Vài điều về phẩm tính ‘thông minh xã hội’ của con người

Nếu thông minh trí tuệ được định nghĩa như khả năng tìm ra giải pháp tốt nhất trong một tình huống thì thông minh xã hội là khả năng thực hành tốt nhất các liên hệ xã hội trong sự hài hòa. Cho nên thông minh xã hội có vai trò quan trọng trong cuộc sống.

Vài điều về phẩm tính ‘thông minh xã hội’ của con người

Một thí dụ cụ thể? Để chọn ngành nghề, sinh viên tương lai cũng phải tự … biết mình, sở trường sở đoản để tìm nghề thích hợp hầu  thể hiện bản thể trong nghề nghiệp và sống hạnh phúc. Người giàu thông minh xã hội thì sẽ như …cá với nước khi chọn các nghề có liên hệ tới tha nhân – cứu tế xã hội, sư phạm, y tế, quản trị nhân sự, …Những người khác sẽ hạnh phúc hơn với những nghề không cần nhiều giao tiếp.

Thí dụ thứ nhì : Khi nhìn sâu vào tác giả của  các hiện tượng như bạo lực, tham nhũng, gây ô nhiễm môi trường, … ta sẽ thấy  toàn những người chỉ nghĩ tới quyền lợi của bản thân không nghĩ tới công ích – họ vô cảm trước cái đau hay cái hạnh phúc  của người khác, … Tựu chung, đó là những người kém thông minh xã hội.

Nhà tâm lý giáo dục Mỹ Edward Lee Thorndike  (1) đã định nghĩa khái niệm thông minh xã hội từ đầu thế kỷ thứ XX: Khả năng hành động khôn ngoan trong những giao tiếp xã hội, hiểu người hiểu ta, làm tốt liên hệ giữa người với nhau… Một khái niệm cần cho sự sống còn của xã hội nhưng không được bàn tới nhiều.

Thông minh trí tuệ, điển hình nhất là qua chỉ số IQ, được xem trọng, được trắc nghiệm đo đếm, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy là thông minh trí tuệ thôi không đủ để thành công trong trường đời – có những “quán quân IQ” (champions IQ hay surdoués) mà hiện ta gọi là những người có “tiềm năng trí tuệ cao” (HPI) nhưng chỉ là những người rất “tầm thường” trong xã hội.

Thậm chí có người nói rằng thiếu thông minh xã hội, dù IQ có cao đến mấy, ta cũng chỉ “thông minh bán phần”. Giới truyền thông Âu Mỹ không cần rình rang tuyên bố gì cả: họ chỉ tuyển dụng những người giàu thông minh xã hội vì thành phần này sẽ làm việc một cách hữu hiệu !

Định nghĩa thông minh xã hội

Xin nhắc lại sự tiên phong của  Thorndike. Năm 1920, Thorndike (1) định nghĩa thông minh xã hội là khả năng hiểu và điều khiển người khác và là khả năng hành động đối xử hài hòa giữa người với người.

Gần đây hơn, Cantor và Kihlstrom (1987) định nghĩa thông minh xã hội như vốn hiểu biết về xã hội trong đó cá nhân đang sống và khả năng ứng xử một cách thích hợp (5).

Đó chính là nghệ thuật phân tích môi trường chung quanh ta để từ đó rút ra những “tin tức” cần thiết hầu bố trí và tìm giải pháp tốt nhất cho những liên hệ của ta với người khác trong xã hội. Có thông minh xã hội không khác nào có máy dò ra-đa cho ta những dữ kiện cần thiết để từ đó liệu cách phù hợp nhất mà ứng xử cho thuận lòng mình, hợp hoàn cảnh và vừa lòng người.

Từ đó cho ta khả năng thích hợp với mọi người, hòa đồng trong nhóm. Thông minh nhận định cách suy nghĩ của tha nhân, hiểu người đối tác và có khả năng trả lời trên cùng tầng sóng để liên hệ xã hội được hòa thuận.

Một giáo viên giàu thông minh xã hội là một giáo viên biết nhận định chính xác về những đặc thù của học trò mình để đưa bài giảng dưới dạng thích hợp, đáp ứng được nhu cầu và chờ đợi của chúng, tạo dựng sự hợp tác trong lớp và không khí phấn khởi học tập.

