Văn hóa ứng xử trong truyện cười Việt Nam và Nhật Bản

Ở đâu cũng vậy, đã là con người cùng sống trong một cộng đồng tất yếu phải có những mối quan hệ ứng xử đan xen mật thiết, vừa mâu thuẫn, vừa bổ sung cho nhau, giúp con người tiến bộ, văn minh hơn. Mối quan hệ ứng xử giữa người với người được phản ánh với nhiều điều đáng phải suy ngẫm trong truyện cười dân gian hai nước Việt Nam – Nhật Bản.

Sự tương đồng

Việt Nam và Nhật Bản ảnh hưởng sâu sắc Nho giáo nên gia đình có vị trí quan trọng. Từ xa xưa, nền tảng gia đình Việt Nam cũng như Nhật Bản đã được hình thành và phát triển với những giá trị chuẩn mực tốt đẹp, là điểm tựa thiêng liêng cho mỗi con người. Văn hóa gia đình được xây dựng trên nền tảng đạo đức bao gồm đạo hiếu, đạo nghĩa như: đạo mẫu tử, cha con, vợ chồng, anh em…, được thể hiện thông qua cách cư xử của các thành viên trong gia đình. Những hành động và việc làm trái với chuẩn mực đạo đức lập tức trở thành nguyên nhân gây cười.

Xuất hiện nhiều trong truyện cười hai nước là mối quan hệ giữa bố vợ và chàng rể dốt nát, bất tài. Trong Con vịt có tay (Nhật Bản), chàng rể quê bất tài, khờ khạo lần đầu tiên đi thăm cha vợ ở thành phố, muốn tạo ấn tượng tốt đẹp, bởi thế bạn bè khuyên anh ta đừng im lặng, hãy nói dù chỉ là một lời thăm hỏi. Đến nơi anh im lặng từ đầu chí cuối, nhưng khi sắp ra về, anh hỏi cha vợ: “Ba có nhìn thấy một con vịt có tay bao giờ chưa?”. Hỏi như vậy thì không hỏi còn hơn, đỡ thể hiện sự dốt nát, ngớ ngẩn của mình. Quan hệ này trong truyện cười Việt Nam cũng rất phổ biến, thể hiện qua: Cái ấy thì con xin chịu, Chàng thong manh đi làm rể… Truyện Cái ấy thì con xin chịu kể về một chàng ngốc đi ở rể, sự răm rắp, rập khuôn một cách ngốc nghếch đã khiến chàng rể lộ bộ mặt dốt nát trước gia đình vợ. Người Việt Nam và Nhật Bản đều có quan niệm dâu con, rể khách. Mối quan hệ giữa cha vợ và con rể vì thế được người Nhật gìn giữ, cha vợ luôn có ý thức giữ gìn thể diện trước con rể và con rể cũng luôn cố gắng giữ hình ảnh đẹp trong mắt cha vợ. Thế nên, sự vụng về trong ứng xử của chàng rể, thể hiện sự dốt nát, ngớ ngẩn, trở thành nguyên nhân để người đời chê cười.

Trong gia đình, vợ chồng phải lấy sự hòa thuận và lòng chung thủy đặt lên hàng đầu. Lối ứng xử không chuẩn mực trong quan hệ vợ chồng bị đả kích, phê phán trong Thất bại làm mèoChiếc ví, Ngái ngủ… (Nhật Bản), Đứng mãi nó mỏiĐược cả đơn lẫn kép… (Việt Nam) Những truyện trên không chỉ cười sự ngờ nghệch, ngốc nghếch của các ông chồng bị cắm sừng, mà còn ngầm phê phán những người vợ không chung thủy, sẵn sàng phản bội chồng khi có cơ hội.

Nhiều khi ta còn thấy hiện tượng ghen thái quá của chồng hay vợ. Có người vợ ghen chồng đến nỗi ghen ngay cả với giấc mơ của chồng, trong Chiêm bao gì mà cười (Việt Nam), Một giấc mơ (Nhật Bản)… hay người chồng ghen đến mức phải trải tro lên thảm nhà để đánh dấu, tránh vợ theo trai và mù quáng đến mức khi say trở về, anh đã ghen ngay với hành động của mình (Ghen vợ). Câu chuyện như muốn cảnh báo sự ghen tuông thái quá ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình.

