ta tiêu diệt viện binh địch trong giai đoạn tiếp sau.

Các sử gia sau này đánh giá, trận Đông Khê là trận tiến công địch trong công sự vững chắc lớn nhất của ta kể từ sau ngày độc lập tới thời điểm năm 1950. Trận đánh đã đánh dấu sự phát triển của quân đội Việt Minh, làm cơ sở cho sự hình thành chiến thuật sau này.

Với ý nghĩa lịch sử to lớn, di tích Đông Khê đã được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia của Việt Nam.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , , ,