Vì sao cây xanh là người bạn tri kỷ của chúng ta?

Tôi tin cây là tri kỷ của trái đất và con người. Hãy thử nhìn một cái cây trong giây lát mà xem. Chúng đẹp theo cách của chúng, ta không thể thấy được cái gì đang diễn ra dưới lòng đất – khi chúng đang mọc rễ. Ta chỉ thấy phần trên và tận hưởng vẻ đẹp…

Vì sao cây xanh là tri kỷ của chúng ta?

Bài viết của tác giả Jesse Peterson (nguyên tác tiếng Việt).

Tôi từng giao tiếp thực sự với một cái cây.

Vào năm 2005, tôi mời người bạn từ thuở thơ ấu, John Sanders, đi qua 3.000 cây số để đến sống cùng tôi. Vào một cuối tuần nọ, tôi rủ John, Keller và William đi leo núi ở dãy núi Đen Rocky.

Ngọn núi Đen được bao phủ hầu hết là rừng với những cây cổ thụ cực kì lớn. Có những cây cao tận 70m và đường kính tới 9m. Rừng này hoàn toàn hoang sơ, rất ít người đã đi vào. Chúng tôi in những dấu chân đầu tiên trên bìa rừng rồi tiếp tục leo lên. “Đùng!”, tôi nghe tiếng ầm của sấm sét, nhưng ngợ rằng tiếng sấm bắt nguồn từ dưới lòng đất – trung tâm của ngọn núi. Tôi hoang mang nhìn những người bạn và nhận ra gương mặt họ cực kì bối rối.

“Tôi cảm thấy mọi thứ thật kì lạ”. Tôi nói, ráng nặn một nụ cười kèm theo.

Keller cũng cố gắng chọc cười trong không khí sặc mùi quái dị, nhưng không ai nở nổi một nụ cười. Chúng tôi cố gắng tiếp tục leo lên núi, nhưng đi được một đoạn thì bỗng dưng có tiếng nói từ sâu thăm thẳm rỉ rả vào tai tôi.

“Hãy đến gặp ta!”. Tiếng nói cứ lặp đi lặp lại nhiều lần trong tâm trí tôi, cứ ám ảnh, lôi léo từng bước chân tôi trên con dốc ngày càng cao hơn.

Vài giờ sau, tất cả đến một bãi đất nhỏ, bỗng John ngã vật ra trên mặt đất. Tôi cảm giác ngọn núi đang kéo tôi chùng xuống, mắt tôi cứ chăm chăm nhìn xuống chân. Tôi muốn đi tiếp nhưng cả đoàn cứ đóng đinh tại đấy. Vậy nên chúng tôi bắt đầu dựng lều để ngủ lại. Chúng tôi nhóm lửa và ăn bữa tối. Lúc ngồi xuống ăn, tôi ngước lên và nhìn thấy một cái cây cao như người khổng lồ Douglas Fur. Ồ, nhưng đó không phải là một cái cây. Từ thân cây mọc ra một chiếc mũi khoằm, cái cằm vẩu và đôi mắt mờ đục. “Nó” đang nhìn chăm chăm vào tôi với tay chân cắm đầy những nhành cứ chuyển động không ngừng như một người đang nhảy múa.

Mọi thứ cứ xoay mòng mòng quanh tôi. Tôi quay sang các bạn đường để trao đổi về thứ mình đang nhìn thấy nhưng không thể. Tôi chập choạng bước, chìm đắm trong không gian xung quanh là liên khúc hòa thanh của những sinh vật khác nhau: đủ loại côn trùng, tiếng gió xào xạc, tiếng lá cây trên cao. Tôi nghe phong thanh John cất lời: “Anh nên ngủ một chút đi Jesse”.

Đó quả là một ngày kì lạ cho tất cả mọi người. Với tôi, cái cây đó không phải cái cây bình thường, và đó mãi là bí mật của riêng mình.

Rất lâu sau tôi mới phần nào hiểu điều gì đã xảy ra hôm đó. Trong một chương trình của “BBC Trái đất”, họ nói rằng cây cổ thụ là trái tim của rừng. Những cái cây nói chuyện với nhau nhờ kết nối bởi các sợi nấm vô cùng tinh vi. “Sợi nấm” là hệ thống internet tự nhiên của trái đất. Nó kết nối 90% tất cả các loài thực vật và cây với nhau, giúp chúng chia sẻ chất dinh dưỡng, tài nguyên và thông tin.