Mũi nhọn trào phúng còn chĩa vào đả kích những người keo kiệt, bủn xỉn. Mọi việc đều có mức độ của nó, nhưng hình như keo kiệt thì không có hạn mức. Nó len lỏi cả vào trong cách ứng xử của các thành viên trong gia đình và ảnh hưởng đến cuộc sống chung. Truyện Người cha keo kiệt (Nhật Bản) kể về một người cha keo kiệt đến mức khi một đứa bé chết, ông cấm các con khóc vì sợ hàng xóm biết chuyện, đến dự ma chay thì lại phải tốn trà đãi khách. Sự keo kiệt đã khiến người cha trong truyện mất hết tình người, chẳng tỏ ra thương xót gì đứa con đã chết, lại còn ngăn chặn sự thể hiện đau buồn của những người con khác trong gia đình, vô tình ông đã góp phần dạy cho những đứa con khác thói ích kỷ, keo kiệt. Tương tự, truyện Con nói hợp với ý ta (Việt Nam) kể về một gã đại hà tiện, lúc lâm chung, gọi ba đứa con vào hỏi cách thức chôn cất sau khi ông chết. Và ông chỉ hài lòng với cao kiến của người con cả khi anh ta nói sẽ đốt xác để lấy tro bón ruộng, bởi như vậy không mất mát gì, mà còn có lợi. Cả hai câu chuyện đã góp tiếng cười phê phán chua xót và đầy phẫn nộ.

Không chỉ đề cập đến cách ứng xử của cha mẹ đối với con cái, người dân hai nước còn đặc biệt đề cao tình cảm và trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ. Truyện cười Nhật Bản chế giễu, đả kích cách ứng xử của những đứa con bất hiếu. Trong Ngày kiêng ăn, người con thể hiện lòng hiếu thảo của mình bằng cách ăn cá ngừ trong ngày đáng ra phải kiêng ăn cho cha. Hay một người con khác chu đáo quan tâm đến cha tới mức khi cha chưa mất, anh đã dán sẵn tờ cáo phó ngoài cổng (Cáo phó). Tương tự, kho tàng truyện cười Việt Nam cũng xuất hiện những đứa con bất hiếu. Đó là đứa con đã thể hiện sự có hiếu của mình đối với cha mẹ bằng cách biếu đầu cá nhưng lại móc hết thịt ở hai bên mang cá (Có hiếu). Hoặc hai vợ chồng nhà nọ đang ăn khoai, thấy mẹ đến chơi liền giấu rổ khoai đi, người mẹ biết về giả chết, con sang khóc, miệng kể lể nhưng tay thì gỡ đôi bông tai. Những truyện ấy khiến ta cảm thấy căm giận sự giả dối, bất kính của con cái đối với đấng sinh thành.

Có thể nói, mặt trái trong ứng xử gia đình được đề cập khá toàn diện, đó là những điều không đáng có, cần phải loại bỏ để mái ấm gia đình được bình yên, hạnh phúc. Thông điệp mà mảng truyện cười về ứng xử gia đình gửi đến cho người đọc là hãy trân trọng và giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình mà cha ông để lại, đó chính là ngọn lửa để duy trì hạnh phúc.

Mặt trái trong bức tranh văn hóa ứng xử người với người trong xã hội hiện ra trong truyện cười thật sinh động với nhiều cấp độ khác nhau. Đó là mối quan hệ giữa chủ tớ, thày trò, bạn bè, hàng xóm, các giáo phái, những người xa lạ với nhau… Có những tiếng cười hóm hỉnh, buồn thương dành cho tầng lớp bình dân chân chất và có cả những tiếng cười mỉa mai, châm biếm tặng cho những kẻ giàu sang quyền quý mà hợm mình.

Trước hết là mối quan hệ giữa chủ nhà và khách. Vì miếng ăn, có người đã đánh mất cả phẩm chất của mình. Hai vợ chồng nhà nọ đang nướng bánh thì có khách ghé thăm. Họ gọi khách vào và người vợ nói: “Giờ thì ăn bánh nhanh lên trước khi lại có khách” (Khách đến trong khi nướng bánh, Nhật Bản). Truyện phê phán lối ứng xử thiếu tế nhị bởi lời chào cao hơn mâm cỗ, hay lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau, nét ứng xử văn hóa mà dân tộc nào cũng coi trọng.

