Vài mẩu chuyện về cuộc đối đầu Lê Đức Thọ – Kissinger

Tại Hội nghị Paris về Việt Nam, cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ là “kỳ phùng địch thủ” của Cố vấn An ninh Nhà trắng H. Kissinger.

Vài mẩu chuyện về cuộc đối đầu Lê Đức Thọ – Kissinger

Ngay từ lần đầu gặp Lê Đức Thọ, Kissinger đã có nhận xét: “Ông bao giờ cũng tỏ ra rất bình tĩnh… Ông hoàn toàn biết ông muốn gì và phục vụ lý tưởng của ông một cách tận tụy và khéo léo. Lê Đức Thọ tiếp tôi với sự lễ phép có khoảng cách của con người mà ưu thế hiển nhiên đến mức không thể làm khác được bằng một kiểu lễ phép gần như hạ cố”.

Thế mà sau một thời gian dài đàm phán với Lê Đức Thọ và Xuân Thủy, ông ta lại nói: “Tôi không may gặp phải các ông là đối phương, chứ nếu được lựa chọn thì chúng tôi sẽ lựa chọn một đối phương dễ tính hơn”. Nói vậy chứ Kissinger cũng biết Lê Đức Thọ là người biết đùa một cách tế nhị, dí dỏm.

Phê bình Kissinger vận dụng máy móc chủ nghĩa Lênin

Trong cuộc họp riêng ngày 16/3/1970, Kissinger nói phía Mỹ muốn đi vào đàm phán thực chất. Rồi ông ta trình bày 2 vấn đề: Rút quân Mỹ và thời gian biểu của việc rút quân đó.

Về vấn đề rút quân, ông ta nói: Chúng tôi sẵn sàng đàm phán về việc rút lui toàn bộ quân Hoa Kỳ, điều đó bao gồm rút tất cả quân và rút hết các căn cứ quân sự Hoa Kỳ mà không có điều ngoại lệ nào. Về thời gian biểu rút quân, căn cứ vào số quân Mỹ có mặt ở Việt Nam đến 15/4/1970 là 422.000 người, ông ta nói sẽ rút hết trong 16 tháng.

Ông ta còn nhắc lại rằng, trong việc rút quân này, “thực tế đòi hỏi phải có đi có lại chừng nào đó, và chính vì thế mà chúng ta có mặt ở đây để đàm phán”. Ông ta ám chỉ không chỉ rút quân miền Bắc ở miền Nam, mà còn rút cả quân không phải Nam Việt Nam ra khỏi vùng “đất thánh” ở biên giới Campuchia.

Lê Đức Thọ nhận xét: “Chúng tôi công nhận là ông đã đi vào một phần thực chất. Theo ông trình bày thì việc rút hết quân Mỹ và quân các nước đồng minh là một nguyên tắc pháp lý. Còn việc rút quân mà các ông cho là của miền Bắc thì không phải nguyên tắc pháp lý mà là một vấn đề thực tế và kỹ thuật. Nhưng khi mà các ông trình bày vấn đề rút quân mà các ông gọi là của miền Bắc cũng phải hoàn thành trong cùng một thời gian với rút quân Mỹ, như vậy thì thực chất cũng là đòi hỏi hai bên cùng rút quân và rút hết toàn bộ. Thế mà ông nói chỉ là vấn đề kỹ thuật”.

Lê Đức Thọ nói tiếp: “Đề nghị về thời hạn rút quân là một bước lùi so với thời gian các ông nêu ra ở Klesber. Cách rút quân mà các ông trình bày còn nhỏ giọt hơn cả kế hoạch Việt Nam hóa. Có tháng chỉ có 5.000 so với mỗi tháng trước các ông rút 10.000 mà chúng tôi đã nói là quá nhỏ giọt”.

