Vai trò nhà văn trong quan niệm của ông cha ta xưa

Việc xác định vai trò của nhà văn trong quá trình sáng tác văn chương là một trong những vấn đề lý luận trọng yếu được nhiều người quan tâm trong những năm gần đây. Khi đi sâu tìm hiểu những ý kiến phong phú và qúy báu về văn chương của ông cha xưa, chúng ta vô cùng cảm động và tự hào vì nhiều vấn đề lý luận cơ bản trong đó có vấn đề vai trò của nhà văn trong quá trình sáng tạo đã được đặt ra và lý giải khá đầy đủ, khá thỏa đáng.

Vai trò nhà văn trong quan niệm của ông cha ta xưa

Từ thực tiễn sáng tác phong phú của văn chương trong nước và ngoài nước (chủ yếu là lịch sử văn chương Trung Quốc), nhiều khi chính bằng sự thể nghiệm thấm thía của bản thân, ông cha ta trước sau đều dứt khoát khẳng định vai trò chủ đạo của người cầm bút trong sáng tác thơ văn. Vào thế kỷ 19, một học giả khi tìm lẽ trường tồn của những áng danh văn thời xưa đã viết rất đúng rằng: “Riêng ta trộm nghĩ : Người xưa hồn hậu cho nên những điều họ viết ra sách phần nhiều là những danh ngôn không còn chỗ nói” (trích từ Nguyên mặc lược biên) [4a]. Sách ở đây gồm cả tác phẩm của các nhà trước thuật và văn thơ của các bậc văn nhân. Nhìn chung về sách xưa, văn xưa là vậy mà nhìn riêng vào những tác giả, tác phẩm cụ thể, quan niệm của ông cha ta vẫn không khác. Chi phối nhất quán bởi quan niệm trên, Nguyễn Văn Siêu đã giải thích khá biện chứng văn phong của Đào Tiềm : “…Cái thế mà ông gặp phải không được thuận lợi, cho nên cái tâm của ông mờ tối, nên khi phát ra lời thì đâu phải hoàn toàn “phẳng lặng” (hòa bình)” (trích trong “Phương Đình vấn loại”) [4b]. Cố nhiên, kiến giải sơ sài trừu tượng của Nguyễn Văn Siêu chưa làm chúng ta ngày nay hoàn toàn thỏa mãn, nhưng phải chăng nhà văn đồng thời là học giả có tiếng này của thế kỷ trước khi đi từ “tâm” của Đào Tiềm để lý giải “lời” của thi sĩ, và hơn thế biết tìm cội nguồn cái “tâm” của thi sĩ họ Đào từ hành tích, từ cái “thế” không được may mắn của ông, là người bình luận đã tìm được hướng đúng, có sức thuyết phục người đọc.

Dù ở đâu và nói bằng cách nào, vị trí của từng yếu tố trong quan niệm của các học giả xưa vẫn xác đáng, rành rọt. Cái quyết định chất và văn bao giờ cũng thuộc về chủ thể sáng tạo. Bởi vậy Cao Bá Quát mới cho rằng: “Thơ không có phẩm chất nhất định, phẩm chất của người là phẩm chất của thơ. Phẩm chất của người cao thì phẩm chất của thơ cao” (Bài viết trang cuối bài thơ “Rừng chuối” – Cao Chu Thần thi tập). Hay nói cách khác văn tức là người. “Văn thâm hậu thì con người của nó trầm và tĩnh, văn ôn nhu thì con người của nó đạm và giản, văn hùng hồn thì con người của nó cương và nhanh, văn uyên sâu thì con người của nó thuần túy mà đúng đắn” (Nguyễn Đức Đạt) [2]. Câu nói “Văn là người” truyền từ xưa ấy có phần khuôn sáo. Song dù sao nó cũng soi rọi cho chúng ta ngày nay thấy được mối quan hệ khăng khít giữa sản phẩm sáng tạo với chủ thể sáng tạo trong ý niệm của người xưa.