Dĩ nhiên, bên cạnh đó, giáo viên này cũng phải có khả năng chuyên nghiệp cao. Nhưng chuyên nghiệp thôi không đủ.

H. Gardner, cha đẻ của khái niệm thông minh đa dạng, có nêu lên sự liên hệ giữa các loại không minh khác nhau (2). Từ 1965 tới nay, O’Sullivan, và một số tác giả khác (Romneya và Pyrytb) (3) , chưa thống nhất minh chứng tuyệt đối rằng thông minh xã hội độc lập với thông minh trí tuệ dù có một số nghiên cứu khẳng định điều này.

Nhưng có một điều chắc chắn là trong xã hội của các loài kiến, chúng có thông minh xã hội cao, chúng tổ chức di chuyển, thông tin và làm việc rất tốt nhưng chúng chưa cho ra những phát minh gì để chứng tỏ khả năng thông minh trí tuệ của chúng!

(xin lỗi, loài kiến không hẳn là giàu thông minh xã hội, chúng tổ chức giỏi là nhờ cấu trúc các tuyến nội tiết của chúng ! Tôi chỉ muốn khôi hài một tí).

Thông minh xã hội khác với đạo đức xã hội. Phạm trù đầu, thông minh xã hội, là khả năng, trong đó có phần sáng tạo, của một cá nhân để sống với người khác. Phạm trù thứ nhì, đạo đức xã hội, là những luật lệ mà cộng đồng lập ra để bảo đảm tôn ti trật tự, sinh hoạt và sự sống còn của xã hội. Mỗi cá nhân được xã hội hóa, dạy dỗ,… để thực thi các luật lệ đó. Vi phạm đạo đức xã hội thì sẽ bị chế tài còn yếu kém thông minh xã hội sẽ không bị ai “phạt” cả. Có chăng là sẽ kém thành công thôi !

Làm sao đo thông minh xã hội ?

George Washington social intelligence test, (GWSIT Hunt, 1928) là trắc nghiệm thông minh xã hội của Đại học Washington. Thang này đưa ra 6 mục cần đo  (4):

. Trí nhớ gương mặt, tên quen và những hoàn cảnh đã gặp
. Khả năng quan sát những tình huống và kể lại các quan sát này
. Khả năng hiểu các nghĩa bóng, nghĩa ngầm mà người đối diện đang dùng
. Khả năng nhận diện trạng thái tâm lý của người đối diện
. Khả năng hiểu và thanh lọc các thông tin xã hội
. Biết khôi hài.

Thật sự, đo các items này không dễ vì nhiều khả năng nằm cùng trong một hành động. Muốn đo thì thường phải “cắt lát” , như một loại scanner của y khoa, các hành động để phân biệt những khả năng phức tạp và đa diện ở trong đó.

Rốt cuộc, tới giờ, chưa có một trắc nghiệm khả thi để đo thông minh xã hội.

Mặc dù không có “những con số đo đếm” vẫn có thể đánh giá khách quan thông minh xã hội trong những hoàn cảnh nhất định. Hiện giới chuyên môn đã hoàn thiện một số trắc nghiệm nhỏ để “đo” thông minh xã hội của cá nhân trong những hoàn cảnh đặc thù như tuyển nhân viên, hướng nghiệp, … Những trắc nghiệm này ít nhất là cho ta biết cá nhân làm trắc nghiệm “đối xử” thế nào trong những tình huống “mẫu” để từ đó đánh giá thông minh xã hội của ứng viên.

Xin kể ra đây 4 trắc nghiệm nhỏ để đo khả năng hiểu những hoàn cảnh tình huống xã hội và tâm lý của người đối diện:

– Một chuyện dang dở, ứng viên phải thêm phần chót (để xem cách kết luận của ứng viên có hợp tình hợp cảnh hay không).
– Một chuyện có khung sẵn, người làm trắc nghiệm phải chia thêm lời đối thoại chẳng hạn (để đo cách chọn ngôn từ xem có hợp với hoàn cảnh, hành động và các nhân vật trong chuyện).
– Từ một câu đối thoại duy nhất, người làm trắc nghiệm phải kể những tình tiết hợp lý với những hoàn cảnh khác nhau (để từ đó suy ra khả năng ứng phó với nhiều tình huống khác nhau của ứng viên).
– Thêm tình tiết vào một câu chuyện có nhiều khoảng thiếu (để xem ứng viên có khả năng nắm lấy vài cấu trúc tình huống có sẵn mà làm ra một câu chuyện khúc chiết, có đầu có đuôi, hợp lý).

