Về các cách thức kiểm soát xã hội

Các xã hội, dù áp dụng hình thái tổ chức chính trị nào, đều phải có những phương thức để kiểm soát xã hội, giải quyết các xung đột trong cũng như ngoài xã hội. Các phương thức này bao gồm từ các hành vi của cá nhân đơn lẻ đến cộng đồng, phi bạo lực hoặc bạo lực.

Về các cách thức kiểm soát xã hội

Các cách giải quyết phi bạo lực

Tránh mặt: Nguy cơ của bạo lực bị loại trừ nếu hai bên tự động tránh mặt hoặc tách ra cho đến khi bình tĩnh trở lại Theo các nhà nhân học đây là cách thường được áp dụng trong các xã hội săn bắn hái lượm. Một trong hai bên xung đột có thể di chuyển sang một nhóm khác hoặc di chuyển vị trí lều của mình cách xa đối thủ. Lối sống bán du mục, trong đó cư trú là tạm thời, tạo điều kiện thuận lợi cho phương thức này.

Hành động cộng đồng: Hành động được một nhóm hay cả cộng đồng tán thành và tham gia thường diễn ra trong các xã hội thiếu sự lãnh đạo tập trung có quyền lực. Ví dụ như một thành viên của Nhóm hoặc Bộ lạc không thể tuân theo những tập tục của cả Nhóm có thể bị cả cộng đồng tẩy chay.

Đàm phán và Trung gian: Không có một quy định chung cho đám phán, và đôi khi bên thứ ba cũng có thể tham dự vào quá trình đàm phán như là trung gian. Thông qua đàm phán bất cứ giải pháp nào mà khôi phục lại hòa bình đều được coi là tốt. Ví dụ, trong trường hợp đàm phán về đền bù cho vụ giết người giữa hai gia đình, thủ lĩnh có thể đóng vai trò bên thứ ba. Ông ta mang vật phẩm đền bù đến gia đình người chết để hòa giải tránh trả thù sau này.

Lễ Hòa giải / Xin lỗi: Thông qua nghi lễ này thường là chính thức trước sự chứng kiến của cộng đồng, người gây ra lỗi thường tỏ thái độ ăn năn muốn được người bị hại tha thứ. Các nhà nhân học chứng kiến một nghi lễ như vậy ở tộc người Fijians ở Nam Thái Bình Dương. Trong nghi lễ có tên soro (tiếng địa phương có nghĩa là đầu hàng) người gây lỗi dù có có vị trí cao hơn người bị hại, đã cúi đầu bảy tỏ sự ăn năn trong khi người trung gian nói và trao đền bù cho người bị hại dưới sự chứng kiến của cả cộng đồng.

Thề và Thử thách: Thề là hành động mời một vị thần đến chứng giám sự chân thật trong lời người đang nói. Còn thử thách là quyết định việc có tội hay vô tội thông qua việc thử thách người bị buộc tội thông qua các hành động nguy hiểm, được tin là dưới sự chứng giám của thế lực siêu nhiên. Cả hai cách thức này giống nhau ở điểm là đều dựa vào một thế lực siêu nhiên bên ngoài. Một cách thử thách thường thấy là nhúng nước sôi. Ví dụ như ở người Tanala ở Madagasca, kẻ buộc tội sẽ bị nhúng tay vào nước sôi sau đó là nước lạnh. Đến sáng hôm sau nếu tay anh ta có vết bỏng thì có nghĩa là anh ta có tội.

