Vài suy nghĩ về vai trò triết học Hegel và ‘ý niệm tuyệt đối’

Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770 – 1881) là đại biểu vĩ đại nhất của triết học cổ điển Đức, đỉnh cao của triết học tư sản và của chủ nghĩa duy tâm thế kỷ XIX.

Có nhiều người cho rằng triết học Hegel là duy tâm, trừu tượng, thần bí, khó hiểu, và do đó không có giá trị gì, chỉ là “đồ bỏ đi”. Họ coi khinh Hegel, phê phán triết học Hegel vì tính chất duy tâm của nó. Rất bực mình và phản đối điều đó, Marx đã cộng khai tuyên bố mình là đồ đệ của Hegel, thậm chí còn “thích dùng lối diễn đạt đặc trưng của Hegel” (Lời tựa bộ “Tư bản”).

Lenin, trong “Bút ký triết học”, nói rằng có nhiều loại chủ nghĩa duy vật cũng như nhiều loại chủ nghĩa duy tâm, và khẳng định: “Chủ nghĩa duy tâm thông minh gần với chủ nghĩa duy vật thông minh hơn chủ nghĩa duy vật ngu xuẩn”.

Vả lại, trước Marx, nhưng nhà triết học nổi tiếng là duy vật của thế kỷ XVII – XVIII ở Anh và ở Pháp cũng vẫn chỉ là duy vật nửa vời “duy vật một nữa”, nghĩa là chỉ duy vật trong lĩnh vực tự nhiên, còn trong lĩnh vực xã hội thì họ cũng duy tâm. Hơn nữa, họ lại siêu hình, không lý giải được nguồn gốc, sự vận động và sự phát triển của thế giới khách quan. Chính đó là một lý do quan trọng làm cho chủ nghĩa duy vật thế kỷ XVII – XVIII bị chủ nghĩa duy tâm của triết học Đức phủ định.

Triết học Hegel là một thứ “chủ nghĩa duy tâm thông minh”, có những “hạt nhân hợp lý” và rất có giá trị, trở thành một trong những tiền đề trực tiếp của chủ nghĩa Marx, được các học giả và các nhà kinh điển của chủ nghĩa Marx – Lenin đánh giá rất cao.

Plekhanov, một người có học vấn uyên bác, từng được Lenin tôn làm thầy, đã đánh giá Hegel:”Chắc chắn sẽ mãi mãi được dành một trong những địa vị cao quí nhất trong lịch sử tư tưởng của nhân loại. Trong các khoa học mà người Pháp gọi là “khoa tinh thần và chính trị”, không có một khoa học nào là không chịu ảnh hưởng mãnh liệt và rất phong phú của thiên tài Hegel: “Phép biện chứng, logic học, luật học, mỹ học, lịch sử triết học và tôn giáo – tất cả những khoa học đó đều có một hình thức mới nhờ sự tác động của Hegel.

Hegel đã để lại cho nhân loại một di sản triết học khổng lồ với những tư tưởng cực kỳ phong phú và sâu sắc. Ông từng nói:”Cái triết học mới nhất của một thời đại là kết quả của hết thẩy các triết học đã có từ trước và phải bao gồm những nguyên lý của tất cả những triết học đó”. Chính ông đã thực hiện xuất sắc yêu cầu đó với việc phân tích, phê phán các trào lưu triết học, các triết gia trước ông và cùng thời với ông. Hệ thống triết học của Hegel đã bao quát nhiều lĩnh vực và phát triển nhiều tư tưởng phong phú và đặc sắc, có ý nghĩa vạch thời đại. Vì vậy, F. Engels đã khẳng định:”Nếu không có triết học Đức mở đường, đặc biệt là nếu không có triết học Hegel, thì chủ nghĩa xã hội khoa học Đức – chủ nghĩa xã hội khoa học duy nhất chưa hề có từ trước đến nay, sẽ không bao giờ được xây dựng nên”.