Để tránh “sai lệch” vì khả năng ngôn ngữ của ứng viên, những trắc nghiệm này là những trắc nghiệm bằng tranh, bằng ảnh hay bằng hình hoạt họa.

Dĩ nhiên, những trắc nghiệm này đều có “mẫu những bài giải sẵn” mỗi mẫu đã được kiểm nghiệm và đã được một điểm khác nhau (5).

Về phía thực hành, Daniel Goleman(6) cũng nhân cơ hội mang lý thuyết thông minh xã hội vào ứng dụng cho quản lý nhân sự. Ông tổ chức những lớp “dạy” cách phát triển thông minh xã hội (sách về đề tài này của ông đã bán được hơn 5 triệu quyển!). Việc làm của ông thuộc phạm vi ứng dụng trong khi cơ sở khoa học chưa hoàn toàn vững chắc.

Thông minh xã hội là một khả năng. Như bất cứ một tri thức nào khác, ta có thể vun trồng. Các lớp ông Goleman dạy đúng thôi, nhưng không đúng tuyệt đối : một phần thông minh xã hội cũng như mọi thông minh khác, có cơ sở sinh học (tế bào thần kinh và cấu trúc não, có học thêm mấy cũng ít thay đổi), mặt khác thông minh xã hội là khả năng của một cá nhân trong một hoàn cảnh đặc thù thì làm sao dự trù hết tất cả các hoàn cảnh để “dạy” ?

Những hành động chứng tỏ cá nhân “giàu” thông minh xã hội

. Chấp nhận, kính trọng người đối diện
. Thấy, chấp nhận những lỗi lầm cũng như ưu điểm của đối tác
. Nhận thức được sở trường sở đoản  của bản thân để phản ứng
. Chủ tâm chú ý đến và tôn trọng môi trường bên ngoài
. Đúng hẹn
. Có ý thức xã hội và ý thức về vai trò của mình trong xã hội
. Suy nghĩ trước khi nói hay hành động
. Tỏ ra tò mò đối với người và vật chung quanh
. Không có định kiến
. Đánh giá một cách toàn diện nhất,  vừa hoàn thành vai trò của mình vừa trả lời chờ đợi của đối tác

Thông minh xã hội đi từ đâu ?

Như tất cả mọi thông minh, thông minh xã hội là một khả năng của não. Một em bé tự kỷ không thể nào phát triển thông minh xã hội. Tức là lúc khởi thủy, phải có một não bộ không có “bệnh”, một bộ não bình thường, hay nói khác đi: có tiềm năng phát triển.

Ngay tới lúc mới chào đời có, những chú chó con thích chơi với anh em cùng đàn, có những chú khác bú mẹ xong là ra một góc cũi, không nhìn tới ai.

Đó là phần của sinh học, của di truyền,

Sau đó là … phần của xã hội để cho tiềm năng thần kinh thành hiện thực.

Ngôn ngữ là một phương tiện căn bản để phát triển thông minh xã hội: ngôn ngữ diễn tả cảm xúc từ cá nhân này sang cá nhân khác (nhiều nghiên cứu cho thấy sự liên hệ mật thiết giữa vốn ngôn ngữ và thông minh xã hội). Môi trường, cấu trúc và sinh hoạt của môi trường (con trưởng thường giàu thông minh xã hội hơn chẳng hạn; cấu trúc gia đình hạt nhân – chỉ có bố mẹ và con – hạn chế số sinh hoạt xã hội, trẻ ít có dịp sống với người khác thế nên nhà trẻ, trường mầm non là những nơi giúp trẻ phát triển thông minh xã hội cùng lúc với gia đình.

Ngược lại, nhiều nghiên cứu cho thấy TV, và gần đây hơn, games on line không hỗ trợ cho phát triển ngôn ngữ với hậu quả sau đó, không giúp phát triển thông minh xã hội.