Vì văn là người, người chi phối văn, nên muốn tìm hiểu văn cần hiểu người; hiểu người càng thấu đáo, càng có điều kiện hiểu văn đến ngọn nguồn. Muốn đi vào lâu đài văn chương, đối với người xưa, thì đây là cái chìa khóa hiệu nghiệm hơn cả. Còn khi chưa nắm được cái chìa khóa ấy thì việc thẩm văn, bình văn vốn đã khó lại trăm lần khó hơn. Nguyễn Tư Giản đã tiếp cận tới chân lý nói trên khi thừa nhận : “Bởi vì không nắm được tinh thần của tác giả, thì cũng khó mà phân biệt được thể cách của tác giả” (Thạch nông toàn tập). Cũng bởi văn là người cho nên việc mô phỏng trong văn thơ xưa nay hầu như là điều không làm được, nếu người mô phỏng không muốn trở nên kệch cỡm trước con mắt của thiên hạ. Nguyễn Văn Siêu khi bàn tới những cây bút lăm le phỏng theo thơ Đào Tiềm đã viết: “Tôi thấy từ xưa đến nay các nhà mô phỏng họ Đào nhiều lắm, dù họ có cái hành tích của ông, nhưng cũng không sao giống được. Vì con người của họ Đào rất chân chính, tài lại cao, ý lại xa cho nên thơ văn của ông không gò ép, mới nhìn hầu như tản sơ đạm phác nhưng bên trong lại chứa đựng nhiều tư thái hào hùng, phong độ kỳ diệu muốn khơi dậy ý chí của con người, cho nên các nhà thơ chỉ phỏng theo được cái vỏ của nó mà thôi” (Rút từ Phương Đình vấn loại) [4con người]. Giữa Đào Tiềm và người phỏng theo thơ ông có sự khác biệt rõ rệt về tư tưởng, về bản lĩnh, về tài năng. Người bắt chước giỏi lắm chỉ nhận đôi cái vỏ ngoài của thi sĩ mà thôi! Rõ ràng, từ nhiều giác độ khác nhau, ông cha ta tự nhiên soi tỏ cái đạo lớn của nghệ thuật về vai trò chủ đạo của nhà văn trong sáng tạo văn chương.

Theo ông cha ta xưa, có nhiều yếu tố chủ quan ở nhà văn tham gia vào quá trình sáng tạo nghệ thuật. Đó là phẩm chất tư tưởng cao sâu, tầm hiểu biết uyên bác nhờ học hỏi, nhờ trải đời. Và để đáp ứng đòi hỏi riêng của văn chương , một hình thái hoạt động đặc thù của con người, ông cha ta còn nói đến tư chất, tài năng văn chương nữa. Thật là đủ đầy trong lời bình của Lê Hữu Kiều: “Người làm thơ hay được như thế tất phải là người tài hoa và có tư tưởng tột bậc, họ là người có suy nghĩ rộng và có học vấn đầy đủ, nghe được thấy nhiều” (Bài Tựa tập thơ Tàng thuyết của Mai Doãn Thường). Theo được yêu cầu toàn diện như vậy, nhà văn mới đáp ứng được đòi hỏi nhiều mặt của văn thơ. Để sản sinh ra những áng danh văn lưu truyền đến muôn đời, những yêu cầu trên càng phải cao, càng phải dồi dào. Nguyễn Tư Giản xác định: “Bàn về văn của văn nhân cốt yếu là ở thần, ở khí, ở thế, ở cách. Tinh nghĩa nhập thần thì cái thần văn sẽ đầy đặn, nuôi tầm nhìn rộng trông xa thì hơi văn sẽ thăng bằng, trong bụng nuốt tám chín Chằm Vân Mộng thì thế văn sẽ bao la và thoải mái, đọc nát vạn cuốn sách thì cảm thấy có thần bên mình, thì thể cách văn sẽ lớn lao và đúng đắn” [4d]. Chính từ việc thỏa mãn những đòi hỏi về thần, khí, thế cách mà học giả họ Nguyễn chia nhà văn làm ba loại: Ưu tú nhất là những ai đáp ứng trọn vẹn những mặt nói trên, thứ đến là những ai đáp ứng được đầy đủ nhưng hơi yếu, còn những người nào chỉ xuất sắc về từng phương diện thì đứng vào hàng cuối cùng. Nghiêng về tiêu chuẩn lượng trong tương quan với chất khi định hạng nhà văn, Nguyễn Tư Giản quả có phần đơn giản. Nhưng đáng lưu ý là cái nhìn ít phiến diện của ông khi bàn về chất văn tương ứng với yêu cầu về chất người làm văn. Chất người càng cao thì có cơ sở khiến chất văn càng dồi dào. Có điều, muốn có phẩm chất của bậc danh gia, hơn nữa của một bậc đại gia thì cần phải khổ công rèn luyện trau dồi, tích lũy dài lâu. Đó phải là công việc của cả một đời người, một đời người gắn bó máu thịt với nghiệp văn. Trả lời câu hỏi của học trò “Văn cao qúy dường ấy liệu có học được chăng ?” Nguyễn Đức Đạt nói: “Lý thấu suốt thì văn kỳ lạ, tu dưỡng sâu thì văn mênh mông. Cây không vun gốc, suối không khơi nguồn còn văn như thế nào ?” [2].