Hegel là nhà triết học duy tâm theo trường phái chủ nghĩa duy tâm khách quan, hay chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối. Như Lenin nhận xét, Hegel tin tưởng và nghĩ một cách nghiêm túc rằng chỉ có chủ nghĩa duy tâm mới là triết học, bởi vì triết học là khoa học về tư duy, cái chung, mà cái chung tức là tư tưởng. ông cho rằng, cơ sở của hết thảy mọi sự vật tồn tại, cái bản chất sâu sắc nhất của thế giới không phải là ý thức cá nhân, là “cái tôi” chủ quan, mà là một ý thức nói chung nào đó rất “khách quan”, tồn tại độc lập với con người, có trước tự nhiên và có trước loài người, luôn luôn vận động và biến đổi được ông gọi là “ý niệm tuyệt đối”.

Có thể nói, toàn bộ triết học của Hegel xoay quanh phạm trù ý niệm tuyệt đối và sự vận động của ý niệm tuyệt đối trong hệ thống triết học đồ sộ của ông được trình bày theo kiểu “suy lý ba bước” (tam đoạn luận).

Hegel cho rằng, ý niệm tuyệt đối là cái có trước tất cả mọi cái. Do có mâu thuẫn bên trong nên ý niệm tuyệt đối có sự tự vận động từ thấp lên cao, trải qua sự phát triển, thông qua các khái niệm, rồi lại trở về với nó với một sự phong phú hơn (logic học). Do có sự vận động và chuyển hoá, nên ý niệm tuyệt đối trở thành cái khác nó (tha hoá), đối lập với nó, tức là giới tự nhiên (triết học về tự nhiên). Ý niệm tuyệt đối tiếp tục vận động về với bản thân mình trong đời sống có ý thức của cá nhân con người và xã hội loài người và sự hoàn thành sự vận động của nó, đạt tới đỉnh cao nhất trong hệ thống triết học Hegel (triết học về tinh thần).

Hegel rất ưa thích và đề cao lối suy lý ba bước. Ông cho rằng mọi cái có lý tính đều là một suy lý ba bước: một cái chung liên hệ với cái đơn nhất thông qua cái riêng. Tuy nhiên, ông cũng phân biệt sự suy lý (tư duy) về sự vật với bản thân sự vật, cho rằng sự vật không phải là một chỉnh thể gồm ba mệnh đề. Và ông rất phản đối suy lý ba bước theo kiểu “hình thức vô ích” làm cho người ta buồn chán như ví dụ ông nêu ra: “Tất cả mọi người đều chết, Cai-i là một người, vậy Cai-i cũng chết”.

Trong hệ thống triết học lập luận theo lối “suy lý ba bước”, Hegel đã trình bày về sự vận động và biến hoá của ý niệm tuyệt đối một cách rất tư biện, nghĩa là không làm cho ý niệm phù hợp với sự vật mà trái lại, làm cho sự vật phù hợp với ý niệm… Ông cho rằng “tồn tại” là tính quy định thứ nhất của ý niệm tuyệt đối. “Tồn tại” ở đây không phải là thế giới vật chất, cũng không phải là sự phản ánh của thực tai vào ý thức con người, mà là khái niệm trừu tượng của tồn tại, tức là “tồn tại thuần tuý”. Tồn tại thuần tuý là tồn tại không có tính quy định nào, không cần một tiền đề nào, không có bất cứ một nội dung nào, không phải là sản phẩm của bất kỳ một sự trung gian nào nghĩa là đồng nhất với hư vô thuần tuý. “Tồn tại thuần tuý và hư vô thuần tuý là cùng một cái” là không có gì. Không có gì nhưng vẫn là một cái gì (cũng như số 0 vẫn là một cái gì khi phân biệt với những số khác). Theo Hegel, tồn tại thuần tuý chính là cái đang bắt đầu. “Cái đang bắt đầu là chưa tồn tại, nó chỉ hướng tới sự tồn tại…một sự không tồn tại mà cũng đồng thời là sự tồn tại”(?). Như vậy là khái niệm “tồn tại thuần tuý”đã chứa đựng mâu thuẫn trong bản thân nó, vì nó bao hàm hai mặt đối lập là tồn tại và hư vô và là sự thống nhất của tồn tại và hư vô. Do có mâu thuẫn mà nó vận động, và vận động đến mức nào đó thì dẫn đến sinh thành, tức là chuyển hoá thành một thứ tồn tại khác. “Tồn tại khác” này có tính quy định, không còn là “tồn tại thuần tuý” hay “hư vô” nữa, mà đã là một cái gì đó có “chất”, có “lượng”, được thống nhất ở trong “độ” (chú ý: chất, lượng, độ ờ đây không phải là chất, lượng, độ của sự vật mà là các khái niệm chất, lượng).

Ý niệm tuyệt đối khi đạt tới “độ” thì nhận được một sự quy định mới, sâu sắc hơn và cụ thể hơn, đó là khái niệm “bản chất”. Trong học thuyết về bản chất, Hegel đã đưa ra và phân tích nhiều khái niệm quan trọng như: bản chất, hiện tượng, bề ngoài, hiện thực quy luật… và nói về mối liên hệ giữa các phạm trù: quy luật và bản chất, quy luật và hiện tượng, bản chất và hiện tượng, bản chất và bề ngoài, bề ngoài và hiện tượng, khẳng định vả phủ định, tất nhiên và ngẫu nhiên, khả năng và hiện thực, tự do và tất yếu’ nguyên nhân và kết quả… Hegel đã trình bày nhiều vấn đề quan trọng của phép biện chứng, đặc biệt là về mâu thuẫn. Ông coi mâu thuẫn là phổ biến, là nguồn gốc và cơ sở của vận động, là nguyên lý của sự phát triển. Ông khẳng định: “Tất cả mọi vật đều có tính chất mâu thuẫn trong bản thân nó… Mâu thuẫn là nguồn gốc của tất cả mọi vận động và của tất cả mọi sức sống, chỉ trong chừng mực một vật chứa đựng trong bản thân nó một mâu thuẫn, thì nó mới vận động, phải có xung lực và hoạt động”.

Ý niệm tuyệt đối là phạm trù xuất phát và trung tâm của triết học Hegel.

Một người uyên bác và vĩ đại như Lenin, khi nghiên cứu triết học Hegel nhiều lúc cũng phải thốt lên: “thần bí”, “cực kỷ khó hiểu và có lúc đã nói đùa: “Biện pháp làm nhức đầu tốt nhất là đọc triết học Hegel”. Nghiên cứu triết học Hegel đương nhiên là phải đụng đến phạm trù “ý niệm tuyệt đối” đầy bí hiểm. Vì vậy, trong bước đầu tìm hiểu triết học Hegel, tôi cung mạnh dạn nêu lên mấy nhận thức còn thô thiển của mình về ý niệm tuyệt đối của ông:

Ý niệm tuyệt đối là “khái niệm thích hợp”, có tính chân lý khách quan. Theo Hegel, ý niệm tuyệt đối hay ý niệm trước hết là khái niệm, song không phải mọi khái niệm đều là ý niệm. Ông phân biệt ý niệm với khái niệm và cho rằng ý niệm cao hơn khái niệm: “Khái niệm chưa phải là khái niệm (cái) cao nhất, cái còn cao hơn nứa là ý niệm”. Khái niệm khi phát triển thành khái niệm thích hợp thì trở thành ý niệm. Như vậy, cái “cao hơn” của ý niệm so với khái niệm chính là sự “thích hợp”, tức là sự phù hợp, sự thống nhất giữa khái niệm và tính khách quan. Khái niệm phát triển thành khái niệm thích hợp, trở thành ý niệm, thì chính là chân lý: “Y niệm là chân lý, vì chân lý là sự phù hợp giữa tính khách quan và khái niệm”.

