Chùm ảnh: Đẹp quên lối về hành trình Hà Giang – Đồng Văn

Hành trình từ thành phố Hà Giang đến thị trấn Đồng Văn khởi đầu với những cung đường uốn lượn trên sườn sốc thoai thoải. Hai bên đường có nhiều khu dân cư nhỏ và các thửa ruộng bậc thang…

Quốc lộ 4C, còn gọi là “Con đường Hạnh phúc”, đoạn từ thành phố Hà Giang đi thị trấn Đồng Văn là cung đường mà bất cứ “tín đồ” du lịch nào cũng muốn được trải nghiệm ít nhất một lần trong đời.

Hành trình dài 150 km này khởi đầu với những cung đường uốn lượn trên sườn sốc thoai thoải. Hai bên đường có nhiều khu dân cư nhỏ và các thửa ruộng bậc thang. Đi khoảng 5 km, địa giới thành phố Hà Giang kết thúc, bước sang địa phận huyện Vị Xuyên.

Càng đi, địa hình càng dốc hơn, các con đường trở nên quanh co hơn và dân cư cũng thưa thớt hơn rất nhiều. Đi qua dốc Bắc Sum, cách thành phố Hà Giang 33 km, là đến địa phận huyện Quản Bạ.

Đài tiếp sóng truyền hình Quản Bạ nằm cách thành phố Hà Giang 47 km, là điểm dừng chân quen thuộc của giới “phượt thủ” trên Quốc lộ 4C. Từ mặt đường lên địa điểm này phải leo qua vài chục bậc thang xây trên sườn núi.

Từ mặt sân của đài tiếp sóng truyền hình có thể phóng tầm mắt quan sát khung cảnh núi non trùng điệp của huyện Quản Bạ.

Từ đài tiếp sóng đi thêm gần 200 mét sẽ đến Cổng trời Quản Bạ, một địa điểm rất nổi tiếng trên cung đường Hà Giang – Đồng Văn. Đây là một đài quan sát trên núi, cung cấp cái nhìn toàn cảnh về thị trấn Quản Bạ ở phía dưới thung lũng.

Núi Đôi Quản Bạ nằm ở phía Đông thị trấn Quản Bạ, nhìn từ Cổng trời. Đây là thắng cảnh nổi tiếng gắn với một truyền thuyết được kể lại ở Hà Giang qua rất nhiều thế hệ.

Đến địa phận xã Cán Tỷ (huyện Quản Bạ, cách TP Hà Giang 70 km), Quốc lộ 4C chạy men theo bờ sông Miện, một phụ lưu của sông Lô. Khu vực này còn được gọi là hẻm vực sông Miện vì hai bên là những vách núi đá dựng đứng.

Gồm hai dãy tường thành cắt ngang qua hai bờ sông Miện, thành cổ Cán Tỷ là một công trình quân sự đồ sộ được người Pháp xây dựng vào cuối thế kỷ 19.

Quốc lộ 4C nhìn từ thành cổ Cán Tỷ.

Trục quay sợi tại sân nhà của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Cán Tỷ. Bên cạnh những cảnh quan kỳ vĩ, du khách đi trên Quốc lộ 4C cũng có cơ hội khám phá đời sống và những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng cư dân bản địa.

Các thiếu niên địa phương sử dụng xe cút kít tự chế trên Quốc lộ 4C ở huyện Yên Minh.

Cảnh quan núi non nhìn từ Quốc lộ 4C, địa phận xã Na Khê, huyện Yên Minh.

Nhóm phụ nữ và trẻ em gánh củi về bản Đoàn Kết, xã Na Khê.

Toàn cảnh thị trấn Yên Minh, huyện lỵ của huyện Yên Minh, nhìn từ Quốc lộ 4C. Đến đây đã hoàn thành 2/3 hành trình từ TP Hà Giang đi thị trấn Đồng Văn. Tuy vậy, những điều tuyệt vời nhất vẫn nằm ở phía trước…

Từ thị trấn Yên Minh đi thêm vài cây số, cao nguyên đá Đồng Văn lộ diện ở địa phận xã Vần Chải, huyện Đồng Văn với những mỏm núi lởm chởm đá tai mèo.

Càng đi, cảnh tượng càng kỳ vĩ. Những dạng địa chất độc đáo xuất hiện, như “sách đá” Vần Chải – một vùng kiến tạo địa chất đặc biệt gồm những tập đá đơn nghiêng nằm xếp lên nhau thành tầng tầng lớp lớp.