Phát minh về các tế bào thần kinh gương hayphản chiếu mới có từ thập niên chót của thế kỷ thứ XX (7), nhưng trước đó, trong những năm 1970, Hubert Montaigner, một giáo sư tâm lý người Pháp đã đưa ra lý thuyết vềphản ứng gương (effet miroir) khi quan sát những liên hệ giữa “sắc diện” các bà mẹ và con nhỏ khoảng 3-4 tháng tuổi (mẹ cười thì con cười, mẹ cau có thì con cũng … nhíu mày, …)  (8).

Cả hai phát minh này đều nêu lên tầm quan trọng của môi trường sống trên sự phát triển của thông minh xã hội: từng ngày, qua các liên hệ, từ từ cháu bé “dệt” các dây liên hoàn trong hệ thống não để cấu trúc nền tảng của thông minh này (phần não trước trán và hai bên mang tai). Xin nhắc lại là các tế bào thần kinh gương tiếp nhận những cảm xúc của người đối diện và ra lệnh cho ta phản ứng đúng theo tần số của cảm xúc ấy (cảm xúc thành một … bệnh hay lây và lây nhờ các neurones miroirs !)

Những cách học sau này – kiểu dạy phương pháp nhân tâm đạo của Dale Carnegie, những bài thuyết trình của Daniel Coleman (vừa bàn ở trên) hay những phương pháp quản lý nhân sự, … cũng có kết quả nhưng .. hời hợt thôi, trên một cấu trúc não gần như đã hoàn tất rồi.

Thông minh xã hội và thông minh trí tuệ có liên hệ nhau không ?

Trong xã hội, ta vẫn thường gặp những người cực kỳ thông minh trí tụê nhưng sống xa lánh người khác, không thành công trên đường đời. Ngược lại, có những người rất tầm thường nhưng “nhập cuộc dễ dàng trong mọi tình huống”, “giỏi điều khiển binh lính”, nói điều gì ra mọi người đều tuân theo, … và thành công tốt đẹp.

Từ những quan sát này, nhiều khoa học gia đã muốn minh chứng rằng thông minh trí tụê và thông minh xã hội hoàn toàn biệt lập với nhau. Hiện cuộc “tranh cãi” chưa ngã ngũ.

Thật vậy, một số khoa học gia khác nghĩ rằng cả hai thông minh này có liên hệ (ít nhất chúng được điều khiển bởi và cùng nằm chung một phần não trong đầu ta!), nhưng liên hệ tới mức nào thì họ chưa chứng minh được – Thông minh trí tụê giúp ta nhận định nhanh, đúng và giỏi các hiện tình sự vật chung quanh ta (trong đó có cảm xúc của người đối diện) để có thể hành động một cách thích hợp.

Có thể thông minh xã hội bao gồm lòng yêu người và khả năng quên mình mà thông minh trí tuệ không có. Ở đây, nhân ái và hi sinh mình không thuộc đạo lý vì hành động yêu người và quên mình là hành động tốt nhất, có lợi cho tất cả. Tức là một hành động thuần lý trí và rất khoa học.

Tuy nhiên, ta cũng không chối cãi rằng nếu trên đời mà chỉ có những người thông minh, trong đó có thông minh xã hội, thì cuộc sống sẽ tốt hơn. Ở đây, lý luận về giá trị và luân lý “hội ngộ” cùng lý luận khoa học !

Vài  minh họa cho thông minh xã hội của người đối diện mà ta quan sát được quanh ta :

1. Thí dụ dễ hiểu nhất là quan sát các cô bảo mẫu trong một nhà trẻ. Có cô chỉ đứng thẳng, với nguyên chiều cao của mình,  “nói chuyện” với các cháu bé trong khi các cháu chỉ có thể thấy … đầu gối của cô. Có cô khác, vừa vào lớp xong là sà xuống đất, ngang tầm với chiều cao của trẻ, bắt đầu chơi cùng các em, đối thoại trực diện, bằng ánh mắt, bằng đôi tay, …

Trong một tình huống khác, có cô chỉ trả lời các em gọi sau 5 hay 6 giây, có cô khác đã “thấy” các em cần đến người lớn trước khi các em gọi ! …

Tất cả những diễn tiến sinh hoạt của nhà trẻ có thể quan sát trực tiếp đằng sau một cửa bằng gương mờ chỉ cho thấy một chiều (one way miror) hay bằng cách qua nhiều máy thu hình camera kín đáo lấp trong phòng.