Văn nương tựa nhiều ở phẩm cách nhà văn. Trên một giải đất luôn bị nạn ngoại xâm đe dọa và đầy đọa như nước ta, phẩm cách nhà văn thử thách cao nhất trong quan hệ với kẻ thù dân tộc. Điều đáng trách nhất là vong quốc. Tội lớn nhất là mại quốc. Về mặt này có không ít những bài học phản diện. Mấy ai quan tâm đến văn học lại không biết câu chuyện về một nhà nho yêu nước nọ khi đọc lại hai câu thơ vịnh Bà Trưng của tên việt gian Hoàng Cao Khải. Y viết:

Cột đồng Đông Hán tìm đâu thấy
Chỉ thấy Tây Hồ bóng nước gương.

Nhà nho đó phẫn nộ bảo rằng: “Cái tên việt gian phản quốc mà cũng dám lòe đời bằng giọng trung nghĩa ư ?”. Thế là ông liền làm một bài thơ khác cũng vịnh Bà Trưng với hai câu kết có ý phỉ nhổ vào bộ mặt dơ dáy của tên quan chó má họ Hoàng:

Mày râu ướm hỏi quân luồn cúi
Khoát nước Tây hồ rửa thẹn thò. [3]

Tư tưởng nhà văn không chỉ lộ rõ ở những phương diện trọng yếu nhất của cuộc sống. Tư tưởng này hay bộc lộ ở mặt đạo đức thường ngày. Thói thường cái danh và cái lợi lại hay vẩn đục nhân tâm hơn cả. Những bậc chân nho khi xưa luôn gắng giữ mình trong sạch để khỏi sa vào cái bả lợi danh. Nhữ Bá Sỹ chân tình tâm sự bằng thơ:

Không dám tắm nó (chỉ văn chương) bằng bạc tiền
Bán bài phú để chu cấp lúc nghèo suông.

Thực tế, kẻ sĩ đắm đuối lợi danh không ít. Nguyễn Văn Siêu từng thẳng thắn phanh phui mai mỉa : “Bọn người viết văn thời bây giờ vì ý nghĩ lợi lộc vắt ngang trước ngực, họ bỏ sách chẳng thèm ngó tới, bàn luận dông dài, ngày ngày đem những lời bàn cũ rích, chắp nhặt thành văn. Tuy họ biết rõ là vô nghĩa lý nhưng cứ theo bừa để mua chuộc thói đời” (Phương Đình vấn loại) [4d].

