Vì sao người Mỹ chấp nhận tác phẩm ‘phản động’ như Cuốn theo chiều gió?

Cuốn theo chiều gió thường được nhớ đến bởi chuyện tình tay ba có mô tuýp điển hình theo tình tình đuổi đuổi tình tình theo của 3 nhân vật chính: Scarlett O’hara, Rhett Butler và Ashley Wilkes. Nhất là đối với những ai chỉ xem phim mà không đọc truyện.

Vì sao người Mỹ chấp nhận tác phẩm ‘phản động’ như Cuốn theo chiều gió?

Nhưng thật sự thì tác phẩm này trước tiên nên được coi là một tác phẩm sử thi kể về một thời kỳ rối ren trong lịch sử Mỹ: Nội chiến hai miền Nam Bắc. Điều đáng nói là tác giả công khai thể hiện quan điểm ủng hộ miền Nam với nhiều tình cảm yêu mến tiếc thương. Margaret Mitchell ko ngần ngại bày tỏ thái độ luyến tiếc một miền Nam xưa cũ với lối sống nhàn tản, bình yên của các gia đình quý tộc mà sự xa hoa vốn được xây dựng bởi máu, mồ hôi và nước mắt của các nô lệ da đen. Mitchell mô tả những chủ nô lệ miền Nam là những con người đầy vị tha, tốt bụng, sốt sắng và hào sảng, sống chan hòa với nô lệ của mình và có tình yêu nồng nàn với vùng đất Miền Nam. Mặc dù tác giả nhận thức được kết cục của miền Nam là không thể tránh khỏi nhưng không thể thôi thương nhớ về nó. Tác giả khắc khọa một Ashley thông minh vốn hiểu rõ miền Nam quá yếu để có thể chiến thắng nhưng vẫn sẵn sàng lao vào cuộc chiến với lòng dũng cảm phi thường chỉ bởi vì danh dự của Liên Bang. Thậm chí, một mặt, tác giả cho nhân vật chính của mình, Rhett Butler, không ngừng mỉa mai sự ngây thơ đến ngu ngốc của các thanh niên quý tộc miền Nam khi họ cứ huênh hoang về một chiến thắng không bao giờ có trước Miền Bắc. Mặt khác, bà sẵn sàng để Rhett tình nguyện ra trận bảo vệ miền Nam ngay vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến khi mọi sự thắng thua đã ngã ngũ, chỉ để khẳng định cho dù là một kẻ tham tiền ích kỷ bậc nhất như Rhett, miễn là có dòng máu quý tộc miền Nam, đều có tình yêu sâu sắc với quê hương.

Thông qua Scarlett, Mitchell thật sự cho rằng những mô tả về cuộc sống thê thảm của nô lệ trong các tác phẩm nổi tiếng là sự thổi phồng không hơn không kém của các tác giả. Thậm chí theo quan điểm của Mitchell, Túp lều của bác Tom chỉ là cách truyền thông mị dân của miền Bắc. Những người da đen hiện lên trong tác phẩm này khi chưa được giải phóng là hiền lành chân chất (như Mammy, Big Sam) nhưng ngay lập tức bị tha hóa nhân cách sau khi chế độ nô lệ bị xóa bỏ. Đỉnh điểm của quan điểm ủng hộ chế độ miền Nam trong quan điểm của Margaret Mitchell là sự bênh vực một tổ chức khủng bố khét tiếng một thời: đảng Ku Klux Klan hay còn gọi là Klan hoặc 3K theo cách dịch của một số dịch giả Việt Nam. Đảng này được thành lập vào giai đoạn Tái thiết sau Nội chiến Mỹ (bối cảnh trong Cuốn theo chiều gió) và tôn chỉ cũng như mục đích ban đầu của nó là nhắm vào người da đen, tiêu diệt các lãnh đạo Mỹ gốc Phi trong chính quyền. Nếu ai từng đọc Sherlock Holmes thì hẳn còn nhớ Sir Athur Conan Doyle từng mô tả tổ chức này như một trong những tổ chức khủng bố tàn bạo nhất và ghê tởm nhất (trong truyện Năm hạt cam khô thuộc series Sherlock Holmes). Tuy nhiên, dưới cái nhìn trìu mến của Mitchell, Đảng Klan lại là một tổ chức cao quý, là nơi tập hợp của các quý ông thanh cao, dũng cảm và đầy lòng tự trọng (mà Ashley Wilkes là điển hình) còn các hành vi bạo lực của họ đơn giản là “thay trời hành đạo”, bảo vệ công lý mà thôi.

