Chùm ảnh: Chợ Hội An – dấu ấn của một thời vàng son phố Hội

Khi đô thị cổ Hội An trở thành Di sản văn hóa thế giới, dường như chợ Hội An cũng tìm lại được ánh hào quang lịch sử của mình…

Nằm ở trung tâm phố cổ, được bao quanh bởi bốn con đường Trần Phú, Tiểu La, Bạch Đằng và Trần Quý Cáp, chợ Hội An có tuổi đời nhiều thế kỷ. Đây có thể coi là khu chợ cổ mang tính quốc tế duy nhất của Việt Nam còn tồn tại đến nay.

Theo các tư liệu lịch sử, chợ Hội An thuở xưa nằm ở khu vực phía trước đình Ông Voi. Chợ chuyển về vị trí hiện tại, đối diện miếu Quan Công, vào khoảng năm 1848. Vị trí chợ được lựa chọn theo mô hình chung của chợ Việt thời xưa, đó là ở các giao lộ, gần bến sông, đình, chùa, miếu.

Vào buổi sơ khai, chợ Hội An chỉ là nơi trao đổi hàng hóa kiểu tự cung, tự cấp như chợ làng ở các khu vực khác. Khi Hội An trở thành một thương cảng quốc tế, khu chợ cũng lột xác, trở thành một nơi giao thương nhộn nhịp giữa cư dân địa phương với thương nhân đến từ nhiều quốc gia.

Vào thời điểm cực thịnh, ranh giới giữa chợ Hội An với khu đô thị cổ Hội An khá mờ nhạt. Khi đó, cả Hội An là một khu chợ lớn bao gồm những lều chợ tập trung tại trung tâm và mở rộng ra một số đường phố vào những thời điểm đông đúc.

Trong cuốn “Người Châu Âu ở An Nam”, tác giả C.May Bon viết về việc buôn bán ở Hội An: “Người địa phương có thói quen mang đến chợ những sản phẩm trong vùng như tơ lụa sống, tơ đã dệt, gỗ đóng đồ đạc, gỗ trầm hương, đồng, xạ hương, quế, hạt tiêu, gạo…”.

Trong lịch sử, Lê Quý Đôn nhận xét: “…đường thủy, đường bộ, đi thuyền đi ngựa đều hội tập ở phố Hội An vì thế người khách phương Bắc đều đến tu tập ở đấy để mua về nước. Trước đây hàng hóa nhiều lắm, dù trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được…”.

Khi cảng thị Hội An suy tàn, chợ Hội An cũng thu hẹp về quy mô, chỉ còn mang tầm vóc một khu chợ địa phương. Vào thời thuộc địa, chợ được xây lại trong khuôn viên hình chữ nhật, kết cấu xây bằng gạch, cửa vòm… với nhiều nét kiến trúc phương Tây mà ngày nay vẫn còn được lưu giữ.

Đối diện cổng chợ vào có một giếng nước cổ. Tương truyền giếng có trước chợ, khi lập chợ thì giếng đã cung cấp nước cho cả chợ và khu vực xung quanh. Cùng với việc xây chợ, giếng cũng được làm mái che – nên giếng có tên gọi là giếng mái.

Về hàng hóa, chợ Hội An thời hiện đại bày bán nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm từ các vùng quê ven vùng, các mặt hàng vải vóc, thủ công mỹ nghệ, thủy hải sản của vùng sông nước, ven biển và các mặt hàng lâm thổ sản từ các vùng trung du, miền núi xứ Quảng.

Bên trong chợ bố trí một dãy hàng quán ăn với nhiều món ăn truyền thống của địa phương như mỳ Quảng, cao lầu, bánh bèo, bánh xèo, cơm gà, bún, phở… Đây là yếu tố khiến chợ được trang Lonely Planet bình chọn là một trong những điểm ẩm thực được yêu thích nhất trên thế giới.

Nếp sinh hoạt, buôn bán bên trong chợ Hội An vẫn được duy trì như cách đây nhiều thế kỷ. Đây thực sự là nơi thuận mua vừa bán, khách hàng có thể hài lòng tìm mua những thứ mình cần mà không sợ bị chặt chém, tráo đổi.

Điều này không khác gì so với mô tả của Lê Quý Đôn vào thế kỷ 18: “Chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang; ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư lạc nghiệp…”.

Khi đô thị cổ Hội An trở thành Di sản văn hóa thế giới, dường như chợ Hội An cùng tìm lại được ánh hào quang lịch sử của mình. Ngày nay, khu chợ đã trở thành một trong các địa điểm thu hút nhiều du khách quốc tế nhất ở khu phố cổ Hội An…

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , , ,