Tục thờ lúa và các vị thần nông nghiệp ở Việt Nam

Đối với cư dân nông nghiệp lúa nước, việc cầu mùa màng bội thu, nhân khang, vật thịnh, mọi thứ sinh sôi, nảy nở, phát triển là khát vọng muôn đời. Cho rằng lúa có linh hồn (vía), nhiều dân tộc ở Việt Nam có tục thờ vía lúa, hình thành nên Tín ngưỡng thờ Lúa. Cùng với thờ vía lúa, người dân còn thờ cúng Thần Nông và các vị thần nông nghiệp.

Tục thờ lúa và các vị thần nông nghiệp ở Việt Nam

Tác giả: TS. Nguyễn Thị Bích Hạnh.

Ly kỳ huyệt đạo Thần Nông

Theo sử sách, Thần Nông được coi là thủy tổ của người Việt. Trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, phần lời tựa, sử thần Ngô Sĩ Liên chép: “Nước Đại Việt ở phía Nam Ngũ Lĩnh, thế là trời đã phân chia giới hạn Nam-Bắc. Thuỷ tổ của ta là dòng dõi họ Thần Nông, thế là trời sinh chân chúa, có thể cùng với Bắc triều mỗi bên làm đế một phương”.

“Vua Đế Minh là cháu ba đời của Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh (nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Hoa), gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Bắc), phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Nam), xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương làm vua Xích Quỷ vào năm Nhâm Tuất 2897 TCN, lấy con gái Động Đình Hồ quân (còn có tên là Thần Long) là Long nữ sinh ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân.

Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai (con của Đế Nghi), tên là Âu Cơ, sinh một lần trăm người con trai. Một hôm, Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng: ‘Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó’. Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền biển (có bản chép là về Nam Hải), phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua”.

Vậy Thần Nông là ai? Theo truyền thuyết, Thần Nông còn gọi là Viêm Đế là ông tổ nông nghiệp của các nước có nền văn minh lúa nước, sống cách đây khoảng 5.000 năm, xưa gọi là Tiên Nông (hiểu theo nghĩa là vị thần nông nghiệp). Thần Nông là người dạy dân Việt nghề làm nông, chế tạo cày bừa và là người đều tiên làm lễ thượng điền và hạ điền. Ông cũng là người phát triển nghề thuốc trị bệnh cứu dân. Sách “Đình Nam Bộ xưa và nay” viết rằng: “Thời phong kiến, Thần Nông và Hậu Tắc là hai vị thần riêng biệt, có đàn thờ riêng nhưng dân gian vẫn xem là một. Phần nhiều gọi là đàn Xã Tắc, nhưng chỉ có một vài nơi thờ thần Hậu Tắc, còn đa số đều thờ Thần Nông”.

Tắc có nghĩa là Thần Lúa. Xã hay Hậu là thần Đất (thần Thổ Địa). Tại nhiều địa phương trong toàn quốc, người dân thờ Thần Nông ở nhiều địa điểm khác nhau như: đình làng, đền, miếu, chùa chiền, bờ ruộng…

Đền thờ Thần Nông tại thôn Hố Mỵ (xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) được cho là nơi đầu tiên tại miền Bắc thờ tự vị thần cai quản việc trồng trọt, đồng áng. Tại dãy núi Huyền Đinh ở Hố Mỵ hiện còn nhiều dấu tích, hình tượng, vật dụng quen thuộc liên quan đến truyền thuyết khởi thủy của nghề nông, cội nguồn của nền văn minh lúa nước như: Con trâu đá, thằng Người, luống cày ông Thuấn, hòn Đống Thóc, hòn Đống Gạo, cái quạt hòm…

Nhân dân trong vùng lưu truyền rằng, lâu lắm rồi, có một người khách phương xa băng rừng, lội suối lặn lội tìm về Hố Mỵ. Ông ta là một thầy phong thủy. Một đêm, thầy phong thủy trèo lên đỉnh núi cao (nơi hiện đặt tượng Mẫu). Đứng trên đỉnh núi, vị khách thấy trên đầu chòm sao Thần Nông sáng rực, rất gần, gần đến mức có thể đếm rõ từng con vịt của Thần Nông trên dải sông Ngân Hà. Sau khi quan sát trời đất, người khách nói với dân làng vùng đất này chính là huyệt đạo của Thần Nông. Vì vậy, người dân địa phương đã lập đền thờ thần Thần Nông tại Hố Mỵ.

