⠀
Chùm ảnh: Bắt rắn – công việc chính của lính cứu hỏa Bangkok
Năm ngoái, hàng chục nghìn người gọi điện cầu cứu vì rắn chui vào nhà ở Bangkok. Lính cứu hỏa phải bắt rắn nhiều hơn là chữa cháy, một công việc nguy hiểm không kém.
Trong đêm khuya, lính cứu hỏa Thái Lan Pinyo Pukpinyo âm thầm tiếp cận một con trăn đang cuộn quanh thanh xà trên mái của một ngôi nhà ở Bangkok, và nhanh chóng dùng tay tóm lấy đầu nó. Lính cứu hỏa ở Bangkok như ông Pukpinyo dành nhiều thời gian bắt rắn hơn là chữa cháy, với hơn 100 vụ rắn chui vào nhà mỗi ngày trong những tháng gần đây, so với chỉ 1-2 vụ cháy, theo sở cứu hỏa. Trong ảnh, Pukpinyo vừa bắt được con trăn tại một ngôi nhà.
“Tôi phải đứng vững và bình tĩnh”, Pukpinyo, 50 tuổi, nói khi kéo con trăn dài gần 5 m nói trên khỏi mái nhà, rồi đè nó xuống để cho vào túi. Trong ảnh, Pukpinyo đang buộc một cái túi có trăn bên trong.
“Con này rất khỏe. Nếu thao tác sai, tôi có thể bị cắn vì nó có răng nanh rất sắc”, ông nói thêm. “Tôi khuyên bạn đừng thử vì rất nguy hiểm.” Trong ảnh là một con rắn đã bị bắt về trạm cứu hỏa của Pukpinyo.
Gia đình sống trong căn nhà nhìn từ xa, kinh ngạc, quay video lại cuộc chiến với rắn. “Tôi thực sự ấn tượng với kỹ năng của ông ấy, làm thế nào ông ấy có thể dùng tay không bắt trăn và cho vào túi nhỏ như thế”, chủ nhà Janpen Jarudecha, 60 tuổi, thở phào nhẹ nhõm bước ra khỏi chỗ mà mình đang nấp. Trong ảnh là sự thích thú của cặp sinh đôi khi Pukpinyo bắt rắn tại nhà một gia đình.
Rắn ghé thăm nhiều ngôi nhà ở thủ đô Bangkok. Chúng sống trong các kênh rạch dưới lòng đất, và đi vào vườn hoặc nhà vệ sinh vào mùa mưa để tìm kiếm thức ăn.
Năm 2018, các quan chức phòng chống thiên tai cho biết đã ghi nhận 37.000 trường hợp rắn tới nhà ở quanh Bangkok.
Tự phong mình là ‘thợ bắt rắn’, Pukpinyo đã bắt 10.000 con rắn trong suốt 16 năm làm “nghề” nguy hiểm này. Trạm cứu hỏa ở phía đông bắc Bangkok nơi ông làm việc nhận hơn 3.000 cuộc gọi mỗi năm cầu cứu đuổi rắn.
Pukpinyo cho biết ông bắt tới 800 con rắn mỗi năm, khoảng 70% là loài không có nọc độc, còn lại là rắn hổ mang và các loài có nọc độc khác.
Ngón tay của Pukpinyo bị cắn trong một lần bắt rắn. Các loài có nọc độc được đưa đến một viện chuyên khoa chiết xuất nọc rắn để chế thuốc giải độc.
Một người bị rắn chui vào nhà đang bắt rắn khi Pukpinyo đến. Ông cũng dạy các lớp về cách xử lý rắn an toàn.
Pukpinyo đang tra iốt cho một con rắn bị thương. Trong thời gian rảnh rỗi ở trạm cứu hỏa, Pukpinyo chăm sóc những con rắn bị bắt, thỉnh thoảng phải thả rắn hổ mang chúa ra khỏi chuồng để cho chúng ăn.
Dụng cụ bắt rắn của Pukpinyo. Là một lính cứu hỏa, ông thường gặp những câu chuyện đau thương, nhưng tài năng bắt rắn đã mang lại cho ông sự an ủi.
“Công việc này khiến tôi thấy mình như siêu anh hùng”, anh nói. “Tôi đang giúp người đang gặp nguy hiểm và cần giúp đỡ, điều đó khiến tôi hạnh phúc”.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN / REUTERS
Tags: Động vật, Bò sát, Rắn, Thái Lan