Về việc bảo vệ môi trường trên quy mô hộ gia đình

Bảo vệ môi trường phải bắt đầu từ nhân dân, từng hộ gia đình. Bởi gia đình là tế bào của xã hội, tế bào có khỏe mới hình thành nên một xã hội khỏe.

Về việc bảo vệ môi trường trên quy mô hộ gia đình

Hiện nay, khi nền kinh tế Việt Nam đang từng bước phát triển để hội nhập với nền kinh tế thế giới; đi kèm theo đó là sự mất cân bằng dẫn đến thiếu bền vững giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

Môi trường đang bị suy thoái, ô nhiễm nghiêm trọng và đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Làm sao để bảo vệ được môi trường đã không còn là chuyện của các nước lớn, của các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo mà chính là nhiệm vụ của từng người trong xã hội, của mỗi thành viên trong một gia đình.

Trong phạm vi hộ gia đình, môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của tất cả các thành viên. Chỉ khi các thành viên trong mỗi gia đình đều có ý thức và hành động bảo vệ môi trường, các vấn đề môi trường mới có thể được giải quyết triệt để ở phạm vi địa phương, khu vực hay toàn cầu.

Để thực hiện điều này, việc Luật hóa các quy định bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình đã hướng dẫn các hộ gia đình tham gia công tác bảo vệ môi trường có hiệu quả thiết thực. Điều 53, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 quy định rõ: Hộ gia đình có trách nhiệm thu gom và chuyển chất thải sinh hoạt đến đúng nơi do tổ chức giữ gìn vệ sinh môi trường tại địa bàn quy định; xả nước thải vào hệ thống thu gom nước thải; Không được phát tán khí thải, gây tiếng ồn và tác nhân khác vượt quá tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, sinh hoạt của cộng đồng dân cư xung quanh…

Và việc thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường như trên có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đời sống của không chỉ hộ gia đình và với toàn xã hội. Đồng thời, là một trong những tiêu chí gia đình văn hóa.

Đơn cử như vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải. Hiện nay, ô nhiễm môi trường do rác thải có ở khắp nơi, từ các đô thị lớn cho đến vùng nông thôn xa xôi. Khi từng gia đình đều thực hiện tốt việc thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt đến đúng nơi quy định sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc xử lý rác thải tại địa phương và góp phần giữ gìn môi trường cảnh quan khu dân cư được sạch đẹp.

Chẳng hạn như ở tỉnh Hưng Yên, trước tình trạng môi trường bị ô nhiễm, năm 2013 tỉnh triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình ở xã Nhân Hòa (huyện Mỹ Hào), có gần 200 hộ gia đình tham gia. Các gia đình được cấp nắp đậy hố rác và chế phẩm vi sinh. Đến nay, việc phân loại và xử lý rác thải tại gia đình đã mang lại hiệu quả thiết thực, người dân ở các khu dân cư đã có ý thức tốt hơn trong việc tham gia bảo vệ môi trường, tích cực làm vệ sinh nơi công cộng…

Người dân thôn An Tháp, xã Nhân Hòa cho biết, mô hình xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình đã đem lại hiệu quả “kép” khi giảm lượng rác thải sinh hoạt ra môi trường, rác thải qua xử lý là nguồn phân bón sạch cho cây trồng.

Hay ở xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu là địa phương có nghề chăn nuôi phát triển mạnh, lượng rác thải của hộ gia đình rất lớn nên vấn đề ô nhiễm môi trường trở thành nỗi lo thường trực của nhân dân. Khi người dân tham gia phân loại và xử lý rác thải tại gia đình đã giúp mỗi hộ giảm 70% lượng rác thải ra môi trường, vấn đề vệ sinh môi trường từ nhà ra ngõ cơ bản được cải thiện.

Như vậy, từng hộ gia đình có thể bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể như: Bỏ rác đúng nơi quy định, nhất là tại các khu vực công cộng; Thực hiện 3T (tái sinh – tái chế – tái sử dụng) rác thải đối với các loại như túi nylon, giấy, vỏ chai nhựa…nhằm giảm lượng rác thải ra môi trường…

Đối với vấn đề nước thải cũng vậy, từng hộ gia đình có thể thực hiện tốt việc thu gom và xử lý nước thải bằng cách: Xử lý sơ bộ nước thải tại hộ gia đình như có sọt lược rác thải trước khi nước thải thoát vào cống; Xử lý nước thải sản xuất đúng quy định, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi; Sử dụng hầm tự hoại 2 hoặc 3 ngăn để xử lý nước thải từ nhà vệ sinh; Đấu nối ống xả nước thải vào hệ thống thoát nước theo đúng quy định.

Những việc làm trên vừa đơn giản với chi phí thấp sẽ góp phần tích cực trong việc giảm thiểu lượng rác thải, nước thải; đồng thời, phát huy được trách nhiệm của mỗi gia đình trong việc thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, góp phần gìn giữ tài nguyên nước tại địa phương.

Theo TUYẾT CHINH / BÁO TÀI NGUYÊN & MÔI TRƯỜNG

Tags: ,