Mỉa mai thay, những kẻ hám lợi, hám danh lại thường là những kẻ bất tài. Bất tài đấy mà lại hay lên mặt khinh thường người khác. Cái thói kiêu căng tự mãn vốn dễ bị ngộ nhận là tật chung của văn nhân, thi sĩ. Nguyễn Đức Đạt nhân trả lời câu hỏi : “Nhà văn phần nhiều rơi vào khinh bạc, văn chương xui nên như vậy chăng ?”, đã bác bỏ hoàn toàn sự ngộ nhận đó. Lý lẽ của ông đưa ra thật rành rọt: “Lời khinh bạc thì con người khinh bạc chứ văn chương có dự gì” [2]. Khinh người, trọng mình là do thiếu tu dưỡng sinh ra, đâu phải tại văn chương ! Từ một góc độ khác, Lê Qúy Đôn còn giải thích thêm : “Văn nhân kiêu căng là vì họ ít học vấn” [4e]. Quả thật trình độ học vấn của một người có quan hệ qua lại với nhân cách của họ. Nhưng vốn hiểu biết lại là một lãnh vực tương đối độc lập trong thế giới tinh thần của nhà văn.

Vốn hiểu biết trước tiên bao gồm vốn học vấn sâu rộng. Lê Qúy Đôn nhiều lần nhấn mạnh : “Bản chất của văn chương vốn từ học vấn mà ra, học vấn uyên bác thì viết văn mới hay.” (Vân đài loại ngữ). Câu nói của nhà bác học lớn này sở dĩ thấm thía bao nhiêu thế hệ vì ở ông, nói và làm đi liền với nhau. Lê Qúy Đôn đã thâu thái tất cả mọi tri thức có thể có của thời đại ông nhờ trí tuệ hơn người và nhất là nhờ sức đọc, sức làm việc phi thường của mình. Người đời đã xác nhận điều đó. Và người đời còn hiểu rõ học vấn cao sâu đã trợ giúp, tiếp sức cho văn thơ ông đến mức nào ! Vả chăng, tri thức của Lê Qúy Đôn cũng như của những bậc tài cao học rộng khác trong quá khứ đâu phải do trời phú. Phải học hỏi miệt mài không mỏi. Dường như trong ý niệm của nhà nho xưa, kẻ sĩ hơn người chính ở sức học ấy. Ta hãy cùng đọc những lời gan ruột sau của Nhữ Bá Sỹ: “Bá Sỹ tôi ngu độn, xuất thân từ chốn đồng quê không có nghiệp nhà dòng dõi, lại rất quê lậu, dốc một lòng tin ở người xưa, không dám chưa biết mà cho là biết, buổi đầu chuyên cần cử nghiệp, sau đó lại học cái mà người đương thời gọi là văn thơ tài tử, mỗi khi được một câu vừa ý, thì tự cho là gấm vóc kém chi. Tới khi xem khắp câu văn của người xưa thì trong lòng rất cho là kỳ lạ” (Trích từ Phi điểu nguyên âm) [4g]. Việc học thật không chút dễ dàng ! Học người xưa hay học người nay cũng vậy. Có khác chăng là khi học những người cùng thời, kẻ học phải đánh tan định kiến cố hữu “quý xưa rẻ nay” vốn là một trở ngại không nhỏ trên con đường nâng cao trình độ học vấn. Các nhà văn, các nhà phê bình xưa cũng như nay không ít người tự trói mình bằng quan niệm lầm lạc đó. Vào thế kỷ 19, Miên Trinh trong lời tựa chép ở Vi Dã hợp tập cũng có viết: “Thơ của người đời nay không bằng xưa, việc làm của người đời nay lại càng chẳng bằng xưa, phải chăng đấy là trọng xa khinh gần… tại sao lại cho rằng thơ nay không bằng thơ xưa ?” [4h]. Đã rõ là cha ông ta vừa quý xưa vừa trọng nay.

