Chùm ảnh: ‘Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà…’

Trải qua các triều đại phong kiến Việt Nam, đèo Ngang đã được coi là một danh thắng của nước việt, đi vào nhiều câu ca dao và tác phẩm văn học.Chùm ảnh: ‘Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà…’

Nằm ở ranh giới của hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, đèo Ngang là một thắng cảnh nổi tiếng của khu vực Bắc Trung Bộ.

Đèo dài 6 km, đỉnh cao khoảng 250m, nằm trên quốc lộ 1A cũ, vượt qua dãy Hoành Sơn – một phần dãy Trường Sơn chạy ngang ra biển Đông.

Phần đất phía Quảng Bình (phía Nam) thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, phần đất phía Hà Tĩnh (phía Bắc) thuộc xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh.

Vào thế kỷ 10-11, đèo Ngang từng là ranh giới nước Việt và nước Chiêm Thành, trước khi nhà Lý mở rộng lãnh thổ về phía Nam.

Trải qua các triều đại phong kiến Việt Nam, đèo Ngang đã được coi là một danh thắng của nước việt, đi vào nhiều câu ca dao và tác phẩm văn học.

Hình ảnh con đèo này đã đi vào nhiều tuyệt phẩm thơ cổ của Lê Thánh Tông, Nguyễn Thiếp, Vũ Tông Phan, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, vua Thiệu Trị, Nguyễn Hàm Ninh, Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Phúc Miên Thẩm, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát…

Nổi tiếng nhất trong đó là bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà huyện Thanh Quan, được xem như đã vẽ lên bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp bằng nghệ thuật ngôn từ.

Đây là một bài thơ Nôm viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Nội dung bài thơ như sau:

“Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà…

Chùm ảnh: ‘Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà…’

…Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta”.

Trong nhiều thế kỷ, đèo Ngang là một tuyến đường huyết mạch trên đường kinh lý Bắc Nam. Trên đỉnh đèo ngày nay còn lưu giữ Hoành Sơn Quan, một cánh cổng được xây năm 1833, dưới thời vua Minh Mạng.

Theo sử sách, từ trước thời nhà Nguyễn, đèo Ngang là một con đường xây bằng đá nối liền hai bên chân núi Hoành Sơn. Vua Minh Mạng đã cho xây một cổng ở giữa đèo để kiểm soát việc qua lại tuyến đường hiểm yếu này.

Từ Hoành Sơn Quan có thể nhìn bao quát toàn bộ đèo Ngang với những cảnh quan hấp dẫn.

Bước sang thế kỷ 20, đèo Ngang vẫn là một tuyến đường huyết mạch của miền Trung. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, con đèo này đã hứng chịu nhiều bom đạn của kẻ thù.

Sau khi đất nước hòa bình và thống nhất, đèo Ngang giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Đến đầu những năm 2000, sau khi hầm đường bộ đèo Ngang hoàn thành, một giai đoạn lịch sử của con đèo dường như đã khép lại.

Do phần lớn phương tiện giao thông đi qua hầm, tuyến đường đèo Ngang trở nên vắng vẻ, chủ yếu dành cho những du khách muốn khám phá vẻ đẹp của danh thắng này

Đường đèo khá dốc, có nhiều khúc cua nguy hiểm.

Tại nhiều góc của đèo, có thể quan sát những khung cảnh hùng vĩ của miền đất ven biển miền Trung.

Thiên nhiên trên đèo vẫn mang nhiều nét hoang sơ.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , , ,