Về mối liên hệ giữa văn học và y học

Nếu không tách bạch nhà văn bác sĩ hay bác sĩ nhà văn thì có vô số tên tuổi hiện lên trong đầu. Với người này – y học là nghề nghiệp còn văn chương là sở thích, người kia thì là nhà văn hành nghề thầy thuốc…

Về mối liên hệ giữa văn học và y học

Tác giả: Nazan Bekiroglu, nữ giáo sư tiến sĩ của Học viện Kỹ thuật Karadeniz KTÜ vùng Biển Đen của Thổ Nhĩ Kỳ, sinh năm 1957 tại Trabzon. Sau khi tốt nghiệp đại học Atatürk bà từng nghiên cứu ở Viện Văn học và Ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ, giảng dạy ở nhiều trường đại học, đã xuất bản mười đầu sách khảo cứu, lý luận, phê bình văn học.

Biên dịch: Đăng Bảy.

Thú thực, khi vào đại học, tôi thích chọn ngành nghề nào giáp ranh với những lĩnh vực có liên quan mà không có sự tách bạch giữa tư duy bằng con số và tư duy bằng ngôn ngữ. Và rồi, trong nỗi phân vân, tôi đánh dấu liền vào hai ngành ưu tiên “y học” và “văn học”.

Có một mối liên quan: hai hệ thống kiến thức ấy đều lấy mục đích chủ yếu là thấu hiểu con người trên mọi phương diện. Hình ảnh bệnh nhân; đề tài bệnh tật; những bệnh tật nhà văn mang trong người tác động như thế nào đến sáng tác của họ; những bác sĩ đã từng là nhà văn; văn học hay là con đường nhằm chữa trị bệnh tật; hệ thống các thuật ngữ và các khái niệm…

Nhìn toàn cục, nếu không tách bạch nhà văn bác sĩ hay bác sĩ nhà văn thì có vô số tên tuổi hiện lên trong đầu. Với người này – y học là nghề nghiệp còn văn chương là sở thích, là công việc ưa làm. Với người kia thì danh tiếng có được là nhờ viết văn chuyên nghiệp, nhưng nhiều khi tên tuổi của họ lại gắn liền với y học, đều là nhà văn hành nghề thầy thuốc như: Friedrich Schiller (1788-1805, Đức, là con trai của nhà phẫu thuật, được đào tạo trong ngành quân y, tác giả những vở kịch bất hủ Những tên cướp, Âm mưu và tình yêu), Archibald Cronin (1896-1981, Scotland, bác sĩ, thuộc cỡ viết truyện hay nhất thế kỷ XX), Cenap Sehabettin (1870-1934, Thổ Nhĩ Kỳ)… nhưng Anton Chekhov (1860-1904, Nga) nổi tiếng nhất – ông đồng thời là nhà văn, là bác sĩ và là cả… bệnh nhân (bị lao).

Xem xét mối quan hệ giữa văn chương nghệ thuật với bệnh tật, có thể nói về một xu hướng riêng rẽ trong đó phản ánh bệnh tật, bệnh lý, như bệnh lao chẳng hạn, ở hàng loạt tác giả. John Keats (1795-1821) đại biểu cuối cùng của thế hệ nhà thơ lãng mạn Anh chết năm 26 tuổi vì bệnh lao phổi, Katherine Mansfield (1888-1923, nữ thi sĩ New Zealand) sống được có 35 tuổi đời. Ngoài ra, Charlotte Bronte (1816-1855, nữ văn sĩ Anh để lại tiểu thuyết bất hủ Jane Eyre), rồi Molière (1622-1673) ở Pháp, Franz Kafka (1883-1924) ở Áo… Riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ có tiểu thuyết gia Mahmut Yesari (1895-1945), hai nhà thơ Rüstü Onur (1920-1942) và Muzaffer Tayyip Uslu (1922-1946). Trong số nhân vật văn học, Pháp có nàng Trà hoa nữ trong tiểu thuyết cùng tên (La Dame aux camélias, 1848) của Alexandre Dumas con (1824-1895), Fantine trong Những người khốn khổ (Les Misérables, 1862 của Victor Hugo), Nga có Katerina Ivanovna trong Tội ác và hình phạt của Fyodor Dostoevsky, Thổ Nhĩ Kỳ thì có khá nhiều: Besir trong Mối tình bị cấm đoán; Fatma – người vợ yêu của Abdülhak Hamit Tarhan (1852-1937) trong Nghĩa địa, bài thơ của ông đầy ắp những hồi niệm về nỗi nàng phải sớm từ giã cõi đời vì bệnh lao phổi; còn trong các tiểu thuyết của Kerime Nadir Azrak (1917-1984) cũng cho thấy hàng loạt chân dung những người mắc bệnh lao phổi. Hình tượng nhân vật bị nhiễm bệnh lao dường như rất thích ứng với những hình thức duy mỹ của dòng văn chương lãng mạn, trong đó tình yêu chiếm vị trí trung tâm. Mối tình lãng mạn, sự đa sầu đa cảm của tình yêu không những làm cho người đọc yêu đời hơn, mà còn dám nhìn thẳng vào cái chết, cho nên bệnh lao phổi được dùng như một hình thức chứng minh lòng chung thủy của người đang yêu.