Nếu lật lại lịch sử ra đời và vinh danh bộ phim chuyển thể cùng tên của nó chúng ta càng thấy khá là trái khoáy: diễn viên đoạt giải diễn viên phụ xuất sắc nhất giải Oscar năm đó không phải là Olivia de Havilland trong vai Melanie mà là Hattie McDaniel trong vai bà vú nô lệ da đen Mammy. Đây là diễn viên da đen đầu tiên trong lịch sử Oscar đoạt giải thưởng này. Nhưng trớ trêu thay, bà lại bị tẩy chay đến mức chỉ được bố trí một bàn riêng tại giải này, bởi bà không được phép ngồi cùng với người da trắng. Thậm chí, sau khi bà mất, nguyện vọng được chôn tại nghĩa trang Hollywood cũng bị từ chối vì nghĩa trang này chỉ dành cho người da trắng.

Thế nhưng, kỳ lạ là Cuốn theo chiều gió chưa bao giờ phải đối mặt trước bất cứ sự phản kháng nào đáng kể trong xã hội Mỹ cho đến khi phong trào BLM bùng phát vừa qua. Người Mỹ sẵn sàng vinh danh một người da đen trong chính bộ phim ủng hộ chế độ nô lệ. Người Mỹ tất nhiên luôn ca ngợi chiến thắng của Miền Bắc như là một chiến thắng của công lý và tự do nhưng vẫn không tiếc lời ca ngợi một tác phẩm có sự phân biệt chủng tộc cao độ.

Dưới góc độ chính trị, theo quan điểm Marxist, người ta có thể lý giải là do bản chất của Nội chiến không phải là nhằm giải phóng nô lệ với tư cách là con người mà chỉ là cuộc chiến tư bản có mục đích giải phóng sức lao động dưới hình thức chiếm hữu nô lệ để chuyển sang hình thức tư bản chủ nghĩa, đáp ứng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa thời kỳ bấy giờ.

Dưới góc độ xã hội học, người ta cũng có thể cho rằng chính sự thực dụng cùng đặc tính phân hóa sâu sắc trong xã hội và hệ tư tưởng Mỹ là cách giải thích cho các hiện tượng vốn dĩ sẽ trái khoáy ở bất kỳ một quốc gia nào khác, kể cả châu Âu.

Hoặc có thể cho rằng chính cuộc tình đầy tình tiết hấp dẫn của ba nhân vật chính khiến cho người ta lơ đi các yếu tố kỳ thị chủng tộc.

Tôi thì lại bị Cuốn theo chiều gió hấp dẫn bởi một lý do khác: chính là cách xây dựng hình tượng nhân vật rất điển hình và cách mô tả diễn biến tâm lý nhân vật xuất sắc của Margarett Mitchell. Các nhân vật trong tiểu thuyết bất kể là chính hay phụ đều có một đời sống nội tâm riêng rất phong phú. Bà rất tài tình khi xây dựng tâm lý nhân vật theo nhiều lớp, bóc lớp này độc giả lại ngỡ ngàng nhận ra một lớp mới hoàn toàn khác biệt: vừa tương phải lại vừa tương đồng. Các nhân vật trông là thế nhưng thực sự không phải thế nếu độc giả chỉ hờ hững lướt qua các nhân vật mà chỉ quan tâm mối quan hệ tình cảm rắc rối nhưng đầy hấp dẫn của họ (dù mô tuýp tình cảm này khá là cũ kỹ trong văn chương).