Cách khu “sách đá” không xa là “đàn sư tử biển”, cũng nằm ở xã Vần Chải. Đây là một bãi đá với những phiến đá có hình thù thuôn dài, mềm mại, nằm san sát và cùng hướng với nhau như một đàn sư tử biển đang tắm nắng.

Nằm giữa cao nguyên đá trứ danh Hà Giang, dốc Thẩm Mã là một đoạn đèo có chín khúc uốn lượn rất nổi tiếng. Khi nhìn từ đỉnh con dốc cách thành phố Hà Giang 112 km này, cảnh tượng ngoạn mục đến lặng người.

Đi hết dốc Thẩm Mã là đến địa phận xã Phố Cáo. Cảnh sắc nơi đây đẹp như một bức tranh, với những ngôi nhà trình tường đơn sơ ẩn hiện bên sườn núi đá hùng vĩ.

Đi hết Phố Cáo, một thung lũng tuyệt đẹp hiện ra trong tầm mắt. Đó là thung lũng Sủng Là (xã Sủng Là), nơi được cộng đồng du lịch biết đến như một trong những thung lũng đẹp nhất vùng Tây Bắc.

Trung tâm xã Sủng Là có làng văn hóa Lũng Cẩm, nơi sinh sống của 60 hộ dân thuộc các dân tộc khác nhau như Mông, Hoa, Lô Lô… Đây là bối cảnh cho bộ phim điện ảnh nổi tiếng “chuyện của Pao” của đạo diễn Ngô Quang Hải, do Đài truyền hình Việt Nam sản xuất vào năm 2005.

Sự khắc nghiệt của địa hình và thời tiết ở Sủng Là không ngăn nổi các loài cây đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa, tạo nên một “thung lũng nơi đá nở hoa” vô cùng tươi đẹp.

Đi qua thung lũng, các cảnh quan độc đáo của cao nguyên đá Đồng Văn tái xuất hiện.

Các di sản địa chất ở nay đât mang những tên gọi hấp dẫn như nương đá, địa hình đơn nghiêng, sự kiện hủy diệt sinh giới…

Sang địa phận xã Sà Phìn, một điểm dừng lý thú mời gọi các vị khách phương xa. Đó là “địa hình mặt trăng” – một dạng cảnh quan đặc biệt được tạo nên bởi các dãy núi đá vôi bị phong hóa, trên bề mặt hầu như không có lớp phủ thực vật, các tảng, khối đá phủ khắp bề mặt sườn núi.

Nằm cạnh Quốc lộ 4C, khu vực trung tâm xã Sà Phìn là nơi tọa lạc dinh thự của Vua Mèo Vương Chính Đức – người đứng đầu dòng họ Vương của người Mông ở Hà Giang 1 thế kỷ trước. Công trình tọa lạc trên một quả đồi thấp, rợp bóng cây sa mộc, cách thành phố Hà Giang 132 km.

Tòa dinh thự được xây trong 8 năm, tiêu tốn khoảng 150.000 đồng bạc trắng. Kiến trúc của tòa nhà mô phỏng một phần kiến trúc thành quách đời Thanh của Trung Hoa, kết hợp với các hoa văn của người Mông, có các lô cốt kiên cố dùng cho mục đích phòng thủ.

Sang xã Thài Phìn Tủng, hai bên đường Quốc lộ 4C là những đỉnh núi cao vút, trập trùng.

Cây thiêng Thài Phìn Tủng là một điểm dừng chân không thể bỏ qua ở xã cùng tên. Đây là một cây cổ thụ có đường kính gốc khoảng 0,7 mét, mọc giữa một thung lũng chỉ có đá lởm chởm của cao nguyên đá Đồng Văn.

Sự hiện diện của một cây to như vậy là điều lạ ở vùng đất nổi tiếng với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Người Mông cư trú trong vùng tin rằng có một vị thần cư ngụ ở gốc cây thiêng. Ngài có khả năng hóa giải tất cả những khổ đau, bất hạnh, đem lại may mắn và hạnh phúc cho con người…

Từ Thài Phìn Tủng đi thêm vài cây số, các khu dân cư của thị trấn Đồng Văn đã hiện ra trong tầm mắt. Hành trình trên cung đường kỳ diệu Hà Giang – Đồng Văn xin được khép lại ở đây…

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , , ,