Vẻ đẹp của người phụ nữ trong văn học Việt Nam thế kỷ 20

Văn học Việt Nam hiện đại giai đoạn 1945 – 1975, sau năm 1975 đã phản ánh đậm nét và chân thực số phận của con người Việt Nam trong hoàn cảnh chiến tranh và thời kỳ hậu chiến.

Vẻ đẹp của người phụ nữ trong văn học Việt Nam thế kỷ 20

Tác giả: Nguyễn Thế Lượng, Tổ Ngữ văn – GDCD, Trường THPT Hạ Hòa – Phú Thọ.

Ở mỗi giai đoạn cụ thể, các tác phẩm văn xuôi đã xây dựng hệ thống nhân vật dưới sự tác động của hoàn cảnh đời sống xã hội, từ đó khái quát thành bức tranh hiện thực và giá trị nhân đạo mới mẻ, sâu sắc.

Nổi bật trong dòng chảy của văn xuôi hiện đại Việt Nam là các nhân vật nữ với vẻ đẹp tiềm tàng, khuất lấp và trỗi dậy mạnh mẽ mỗi khi có sự tác động của hoàn cảnh.

Cuộc đời người phụ nữ trước hoàn cảnh xã hội

Có thể nói, các tác phẩm văn xuôi Việt Nam hiện đại đều ra đời ở những thời điểm, hoàn cảnh đặc biệt của đất nước. Mảnh đất hiện thực vô cùng phong phú đã được các nhà văn quan sát, khám phá, khái quát thành những bức tranh phản chiếu đời sống xã hội một cách chân thực nhất.

Trong bức tranh muôn màu ấy, hình ảnh người phụ nữ nổi lên như một điểm nhấn trong mỗi tác phẩm với những cuộc đời, số phận éo le, bi thảm, đầy đau khổ. Từ đó mà gieo vào trái tim nhà văn và bạn đọc những điều trăn trở, khắc khoải trước số phận con người.

Phải kể đến là các tác phẩm như Vợ chồng A Phủ (1952, Tô Hoài), Vợ nhặt (1962, Kim Lân), Chiếc thuyền ngoài xa (1983, Nguyễn Minh Châu) và nhiều tác phẩm khác viết về người phụ nữ giai đoạn này.

Ở truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài đã ngược lên vùng Tây Bắc để viết về số phận của người lao động nghèo ở miền núi dưới sự áp bức, bóc lột của thực dân, chúa đất.

Trong đó, nổi bật là nhân vật Mỵ, một cô gái người dân tộc Mông phải chịu bao tủi cực trước các thế lực tàn bạo. Sinh ra và lớn lên giữa bản vùng cao Tây Bắc, Mỵ vốn là một cô gái xinh đẹp “Trai đến đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mỵ… Bao người ngày đêm thổi sáo đi theo Mỵ…”.

Mỵ còn là một cô gái chăm chỉ lao động, có tài thổi sáo, có hiếu với cha và yêu đời, yêu tự do. Như một bông hoa đẹp giữa đất trời Tây Bắc, lẽ ra Mỵ phải được hưởng hạnh phúc nhưng cuộc đời người con gái ấy khi đến tuổi kết hôn cũng là lúc bắt đầu kiếp sống của một “con dâu gạt nợ” cho nhà thống lý Pá Tra bởi món nợ truyền kiếp của cha mẹ, bởi chế độ cho vay nặng lãi vô cùng ác độc của bọn chúa đất.

Cuộc đời, số phận của một “nô lệ”, một “công cụ lao động biết nói nhưng không nói”, một “xúc nô” bắt đầu và cứ thế triền miên trong không gian địa ngục nhà thống lý Pá Tra.

Dần dần theo năm tháng, Mỵ mất hết ý niệm về thời gian, không gian, không nghĩ đến cái chết nữa, cũng không có ý định bỏ trốn và sự vô cảm trước mọi thứ đã che lấp hết đi sức sống, lòng yêu đời và yêu tự do trong Mỵ. Cái lùi lũi, âm thầm, cái cúi mặt buồn rười rượi luôn là trạng thái sống của Mỵ ở nhà thống lý Pá Tra.