Rhett Butler được xây dựng với hình ảnh là một kiểu “trai hư” với đủ mọi thói xấu đến mức bị gia đình ruồng bỏ. Anh ta cũng cực kỳ thực dụng và tham tiền bất chấp thủ đoạn như anh tự mình nhiều lần thừa nhận với Scarlett. Nhưng mặt khác, anh lại hết sức chung tình, đủ tâm lý để biết cách bẫy một cô nàng thực dụng không kém là Scarlett, anh cũng đủ mạnh mẽ và khí phách để bảo vệ người yêu và gia đình khi gặp sóng gió. Ngược lại với Rhett Butler là Ashley Wilkes. Ashley là một thanh niên quý tộc trí thức miền Nam xưa cũ điển hình đầy hào hoa và phong nhã: đẹp trai phong độ, học cao hiểu rộng, làm thì hết mình mà chơi thì cũng hết ý. Lại còn rất dũng cảm và nhân hậu. Tóm lại đúng chuẩn soái ca bao nàng ngưỡng mộ. Nhưng đến giây phút hiểm nghèo, người thân lại rất ít trông cậy được vào anh từ cả vật chất lẫn tinh thần, thậm chí sau khi sa cơ, anh luôn phải sống trong sự che chở vật chất của cô người yêu hờ Scarlett và đc bảo bọc tâm hồn bởi cô vợ Melanie.

Tương tự, Scarlett và Melanie cũng là hai tuyến nhân vật đối đầu. Scarlett, giống như Rhett, thực dụng và nhẫn tâm, ích kỷ và thủ đoạn. Nhưng cô là hiện thân của sức sống mãnh liệt không bao giờ bị dập tắt trong bất cứ nghịch cảnh nào. Dù khá là thiếu kiến thức hàn lâm nhưng Scarlett là hiện thân tuyệt vời của câu nói mà quỷ Satan đã dùng để lừa mị anh chàng Faust “Mọi lý thuyết đều màu xám, còn cây vàng của đời thì mãi xanh tươi”. Mục đích cuộc đời của Scarlett là để chỉ tìm kiếm hai điều: sự giàu sang bất tận và tình yêu của Ashley. Ngược lại, Melanie được mô tả là một cô gái đầy kiến thức như Ashley nhưng luôn yếu ớt, hay bệnh tật và không thể động tay động chân vào bất cứ việc gì. Những tưởng cả cuộc đời của Melanie là gánh nặng cho bất kỳ ai phải ở bên cô nhưng hóa ra, cô là là chỗ dựa vững chắc cuối cùng của họ về mặt tinh thần. Bất cứ ai cũng có thể tìm thấy ở cô một sức mạnh vô biên để có thể dựa vào mỗi khi tuyệt vọng, kể cả người đó chính là người luôn căm ghét cô, tìm mọi cách để đoạt chồng cô (mà cô không hề hay biết) – Scarlett. Thậm chí, một người đàn ông như Rhett, ngang ngạnh ngông cuồng ko chịu khuất phục trước ai, cũng phải gục đầu vào lòng cô mà khóc như đứa trẻ khi anh chịu nỗi đau mất con.