Ý niệm tuyệt đối cũng là hiện thực, hay nói cách khác, hiện thực là “tồn tại khác” của ý niệm. Hegel đã khẳng định một cách hết sức duy tâm: “Thế giới là tồn tại khác của ý niệm…”. Mọi hiện thực chỉ là hiện thực trong chừng mực nó chứa đựng và biểu hiện ý niệm. Đối tượng, thế giới chủ quan và thế giới khách quan không những chỉ phải phù hợp nói chung với ý niệm, mà chính bản thân chúng là sự phù hợp của khái niệm và thực tại, thực tại mà không phù hợp với khái niệm thì chỉ là hiện tượng, chủ quan, ngẫu nhiên, tuỳ tiện, nghĩa là không phải chân lý. Toàn bộ hiện thực, dù là cái phổ biến, cái đơn nhất hay cái đặc thù, đều là những biểu hiện khác nhau về phạm vi và mức độ của ý niệm tuyệt đối. Toàn bộ hiện chực cũng là ý niệm, tồn tại đơn nhất chỉ là một mặt nào đó của ý niệm , ý niệm còn cần đến hiện thực khác như là tồn tại đặc thù.

Ý niệm tuyệt đối là “cái phổ biến”, là một hình thức bao hàm và quy tụ nhiều nội đung phong phú, được thể hiện ở mọi đối tượng, nhưng mỗi đối tượng lại nhận thức không giống nhau. Hegel nói rằng ý niệm tuyệt đối là cái phổ biến, là những chân lý mà cả ông già và đứa trẻ con đều nói, nhưng đối với ông già, những chân lý này có ý nghĩa của cả cuộc đời ông, còn đối với đứa trẻ thì chỉ có nghĩa là một cái gì đó mà ngoài cái đó ra còn có cả một cuộc đời và tất cả vũ trụ. “Giống như cùng một câu cách ngôn luận lý, nếu do một thanh niên nói ra, tuy anh ta hiểu nó hoàn toàn đúng đắn, thì lại không có cùng một tầm rộng như khi câu đó xuất phát từ miệng một người từng trải việc đời và khi nói câu đó, người này nói lên toàn bộ sức mạnh của nội dung của nó”.

Ý niệm tuyệt đối là quá trình, là phép biện chứng. Theo Hegel, phép biện chứng không ở trong lý trí của con người mà ở trong hiện thực khách quan, tức là ở trong “ý niệm tuyệt đối”. Ý niệm, vời tư cách là quá trình, trải qua ba giai đoạn trong sự phát triển của nó, ý niệm tuyệt đối chứa đựng mâu thuẫn, chứa đựng cái phủ định của chính nó, vận động từ nội dung này đến nội dung khác, từ đơn giản đến phức tạp, do đó, ý niệm tuyệt đối là sự sống vĩnh viễn. Chính bản thân ý niệm là phép biện chứng, đã luôn luôn tách rời và phân biệt, cái đồng nhất với cái khác nhau, cái chủ quan với cái khách quan, cái hữu hạn với cái vô hạn, linh hồn với thân thể và cũng chỉ vì vậy mà ý niệm là sự sáng tạo vĩnh viên, là sự sống vĩnh viễn và tinh thần vĩnh viễn.

Ý niệm tuyệt đối là một phạm trù triết học duy tâm của Hegel, như Lenin đã nhận xét: “Mọi người đều biết ý niệm của con người là gì, nhưng ý niệm mà không có con người, hoạt động có trước con người, ý niệm trừu tượng, ý niệm tuyệt đối, là một điều bia đặt thần học của nhà duy tâm Hegel”. Tuy nhiên, chính Lenin cũng thấy cái “hạt nhân hợp lý”, “hạt chân lý sâu sắc” trong ý niệm tuyệt đối của triết học Hegel, đó là phép biện chứng. Ý niệm tuyệt đối của Hegel có vẻ là tuyệt đối duy tâm, nhưng như Lenin đánh giá: “Hầu như không chứa đựng một chủ nghĩa duy tâm đặc biệt nào mà chỉ có chủ đề chủ yếu là phương pháp biện chứng và lẽ là sự trình bày hay nhất về phép biện chứng”.

Theo VŨ HÙNG / TẠP CHÍ TRIẾT HỌC

Tags: ,