Suốt chiều dài lịch sử, ý niệm về Thần Nông không chỉ tồn tại trong tâm thức dân gian, mà các vương triều phong kiến trước đây cũng rất coi trọng việc thờ cúng Thần Nông. Khi Gia Long lên ngôi năm 1802, đến năm 1806 đã cho xây đàn Nam Giao ở phía Nam Huế để tế trời 3 năm một lần. Vua cũng cho xây đàn Xã Tắc gần hoàng thành để cúng Thần Nông mỗi năm 2 lần vào tháng Hai và tháng Tám.

Sách “Đại Nam nhất thống chí” nhắc đến đàn Tiên Nông (thuộc địa phận xã Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi hiện nay) thờ thần Tiên Nông được dựng năm Minh Mạng thứ 14. Nơi đây có hơn 3 mẫu ruộng tịch điền dành cho quan địa phương cấy tượng trưng vào dịp lễ đầu năm.

Tục tế Thần Nông vùng Đồng bằng sông Cửu Long sau năm 1850 căn cứ vào thiết chế “phong thần”. Thiết chế qui định việc tế Thần Nông theo mùa màng nông nghiệp được diễn ra vào tiết xuân (khoảng tháng 2 Âm lịch), lễ Thượng Điền thường diễn ra tháng 11-12 Âm lịch. Tế Thần Nông là một trong 6 nghi thức tại lễ cúng đình gồm: Túc yết, Hùng Vương, Tiên Sư, Tiên Thường, Chánh tế Thần đình…

Các làng thường tổ chức 3 lễ lớn sau lễ Kỳ yên là lễ Hạ điền, lễ Thượng điền và lễ Cầu bông hay Cầu mùa. Bắc Giang hiện còn lưu giữ nhiều hình thái tín ngưỡng thờ Thần Nông cổ sơ tại các địa phương. Như tục thờ cúng Thần Nông trong lễ hội thôn Tòng Lệnh, xã Trường Giang (Lục Nam).

Tại đây, dân làng dựng một sàn tế cao tới đầu người, trên bắc sạp, dưới cho trẻ con đóng giả làm ếch nhái đợi mưa. Tế xong, chủ tế lấy nước vẩy xuống đàn ếch nhái, ếch nhái kêu ộp ộp báo hiệu mưa về. Một người đàn ông đóng giả làm trâu, một người phía sau đóng làm người đi bừa, một người phụ nữ giả làm người đi cấy đi quanh sàn tế… nghi lễ mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Một số vùng ở huyện Hiệp Hòa có nghi thức cúng tế Thần Nông, tiêu biểu như đền Tam Đông Vọng (xã Lương Phong) có tục thờ Thần Tri Nông gắn với nghi lễ cầu mưa. Hàng năm, ngày 10 tháng 10 Âm lịch, dân làng tổ chức lễ hội truyền thống. Những năm hạn hán, làng lập đàn cầu đảo 3 ngày, cũng có năm chỉ làm lễ cầu đảo 1-2 ngày thì trời đã có mưa. Tu lễ cầu đảo bắt buộc phải có một con chó đen tuyền.

Một cụ cao niên làm chúa hội có trách nhiệm điều hành nghi lễ và cầm mõ đi rao từ đầu làng đến cuối làng. Chúa hội đi trước đánh mõ rao, dân làng đi theo sau. Sau khi đánh một hồi ba tiếng mõ lại rao: “Hội hội chúa hội đi rao/ Đồng điền hạn hán khô khan/ Xin ông bà Tri Nông bát nước/ Đầy đồng cho con họ làm ăn/ Cho phong điều vũ thuận”.

Triết lý sâu xa của tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp

Sách “Vân đài loại ngữ” được coi là bách khoa thư của nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) đã khảo cứu bầu trời Kinh châu, gồm các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Kinh Bắc, Sơn Nam thượng (Hà Nam) thuộc phân dã sao Chẩn. Về thiên văn học, người cổ đại chia ngân hà làm 4 phương (Đông – Tây – Nam – Bắc). Lấy sao Bắc Cực làm khởi điểm, chủ tinh trên bầu trời đêm, mỗi phương có 7 ngôi sao, tổng cộng 4 phương có 28 sao trời, sắp xếp thành chòm “nhị thập bát tú”.

Các vì sao này 28 năm mới xuất hiện vào một tháng nào đó. Sao Chẩn là một trong 28 ngôi sao. Bảy ngôi sao (Chẩn, Tỉnh, Quỷ, Liêm, Trinh, Trương, Dực) ngự ở phương Nam là tượng sao Chu Tước thần hộ vệ quan sơn môn trong đạo giáo. Thời tiết có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống con người và cây trồng, vật nuôi. Nơi nào gần phương Đông ấm nhiều, rét ít cấy được hai vụ, gần phương Tây, nóng rét bằng nhau nên chỉ cấy một vụ.

