Văn chương trào phúng: Dòng chảy âm thầm và mạnh mẽ

Văn chương trào phúng mang đến tiếng cười cho người đọc. Thế nhưng cũng giống như tấu hài trong nghệ thuật sân khấu, văn chương trào phúng ít được đánh giá cao… Nhưng bất luận thế nào, văn chương trào phúng vẫn tồn tại trong đời sống văn học.

Trào phúng không biên giới

Có lẽ người nổi tiếng nhất trong thể loại văn chương trào phúng được biết đến ở Việt Nam chính là nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Aziz Nesin (1915 – 1995).

Ông nổi tiếng đến độ, ngay khi còn sống đã từng đích thân đến và viết lời cám ơn bạn đọc Việt Nam đã nhiệt tình ủng hộ tác phẩm của ông, một điều rất hiếm hoi đối với một nhà văn nước ngoài tại Việt Nam lúc đó. Cũng chính nhờ ông mà đất nước Thổ Nhĩ Kỳ vốn luôn hàm chứa vẻ bí ẩn bỗng hiện ra bình dị đến thân thuộc đối với bạn đọc cả thế giới, trong đó có Việt Nam.

Có thể nói, các tác phẩm của Azit Nexin đã chứng minh rằng, văn chương trào phúng không chỉ mang tính giải trí đơn thuần mà còn có thể vượt qua mọi rào cản văn hóa để gắn kết các dân tộc.

Do phải nuôi sống gia đình bằng nghiệp viết văn nên ông phải viết rất nhiều, mà truyện châm biếm tại Thổ Nhĩ Kỳ lúc đó lại hay bị kiểm duyệt, nên ông phải ký nhiều bút danh.

Kết quả là khi ông ký bằng một cái tên Pháp, lập tức nước Pháp đưa tác phẩm đó vào “Tuyển tập truyện trào phúng thế giới” và xem tác phẩm đó như là một điển hình xuất sắc của văn chương trào phúng của Pháp! Lúc ông ký tên Mỹ, người Mỹ lập tức ca ngợi tác phẩm đã phản ánh chân thật cuộc sống Mỹ và lăm le trao giải thưởng văn học trào phúng cho “nhà văn trào phúng mới của Mỹ”. Phải đến khi tác phẩm đoạt giải thưởng cuộc thi văn chương trào phúng dành cho các nhà văn Mỹ, người ta mới phát giác ra tác giả là người Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại Việt Nam, các tác phẩm của ông cũng được đón nhận như tác phẩm Con cái chúng ta giỏi thật, Những người thích đùa.

Ông châm biếm các thói hư tật xấu của con người trong xã hội, có những điểm khác biệt nhưng cũng không ít cái trùng hợp giữa hai đất nước cách xa nhau, như thói quan liêu, bệnh sính thành tích, tính tự ti… Đó cũng là nguyên nhân khiến suốt gần 30 năm xuất hiện tại Việt Nam, các tác phẩm của Aziz Nesin vẫn liên tục được tái bản, nhiều truyện ngắn còn được tách ra để in thành những bộ truyện riêng.

Trong làng văn học Việt Nam, thể loại trào phúng trước đây khá phát triển. Nổi tiếng nhất có thể kể đến Vũ Trọng Phụng với tác phẩm để đời: Số đỏ. Tác phẩm đã được chuyển thể thành tác phẩm sân khấu, điện ảnh. Trước đó, trào phúng, châm biếm cũng đã rất quen thuộc trong văn học Việt Nam thông qua các tác phẩm thơ với những tên tuổi như Tú Xương, Hồ Xuân Hương… sau này có những Tú Mỡ, Bút Tre…

Sức sống mạnh mẽ

Không còn nữa những tác phẩm lớn nhưng những truyện ngắn, văn thơ trào phúng vẫn xuất hiện ổn định trong đời sống văn học bất chấp sự thăng trầm của các thể loại văn chương khác. Trong khi các tờ báo, chuyên san văn học khác có đời sống tương đối vất vả thì những tờ chuyên về trào phúng, châm biếm lại có sức sống rất mạnh mẽ.

Tuy nhiên, cũng chính vì thiếu hụt các tác phẩm lớn nên văn chương trào phúng bị cho là chỉ quanh quẩn bên trong các tờ báo, tập san mà không thể đứng riêng trong thị phần văn học trong nước.

Hiếm hoi có nhà báo, nhà văn Lê Văn Nghĩa cho ra những tập truyện trào phúng nhỏ về hình thức và cả nội dung đề cập. Dù nhỏ như vậy nhưng ảnh hưởng của các nhân vật do anh tạo ra lại không hề nhỏ. Nhân vật thám tử Không không thấy do anh sáng tạo còn từng “bị” lấy làm nhan đề Việt cho bộ phim Johnny English của danh hài nước Anh Rowan Atkinson (nổi tiếng với vai diễn Mr Been) gây ồn ào về vấn đề bản quyền.

Được xem thể loại văn chương dễ tiếp cận nhất với các vấn đề thời sự xã hội, văn chương trào phúng luôn được đón nhận, ủng hộ nhiệt thành của bạn đọc. Tại Việt Nam dù chưa có giải thưởng nào cho thể loại này khiến văn chương trào phúng có vẻ tồn tại âm thầm, nhưng nó vẫn đến với bạn đọc bằng sức sống mạnh mẽ qua nhiều hình thức, góp phần vào sự đa dạng của văn học

Theo TÂN TƯỜNG / SÀI GÒN GIẢI PHÓNG

Tags: ,