Phân xử và luật hóa: Ta gọi là phân xử khi mà bên thứ ba đóng vai trò như quan tòa mà các bên tranh chấp phải chấp nhận quyết định của họ. Bên thứ ba này có thể là một người, một nhóm người hoặc một tổ chức chính trị. Xét xử thường được công khai với sự chứng kiến của công luận. Và các quan tòa thường dựa trên những bộ luật được chính thức hóa để phán xét. Dù chính thức hóa luật không chỉ tồn tại trong các xã hội phương Tây nhưng không phải mọi xã hội đều phát triển bộ luật chính thức. Trong các xã hội nhỏ và đơn giản, mà ít có các vụ việc phức tạp việc xây dựng một bộ luật chính thức là không cần thiết. Trong các xã hội lớn có phân hóa, tranh chấp diễn ra thường xuyên và phức tạp hơn. Do đó việc có một bộ luật chính thức là cần thiết.

Cách giải quyết bạo lực

Phương thức bạo lực thường được sử dụng khi mà các phương thức giải quyết khác không hiệu quả. Một số xã hội không coi hành vi bạo lực giữa các cá nhân là tội ác. Khi hành vi bạo lực diễn ra trên quy mô cộng đồng, quốc gia nó được gọi là chiến tranh. Phần dưới sẽ xem xét cụ thể các phương thức bạo lực mà các nhà nhân học tổng kết được ở các xã hội khác nhau.

Bạo lực mang tính cá nhân: Mặc dù nghe có vẻ nghịch lý nhưng trong thực tế bạo lực được sử dụng để kiểm soát hành vi. Ví dụ trong một số nền văn hóa việc dùng bạo lực với trẻ em, thường là do bố mẹ tiến hành, khi mà chúng có những hành vi sai được xem là cần thiết. Hành vi đó không bị coi là tội ác. Cũng tương tự như vậy, bạo lực được áp dụng với người trưởng thành. Trong một số xã hội việc dùng bạo lực, gây thương tích hoặc thậm chí giết,với những người mà lấy trộm hay gây thương tích cho thành viên trong gia đình của người khác được xem là đúng. Tuy nhiên các xã hội này đều có các chuẩn mực, luật lệ phi chính thức, kiểm soát các hành vi bạo lực.

Bạo lực liên thế hệ giữa các gia đình / dòng họ: Đây là hình thức bạo lực diễn ra qua lại giữa các gia đình hoặc dòng họ dưới mong muốn trả thù một cuộc tấn công nào đó. Nó có thể diễn ra dưới dạng lăng mạ, gây thương tích, cướp phá hoặc giết đối với các thành viên của gia đình hoặc dòng họ đối nghịch. Đặc điểm chung của phương thức này là việc này được xem là trách nhiệm chung của mọi thành viên của gia đình hoặc dòng họ. Và đây không chỉ là phương thức được tiến hành ở các xã hội có quy mô nhỏ mà thậm chí ở các xã hội ở trình độ tổ chức chính trị cao.

Đột kích: Đột kích là việc tổ chức, sử dụng bạo lực trong một khoảng thời gian ngắn để đạt một mục đích giới hạn, ví dụ như giành quyền kiểm soát hàng hóa, gia súc hay các vật phẩm thuộc về người hay nhóm khác, thông thường là cộng động liền kề. Phương thức này rất phổ biến ở các xã hội du mục chăn thả gia súc trong đó gia súc có thể được dùng làm phần thưởng. Nó thường được lãnh đạo bởi một thủ lĩnh tạm thời mà quyền hạn chỉ bó gọn trong cuộc tấn công đó. Nó cũng có thể được tổ chức với mục đích bắt giữ người thông thường là phụ nữ để làm vợ hoặc tì thiếp hoặc làm nô lệ.