Nông nghiệp buổi sơ khai phụ thuộc vào tự nhiên nên theo quan điểm vạn vật hữu linh, tín ngưỡng thờ các vị thần tự nhiên là tín ngưỡng phổ biến trong khu vực Đông Nam Á. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thờ tự các vị thần, bảo hộ cho nghề nông.

Trong các hình thái tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp cổ sơ, đậm nét nhất là tín ngưỡng thờ Tứ Pháp. Tín ngưỡng thờ Tứ Pháp là tín ngưỡng thờ bốn vị thần tự nhiên có ảnh hưởng quyết định đến đời sống nông nghiệp đang ở tình trạng lệ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Đó là bốn vị: thần Mưa (Pháp Vũ), thần Mây (Pháp Vân), thần Sấm (Pháp Lôi), thần Chớp (Pháp Điện).

Truyền thuyết về việc xuất hiện tục thờ 4 vị thần này được chép trong sách “Lĩnh Nam chích quái” (thế kỷ XIV) với tên Truyện Man Nương. Truyện kể rằng ở vùng Thuận Thành, Bắc Ninh, có cô gái Man Nương đến chùa Phúc Nghiêm dốc lòng học đạo. Trụ trì chùa này là một nhà sư người Ấn Độ tên là Khâu Đà La.

Tình cờ một hôm, do nhà sư vô tình bước chân qua người Man Nương mà nàng có mang. Nàng xấu hổ bỏ về quê. Đến khi sinh con, nàng mang đứa con gái ấy đến trả nhà sư. Nhà sư mang đứa con đó gửi vào gốc cây, trao cho Man Nương một chiếc gậy và dặn khi nào hạn hán thì lấy gậy chọc vào đất để lấy nước cứu dân. Khi Man Nương 80 tuổi, cây đa cổ thụ mang đứa con của bà bị đổ, trôi đến bến sông Dâu. Bao nhiêu người cũng không kéo nổi cây lên bờ, chỉ có Man Nương động tay vào thì cây di chuyển.

Sau đó, Man Nương cho tạc cây thành 4 pho tượng Phật. Khâu Đà La đặt tên là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, mang vào chùa thờ tự. Đứa con bà gửi gốc cây nay đã hóa đá, rìu chạm vào bị mẻ hết, rước vào điện Phật để thờ thì tảng đá phát hào quang rực rỡ. Người bốn phương tới đây cầu mưa, không lúc nào không ứng nghiệm, bèn gọi Man Nương là Phật Mẫu.

Ngày mùng 8 tháng 4, Man Nương tự nhiên hóa, nhân dân lấy đó làm ngày sinh của Phật. Hàng năm tới ngày này, người bốn phương đến tụ tập ở chùa để vui chơi, tưởng nhớ đến Phật Mẫu.

Thoạt đầu, Tứ Pháp chỉ được thờ trong các chùa ở vùng Luy Lâu. Dần dần, do tính chất linh ứng của nó mà lan dần ra nhiều vùng quê ở châu thổ Bắc bộ. Tương truyền, các làng quê khác khi nghe tiếng Tứ Pháp ở Bắc Ninh linh ứng đã lên đó xin rước chân nhang để thờ. Từ khi rước Tứ Pháp về thờ thì được mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Xét bản chất sâu xa, tín ngưỡng Tứ Pháp bắt nguồn từ quan niệm vạn vật hữu linh. Đây là một quan niệm tối cổ của con người trong quá trình sống phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do mà thiên nhiên tạo ra. Quan niệm vạn vật đều có linh hồn, người nguyên thủy nhìn thấy đằng sau mỗi hiện tượng tự nhiên đều có một vị thần. Vị thần đó quyết định sự vận hành của vũ trụ, trong đó có đời sống con người, đặc biệt, đối với một vùng đất nông nghiệp trồng lúa nước.

Khi truyền Phật giáo vào Việt Nam, các nhà sư nhận thấy nếu Phật giáo muốn bén rễ vào mảnh đất này thì phải có sự dung hòa với tín ngưỡng dân gian. Do đó, đã tạo ra sự giao thoa văn hóa khi tạo ra cuộc hôn phối tinh thần giữa một người con gái bản địa (tượng trưng cho tín ngưỡng dân gian) với một vị chân tu thông tuệ (tượng trưng cho một tôn giáo lớn).

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, người phụ nữ Việt Nam, người có công tái tạo một tôn giáo lớn trong những cơ thể mới mang đậm tính bản địa, rất thiêng liêng, huyền bí mà rất gần gũi với cuộc sống đời thường của người dân, được tôn làm Phật Mẫu.

Đó là sự tôn vinh đối với người có công tái tạo sinh thành một hình thức tôn giáo mới, tôn giáo của người dân cầu mong mưa thuận gió hòa, phong đăng hòa cốc, tôn giáo của sự phát hiện ra sự tương tác mật thiết giữa sự huyền bí của vũ trụ với cuộc sống đời thường. Đó là triết lý sâu xa của tín ngưỡng thờ Tứ Pháp trong đời sống tâm linh của người dân Việt.