2. Các sinh viên hiện đi học có thể đã trải nghiệm với một giáo sư nghèo thông minh xã hội: ông hay bà này có thể giảng bài suốt buổi, mắt không rời tập giáo trình, mặc cho sinh viên có tiếp thu hay không. Tương tự, có những vị giám khảo hỏi thi (vấn đáp) các thí sinh mà mắt cứ nhìn ra cửa sổ chứ không nhìn thí sinh để hiểu rõ câu trả lời, để khuyến khích thí sinh nói tiếp,…

3. Cách bắt tay (lỏng lẻo hay nồng nhiệt, … ), hướng của ánh mắt (có người chỉ nhìn mũi giày của mình trong lúc nói chuyện với người khác chẳng hạn), …

Khả năng khôi hài là một hình thức, một biểu hiện của thông minh xã hội?

Đúng, khôi hài để giảm nhiệt một tình thế căng thẳng. Khôi hài để bắc cầu cho một liên hệ xã hội. Khôi hài để phê bình mà người bị phê bình chấp nhận dễ dàng. Khôi hài cho đời vui hơn (cho mình và cả nhóm)..

Bên Pháp, Les guignols de l’info là một chương trình khôi hài chính trị rất … thông minh. Họ nêu lên các điểm xấu của các người nổi tiếng mà các người này không trách vào đâu được (hiện nay, các nhân vật bị đem ra làm trò hề còn dùng vị thế “bị tế thần” của mình như một phương tiện PR !).

Trong các bài giảng ở trường, có giáo viên thỉnh thoảng vẫn chêm vào “một dấu hề, một chuyện vui” (tranh hí họa, một câu phản nghĩa, …) để học trò không … ngủ gật, để tập trung sự chú ý, để hạ nhiệt, hay duy nhất để giải trí, cười 15 giây – cùng cười với nhau là cùng hạnh phúc với nhau.

Chính Albert Einstein cũng nói “khôi hài là điều duy nhất có giá trị tuyệt đối trong một xã hội như xã hội chúng ta”.

Trên vi mô, có người nói “phụ nữ thích những người đàn ông làm cho họ cười”.

Nhưng xin … nghiêm chỉnh hơn tí, khôi hài được dùng rất nhiều trong đời sống các xí nghiệp. Để tạo ra đoàn kết trong các ê kip và dĩ nhiên, để tăng năng suất.

Bên Pháp, ông Serge Grudzinski mở cả phòng tư vấn về khôi hài từ 20 năm nay để tập cho thiên hạ sống chung với nhau. Và đó chỉ là một thí dụ. Bên Mỹ, Daniel Coleman cũng làm thế, khôi hài có mặt trong chương trình ông “dạy” thông minh xã hội.

Ở bệnh viện, khôi hài còn được dùng như một phương pháp trị liệu. Giúp các em bị ung thư vui sống là một thắng lợi (bằng hình thức đưa kịch với các chú hề chẳng hạn, vào nhà thương).

Để trở về vấn đề thông minh xã hội, những người săn sóc các bệnh nhân nặng ở cuối đời đều biết rằng các bệnh nhân ấy cần thấy lóe tia hi vọng qua cách diễn tả lạc quan, quên đi sự thật trong một giây phút, nơi bác sĩ hay y tá.

Cái gì cần cho một xã hội công nghiệp và hậu công nghiệp ?

Ở châu Âu, trong các hướng nghiệp cho ngành học và các phỏng vấn tuyển nhân sự, các tâm lý gia thường cho vào các trắc nghiệm nhiều câu hỏi về thông minh xã hội. Các ngành nghề như cán sự xã hội, điều dưỡng, sư phạm, y tế, chăm sóc trẻ con và người cao tuổi, thẩm phán, quản lý nhân sự, bán hàng, tiếp thị… cần nhiều thông minh xã hội.

Một cách nhẹ nhàng, các tâm lý gia nói, nếu một nghề nào đó chỉ cần “nói chuyện” suốt ngày với máy tính thì sẽ không cần thông minh xã hội. Khổ nỗi, đến giờ giải lao, nhân viên ấy cũng gặp đồng nghiệp và cũng sẽ cần đối thoại chút ít với họ chứ chẳng nhẽ chỉ cúi đầu xuống cốc cà phê của mình ? Thế có nghĩa là thông minh xã hội cần cho tất cả mọi nghề !