Cái cốt yếu của sự học là tự trang bị, tự bồi bổ bằng mọi cách tất cả những gì cần cho mình. Đối với nhà văn, nên học cái để trau dồi chất văn, cũng nên học cái để bồi bổ lời văn. Bởi “loại văn tột bậc của thiên hạ đúng là không ở trong cái giới hạn đóng mở kết cấu, nhưng không đóng mở kết cấu thì cũng không thành văn chương” (Nhữ Bá Sỹ) [4y]. Học thấm nhuần kinh nghiệm làm văn của người rồi tự mình làm. Hơn ở đâu hết, trong sáng tạo văn chương, mọi lý thuyết kinh nghiệm thuần túy chưa đủ, không bao giờ đủ. Phải vừa học vừa làm. Riêng ở mặt này, Nhữ Bá Sỹ lại góp thêm cho người cầm bút một kinh nghiệm quý giá : “Thế là tôi vừa học, vừa làm, có lẽ mới bước vào khuôn phép, chưa thể nhảy ra khỏi khuôn phép” [4k]. Người làm cần phải và có thể phá vỡ phép tắc văn chương, nhưng chỉ làm điều đó khi đã tinh thông phép tắc. Không hiếm những người cầm bút, có khi mới bước vào nghề, chưa nắm vững những cái thông thường nhất của công việc sáng tác đã lăm le bước ra ngoài đi tìm những cái khác người, hơn người. Trong trường hợp này cái lạ mà họ đi tìm không giống chút nào với cái mới, và vì vậy không bao giờ nó giúp họ đạt được mục đích.

Ai cũng biết vốn học là cần nhưng chưa đủ để làm văn. Ông cha ta đặc biệt cho rằng: Nhà văn cần phải lịch lãm nhiều. Nhất là hiểu người. Thật khó thay việc hiểu người ! “Tri nhân tri diện bất tri tâm”. Nguyễn Trãi từng giãi bày: Đi khắp núi cao, sông sâu. Núi có thể đo được, sông có thể dò được, nhưng không thể đo, dò được lòng người. Khó đấy, nhưng đó lại là yêu cầu trọng yếu, chính yếu của những ai muốn trở thành văn nhân thi sĩ. Chính đó là chỗ thử thách tầm nhìn, cách hiểu, sức soi sáng của người làm văn. Nhà văn phải “vượt ba đào của biển lớn, trải phong vật Trung Châu” (Lý Văn Phức) . Nhà văn cần giống chàng họ Vương theo học nghề vẽ mà Lê Hữu Trác có lần nói đến: “Một lá thuyền lênh đênh giữa ngũ hồ, mắt nhìn rõ những cảnh tuyết phủ chiều hôm, mây mờ sáng sớm và ánh sáng lọc qua màn khói lam lúc lòe lúc tắt.” (Bài Tựa Y Hải cầu nguyên). Chỉ có khi đó, mỗi lời mà nhà văn viết ra mới có sức nặng, sức sống. Nhưng đi nhiều, trải nhiều vị tất đã hiểu nhiều. Vấn đề còn tùy thuộc ở cách xem xét ra sao nữa. Nói như một học giả: “Vật có xem xét cặn kẽ, thì hiểu biết mới đến nơi đến chốn. Có hiểu biết đến nơi đến chốn thì văn chương mới tuyệt vời” (Rút từ Luận văn tạp thuyết) [4l]. Như thế mới xứng là kẻ trải đời. Thêm vào đó, như câu nói của người xưa mà Phan Huy Vịnh rất tâm đắc: “Không đọc muôn quyển sách, nên đi muôn dặm đường” [4m]. Thời xưa, khi sự giao lưu văn hóa chưa rộng rãi và thuận lợi như ngày nay thì sự lịch lãm xa rộng sẽ bổ sung cho cái khiếm khuyết của việc học. Trên tinh thần đó, Cao Bá Quát trong Đề sát Viên Bùi Công yên đài Anh ngữ khúc hậu đã hết lời ca ngợi ông Đô Sát họ Bùi, người đã có may mắn sang Sứ nhà Thanh vào năm 1848:

Ông là người vết chân đã in khắp trên non sông muôn dặm.
Khi trở về trong bụng chứa đầy sách vở.
Chà chà! Làm trai như thế mới thực là khoái!
Đáng phàn nàn cho ta chỉ đóng cửa mà gọt giũa câu văn.
Lải nhải nhai lại từng câu từng chữ.
Có khác chi con sâu đo muốn đo cả đất trời?

