Vasily Solovyov-Sedoi: Vị ‘Nguyên soái âm nhạc’ của Liên bang Xô viết

Có không ít ca khúc chỉ được hưởng tuổi đời ngắn ngủi, nhưng cũng có những ca khúc sống với mọi thời đại, nói theo cách phổ biến ở ta – đó là những bài ca đi cùng năm tháng. Chiều Moskva – ca khúc của nhạc sĩ Vasily Solovyov-Sedoi phổ thơ của Mikhail Matusovsky – thuộc vào số hiếm hoi đó. Đây là bài hát “nằm lòng” của nhiều thế hệ thanh niên thuộc đủ các màu da, và đã trở thành danh thiếp âm nhạc của xứ sở Bạch Dương bao la và hồn hậu…

Vasily Solovyov-Sedoi: Vị ‘Nguyên soái âm nhạc’ của Liên bang Xô viết

Nửa thế kỷ nay, “Chiều Moskva”

Nă, 1957, thủ đô Moskva mở băng nhạc Chiều Moskva qua giọng hát mượt như nhung của ca sĩ Troshin để đón các khách quý về dự Liên hoan Thanh niên thế giới lần thứ 6.

Theo các nhà nghiên cứu tiểu sử và sự nghiệp của Vasily Solovyov-Sedoi (1907 – 1979), chính nhạc sĩ ban đầu cũng chưa đánh giá đúng giá trị của ca khúc đó… Vì vậy khi Chiều Moskva được Ban Giám khảo quốc tế trao giải nhất cùng huy chương vàng, tác giả của nó lại bất ngờ và sung sướng đến thế. Ca khúc này là của tuổi trẻ, đã trở thành tiết mục gắn liền với thành công của Liên hoan Thanh niên thế giới Moskva và được sự công nhận quốc tế.

Sau khi Liên hoan Thanh niên thế giới lần thứ 6 bế mạc được nửa năm, nhạc sĩ Vasily Solovyov-Sedoi mang Chiều Moskva sang Brazil biểu diễn tại chính sân vận động huyền thoại Maracan và thu hút cả trăm ngàn khán giả – quang cảnh chỉ thấy vào những trận bóng đá lớn. Kỳ diệu thay – chủ nhân của những điệu samba lập tức hưởng ứng! Ngay ngày hôm sau, ở tất cả các nhà hàng, khách sạn tại thành phố Rio đều vang lên giai điệu du dương Chiều Moskva của nhạc sĩ Xô viết Vasily Solovyov-Sedoi.

Điều thú vị là tại trang trại của nhạc sĩ ở Komarovo, chiều chiều, bên cửa sổ thể nào cũng có một đám đông kéo đến dạo phong cầm Nga và hát vang ca khúc họ yêu thích – Chiều Moskva. Tương truyền, tác giả không ít lần đã phải lánh khỏi nhà vào “giờ cao điểm” ấy, và về cuối đời, ông vẫn phải phàn nàn: “Họ cứ tưởng như mình chỉ viết được có mỗi Chiều Moskva hay sao ấy”…

Nguyên soái âm nhạc

Nhạc sĩ Alexandr Konker – người cùng thành phố Petersburg, được coi là bạn vong niên, nhưng luôn luôn khiêm tốn tự nhận mình là học trò của Vasily Solovyov-Sedoi – kể lại: “Trong thời Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Vasily Solovyov-Sedoi không sống tại Leningrad đang bị vây hãm, mà ở Moskva. Ông trú tại khách sạn cũng mang tên “Moskva”, và ngay tầng trên là chỗ ở của nhà báo – nhà thơ Alexey Fatyanov. Hai người bàn nhau hợp tác để khai sinh những ca khúc cho Hồng quân hát.

Trong những năm chiến tranh, Vasily Solovyov-Sedoi đã viết được hơn 90 ca khúc, trong đó có những ca khúc bất hủ như Chim họa mi, Dạo nhạc lên – chiếc phong cầm của tôi!, Chiều trên bến cảng, Trên bãi cỏ nắng tràn… Ông đến tận mặt trận để biểu diễn phục vụ chiến sĩ, bất kể là trên sân khấu ngoài trời hay trong những hầm ngầm. Chỉ cần có một chiếc ghế để ông ngồi trước cây đàn đệm và cất lên chất giọng đặc trưng của nhạc sĩ, lập tức bài ca đã có cánh và trở thành tác phẩm dân gian”.

Đến nay, không phải nhiều người biết được rằng trong những năm chiến tranh, nhạc sĩ Vasily Solovyov-Sedoi đã được kết nạp vào Câu lạc bộ Nguyên soái, trong đó có những nhà chỉ huy quân sự Xô viết lừng danh thế giới: Zhukov, Konyev, Vasilievsky, Malinovsky… Điều đặc biệt là chính Nguyên soái Zhukov đã phong tặng Vasily Solovyov-Sedoi một danh hiệu bán chính thức “Nguyên soái Âm nhạc”. Bởi vì những ca khúc của Vasily Solovyov-Sedoi có sức chiến đấu ngang với “mìn Cận vệ” và tên lửa “Kachiusa”. Những bài hát của Vasily Solovyov-Sedoi đã được các chiến binh Xô viết mang vào trận đánh cho đến tận ngày toàn thắng 9/5/1945.

Nhạc sĩ Alexandr Konker đã đến bên Vasily Solovyov-Sedoi trong bệnh viện khi người thầy của mình chỉ còn sống được vài giờ ngắn ngủi, và người học trò kể lại rằng: “Những lời cuối cùng ông nói với tôi, đến giờ tôi vẫn nhớ: “Em là người biết rõ toàn bộ các sắc phong của anh. (Chúng ta đều biết, Vasily Solovyov-Sedoi từng được trao tặng rất nhiều giải thưởng và phần thưởng: chưa tính đến những huân chương, huy chương, nhạc sĩ đã được Giải thưởng Quốc gia Liên Xô hai lần, năm 1943 và năm 1947, Giải thưởng Lenin năm 1959, được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân Liên Xô năm 1967…). Anh để tất cả trong ngăn bàn viết của anh. Chà, ước gì có thể đánh đổi tất cả những thứ đó để lấy một lần, anh lại được vào rừng hái nấm!”.

Vasily Solovyov-Sedoi – người công dân – nhạc sĩ cũng với cương vị đại biểu Xô viết Tối cao Liên Xô – đã từ trần ngày 2/12/1979 tại Leningrad, nơi ông cất tiếng chào đời.

Theo ĐĂNG BẨY / SÀI GÒN GIẢI PHÓNG

Tags: , , ,