Cuộc tranh luận không đi đến ngã ngũ, Kissinger yêu cầu lần sau phía ta phát biểu trước, vì theo ông “không thể tiến hành đàm phán theo khuôn khổ các ông là những nhà giáo hỏi lại học trò xem đã hiểu đúng lập trường của các ông chưa”.

Khi chào từ biệt, Kissinger quay lại nói với Lê Đức Thọ: “Lênin nói: Một bước lùi hai bước tiến. Tôi học tập Lênin đấy”.

Lê Đức Thọ: “Chủ nghĩa Lênin phải được vận dụng linh hoạt, còn ông thì máy móc”.

Kissinger: “Thế thì một vài phiên họp nữa chúng tôi sẽ học tập Lênin tốt hơn”.

Lê Đức Thọ nói chuyện đua ngựa với Kissinger

Hai năm rưỡi sau, trong cuộc gặp riêng ngày 8.10.1972, cố vấn Lê Đức Thọ đã mở một đột phá lớn trong đàm phán.

Ông nói với Kissinger: “Với những vấn đề mà hôm nay ông trình bày thì chúng ta khó mà đi nhanh được, khó mà bảo đảm thời điểm chúng ta đã thỏa thuận”, và nói tiếp: “Để đảm bảo nhanh chóng chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình và để tỏ rõ thiện chí của chúng tôi, hôm nay chúng tôi đưa ra đề nghị mới cả về nội dung và cách đàm phán rất thiết thực và đơn giản như sau…”.

Rồi trong sự ngạc nhiên hết mực của Kissinger, Lê Đức Thọ đã đưa ra bản dự thảo hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Kissinger lập tức đánh giá: “Tôi nghĩ rằng các ông đã mở ra một trang sử mới trong thương lượng và có khả năng chúng ta có thể giải quyết sớm”. Và ngày 20/10/1972, chính Tổng thống Nixon khẳng định “hiệp định căn bản đã hoàn thành”.

Đó là điều mà tất cả chúng ta đều biết.

Chỉ xin kể một câu chuyện vui trước khi cuộc gặp riêng ngày 8/10 bắt đầu.

Kissinger xin lỗi vì ông hoãn cuộc gặp lại một ngày, làm cho Xuân Thủy không đi nhà thờ được và nói vui: “Nếu linh hồn các ông không được cứu thì tôi chịu trách nhiệm”.

Xuân Thủy nói: “Hôm nay trời đẹp mà phải đến đây làm việc vì sự nghiệp hòa bình. Chúng ta cũng xin lỗi Chúa”.

Lê Đức Thọ thêm: “Chúa cũng muốn hòa bình, không muốn chiến tranh!”.

Câu chuyện chuyển sang việc đua ngựa. Kissinger kể rằng trong trường đua Auteuil của Paris, trên đường ngựa chạy có một quãng có rặng cây che lấp ngựa. Sau rặng cây đó, những người đua ngựa quyết định ai thắng ai thua.

Lê Đức Thọ hỏi ngay: “Chúng ta chạy đua đến hòa bình hay đến chiến tranh?”.

Kissinger: “Đến hòa bình và đang ở đằng sau rặng cây”.

Lê Đức Thọ: “Chúng ta vượt rặng cây hay để rặng cây chặn lại?”.

Kissinger: “Chúng ta vượt và sẽ đi đến thỏa thuận”.

Lê Đức Thọ: “Nếu các ông vượt thì chúng tôi cũng vượt”.

Kissinger: “Cả hai bên đều vượt”.

Lê Đức Thọ: “Hai con ngựa song song”.

Kissinger: “Nhưng vượt qua đến đích rồi, các ông còn nói chúng tôi chưa cụ thể” (Kissinger có ý nói rằng trước đây ta đã từng phê phán Mỹ nói rút quân, nhưng không đưa ra thời hạn cụ thể).

Lê Đức Thọ: “Chắc chắn như vậy!”.

Theo HÀ ĐĂNG / LAO ĐỘNG ONLINE

Tags: , ,