Khai thác số phận con người trong nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945, nhà văn Kim Lân trong truyện ngắn Vợ nhặt đã không đi vào những sự kiện lớn, những biến cố mà đi sâu tìm hiểu về số phận bi đát, éo le của những người nông dân nghèo trong hoàn cảnh sự sống và cái chết gần như gang tấc, người chết như ngả rạ, mùi xú uế khắp nơi, tiếng hờ khóc, tiếng quạ gào lên thê thiết…

Giữa không gian đặc quyện sự chết chóc ấy, nhà văn Kim Lân đã hướng góc nhìn đến những cô gái “ngồi vêu” ở vệ đường trong bộ dạng rách rưới, đói khổ. Trong số đó, thị, người chạy lại đẩy xe thóc cho Tràng được nhà văn chú ý miêu tả.

Thân hình gầy sọp, quần áo rách như tổ đỉa, hai con mắt trũng sâu của thị chính là hiện thân của cái đói, cái nghèo dưới sự bóc lột tàn bạo của bọn thực dân Pháp và phát xít Nhật.

Và rồi, lần thứ hai khi gặp Tràng, với vẻ mặt “xưng xỉa”, lời nói “chao chát, chỏn lỏn”, thị đã theo Tràng về làm vợ, theo không, không cần cưới hỏi hay lễ vật gì, chỉ ra chợ ăn một lúc bốn bát bánh đúc rồi người con gái ấy đã theo không chàng trai về làm vợ.

Thảm hại biết bao khi giữa nạn đói khủng khiếp ấy, mạng sống con người mỏng manh đến vô vọng thì cái giá trị con người, nhất là người phụ nữ rẻ rúng như cái rơm, cọng rác mà người ta có thể nhặt được ở ngoài đường.

Và lòng tự trọng trước miếng ăn của người phụ nữ kia dường như không còn nữa khi mà cái chết đang cận kề. Thị theo Tràng về xóm ngụ cư giữa một buổi chiều muộn hoang tàn, không gian vẩn đục sự chết chóc, họ bước đi như đang tiến về nghĩa địa vậy.

Bước vào thời kỳ hậu chiến, đất nước hòa bình, thống nhất, trở về cuộc sống đời thường, văn học Việt Nam có sự chuyển biến sâu sắc về đề tài, cảm hứng, nghệ thuật. Trong đó, ngòi bút của các nhà văn hướng về số phận của những con người cá nhân, đời tư giữa cuộc sống mưu sinh đầy bộn bề, gian khó, mang đậm cảm hứng thế sự.

Tiên phong trong thời kỳ đổi mới nền văn học, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã khai thác cuộc đời, số phận của người đàn bà hàng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa.

Cuộc sống lênh đênh trên biển đầy gian khó, gia cảnh đông con, người chồng vũ phu luôn giáng lên lưng người đàn bà khốn khổ ấy những trận đòn “quái ác”, “năm ngày một trận nặng, ba ngày một trận nhẹ”.

Khi nghệ sĩ Phùng chứng kiến cảnh đó, anh cảm giác như đó là một “nghịch lý” của cuộc sống và một điều khó hiểu là trước những trận đòn ấy, người đàn bà cứ thế mà chịu đựng, không chạy trốn, không chống lại cũng không hề van xin. Có chăng, người đàn bà có lúc xin chồng đưa lên bờ mà đánh để các con không phải chứng kiến cảnh bạo lực.

Chính điều đó đã thôi thúc Phùng ở lại để tìm hiểu nguyên cớ vì sao người đàn bà hàng chài lại có số phận bi thảm đến như thế, động cơ nào khiến chị ta chịu đựng đến nhẫn nhục trước sự tàn ác, vũ phu của người chồng.

Vẻ đẹp khuất lấp trỗi dậy khi có sự tác động của hoàn cảnh

Thật khó đi đến hồi kết nếu số phận của các nhân vật nữ cứ mãi đắm chìm, trượt dài trước hoàn cảnh của đời sống xã hội. Và đến một lúc nào đó, sức sống, vẻ đẹp vốn có của họ sẽ vĩnh viễn mất đi như một định mệnh trước quy luật của số phận con người.

Tuy nhiên, với cái nhìn nhân đạo và niềm tin vào vẻ đẹp tâm hồn con người, các nhà văn đã đặt người phụ nữ vào những tình huống, những hoàn cảnh cụ thể để thổi bùng lên sức sống tiềm tàng, khơi lên vẻ đẹp khuất lấp, ẩn sâu trong tâm hồn họ. Mỗi chi tiết trong hoàn cảnh sống như một “chất xúc tác” quan trọng thổi đi lớp tro tàn để cho ngọn lửa sống trong tâm hồn người phụ nữ bùng lên.