Nhờ có thông minh xã hội, đối thoại sẽ dễ dàng hơn, người đối diện sẽ thấy dễ chịu hơn và kết quả – chữa bệnh, dạy học hay cùng hoàn thành một dự án – sẽ tốt hơn. Ở đây, tôi nói về chất lượng của công việc.

Một khái niệm khác, tối cần thiết cho các nghề y tế và giáo dục là “sự thương cảm” (empathie), tức là khả năng hiểu và chia sẻ trạng thái cảm xúc của người đối diện, tự đặt mình vào hoàn cảnh của người đối diện: làm sao săn sóc một người bệnh hay dạy một trẻ nhỏ nếu không thông cảm người ấy hay đứa bé ấy – hiểu những nhu cầu, đau đớn hay khổ sở của họ?

Đó là chưa nói tới phát minh gần đây về những “tế bào thần kinh gương” hay “tế bào thần kinh phản chiếu” (neurones miroirs) làm cho thông minh xã hội của một người có thể lan hay lây sang người khác: khi nhận được “tín hiệu” thông minh của ta, tế bào thần kinh phản chiếu của người đối diện sẽ phản ứng … “trên cùng tần số”, sẽ cùng “thông minh”. Sinh hoạt xã hội sẽ hài hòa hơn, gần như cái kiểu “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” bên ta vẫn hay nói.

Thay lời kết: Thông minh xã hội và nhân từ

Đối với tôi, để sống tốt với người khác, dù làm nghề nào, kể cả “nghề” làm … cha mẹ, cũng cần thông minh xã hội (phải thương và hiểu con thì mới dạy chúng được vì dù là con của chúng ta, mỗi cháu đều có những cá tính khác nhau!).

Đó là khả năng nghe người khác, hiểu người khác, sẵn sàng chấp nhận ý tưởng mới, tự đặt lại vấn đề, kính trọng người khác, thương người, … những khả năng rất cần cho mỗi một chúng ta. Thiếu những khả năng ấy sẽ dẫn tới hiện tượng mà xã hội học gọi là la déliance (sự rời ra) mà tôi dịch một cách văn chương như “thiếu chất keo xã hội”.

Những người làm công tác lãnh đạo, quản lý xã hội càng cần có tư chất thông minh xã hội. Thông minh xã hội có thể giúp người quản lý nhận dạng các nhu cầu,  các khó khăn, … của dân nhanh chóng hơn hầu có thể tìm phương tiện để thỏa mãn nhu cầu hay giải quyết vấn đề ấy. Bên ta thì gọi là cái “tâm” của nhà quản lý.

Cuối cùng, thông minh xã hội không xa gì khái niệm “Nhân-từ” bên ta. “Nhân” vốn là thương người, cảm thông với nỗi khổ đau của người khác (Nho giáo), còn “từ” là tinh thần yêu thương mọi sinh linh của nhà Phật. Có khác chăng là khoa học dựa trên các kiểm chứng chứ không là một vấn đề tâm linh hay triết lý.

——————————-

Chú thích

(1) Thorndike, E.L. (1920). Intelligence and its use. Harper’s Magazine, 140, 227-235.
(2) Gardner H., Les Formes de l’intelligence, Odile Jacob,‎ 2010.
(3) David M. Romneya D. M. & Pyrytb M.C., Guilford’s Concept of Social Intelligence Revisited. High Ability Studies. Vol. 10, n° 2, 1999, 137-142.
(4) Hunt, T. (1928). The measurement of social intelligence. Journal of Applied Psychology, 12, 317-334.
(5) Kihlstrom J.F. và Cantor N., Social Intelligence. Trang Internet: http://socrates.berkeley.edu/~kihlstrm/social_intelligence.htm
(6) Goleman D., Social Intelligence: The New Science of Human Relationships. Bantam, 2006.
(7) http://huynhmai.org/2013/06/16/su-thuong-cam/
(8) Hélène Dufau, « Rencontre avec Hubert Montagner », Communication et organisation [Online], 23 | 2003, Online since 01 April 2012, connection on 16 November 2014. URL : http://communicationorganisation.revues.org/2865.

Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN

Tags: ,