Rồi chính khi Cao Bá Quát có dịp chu du ra khỏi lãnh giới của nước mình, ông lại càng thêm thấm thía:

Từ khi vượt bể qua đất Ba – Sơn,
Mới cảm thấy vũ trụ là bao la
Chuyện văn chương trước đây là trò trẻ con!
Trong thế gian này có ai là bậc tài trai
Mà lại phí cả một đời đọc mấy pho sách cũ?
Cho hay làm văn cần phải có vốn nhiều.

Vốn lớn có cơ làm nên tài lớn. Do vậy không phải không chứa hạt nhân chân lý trong khái niệm “Tài” của Nguyễn Đức Đạt : “Tài cũng là của vậy. Kho đụn chứa không nhiều thì hẹp hòi về ân huệ, bụng dạ chứa không nhiều thì nghèo nàn về lời lẽ.” (Nam Sơn tùng thoại) [2]. Nói thế, tất nhiên chỉ đúng khi cần nhấn mạnh ý nghĩa không cần bàn cãi của vốn học, vốn đời. Còn suy cho cùng có công việc nào xưa nay lại không cần chuyên sâu ? Đó là cái cớ khiến Trần Doãn Giác trong bài Bạt Nam phong giải trào dám quả quyết rằng : “Nếu chẳng phải là người có kiến thức sâu rộng học lực phong phú, ý chí chuyên nhất (PQT nhấn mạnh) thì dẫu muốn diễn dịch ra văn tự hoặc phổ vào điệu đàn, lời ca cũng đều khó !”. Nhờ “ý chí chuyên nhất” ấy người làm văn hun đúc nên cái thực tài văn chương.

Ông cha ta xưa bao giờ cũng ngưỡng mộ thơ văn cũng như người sáng tạo thơ văn. Thái độ này xuất phát chủ yếu từ sứ mệnh cao qúy của văn chương trong cuộc đời của mỗi người và trong cuộc sống, cuộc đấu tranh của cả dân tộc. Nhận thức này chứa đựng tập trung trong câu thơ của Trần Thái Tông ở thế kỷ 18: Văn bút tảo thiên quân chi trận (Nghĩa là : Văn chương [phải có] thế trận quét nghìn quân [giặc]). Nhưng thái độ trọng nể nhà văn, văn chương của người xưa còn từ cái khó trăm bề, nhất là cái lao tâm, khổ trí cực nhọc của chính lao động sáng tạo văn chương . Nhữ Bá Sỹ thổ lộ : “Tôi thường xem người xưa làm văn, họ vật lộn với nó, nó bật ra từ đáy lòng họ, mà vốn có điều không thỏa mãn với lòng nên vài năm mới được một câu, mười năm mới xong một bài thơ…” [4]. Cái khó, cái khổ trong nghề văn bắt nguồn từ đặc thù của văn. Không giống với những hoạt động sáng tạo khác của con người, hầu như trong sáng tác thơ văn, cả con người nhà thơ nhà văn đều được huy động. Có cái dễ thấy, dễ tường giải. Lại có cái khó thấy, khó biện luận. Tất cả đều sống dậy hướng tới thành phẩm lao động kỳ lạ của con người : Ang văn, áng thơ. Cái nét riêng biệt đó ít nhiều được Phan Huy Chú nhận diện khi so sánh lao động của học giả với lao động của thi nhân trong lời đề tựa Quế Đường thi tập của Lê Qúy Đôn. Các nhà trước thuật theo ông: “Vốn bắt nguồn từ thể văn Kinh Thư, Xuân Thu” nên “cô đọng, sâu suốt, bao quát xa rộng cốt ở tính chất mực thước và hệ thống”, còn các nhà ca vịnh thì lại: “Bắt nguồn từ thể “tỷ” và “hứng” ở Kinh Thi, ở nỗi xúc cảm tiếng thở than của Ly tao” “nên lấy việc diễn đạt tình cảm đến tột bực” và việc “thu lượm được mọi cảnh hay vật lạ làm chính” [1].