Ở truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, không phải ngẫu nhiên Mỵ trỗi dậy sức sống, sức phản kháng mà là do sự tác động của ngoại cảnh vào tâm cảnh. Đó là không khí náo nức của đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài với tiếng sáo gọi bạn tình, không khí ăn Tết tưng bừng đã “xâm lấn” vào tâm hồn Mỵ tự lúc nào để rồi, từ trong con người tưởng như đã chết, đã chìm đắm trong sự vô cảm ấy, Mỵ thấy “thiết tha bồi hồi…

Mỵ nhẩm thầm lời bài hát trong tiếng sáo gọi bạn… Mỵ lén lấy hũ rượu uống ừng ực từng bát…”. Sự tác động của ngoại cảnh cũng làm thức dậy trong Mỵ nhận thức về quá khứ tươi đẹp, về hiện tại vô cùng tàn nhẫn và hướng về tương lai. Mỵ đã nhận ra mình “Mỵ còn trẻ lắm, Mỵ muốn đi chơi…”.

Và lúc này, lòng yêu đời trong Mỵ trỗi dậy bằng việc nghĩ đến nắm lá ngón và cái chết để quên đi thực tại đầy đau khổ ấy. Mỵ hành động để thể hiện lòng yêu đời, yêu tự do bằng việc rút váy, thắp đèn sáng, cuốn lại tóc để đi chơi như bao người đàn bà có chồng khác.

Ở thời điểm khác, đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn, Mỵ chỉ biết làm bạn với ngọn lửa để xua tan đi giá lạnh vào mỗi đêm trong trạng thái sống câm lặng trở lại sau đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài. Lúc đó, A Phủ xuất hiện trong tư thế bị trói đứng và đang ở tình trạng chờ chết.

Ban đầu, Mỵ vẫn dửng dưng thổi lửa, hơ tay bởi sống trong đau khổ, Mỵ đã quá quen cảnh đó rồi, ngay bản thận Mỵ cũng từng bị A Sử trói đứng vào cột như thế. Bởi vậy, dù “A Phủ có là cái xác chết đứng ở đó cũng thế thôi”. Chỉ đến khi nhìn thấy “dòng nước mắt chảy trên hõm má đã đen xạm lại của A Phủ”, sức sống, sức phản kháng trong Mỵ mới trỗi dậy.

Thương mình, thương người, nghĩ đến tội ác của cha con thống lý là những suy nghĩ đang tổng hòa trong Mỵ để bật lên thành một quyết định và hành động táo bạo là cắt dây cởi trói cứu A Phủ và chạy theo A Phủ xuống dốc núi. Có thể nói, hành động này là đỉnh cao sức sống tiềm tàng trong con người của Mỵ sau bao tháng năm sống tủi cực của kiếp sống nô lệ trong sự bóc lột, đàn áp của cường quyền, thần quyền, phu quyền. Mỵ đã cứu A Phủ và đồng nghĩa với việc giải thoát cuộc đời mình.

Nếu sự trỗi dậy của sức sống tiềm tàng trong nhân vật nữ của Vợ chồng A Phủ mạnh mẽ, quyết liệt thì ở Vợ nhặt, trước hoàn cảnh trở về xóm ngụ cư làm vợ Tràng, con dâu bà cụ Tứ, người đàn bà không tên giữa nạn đói khủng khiếp ấy được nhà văn Kim Lân khai thác ở vẻ đẹp nữ tính vốn khuất lấp trước đó.

Khi bước chân trên đường về xóm ngụ cư, vẻ đẹp nữ tính của thị đã dần bộc lộ qua các tín hiệu như bước chân díu vào nhau, lấy nón che mặt như thể ngại ngùng, lo lắng. Rồi khi vào nhà, thị ngồi ở mép giường, tay vân vê tà áo, chào bà cụ Tứ lễ phép chứ không còn chua chát, chỏng lỏn như trước nữa.

Sáng hôm sau, những vẻ đẹp nữ tính của người đàn bà này đã bộc lộ rõ qua những công việc như cùng mẹ quét tước nhà cửa, sân vườn, múc nước vào vại, giặt giũ quần áo, nấu cơm… Dường như thị đang chăm lo, vun vén cho hạnh phúc gia đình.