Nhưng kỷ nguyên của chủ nghĩa lãng mạn cũng dần dần qua đi, lượng clishe (bản kẽm) và những khuôn thước rẻ tiền được nhân lên rất nhiều, nên trong sách văn học, bệnh lao đã không còn có đất dụng võ nữa. Nữ văn sĩ Mỹ Susan Sontag (1933-2004, người từng đứng về phía Việt Nam, đã đến Hà Nội vào tháng 5-1968 bom đạn Mỹ ác liệt nhất, rồi công bố tiểu luận Một chuyến đi đến Hà Nội – A Trip to Hanoi) trong tập tiểu luận trứ danh Bệnh tật như phép ẩn dụ (Illness as Metaphor, 1978) nhằm chỉ trích thái độ yếm thế, bà đã đưa ra sự so sánh giữa bệnh lao phổi với bệnh ung thư và nêu nhận xét: trong văn học thế kỷ XX chưa thể hiện mối quan tâm đến bệnh ung thư. Dẫu vậy, giữa các căn bệnh ấy không cần thiết vạch ra chỗ khác biệt chủ yếu, bởi vì ranh giới chính vẫn là cách cảm nhận ở thế kỷ XIX và ở thế kỷ XX.

Trong các trang văn, nổi tiếng hơn tất cả các căn bệnh khác là… chứng động kinh của Dostoevsky. Kể ra, trong văn chương nghệ thuật, các văn nhân đã dành cho chứng động kinh một thái độ tôn trọng hơn so với bệnh lao. Bản thân nhà văn Dostoevsky cũng từng mắc chứng động kinh, và trong các tác phẩm của mình, ông đã miêu tả sống động những cơn phát bệnh của các nhân vật Myshkin trong Thằng ngốc, Raskolnikov trong Tội ác và hình phạt.

Nhìn vào y học qua lăng kính văn học, ta cũng nên để ý tới một điều: văn chương nghệ thuật hàm chứa những quan điểm không những có phần thiện cảm, mà còn hiện diện cả những cách đánh giá, phê phán. Ví dụ, ngòi bút của Neyzen Tevfik (1879-1953, nhà thơ châm biếm Thổ Nhĩ Kỳ) hằng chĩa mũi nhọn vào giới bác sĩ và bệnh viện. Nhưng, có lẽ, buồn thảm hơn cả là số phận của nhà hài kịch vĩ đại nhất thế kỷ XVII Molière (1622-1673), tác giả vở kịch Bệnh tưởng (Malade imaginaire, 1673) đả kích những vị bác sĩ tắc trách gây nên cái chết của con trai ông, và tác giả đích thân thủ vai vị bác sĩ. Một lần, đang diễn thì nhà văn bị đột quỵ ngay trên sân khấu, song ông vẫn cố diễn đến hết vở rồi ngay trong đêm đó trút hơi thở cuối cùng. Molière chết vì bệnh lao phổi.

Trong số những môn học nhà văn cần được bổ túc, rất nên có y học. Cần phải chú ý đến việc chuyển hóa những thuật ngữ, những khái niệm từ lĩnh vực kiến thức này sang lĩnh vực kiến thức khác. Trong văn học, một trong những học thuyết quan trọng nhất là phân tâm học (khoa học phân tích tâm lý) của bác sĩ người Áo Sigmund Freud (1856-1939). Học thuyết của Freud đang được ứng dụng vào văn chương, từ tác phẩm, nhân vật đến cả tác giả. Nhưng cũng có những thứ y học được thừa hưởng từ văn học, ví dụ tên gọi một số bệnh về tâm lý: mặc cảm Electra, mặc cảm Oedipe, bệnh lý Narcisse – từ thần thoại Hy Lạp, bệnh lý Bovary – từ tiểu thuyết Bà Bovary của nhà văn Pháp Gustave Flaubert (1821 – 1880) kể chuyện một người đàn bà chỉ muốn sống trong những thiên tình sử từ các tiểu thuyết mình đã đọc được…

Dẫu đã có mối quan hệ rất chặt chẽ giữa y học và văn học, nhưng cách nhìn nhận đối với người bệnh của từng ngành vẫn có chỗ khác nhau. Mục đích chính của văn học là thấu hiểu và trình bày con người bằng không chỉ bệnh tật, mà cả toàn bộ nhân cách nhất quán của họ. Và qua tổng quan đó, văn học muốn trình bày hình tượng nhân vật như một nhất thể trọn vẹn. Đến đây, bất giác lại nhớ đến câu thơ của Kanuni Sultan Süleyman (1494 – 1566, vị vua thứ mười của đế chế Ottoman): “Với nhân dân – không có gì quý hơn quốc gia. Nhưng trên đời, không của cải nào bằng vô bệnh tật”.

Theo ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN 

Tags: ,