Truyện cười Nhật Bản còn chế giễu những người có thói giận cá chém thớt, thể hiện qua Con chó mực ở Hyôgô. Tức giận vì bị con chó cắn, anh ta đã tìm một con chó khác để trả thù. Thói xấu này cũng xuất hiện ở truyện Bánh tao đâu của người Việt. Một thày đồ tham ăn, bữa nọ có người mời đi ăn cỗ, thày cho cậu học trò nhỏ theo hầu. Đến nơi, ăn no, thấy mâm vẫn còn nhiều bánh trái, thày muốn bỏ túi mấy chiếc mà ngại mất thể diện nên cầm bánh đưa học trò và nháy mắt ra hiệu cất mang về cho thày, cậu học trò không hiểu tưởng thày cho thật nên hồn nhiên bóc bánh ăn. Thày nhìn thấy, căm giận lắm, nhưng giữa đông đủ mọi người không dám mắng. Đến lúc ra về, thày vẫn còn tiếc rẻ mấy cái bánh nên kiếm cớ trả thù học trò.

Tiếng cười của người Nhật còn cất lên đượm buồn trước những người đại diện chữ nghĩa cho làng nước nhưng cư xử lại rỗng tuếch, không biểu đạt được sự hiểu biết. Đó là sư ông ngốc nghếch trong Với lấy sao trên trời, thày lang dốt trong Thày lang tự khen mình, thày dạy kiếm hèn nhát trong Thuật đánh kiếm… Mảng truyện về đề tài này ở Việt Nam có Hai thày đồ, Tệ, Bất là cây bất, Bốc thuốc theo sách Việc vạch trần những cái thấp hèn, xấu xa, dốt nát… trong giao tiếp ứng xử của các võ sĩ, sư sãi, các hạng thày…, bày tỏ thông điệp: có những hạng người không đủ tư cách, không đủ phẩm chất và không biết một chút gì về nghề nghiệp mà họ làm, họ không nên và không xứng đáng được giữ cái địa vị mà cuộc sống và xã hội từng ban tặng cho họ.

Bước ra cộng đồng làng xã, chúng ta nhận thấy quan hệ đối xử của con người có nhiều cung bậc hơn: từ những ứng xử nhẹ nhàng, tế nhị, giúp đỡ lẫn nhau trong tình làng, nghĩa xóm, không nề hà công việc, hoàn cảnh đến cả những xích mích, hiểu lầm do bản tính hớ hênh, thiếu suy nghĩ trong lời ăn tiếng nói của một số người, khiến quan hệ làng xóm sứt mẻ. Cháy nhà (Nhật Bản) thể hiện sự giúp đỡ lẫn nhau khi một gia đình bị hỏa hoạn. Sau khi hợp sức dập tắt lửa, không khí mất vui khi đứa con trai ngớ ngẩn của chủ nhà nói: “Cám ơn các bác, chừng nào nhà các bác cháy, chúng tôi sẽ đến”. Sự vô ý vô tứ còn thể hiện qua Thăm hỏi (Nhật Bản). Gọi một người đang ở trên cây cao xuống chỉ để nói một câu chào thử hỏi có đáng không? Cùng môtip trên, trong kho tàng truyện cười Việt Nam có Anh chồng đần, Gánh bưởi qua sông, Cái chổi lông gà… thể hiện cách ứng xử vụng về, thiếu văn hóa, máy móc ở một số đối tượng, nhất cử nhất động của họ đều theo sự chỉ dẫn của người khác mà không có lập trường, quan điểm riêng của bản thân.

Thánh nhà ai nấy thờ nhưng những tu sĩ trong Hai ngôi đền nuôi chó (Nhật Bản) đã tìm cách chọc phá, chơi xỏ lẫn nhau. Đây là câu chuyện chế giễu tính ăn miếng trả miếng, kèn cựa, xỏ xiên lẫn nhau của các tu sĩ thuộc hai tông phái. Về vấn đề xỏ xiên, cạnh khóe giữa các giáo phái, ở Việt Nam có Cha cố và sư ông đối đáp… Trong truyện, cha cố và nhà sư đã sử dụng vế đối để xỏ nhau, đó là điều không nên tồn tại ở các giáo phái. Có thể thấy những tính cách thấp hèn không đáng có, lối ứng xử không đẹp, không xứng đáng của một số tu sĩ đã bị nhân dân lên án mạnh mẽ. Truyện này gửi gắm một thông điệp: sống ở đời không nên kèn cựa, xỏ xiên người khác bởi biết đâu có lúc người khác lại đánh lại mình những đòn còn đau hơn. Sống tốt đời, đẹp đạo, chan hòa, thương yêu nhau là cái đích cần hướng đến.

Không chỉ phản ánh những câu chuyện nực cười trong ứng xử thiếu văn hóa của người với người trong xã hội, truyện cười còn diễn tả cả cách ứng xử thông minh linh hoạt của con người. Đó là chú tiểu đã trốn tội đánh vỡ chén quý của các nhà sư bằng những câu hỏi về Phật pháp rất thông minh (Chén vỡ), sư ông mặc dù biết mình bị lừa nhưng vẫn không thể nào trách tội được chú tiểu vì há miệng mắc quai. Cùng chủ đề, ở Việt Nam có truyện Bố mày! đã chết với tao chưa? Trong truyện, viên quan bị tát một cái đau điếng vào mặt nhưng cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt vì đã lỡ phán với người đi kiện con ruồi rằng: gặp nó ở bất cứ đâu thì cho phép đánh chết. Qua truyện cười, những người thấp cổ bé họng cũng có lúc vận dụng trí thông minh của mình để che mắt kẻ chức quyền ngốc nghếch: Giống người, giống khỉ (Nhật Bản), Bẩm toàn gạo muối, Bẩm toàn chó cả, Chiếm hết chỗ cả rồi (Việt Nam)… Nhân vật trong những truyện này đã lợi dụng những cảnh huống thuận lợi để nói kháy, chửi khéo bọn quan lại, biết và mặc dù rất tức nhưng chúng cũng không thể làm gì được.

Sự khác biệt

Do chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo nên vai trò của người cha trong gia đình Nhật Bản rất quan trọng. Người cha thường có uy quyền cao nhất và phải được kính trọng. Cũng vì vậy mà với con, cha thường tỏ ra mình là người hiểu biết và luôn có ý thức giữ gìn thể diện. Sự mâu thuẫn giữa cái có và cái cần phải có trong phẩm chất của người cha cũng tạo ra không ít tình huống gây cười. Truyện Nước Nhật rộng bao nhiêu kể về một người cha ra oai dạy dỗ con, nhưng thực chất cũng không thông minh hơn con là bao. Còn Chưa hết bài ca thể hiện sự thông minh, linh hoạt trong ứng xử của người cha và ý thức giữ gìn thể diện trước người khác – kể cả với các thành viên trong gia đình – của người Nhật Bản. Truyện cũng phần nào thể hiện tính cực đoan của người Nhật. Đây là một nét văn hóa rất riêng của người Nhật và điều này dẫn đến sự khác nhau trong truyện cười hai nước.

Truyện Thổi phồng (Nhật Bản) châm biếm lối ứng xử hèn nhát không đáng có của một anh chồng mang danh võ sĩ samurai, mang kiếm đôi. Một buổi tối muốn ra nhà vệ sinh ngoài vườn nhưng sợ không dám đi một mình, vì thế phải nhờ vợ cầm nến đi theo. Mang danh võ sĩ, hơn nữa là trụ cột trong gia đình nhưng ngay cả bóng đêm cũng làm anh sợ thì thử hỏi anh còn có thể làm nên trò trống gì? Câu chuyện như nhắn nhủ đấng mày râu hãy có những hành động khẳng định vị trí trụ cột của mình trong gia đình, đừng nấp bóng sau vợ mà làm trò cười cho người khác. Khinh ghét kiểu nhân vật như vậy nên người Nhật Bản đã lên án mạnh mẽ. Trong gia đình nhỏ bé, tác giả dân gian cười cách hành động đối phó của một anh chồng đối với người vợ của mình. Ví dụ trong Thuốc chống bổ, một người đàn ông ở Kyôtô đi khắp nơi tìm mua thuốc giảm sức khỏe cho vợ. Tình cảm vợ chồng gối ấp, tay kề nhưng chỉ vì chút ích kỷ của bản thân và để đối phó với vợ, người đàn ông trong truyện đã hành động trái đạo lý. Nụ cười hóm hỉnh được phát ra trong từng lời ăn tiếng nói, cách cư xử trái với lẽ thường. Không thấy những kiểu truyện trên trong kho tàng truyện cười người Việt mà chúng tôi khảo sát.

Trong khi đó trong loạt truyện cười về ứng xử giữa chồng và vợ ở truyện cười người Việt thấy xuất hiện những tiếng cười giòn giã vì chứng kiến những cử chỉ yêu thương trong sinh hoạt vợ chồng: Rèn, Hai ông phó cối, Cậu đánh ngũ liên lên cho… hay thể hiện sự giao tiếp cư xử của nhiều đôi vợ chồng chẳng chút tế nhị, văn hóa mà thô lỗ, cục cằn, sử dụng yếu tố tục như: Thân anh như dậu tôi, Ẻ vô ấm… Thói ăn vụng của vợ hay chồng cũng trở thành một đề tài phổ biến trong truyện cười Việt Nam, người đọc cười ở cái cách chống chế của chồng hay vợ khi bị đối tượng phát hiện ra, đó là nội dung các truyện: Ăn vụng gặp nhau, Mồ hôi đen… Những truyện có nội dung như vậy không thấy xuất hiện trong truyện cười Nhật Bản.

Cũng không thấy xuất hiện trong truyện cười Nhật Bản được khảo sát những truyện thể hiện mối quan hệ tế nhị giữa mẹ chồng và nàng dâu, giữa con dâu và cha chồng, nhưng quan hệ này được phản ánh rất nhiều qua truyện cười Việt: Bà mẹ chồng và hai nàng dâu, Răng hô, Dâu giọi cha chồng… Mẹ chồng đối xử với con dâu bằng tình cảm yêu thương nhưng truyện lại cười cách ứng xử vô duyên, đố kỵ, xấu xa của người con dâu. Hay hành động nói lời mà chẳng giữ lời của mẹ chồng trong truyện Cắn răng mà chịu… khi một mặt, mẹ chồng khuyên con dâu nên thủ tiết thờ chồng nhưng chính mẹ lại có tư tình bên ngoài…

Anh em ruột thịt cùng cha mẹ sinh ra, mang trong mình chung một dòng máu nhưng vì sự ích kỷ cá nhân mà họ không coi trọng một giọt máu đào nữa. Họ xâu xé, cạnh tranh, thậm chí giành giật, loại trừ lẫn nhau dù trước mặt, luôn tỏ ra yêu thương ngọt ngào, đó là các nhân vật anh và em trong các truyện cười Việt Nam: Cúng giỗ, Đánh rơi khăn, Tôi đây bác ạ… Hành động ấy đã làm vẩn đục đạo lý làm người truyền thống của người Việt Nam, bởi người Việt quan niệm anh em như thể tay chân. Quan hệ anh em là mối quan hệ phổ biến, quan trọng trong gia đình nhưng không thấy xuất hiện trong truyện cười Nhật Bản mà chúng tôi khảo sát.

Có thể thấy, trong văn hóa ứng xử, bên cạnh những điểm tương đồng cũng tồn tại không ít những điểm khác biệt. Điều này tạo nên nét riêng trong truyện cười hai quốc gia.

Nhìn chung nội dung truyện cười Nhật Bản và Việt Nam rất phong phú, đa dạng. Tiếng cười có lúc tế nhị nhẹ nhàng nhưng cũng có lúc châm biếm đả kích sâu sắc. Truyện cười hai nước cũng đưa ra những triết lý học ăn, học nói, học gói, học mở, hay lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau… để khuyên răn những ai còn sai trái, còn nhiều tật xấu quay trở về với bản tính thiện của con người, tìm tới văn minh, tốt đẹp. Qua so sánh với truyện cười Việt Nam, chúng ta có thể hình dung được phần nào con người, văn hóa của Nhật Bản. Văn học dân gian nói chung, truyện cười nói riêng, không thể phản ánh toàn diện tất cả mọi khía cạnh đời sống một dân tộc như nó vốn có, nhưng có thể nói, đó là bức phác họa chân dung mỗi dân tộc.

Theo LÊ THỊ QUỲNH HẢO / TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT

Tags: , , ,