Nhìn chung, không nên tầm thường hóa văn chương mà cũng không nên thần thánh hóa nó. Văn thơ là cái kỳ lạ ở đời. Song, văn thơ tuyệt nhiên không phải là cái gì chỉ có thể “kính nhi viễn chi”. Dẫu sao, quả có năng khiếu thiên tư làm nên những lời thơ, lời văn bất hủ. Nghĩ về những nhân tố bên trong của nhà văn, ông cha ta luôn nhấn mạnh đặc chất của những người có thiên hướng nghệ sĩ. “Cái tư chất (nhấn mạnh – PQT) của bậc thượng trí bên trong thì lớn lao, bên ngoài thì rực rỡ, chạm vào nơi nào thì văn nảy sinh ra nơi ấy : Là hoa cỏ của hóa công, là khói sóng của biển lớn, có thể gọi là gạn lọc điều chất chứa trong lòng mà viết nên văn”. [4o]. Nhữ Bá Sỹ, người rất coi trọng việc học như đã nói ở trên, chính là người viết những lời nồng nàn về tư chất văn chương. Nó rất thần diệu, mà cũng không một chút thần bí. Nó là “hoa cỏ của hóa công” là “khói sóng của biển lớn”. Nói như vậy, Nhữ Bá Sỹ cũng đã thấy được mối liên hệ giữa khiếu văn với cuộc đời. Song có một thực tế nghiệt ngã là nhiều người gần như suốt đời cầm bút mà vẫn không được coi là văn nhân thi sĩ. Bậc danh gia, đại bút ở đời lại càng ít nữa. Đối với công việc này hình như sự học, cho dù kiên tâm miệt mài vẫn chưa đủ. Bởi trong nghiệp văn có những cái không thể dạy được, không thể truyền được. Khi nghe người đời lý giải tài thơ của tác giả Mỹ Đình thi tập, Ngô Thì Sĩ vừa thừa nhận: “Nghề thơ hay là do nếp nhà sẵn có”, lại vừa bổ sung: “Hay thơ là do ngày thường thấm thía được cái ở ngoài những cái cụ thân sinh đã dạy” [4q]. Những điều thu nhận được trong ý và nhất là ngoài ý của thầy dạy, cùng với kiến văn sâu rộng tích lũy được góp phần làm nên tài năng văn chương – cái không thể thiếu trong sáng tạo nghệ thuật của những nghệ sĩ lớn xưa nay.

Rõ ràng, từ xưa ông cha ta không chỉ thấy rõ vai trò của các nhân tố chủ quan của nhà văn, mà còn nhìn đúng những con đường trau dồi nên chúng. Khi “đầy ứ ở bên trong” thì khắc “tràn khắp ra ngoài” [4q]. Không thể có văn hay, thơ hay mà trong lòng trống rỗng, khô cằn. Muốn sáng tạo nên những “áng văn chương của tạo hóa” (Nguyễn Văn Siêu) người làm văn cần phải ra công bồi dưỡng về nhiều mặt để đáp ứng những đòi hỏi khe khắt của nghề nghiệp.

————————

Chú thích:

1. Phan Huy Chú. Học giả và thi nhân. Tạp chí Văn học số 2, (1977).
2. Nguyễn Đức Đạt. Nam Sơn tùng thoại. Tạp chí Văn học số 1, (1979).
3. Vũ Ngọc Khánh. Truyền thống phê bình trong văn học ta. Tạp chí Văn học số 4, (1969).
4. Từ trong di sản… Nxb Tác phẩm mới, H., 1981. [4a] tr.160; [4b] tr.120; [4c] tr.120; [4d] tr.169; [4đ] tr.124; [4e] tr.93; [4g] tr.138; [4h] tr.164-165; [4i] tr.136; [4k] tr.138; [4l] tr.174; [4m] tr.148; [4n] tr.137; [4o] tr.136; [4p] tr.61; [4q] tr.129.

Theo PHẠM QUANG TRUNG

Tags: , ,