Dù vậy, điểm thú vị nhất trong tác phẩm này đối với tôi lại không phải nằm ở chỗ Mitchell khắc họa sự tương phản rõ nét giữa tâm lý và tính cách của các nhân vật mà ngược lại nằm ở chỗ bà phát hiện được sự tương đồng sâu sắc giữa các nhân vật này. Đọc truyện, ai cũng nghĩ Rhett – Ashley là hai con người đối lập hoàn toàn cả về tính cách lẫn tâm lý. Nhưng thực sự, họ lại rất giống nhau. Cả hai đều là những người duy nhất đủ thông minh và thực tế để nhận ra sự thất bại không thể tránh khỏi của miền Nam. Dù lựa chọn ban đầu khác nhau: Rhett lợi dụng chiến tranh để vượt rào phong tỏa, làm giàu bất chấp thủ đoạn còn Ashley thì bỏ cô vợ hiền vừa mới cưới ở nhà để dấn thân vào cuộc chiến nhưng cuối cùng thì kết cục như nhau. Cũng như Ashley, Rhett cũng bỏ cô người tình mơ ước giữa đường đầy lửa đạn và kẻ thù để dấn thân vào một cuộc chiến mà anh ngay từ đầu đã không ngừng cười cợt là ngu xuẩn và vô vọng. Chỉ vì anh ta chợt nhận ra không thể che lấp cái mà anh gọi là thứ tình cảm “chết tiệt” đối với các giá trị xưa cũ của mình: tình yêu đối với Miền Nam. Dù luôn không ưa Ashley với tính cách và lối sống hoài niệm yếm thế nhưng Rhett phải thừa nhận rằng Ashley không yếu đuối tệ hại như Scarlett sau này khoa trương mô tả: anh ta chỉ là một con người của thời xưa cũ, cố gắng thích nghi tàm tạm bằng những lề luật của một thế giới đã tiêu vong. Và dù có chán ghét Ashley thế nào thì cuối cũng Rhett cũng lựa chọn như Ashley: quay về làm hòa với gia đình mà một thời trai trẻ ngông cuồng anh ta đã chối bỏ – như anh ta tự nhận, có lẽ về già người ta càng yếu đuối, càng thấy vẻ đẹp không thể thay thế của các giá trị truyền thống, như người ta không thể nào chối bỏ được sự cuốn hút của tính cân đối hoàn mỹ của các tác phẩm nghệ thuật Hy Lạp cổ.

Ashley chỉ là nhân vật thứ chính và trong mắt độc giả thường là một kẻ yếu đuối, đối lập với sự mạnh mẽ của Rhett. Nhưng thực sự, cách khắc họa nhân vật Ashley lại khiến người ta thấy thú vị. Một Ashley sẽ là hình mẫu hoàn hảo cho một người đàn ông của thời bình: toàn tài toàn đức. Nhưng sẽ là một Ashley thiếu hẳn kỹ năng sống, kỹ năng tự điều chỉnh bản thân khi thời cuộc xoay vần. Hình mẫu thế này không thiếu ngoài đời thực. Một kiểu người mà chúng ta dễ dàng bắt gặp tha thẩn bên lề của xã hội, chỉ sống bằng kỷ niệm ngày xưa. Nhưng Ashley thực ra không bảo thủ, không ngu ngốc để không thể nhận ra vấn đề của chính mình. Thậm chí anh là người duy nhất trong tác phẩm nhìn thấu được toàn diện vấn đề kể từ ngày mà cả miền Nam còn sục sôi với niềm tin chiến thắng miền Bắc. Như là một nhà hiền triết nhìn thấu được quá khứ vị lai. Nhưng anh bất lực, không cách gì thoát khỏi nó. Mitchell đã rất thành công khi lý giải cho sự lực bất tòng tâm này thông qua một câu nói đầy tính tự sự của Ashley với Scarlett trong một chiều lạnh lẽo tại sân vườn của ấp Tara lộng gió. Đại thể, anh thú nhận rằng anh đã quen là người ngoài cuộc, anh chỉ thích tận hưởng cuộc sống với tư cách là một khán giả hơn là một diễn viên trong vở kịch cuộc đời. Anh quen chiêm nghiệm nó, suy tư về nó nhưng không quen tham gia vào nó. Cho nên anh hiểu rất rõ mọi ngóc ngách của nó nhưng lại không có cách gì xoay chuyển bản thân cho phù hợp với nói. Và đột nhiên bị cuộc đời lôi khỏi hàng ghế khán giả, ném lên sân khấu để buộc trở thành một phần trong vở diễn ấy, anh không thể nào thích ứng được. Bi kịch tâm lý rất điển hình của những con người vốn sống yên bình giờ bị quăng vào bão táp. Nhưng ở Ashley, bi kịch ấy còn lớn hơn rất nhiều lần: anh thấu hiểu điều ấy, anh nắm được bản chất của bi kịch ấy nhưng không có cách gì thoát ra được.

Với sự tài hoa này, thì dù có bị coi là phản động nhưng Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell không thể bị phủ nhận giá trị, hoàn toàn xứng đáng có một vị trí đáng kể trong nền văn học nhân loại, ít nhất là của thế kỷ 20.

LÂM NGHI

Tags: , , ,