⠀
Chùm ảnh: Choáng ngợp giữa nhà hát vĩ đại nhất của người Hy Lạp cổ
Với sức chứa 14.000 khán giả, nhà hát Epidaurus có quy mô lớn hơn nhiều lần so với các nhà hát thời hiện đại. Chất lượng âm thanh tuyệt hảo cũng làm nên danh tiếng cho nhà hát này.
Nằm trong khu di chỉ khảo cổ Epidaurus của Hy Lạp, nhà hát Epidaurus, nhà hát của người Hy Lạp cổ đại, là một trong những kiệt tác kiến trúc nổi tiếng nhất của nền văn minh Hy Lạp cổ đại. Ảnh: Wikipedia.
Theo sử sách, nhà hát này được xây dựng vào thế kỷ thứ 4 TCN theo thiết kế của kiến trúc sư Polyklcito, với 55 hàng ghế xếp thành hình bán nguyệt dựa vào một triền đồi tự nhiên. Ảnh: World Heritage Journeys.
Trung tâm nhà hát là sân khấu hình tròn với đường kính 19,5 mét. Toàn bộ công trình có đường kính 119 mét và sức chứa 14.000 khán giả. Ảnh: Aefestival.gr.
Với sức chứa như vậy, nhà hát Epidaurus có quy mô lớn hơn nhiều lần so với các nhà hát thời hiện đại. Ảnh: World History Encyclopedia.
Điều đáng ngạc nhiên là dù to lớn như vậy nhưng người ngồi ở hàng ghế cuối cùng của nhà hát vẫn có thể nghe âm thanh từ sân khấu (cách 60 mét) mà không cần hệ thống khuếch đại âm thanh. Ảnh: Discover Greece.
Bên cạnh đó, chất lượng âm thanh tuyệt hảo cũng làm nên danh tiếng cho nhà hát Epidaurus. Ảnh: Aefestival.gr.
Cho đến ngày nay, chất lượng âm thanh của nhà hát vẫn là chủ đề gây tranh cãi trong giới kiến trúc sư và các chuyên gia. Ảnh: Aefestival.gr.
Chưa thể khẳng định, những viên đá được chọn lọc để làm vật liệu xây dựng nhà hát hay kỹ thuật xây dựng mới là bí quyết truyền âm của nhà hát cổ xưa này. Ảnh: Eagles and Dragons Publishing.
Theo lý giải gần đây của một số nhà nghiên cứu, sự xắp xếp các hàng ghế ngồi theo bậc thang với các vòng tròn đồng tâm cách đều sân khấu là chìa khóa của vấn đề. Ảnh: Kids Love Greece.
Đây là cấu trúc hoàn hảo cho việc lọc âm, khử nhiễu các âm thanh tần số thấp (là thành phần chính của tiếng ồn nền trong nhà hát), đồng thời khuếch đại giọng có tần số cao của diễn viên. Ảnh: Searching for Tao.
Không rõ điều này được tạo ra cố ý hay vô tình trong quá trình thiết kế. Nhưng dù thế nào, người Hy Lạp và La Mã cổ đại đã đánh giá đúng khả năng truyền âm của nhà hát Epidaurus và áp dụng chúng cho những nơi khác. Ảnh: The Orange Backpack.
Từ năm 1988, nhà hát Epidaurus cùng nhiều công trình khác của thành phố cổ Epidaurus đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới với tên gọi chung là Thánh địa của Asklepios tại Epidaurus. Ảnh: The Archaeologist.
Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG
Tags: Di tích lịch sử, Địa điểm du lịch, Di sản thế giới, Hy Lạp cổ, Hy Lạp