Vì sao các bậc cha mẹ nên cho trẻ em nuôi thú cưng?

Các chuyên gia nêu 7 lý do việc nuôi động vật có lợi cho cuộc sống, khả năng giao tiếp và tâm lý trẻ nhỏ.

Vì sao các bậc cha mẹ nên cho trẻ em nuôi thú cưng?

1. Giảm căng thẳng: Đối với trẻ nhỏ và thanh thiếu niên, các em dễ gặp căng thẳng trong học tập, mục tiêu tương lai, thậm chí trong các mối quan hệ. Một con vật nuôi như chó, mèo có thể đóng vai trò là biện pháp giảm căng thẳng hữu hiệu. Bên cạnh tình cảm và sự đồng hành, thú cưng giúp thay đổi những yếu tố về mặt sinh lý ở trẻ nhỏ. Tiến sĩ Rustin Moore, trưởng khoa Thú y tại Đại học Bang Ohio (Mỹ), cho biết tương tác với vật nuôi có thể làm giảm những hormone căng thẳng, tăng giải phóng dopamine và oxytocin. Đây là những hormone chống căng thẳng, tạo cảm giác thoải mái cho con người.

2. Giảm cô đơn: Thú cưng thường đóng vai trò là người bạn thân thiết, sẵn sàng nghe con người nói chuyện và không làm những điều gây tổn thương cảm xúc chủ nhân. Do đó, thú cưng có thể giảm cô đơn cho trẻ, đặc biệt với những em gặp khó khăn trong việc giao tiếp, kết bạn. Trên thực tế, việc trẻ nhỏ trò chuyện, chia sẻ bí mật với thú cưng là điều phổ biến. Các em cảm thấy bản thân có một người bạn đáng tin cậy để chia sẻ mọi chuyện. Tiến sĩ tâm lý học Ann-Louise Lockhart nhận định trong thời điểm bùng phát dịch COVID-19 như hiện nay, con người dễ cảm thấy cô đơn, thú cưng có thể giúp họ thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực và cảm thấy vui vẻ hơn.

3. Khơi dậy sự đồng cảm: Về cơ bản, vật nuôi phụ thuộc con người và cần được chăm sóc. Chính điều này có thể hình thành sự đồng cảm ở con người, trong đó có trẻ nhỏ. Tiến sĩ Rustin Moore khuyên cha mẹ nên mượn việc chăm sóc vật nuôi để dạy trẻ về tầm quan trọng của tình yêu, sự tôn trọng. Bạn cũng có thể dạy con cảm giác của thú cưng khi bị phớt lờ, lãng quên. Những bài học về tình yêu thương qua việc chăm sóc thú cưng sẽ giúp trẻ biết cách kết nối và quý trọng các mối quan hệ trong cuộc sống.

4. Cải thiện kỹ năng đọc: Đối với một số trẻ, học đọc không phải nhiệm vụ dễ dàng. Thậm chí nhiều em cảm thấy sợ khi nhắc đến chuyện đọc sách. Cha mẹ có thể thử yêu cầu con đọc sách cho thú cưng nghe. Tiến sĩ Rustin Moore giải thích đôi khi thú cưng không thể hiểu những điều trẻ đọc và kể, nhưng việc các em ở cạnh, đọc sách cho người bạn của mình nghe là cách hiệu quả để xây dựng sự tự tin và khuyến khích các em thực hành nhiều hơn.

5. Mang lại tình yêu vô điều kiện: Những đứa trẻ lớn lên cùng thú cưng có xu hướng không sợ bị đánh giá hoặc từ chối. Các em yêu những điều mình có và không quan tâm người khác nghĩ gì về bản thân. Bác sĩ nhi khoa Kevin Doyle lý giải nguyên nhân chó được coi là người bạn tốt nhất của con người. Cụ thể, chúng cho phép con người thoải mái tâm sự, bầu bạn. Đối với trẻ, việc chăm sóc thú cưng cũng giúp các em thoát khỏi sự phụ thuộc cha mẹ và cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn khi đối mặt với những căng thẳng.

6. Nâng cao tinh thần trách nhiệm: Sở hữu một con vật nuôi là cách phù hợp để dạy trẻ về tinh thần trách nhiệm. Khi có thú cưng, các em sẽ học được trách nhiệm, kỷ luật và động lực thông qua việc chăm sóc chúng. Trẻ cũng sẽ hiểu rằng việc nuôi chó, mèo không phải là điều có thể xem nhẹ hoặc làm cho qua chuyện. “Dù là dọn vệ sinh hay dắt thú cưng đi dạo, đây cũng là cơ hội tốt để dạy trẻ về tinh thần trách nhiệm. Những bài học này sẽ có ích cho trẻ trong cuộc sống sau này”, bác sĩ nhi khoa Kevin Doyle nói.

7. Xây dựng sự tự tin: Nuôi động vật mất nhiều công sức, thời gian. Nhưng nếu bạn cho phép con tham gia việc chăm sóc thú cưng, các em sẽ có cảm giác thành công sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Nuôi thú cưng giúp trẻ xây dựng ý thức độc lập, tự chủ. Ngoài ra, mối quan hệ giữa trẻ và vật nuôi cũng giúp các em có cái nhìn tích cực hơn về bản thân và tự tin với các mối quan hệ xã hội.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: ,