Về chiến lược hành lang phía Tây của Trung Quốc

Quan hệ sâu hơn với Đông Nam Á mang lại ít lợi ích kinh tế hơn trong khi lại đẩy Trung Quốc vào xung đột quyền lực lớn hơn. Do vậy, khi buộc phải ưu tiên, Đông Nam Á ít khả năng được Trung Quốc lựa chọn hơn đại lục Á-Âu.

Về chiến lược hành lang phía Tây của Trung Quốc

Bài viết của các tác giả Nicholas Borroz, chuyên gia tư vấn chiến lược tại Washington và Tiến sỹ Jacopo Maria Pepe, học giả thỉnh giảng tại trung tâm nghiên cứu Đông Á Edwin Reischauer, Đại học Johns Hopkins (Mỹ). Bài viết đăng trên “Straits times”, 2017.

Dù Trung Quốc muốn giành ngôi vị đứng đầu tại Đông Nam Á, nước này cũng muốn tăng cường quan hệ với các nước hướng Tây. Điều này bắt nguồn từ việc tham vọng kiểm soát Đông Nam Á có thể khiến Trung Quốc gặp rủi ro trước những bất ổn và cạnh tranh quốc tế ở khu vực này. Mặt khác, việc vòng qua Đông Nam Á với các mối quan hệ tại hành lang phía Tây sẽ giúp Trung Quốc bảo vệ tốt hơn lợi ích chiến lược của mình. Điều này được phản ánh rõ ràng trong dự án “Một vành đai, Một con đường”, một chính sách kinh tế toàn diện và đáng chú ý nhất mà Trung Quốc đưa ra.

Một vành đai, Một con đường cho thấy trọng tâm địa-kinh tế của Trung Quốc là ở phía Tây chứ không phải phía Đông Nam. Trung Quốc có ý định chuyển đổi lục địa Á-Âu thành một trung tâm công nghiệp và vận tải giúp kết nối với thị trường toàn cầu. Phần lớn dự án Một vành đai, Một con đường hướng tới Trung Á, không phải Đông Nam Á, để từ đó mở rộng tới Nam Á, Tây Nam Á và Đông Âu. Nói chung những thị trường này có tiềm năng tiêu thụ lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Việc kết nối với Đông Nam Á sẽ cải thiện nguồn cung và chuỗi giá trị ở một mức nào đó chỉ đối với nền kinh tế khu vực miền Nam Trung Quốc, nơi tiếp giáp với Đông Nam Á. Nhưng về mặt tổng thể, sự kết nối này không cải thiện cho toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc.

Một lợi ích khác của đại lục Á-Âu so với Đông Nam Á mà Trung Quốc nhận được chính là việc Bắc Kinh có thể tổ chức sắp xếp các dự án hiện có tại đây. Ví dụ, tại Kazakhstan, Trung Quốc đang xây dựng các dự án có sự đóng góp tài chính chung của Chính phủ Kazakhstan và các thể chế tài chính khu vực. Trung Quốc hiện có nhiều lợi thế tại Trung Á để tái thiết lập con đường tơ lụa nổi tiếng thời xưa. Để so sánh, có thể thấy tại Đông Nam Á thiếu cơ sở hạ tầng, vì vậy rõ ràng là Trung Quốc sẽ tốn kém hơn để bắt đầu từ đầu trong khu vực Đông Nam Á so với việc mở rộng các dự án hiện có tại phía Tây.

Một lợi ích to lớn khác tại Trung Á mà các nhà chiến lược Trung Quốc nhận thấy là tại đây có ít cạnh tranh địa chính trị hơn tại Đông Nam Á. Tại Đông Nam Á, Trung Quốc vấp phải sự canh tranh quyết liệt từ các đối thủ, đặc biệt là Nhật Bản. Tokyo có những lợi ích công nghiệp tại Đông Nam Á và đang theo đuổi các dự án cơ sở hạ tầng vận tải xuyên quốc gia. Có thể kể đến là việc Nhật Bản đang xây dựng một hành lang kinh tế giúp kết nối Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Dự án này và các dự án khác đặt ra thách thức đối với Trung Quốc bởi cách tiếp cận của Nhật Bản bền vững hơn. Tokyo xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, bền vững, theo hướng ít mang tính điều khiển bởi chính phủ hơn.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng thách thức những tham vọng của Trung Quốc tại Đông Nam Á. Tổng thống Donald Trump có thể cứng rắn với Trung Quốc hơn người tiền nhiệm Obama đã làm. Giống như ông Obama, Tổng thống Trump có thể sẽ tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực bên cạnh các đồng minh truyền thống như Thái Lan và Philippines. Lý do cuối cùng khiến cho việc mở rộng ảnh hưởng sang hướng Tây có lợi hơn cho Trung Quốc là giúp nước này thoát khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan tại Malacca. Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động nhập khẩu, bao gồm cả nhập khẩu dầu mỏ qua eo biển Malacca. Nút thắt cổ chai này chính là điểm yếu chiến lược của Trung Quốc và là một trong những động cơ chính khiến Trung Quốc xây dựng các hành lang vận tải khác thay thế và tìm cách thống trị các vùng biển tại Đông Nam Á.

Do vậy, việc chuyển hướng sang phía Tây chính là một cách tốt để Trung Quốc tránh được thế bế tắc này. Tất nhiên, Trung Quốc có thể sử dụng Myanmar hoặc một quốc gia khác gần đó làm trung tâm trung chuyển dầu mỏ, các loại hàng hóa thông qua đường bộ để tránh eo biển Malacca. Trung Quốc cũng có thể xây dựng sự hiện diện quân sự tại các vùng biển Đông Nam Á để đảm bảo tuyến vận tải biển được an toàn. Nhưng ngay cả với các biện pháp này, hàng hóa vẫn phải vận chuyển qua Đông Nam Á. Cách tốt nhất là tránh hoàn toàn khỏi Đông Nam Á và xây dựng các hành lang cơ sở hạ tầng về phía Tây. Ví dụ như xây dựng các cảng ở Iran hay Pakistan sẽ mang lại tính linh hoạt chiến lược hơn.

Tất cả những điều này có nghĩa rằng Trung Quốc muốn hướng tới vị trí đứng đầu tại Đông Nam Á nhưng nước nước này cũng quan tâm tới mức độ toàn cầu trong việc tạo ra các liên kết kinh tế ở các khu vực khác. Trung Quốc theo đuổi một chiến lược đa ngành và khi nền kinh tế tiếp tục suy giảm, nước này buộc phải lựa chọn khu vực để tập trung nguồn lực. Quan hệ sâu hơn với Đông Nam Á mang lại ít lợi ích kinh tế hơn trong khi lại đẩy Trung Quốc vào xung đột quyền lực lớn hơn. Do vậy, khi buộc phải lựa chọn ưu tiên, Đông Nam Á ít khả năng được Trung Quốc lựa chọn hơn đại lục Á-Âu.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: , , ,