Lúc mới đến Việt Nam, tôi có hai tuần sống ở Bùi Viện, ba tháng ở quận Năm, những nơi toàn bê tông cốt thép, không có một mống thực vật. Nó là một cực hình với một người lớn lên trong rừng cây như tôi. Sức khoẻ xuống rất nhanh và tôi luôn bức bối trong người.

Tôi may mắn tìm được một ngôi nhà nhỏ bên quận bảy, rất dễ thương, vừa đủ ở với nhiều cây xanh xung quanh. Tôi từng phải thương lượng với hàng xóm để giữ được “khu vườn” của mình. Rất may, hàng xóm tôi ủng hộ.

Tôi thấy nhiều người Việt không gần gũi với thiên nhiên. Hành động của người Việt làm tôi thấy rất lo lắng, rác ở khắp mọi nơi, thành phố không nhiều công viên đẹp, và cây xanh thì ít dần đi sau mỗi lần tôi đến.

Tôi tin cây là tri kỷ của trái đất và con người. Các bạn phải để ý tới cây cỏ, vì nó đang để ý mình. Mọi thứ trên trái đất này đang chuyển động. Nó đang phát triển hoặc chết dần. Hãy thử nhìn một cái cây trong giây lát mà xem. Chúng đẹp theo cách của chúng, ta không thể thấy được cái gì đang diễn ra dưới lòng đất – khi chúng đang mọc rễ. Ta chỉ thấy phần trên và tận hưởng vẻ đẹp. Theo một cách nào đó, những gì diễn ra bên trong chúng ta cũng giống như rễ cây, như nhiều điều đang âm thầm diễn ra trong xã hội.

Tôi hay nói với cô bạn rằng phải nhớ tuổi của trái đất mình: hơn 4 tỷ năm. Thực vật đã ra đời tầm 700 triệu năm trong khi con người chỉ mới xuất hiện 200 nghìn năm thôi. Tôi thấy văn hoá Việt Nam rất tôn trọng người lớn tuổi, mà cây cổ thụ còn già hơn mình rất nhiều triệu năm. Nếu mình không tôn trọng thiên nhiên, thì chúng sẽ không tôn trọng mình. Nhưng vẫn chưa quá muộn, bạn vẫn có thể thay đổi ngay từ bây giờ. Đừng tùy tiện chặt một cái cây dù nhỏ. Hãy ngưng uống rượu ngâm một loại động, thực vật quý hiếm để “cải thiện sức khoẻ đàn ông” trong khi chỉ cần tập thể dục 5, 10 phút còn tốt hơn nhiều.

Tôi đọc báo thấy họ bỏ ra hàng triệu USD mua gỗ lim – một loại gỗ rất quý – từ nước ngoài để lát đường đi ven sông Hương ở Huế. Họ nói để thu hút khách du lịch. Tôi nghĩ những khách du lịch như tôi sẽ chỉ thấy buồn khi giẫm lên những thân cây gỗ quý.

Tôi tự hỏi, tại sao thay vì trồng một triệu cây xanh, họ đã chặt chúng đi ngay từ đầu? Ở quê tôi người ta làm nhà, làm đường đều tránh đốn hạ những cây to như một thói quen rất hiển nhiên vì họ hiểu sự sống của một cái cây cần được tôn trọng. Nhưng ở Việt Nam, tôi thấy cứ có dự án là đầu tiên họ sẽ chặt hết cây.

Đến bây giờ, mỗi khi đi qua đường Tôn Đức Thắng, Đinh Tiên Hoàng ở quận Một, tôi vẫn bàng hoàng vì không nhận ra con đường đẹp nhất thành phố rợp bóng cây xà cừ cổ thụ nữa. Tôi buồn và bực mình rất nhiều. Sao họ có thể làm thành phố của họ xấu và xác xơ đi như vậy? Anh tài xế xe ôm giải thích “làm xong dự án rồi họ sẽ trồng lại thôi”. Tôi không biết sau này là khi nào. Với tôi, dự án trồng cây tốt nhất chính là đừng bao giờ chặt đi cây xanh nào.

Theo VNEXPRESS

Tags: ,