Vì sao cỏ dại chính là cứu tinh cho nền nông nghiệp hiện đại?

Là nông dân canh tác theo hướng hữu cơ tự nhiên, bạn phải hiểu rõ những mặt hại của cỏ dại, nhưng cũng nhận thấy được những lợi ích mà cỏ dại mang lại cho vườn của mình.

Vì sao cỏ dại chính là cứu tinh cho nền nông nghiệp hiện đại?

Có dại là gì?

Cỏ dại là những thực vật mọc ở nơi mà chúng ta không mong muốn. Thực chất, “cỏ dại” là một định nghĩa chức năng và thực vật không phải lúc nào cũng là cỏ dại. Thực vật chỉ được xem là cỏ dại khi chúng gây trở ngại cho hoạt động của con người, ví dụ như trong canh tác nông nghiệp.

Cùng một loại, thực vật mọc trong tự nhiên sẽ không phải là cỏ dại, mà thậm chí được xem là một loài thực vật có ích khi nó không cản trở các hoạt động khác. Trong sản xuất thông thường, nông dân thường cố gắng dọn sạch tất cả cỏ dại trên ruộng và ngày càng sử dụng nhiều thuốc diệt cỏ hơn.

Cỏ dại là một phần trong hệ sinh thái và nó đấu tranh để duy trì sự cân bằng. Là nông dân canh tác theo hướng hữu cơ tự nhiên, bạn phải hiểu rõ những mặt hại của cỏ dại, nhưng cũng nhận thấy được những lợi ích mà cỏ dại mang lại cho vườn của mình.

Một số lợi ích của cỏ dại

– Cỏ dại có thể dùng như là cây chủ cho các sinh vật có lợi nào đó. Có thể sử dụng chúng như một công cụ có giá trị trong việc kiểm soát sự lan truyền của sâu bệnh hại.

– Nhiều loại cỏ dại có thể ăn được đối với vật nuôi trong trang trại hoặc thậm chí thích hợp với việc sử dụng của con người. Một số loại cỏ dại có thể dùng làm thuốc.

– Cỏ dại lấy chất dinh dưỡng từ đất và các chất dinh dưỡng này có thể được quay trở lại đất bằng cách sử dụng ngay cỏ làm vật liệu che phủ hoặc như là cây phân xanh.

– Cỏ dại giúp chống xói mòn đất, chống rửa trôi hữu cơ và dinh dưỡng trong đất, đặc biệt là ở nơi độ dốc cao, giữ ẩm cho đất trong mùa hè.

– Cỏ dại giúp cho bộ rễ một số loại cây hô hấp và hấp thụ chất dinh dưỡng một cách dễ dàng.

– Một số loại cỏ dại thuộc cây họ đậu (ví dụ như cỏ lạc) là nguồn bổ sung dinh dưỡng cải tạo đất cho cây trồng.

– Thảm cỏ giúp phân tán tuyến trùng ra khắp vườn khiến chúng không tập trung vào gốc cây trồng.

.
Cỏ dại không chỉ vô hại với cây trồng mà còn là thảm thực vật giữ độ ẩm và nuôi dưỡng hệ sinh vật làm màu mỡ bền lâu cho đất. Cha ông ta đã biết ăn ở đúng mực với cỏ. Cha ông ta “làm cỏ” là làm quang thoáng cho cây trồng, chỉ những cây trồng cùng một tầng ăn với cỏ, như lúa, mới cào cỏ rồi vùi xuống cho tốt đất. Thảm cỏ vẫn được duy trì hợp lý và luôn tái sinh tươi tốt, cho gia súc có cái để ăn, cho đất đai không bị xói mòn, cho không khí đồng quê trong lành tươi mát. Và nên nhớ phần lớn các loại cỏ dại đều là những vị thuốc, nhờ chúng mà con người cùng gia súc gia cầm kháng được bệnh, chúng chính là phước lành trên vườn ruộng. Cha ông ta không coi cỏ dại là kẻ thù mà là bè bạn. Nhưng đó là chuyện ngày xưa.

Khi phong trào “toàn dân diệt cỏ” được ngành khoa học trồng trọt hiện đại khởi xướng, được các tập đoàn giống cây trồng và hóa chất hậu thuẫn và được các bề trên nông nghiệp nhà nước tiếp tay, khi thuốc diệt cỏ được phủ khắp ruộng đồng vườn tược, thì vẫn còn đó những chân lý không thể chối cãi: Phần lớn những cây thuốc trong công trình đồ sộ “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của giáo sư Đỗ Tất Lợi lừng danh đều là các loài cỏ dại. Phần lớn những cây thuốc trong sách “Hải thượng y tông tâm lĩnh” của danh y Lê Hữu Trác, trong sách “Nam dược thần hiệu” của danh y Tuệ Tĩnh… cũng đều là các loài cỏ dại. Rất nhiều loài cỏ dại còn là nguyên liệu của không ít loại tân dược do thế giới và trong nước sản xuất.

Masanobu Fukuoka, vị tổ sư của nông nghiệp tự nhiên Nhật Bản và là người làm nông vĩ đại nhất hành tinh còn khẳng định thêm điều này nữa : Rau củ canh tác theo phương pháp hiện đại có thể ăn được nhưng không có tác dụng phòng ngừa bệnh tật, còn rau củ trồng xen trong cỏ dại thì không những ăn ngon hơn mà còn là một vị thuốc phòng ngừa được nhiều bệnh tật. Và bằng kinh nghiệm thực tế mấy chục năm trên vườn ruộng, ông còn chứng minh rằng : cùng một diện tích đất, nếu canh tác theo phương pháp tự nhiên (không diệt cỏ, không trừ sâu, không cày xới, không phân bón) thì sẽ cho sản lượng không hề thua kém sản lượng canh tác theo cách hiện đại, nhưng chi phí thấp chỉ bằng 1/10.

Theo Hoàng Hải Vân

.

S.T

Tags: