Vấn đề phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam hiện nay

Du lịch sinh thái là loại hình du lịch tạo ra mối quan hệ hữu cơ, hòa đồng giữa con người với thiên nhiên, thúc đẩy ý thức trách nhiệm của con người đối với việc bảo vệ môi trường. Phát triển du lịch sinh thái đang trở thành xu hướng phát triển du lịch bền vững hiện nay ở nước ta nói riêng và cả thế giới nói chung.

Vấn đề phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: ThS. Phạm Việt Hà, Đại học Văn hóa Hà Nội.

Tác động của du lịch tới môi trường sinh thái

Việt Nam là một quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, có tiềm năng dồi dào cho việc phát triển loại hình du lịch sinh thái. Với hơn 3.200km bờ biển trải dài từ Bắc đến Nam, Việt Nam có hàng trăm bãi tắm đẹp với những bãi cát mịn và làn nước xanh, như bãi tắm Vũng Tàu, Trà Cổ, Nha Trang, Mũi Né, Mũi Ngọc, Bãi Cháy, Sầm Sơn, Cửa Lò… cùng các đảo và quần đảo rộng lớn, như Phú Quốc, Hoàng Sa, Trường Sa… Bên cạnh đó, nước ta còn có hệ thống rừng đặc dụng với 164 khu, với tổng diện tích gần 2,3 triệu héc-ta. Hầu hết các khu rừng đặc dụng đều có phong cảnh đẹp, nguồn động vật, thực vật phong phú, hệ sinh thái, cảnh quan đặc thù, gắn với các giá trị về văn hóa. Nhiều khu rừng đặc dụng có tiềm năng lớn là nơi lý tưởng để tổ chức các loại hình du lịch sinh thái, kết hợp nghỉ dưỡng và nghiên cứu khoa học, như rừng Cát Tiên ở Đồng Nai, Vồ Dơi ở Cà Mau (là đại diện cho hệ sinh thái rừng U Minh Hạ phong phú và quý hiếm); miền Trung có Phong Nha – Kẻ Bàng, miền Bắc có Cúc Phương, Ba Vì,… Bên cạnh đó, nước ta còn có những miệt vườn ở đồng bằng sông Cửu Long với đủ các hương vị của hoa trái, như xoài, chôm chôm, thanh long, nhãn, cam, quýt, mít, dừa… Tuy nhiên, để khai thác những tiềm năng trên phục vụ cho phát triển du lịch một cách hiệu quả mà vẫn bảo vệ được môi trường sinh thái đòi hỏi rất nhiều yếu tố khi mà phát triển du lịch có tác động lớn đến môi trường tự nhiên.

Trước tiên, phát triển du lịch kéo theo việc xây dựng kết cấu hạ tầng khách sạn và các công trình dịch vụ du lịch, tất yếu dẫn đến việc xâm lấn những diện tích đất đai vốn trước đây dành cho trồng trọt và chăn nuôi, vừa làm giảm đi quỹ đất nông nghiệp vừa gây ô nhiễm môi trường sống, làm mất đi cảnh quan tự nhiên, thậm chí làm tổn hại nghiêm trọng đến đa dạng sinh học cũng như sức khỏe của con người. Cụ thể là việc sử dụng đất đai, xây dựng các cơ sở dịch vụ du lịch và các hoạt động liên quan đến việc vận hành và bảo dưỡng các công trình du lịch cần thiết để duy trì các hoạt động giải trí cho du khách có nhiều tác động tiêu cực trước mắt và lâu dài, như việc thải bừa bãi các vật liệu xây dựng, đất đá và các vật liệu nạo vét, đặc biệt là những nơi chặt phá rừng ngập mặn, làm cho chất lượng nước giảm đi rất nhiều. Việc giải phóng mặt bằng và san ủi đất để xây dựng các công trình và làm đường có thể đã gây ra xói mòn, sụt lở đất, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nước mặt. Việc đổ rác bừa bãi, việc thải một lượng xăng dầu nhất định trong quá trình vận hành các thiết bị xây dựng làm cho chất lượng nguồn nước kém đi, vừa ô nhiễm nước mặt vừa ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng nước ngầm do nước thải không được xử lý đúng quy trình. Việc tăng cường sử dụng giao thông cơ giới là nguyên nhân đáng kể gây nên bụi bặm và ô nhiễm không khí.

Mặt khác, du lịch là tổng thể của những hiện tượng và những mối quan hệ phát sinh do tác động qua lại giữa khách du lịch, người kinh doanh du lịch, chính quyền sở tại và cộng đồng dân cư địa phương, do đó du lịch có tác động không nhỏ tới cộng đồng dân cư sở tại. Du lịch tạo cơ hội về việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Đồng thời chính lòng hiếu khách, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng dân cư cũng là yếu tố hấp dẫn du khách. Vì vậy, phát triển du lịch mà vẫn bảo vệ được môi trường sống, làm phong phú thêm môi trường tự nhiên và bảo tồn, phát huy được những đặc sắc văn hóa bản địa là xu hướng tất yếu để bảo đảm sự bền vững.

Xu hướng phát triển du lịch sinh thái hiện nay

Du lịch sinh thái là một loại hình du lịch vừa dựa vào những hình thức truyền thống vừa có sự hòa nhập với môi trường tự nhiên và văn hóa bản địa, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của du khách, không gây tổn hại đối với môi trường tự nhiên và nền văn hóa sở tại. Tham gia loại hình du lịch này, du khách có thể đến với những vùng thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp, những miền quê bình yên, trù phú hay các khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng,… với những trải nghiệm thú vị. Đây cũng chính là loại hình du lịch ngày càng phát triển nhanh trên thế giới, trở thành xu hướng phát triển du lịch hiện nay, hướng tới sự bền vững.

Theo Tổ chức du lịch sinh thái quốc tế, du lịch sinh thái là du lịch có ý thức và trách nhiệm đối với môi trường thiên nhiên, như bảo tồn môi trường và bảo đảm lối sống lành mạnh cho người dân quanh khu vực. Đây là một loại hình du lịch mà mỗi cộng đồng trong khu vực nên có trách nhiệm bảo tồn tính bền vững, hướng tới mục tiêu tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, khuyến khích người dân có ý thức bảo vệ môi trường, tạo thuận lợi cho họ làm kinh tế du lịch và bảo vệ môi trường tự nhiên.

Ứng xử với cộng đồng dân cư là vấn đề mấu chốt mang lại thành công cho du lịch sinh thái cộng đồng. Các cơ hội và giải pháp sẽ thay đổi tại các khu vực khác nhau giữa các cộng đồng. Một nguyên tắc quan trọng là sự kết hợp giữa cấu trúc xã hội và cộng đồng, mặc dù có thể tạo ra những thách thức cũng như cơ hội, mục đích chính vẫn là mang lại những thuận lợi cho cộng đồng, tạo nhiều cơ hội việc làm hơn cho mọi người, nhất là phụ nữ. Du lịch sinh thái cộng đồng yêu cầu sự hiểu biết, trách nhiệm cộng đồng. Cùng với các sáng kiến cho cộng đồng thì vấn đề doanh nghiệp tư nhân và đầu tư cần được khuyến khích đúng chỗ để mang lại lợi nhuận cho cộng đồng.

Các nhà tư vấn cộng đồng và các tổ chức nên thống nhất chiến lược về du lịch sinh thái nhằm mang lại lợi ích kinh tế – xã hội. Các sáng kiến du lịch sinh thái cộng đồng nên tập trung vào chiến lược rõ ràng, thống nhất, được lĩnh hội bởi cộng đồng địa phương và các đơn vị quan tâm đến lợi ích du lịch. Ngoài ra, cần biết xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng, hành động liên kết với công ty lữ hành, thông qua các chiến lược quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước…

Có thể khẳng định, du lịch sinh thái cộng đồng đề cao quyền làm chủ, quản lý phân bổ lợi ích rộng rãi và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Với khách du lịch, du lịch sinh thái cộng đồng tạo cơ hội tìm hiểu, nâng cao nhận thức về môi trường và giao lưu văn hóa, trải nghiệm cuộc sống. Đây cũng chính là ưu thế của du lịch sinh thái và du lịch bền vững.

Tại Việt Nam, du lịch sinh thái cộng đồng đã góp phần xóa đói, giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Du lịch cộng đồng mang lại hiệu quả rõ rệt trong quá trình phát triển ở các vùng nông thôn nước ta, tạo nhiều cơ hội cho cộng đồng địa phương thu nhập trực tiếp từ hoạt động du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng dịch vụ và phát triển bền vững. Thông qua du lịch sinh thái cộng đồng, văn hóa các địa phương, các vùng miền được tôn trọng, bảo vệ, khai thác, phát huy giá trị và được giới thiệu, quảng bá rộng rãi. Du lịch cộng đồng mang lại hiệu quả rõ ràng trong quá trình hiện đại hóa nông thôn thông qua việc tạo thêm nhiều công ăn việc làm, giữ gìn và phát huy các làng nghề truyền thống, bảo vệ các giá trị cộng đồng, thay đổi mức sống của người dân địa phương, thay đổi nhận thức và từng bước thu hẹp sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn về chất lượng cuộc sống, giảm bớt sức ép về di dân tự do từ các vùng nông thôn tới đô thị, góp phần làm ổn định trật tự xã hội. Khi cộng đồng phát triển, các dịch vụ du lịch tại điểm đến được nâng lên, chất lượng phục vụ du khách từ đó cũng được nâng cao, đem lại nguồn thu dồi dào cho người dân và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch. Mối quan hệ hữu cơ giữa phát triển du lịch với phát triển cộng đồng vì thế càng trở nên khăng khít, gắn bó hơn.

Một số giải pháp bảo vệ môi trường để phát triển du lịch

Thứ nhất, bảo vệ bằng việc tăng cường công tác tuyên truyền, kêu gọi tính tự giác của nhân dân nơi có cảnh quan du lịch.

Để du lịch sinh thái thực sự đóng góp hiệu quả vào công tác bảo vệ môi trường thì một yếu tố quan trọng là sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của cộng đồng người dân địa phương. Chính vì vậy, cần gắn kết phát triển du lịch sinh thái với sự phát triển của cộng đồng dân cư, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương làm du lịch sinh thái tại chỗ để giúp họ nâng cao nhận thức về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường du lịch nhằm bảo đảm sinh kế lâu dài, bền vững.

Thứ hai, bảo vệ bằng pháp luật. Để phát triển du lịch theo hướng thân thiện với môi trường thì việc tạo cơ chế, chính sách phát triển du lịch sinh thái bền vững là rất quan trọng. Điều này tạo ra một hành lang pháp lý cho hoạt động du lịch sinh thái nhằm làm cơ sở cho việc giám sát chặt chẽ hoạt động du lịch và quản lý nguồn tài nguyên.

Bên cạnh đó, cần giáo dục nâng cao ý thức thực hiện luật bảo vệ môi trường cho mọi người dân. Việc này không chỉ dừng lại ở du khách, cộng đồng dân cư địa phương mà còn phải tiến hành cả ở các cấp quản lý, các đơn vị và đối tượng kinh doanh tại các điểm du lịch sinh thái bằng nhiều hình thức, như tổ chức cuộc vận động, phổ biến văn bản hướng dẫn, phát hành ấn phẩm, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, phổ biến những video clip về cảnh quan du lịch sinh thái hay thông qua việc thuyết minh về bảo vệ môi trường của các hướng dẫn viên du lịch…

Thứ ba, cần đổi mới cơ chế, chính sách, tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái rộng rãi trên nhiều vùng miền của đất nước. Cần có những quy hoạch hợp lý, chính sách và dự án tối ưu trong phát triển du lịch nhằm giảm thiểu các tác động đến môi trường, trong đó gồm cả môi trường du lịch tự nhiên, môi trường du lịch nhân văn, môi trường du lịch kinh tế – xã hội.

Môi trường du lịch tự nhiên là một bộ phận cấu thành nên môi trường du lịch nói chung, bao gồm các nhân tố thiên nhiên như đất, nước, không khí, hệ động vật trên cạn và dưới nước… và các công trình kiến trúc cảnh quan thiên nhiên nơi tiến hành hoạt động du lịch. Môi trường tự nhiên có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển và đa dạng hóa các hoạt động du lịch, tạo tiền đề cho sự phát triển các khu du lịch. Môi trường du lịch nhân văn là một bộ phận của môi trường du lịch liên quan trực tiếp đến con người và cộng đồng, bao gồm các yếu tố về dân cư, dân tộc. Gắn liền các yếu tố dân cư, dân tộc là truyền thống, quan hệ cộng đồng, các yếu tố về lịch sử, văn hóa… Đó là những yếu tố tích cực, tạo sự hấp dẫn của môi trường du lịch. Bên cạnh đó, sự phát triển các yếu tố văn hóa, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nhân văn (di tích lịch sử, di sản thế giới, lễ hội, ẩm thực, văn hóa dân tộc…) ở các điểm du lịch cũng chính là những phương diện hữu hiệu nhằm nâng cao các giá trị nhân văn, tăng điều kiện thuận lợi để thu hút du khách. Môi trường kinh tế – xã hội là toàn bộ hoàn cảnh, hoạt động kinh tế, xã hội của một quốc gia, khu vực hay trên toàn thế giới. Khi xem xét môi trường kinh tế – xã hội thì cần xem xét rõ các yếu tố như thể chế chính sách, trình độ phát triển khoa học – công nghệ, mức độ phát triển kết cấu hạ tầng, môi trường đô thị và công nghiệp, mức sống của người dân, an toàn trật tự xã hội, tổ chức xã hội và quản lý môi trường. Do đó, muốn phát triển du lịch cần chú trọng bảo vệ tổng hợp cả môi trường du lịch tự nhiên, môi trường du lịch nhân văn và môi trường du lịch kinh tế – xã hội.

Theo TẠP CHÍ CỘNG SẢN

Tags: ,