Đương đầu trên quy mô lớn: Nếu hai phương thức trên thường chỉ liên quan tới một số lượng nhỏ các cá nhân và luôn được tiến hành một cách bất ngờ không báo trước, thì đương đầu trên quy mô lớn, chiến tranh, thường sử dụng một số lượng lớn nhân lực. Cả hai bên đều lên kế hoạch và có chiến lược tấn công và phòng thủ. Nó thường diễn ra ở các xã hội nông nghiệp thâm canh hoặc công nghiệp Chỉ các xã hội này mới sở hữu được công nghệ sản xuất lương thực đủ để nuôi một quân đội chuyên nghiệp toàn thời gian gồm các binh lính, chỉ huy những người hoàn toàn tách rời khỏi sản xuất. Tuy nhiên nó không chỉ diễn ra ở ở các xã hội có nhà nước mà nó còn diễn ra ở các xã hội nông nghiệp quảng canh như ở người Dugum Dani ở miên trung New Guinea. Tuy nhiên chiến tranh cũng có những quy tắc riêng tùy thuộc vào văn hóa của từng xã hội. Ví dụ như ở người Dani, tấn công không được tiến hành ban đêm và vũ khí chỉ là giáo, nỏ và tên. Hoặc ở các xã hội hiện đại, việc sử dụng vũ khí hóa học hay sinh học bị ngăn cấm.

Các thuyết giải thích

Trong mọi xã hội mà được các nhà nhân học nghiên cứu, chiến tranh giữa các cộng đồng hay các nhóm dựa trên lãnh thổ đều diễn ra. Mọi xã hội đều ít nhất một lần mô tả chiến tranh trong lịch sử của mình, trừ trường hợp họ bị đồng hóa bởi những xã hội lớn hơn. Chiến tranh dường như là một hiện tượng tồn tại ở mọi xã hội ở các trình độ tổ chức chính trị khác nhau, tuy nhiên ở các quy mô khác nhau. Vậy đâu là nguyên nhân lý giải cho hiện tượng này. Carol và Melvin Ember đưa ra một trong những giải thích thuyết phục nhất cho hiện tượng này. Theo họ chiến tranh là kết quả của nhiều nhân tố. Đó là nỗi sợ của thiên tai và sợ các nhóm người khác. Thiên tai diễn ra hàng năm có thể gây là hiện tượng thiếu lương thực. Trong khi nỗi sợ các nhóm người khác phụ thuộc vào quá trình nuôi dạy, xã hội hóa, trẻ em. Nếu từ nhở đứa trẻ đã được giáo huấn là một nhóm người nào đó là xấu thì đó cũng có thể là một nguyên nhân khiến chúng tham gia vào cuộc chiến chống lại nhóm người đó sau này. Ferguson lý giải rằng tranh giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên sống còn giữa các cộng đồng liền kề cũng là nguyên nhân gây ra chiến tranh. Hoặc các nhà nhân học khác đưa ra các lý do khác ví dụ như sức ép tăng dân số.

Kết luận

Các xã hội dù thuộc hình thái nào đều có cách thức kiểm soát xã hội. Theo các nhà nhân học, các cách thức này biến đổi từ xã hội này sang xã hội khác. Tuy nhiên, chúng thuộc một trong hai phạm trù sau: Phi bạo lực và Bạo lực. Hình thái kiếm sống của xã hội có ảnh hưởng tới sự tồn tại của cách thức kiểm soát của xã hội đó. Ví dụ, các xã hội công nghiệp có một hệ thống chuyên biệt, toàn thời gian để kiểm soát xã hội như tòa án, công an. Chiến tranh, định nghĩa một cách đơn giản xung đột giữa hai nhóm có lãnh thổ xác định, mức độ cao nhất của các phương thức bạo lực, dường như tồn tại ở mọi xã hội, nhưng ở các mức độ khác nhau. Chỉ các xã hội có đủ nguồn lực để duy trì một quân đội thường trực tách rời khỏi sản xuất mới có khả năng tiến hành những cuộc “chiến tranh” đúng nghĩa. Nỗi sợ thiếu tài nguyên do thiên tai, nỗi sợ nhóm người khác bắt nguồn trong quá trình xã hội hóa, sức ép dân số là nguyên nhân khởi đầu của xung đột, rồi chiến tranh, giữa các cộng đồng liền kề.

Theo NHÂN HỌC

Tags: , , ,