Và trong bữa cơm đầu tại nhà chồng, thị kể cho Tràng nghe về việc người dân ở mạn Bắc Giang, Thái Nguyên không chịu đóng thuế nữa mà họ kéo nhau đi phá kho thóc chia cho dân nghèo. Câu chuyện ấy tưởng như chuyện phiếm nhưng từ sâu thẳm tâm hồn thị, phải chăng đó là sự nhận thức về hoàn cảnh, về con đường giải thoát số phận trước cái đói thảm khốc.

Có thể nói, hành động Mỵ chạy theo A Phủ trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ là sự giải thoát số phận khỏi cường quyền, thần quyền, là tìm về con đường đấu tranh để giành lại tự do còn thị trong Vợ nhặt “theo không” Tràng về làm vợ không đơn thuần là có được miếng ăn để thoát khỏi cái chết mà trong hoàn cảnh hiểm nghèo ấy, người phụ nữ vẫn tiềm ẩn khát khao sống, khát khao hạnh phúc và xa hơn là khát vọng đổi đời trong tương lai.

Trong hoàn cảnh cuộc sống đời thường, mưu sinh đầy gian khó, người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được nhà văn Nguyễn Minh Châu khắc họa những phẩm chất mang màu sắc truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

Đặt người đàn bà hàng chài vào hoàn cảnh bạo lực gia đình với những trận đòn quái ác từ người chồng và việc Phùng, Đẩu mời chị ra tòa, Nguyễn Minh Châu đã hé mở cho độc giả những vẻ đẹp bấy lâu nay khuất lấp bên trong cái ngoại hình thô kệch, mệt mỏi, vẻ bề ngoài lam lũ, thất học của người đàn bà. Và đó cũng là câu trả lời cho những băn khoăn của Phùng và Đẩu.

Một nghệ sĩ nhiếp ảnh, một chánh án tòa án như vỡ òa trong nhận thức khi người đàn bà trả lời những câu hỏi, những điều khó hiểu. Lời nói dõng dạc, xưng hô “chị – các chú”, người đàn bà hàng chài dần dần đã thể hiện rõ là một người phụ nữ miền biển giàu đức hy sinh, yêu thương con, tuy cam chịu nhưng tấm lòng bao dung, độ lượng, sống kín đáo, sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời và biết chắt chiu hạnh phúc đời thường.

Có thể khẳng định, sức sống tiềm tàng, vẻ đẹp khuất lấp trong tâm hồn các nhân vật nữ trong các tác phẩm văn xuôi 1945 – 1975, sau 1975 đã góp phần làm nổi bật vẻ đẹp hình tượng người phụ nữ trong dòng chảy của văn học Việt Nam. Đó là những vẻ đẹp vừa mang tính truyền thống, bền vững, vừa có những vẻ đẹp gắn với số phận và hoàn cảnh trong những thời điểm cụ thể.

Thông qua vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong mỗi tác phẩm, các nhà văn gửi gắm những thông điệp quan trọng về con người, về nghị lực sống, về khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc và những quan niệm về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

Đó là những tư tưởng quan trọng góp phần làm nên sức sống lâu bền của tác phẩm văn học trong lòng độc giả và sự phát triển không ngừng của nền văn học dân tộc.

Khai thác vẻ đẹp tiềm tàng, khuất lấp trong tâm hồn các nhân vật nữ của văn xuôi Việt Nam hiện đại, các nhà văn đã góp những tiếng nói nhân đạo sâu sắc, mới mẻ vào dòng chảy nhân đạo của văn học Việt Nam. Từ đó, các nhà văn lên tiếng tố cáo đanh thép các thế lực tàn bạo đã chà đạp, áp bức, bóc lột, đẩy số phận người phụ nữ vào kiếp sống nô lệ, tủi cực và thân phận rẻ rúng như cái rơm cọng rác. Nổi bật trong giá trị nhân đạo của các tác phẩm là sự trân trọng, niềm tin mãnh liệt vào sức sống tiềm tàng, vào vẻ đẹp khuất lấp của người lao động. Dù hoàn cảnh sống có khắc nghiệt, bi đát, éo le đến đâu cũng không xóa đi sức sống và vẻ đẹp trong tâm hồn họ.
.

Theo GIÁO DỤC & THỜI ĐẠI

Tags: ,