Tục thờ vía lúa

Tục thờ vía lúa được khởi thủy từ thời Hùng Vương qua huyền tích vua Hùng đích thân lội xuống ruộng dạy dân trồng lúa nước, làm ra hạt gạo nuôi sống con người. Theo sách “Lễ hội truyền thống vùng Đất Tổ”, truyền thuyết kể rằng: “Thời xưa, nhân dân chưa biết cày, cấy làm ra thóc gạo mà ăn, chỉ sống bằng thịt thú rừng, rễ cây, quả và các loại rau dại, lúa hoang nhặt được.

Các vùng đất ven sông mỗi lần nước lớn dâng lên lại được phù sa bồi thêm màu mỡ. Vua Hùng thấy đất ấy tốt lắm, mới gọi dân đến bảo tìm cách đắp bờ giữ nước. Vua thấy lúa mọc hoang nhiều mới bày cách cho dân giữ hạt, gieo mạ, khi mạ lên xanh thì đem cấy vào các tràn ruộng có nước. Lúc đầu dân không biết cấy, tìm hỏi vua. Vua Hùng nhổ mạ lên, đem tới ruộng nước, lội xuống cấy cho dân xem, mọi người làm theo. Cấy tới khi mặt trời đứng bóng, Vua nghỉ tay cùng mọi người ăn uống ở dưới gốc đa lớn”.

Không chỉ dạy dân trồng lúa, cấy lúa, các vua Hùng còn cùng các lão làng khấn vía lúa, cầu trời đất cho dân no đủ. Và nơi Vua Hùng lên gọi vía lúa là đỉnh núi Hùng – nơi thờ trời, thờ Thần Lúa. Nơi ấy ngày nay là đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thuộc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.

Tục truyền, hạt lúa thời vua Hùng mới dựng nước to như cái thuyền con, khi chín thì tự lăn về nhà. Chỉ vì chị vợ của quan lang lười biếng và nóng nảy đã làm thần lúa giận bỏ đi. Từ đấy, những hạt lúa ngày càng bé đi và mỗi lần lúa chín, người dân lại phải gặt lúa về.

Vật chứng hiện tồn tại cho đến tận đầu thế kỷ XX trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh là hạt Lúa thần. Đó là tảng đá mang hình dạng một hạt lúa khổng lồ, có kích thước bằng chiếc thuyền nan mà người dân thường dùng, được ngự tại nơi cao nhất của cụm núi Nghĩa Lĩnh.

Năm 1917, khi đại trùng tu di tích đền Thượng thờ các vua Hùng, không hiểu sao hạt Lúa thần bằng đá được thay thế bằng nguyên khối cây gỗ to bằng chiếc thuyền con, gọt đẽo theo hình hạt lúa, khoét rỗng giữa thân, tạo thành hai nửa xếp úp vào nhau như hai mảnh vỏ trấu khổng lồ, được sơn son thếp vàng và đặt trang trọng trên bệ thờ. Liền kề ngay sau đền Thượng, hai tảng đá to xếp chồng lên nhau theo hình chiếc cối đá xay lúa, cũng được người dân làm lễ thờ sau khi đã tế Lúa thần phía trong đền.

Lễ tế “Hạt Lúa Thần” được diễn ra vào ngày mồng 1 tháng Giêng và ngày mồng 10 tháng 10 Âm lịch hàng năm. Theo truyền ngôn kể lại, hàng năm, các Vua Hùng đều lên Đền Thượng để cầu cúng và gọi vía lúa: “Hú ông lúa, bà lúa/ Cỏ lên, cỏ úa/ Lúa lên, lúa xanh/ Tốt hơn xung quanh/ Tốt hơn láng giềng/ Cao lên bằng cổ/ Trổ lên bằng đầu/ Bông như đuôi trâu/ Bông như đuôi nghé/ Bông nào be bé/ Cũng bằng đuôi voi/ Bông nào loi thoi/ Cũng bằng đuôi ngựa/ Hạt nào rụng rựa/ Cũng bằng bình vôi/ Ba con gà lôi/ Cũng không lôi nổi…”

Tục thờ vía lúa của người dân vùng đất Tổ được duy trì đến ngày nay. Thông qua các nghi lễ tâm linh, người dân thờ linh hồn của cây lúa, hạt lúa, gọi vía lúa về với con người và tổ chức các hoạt động như lễ Hạ điền, lễ Tịch điền. Tục thờ hạt lúa thần, gọi vía lúa, rước lúa, cầu mưa, rước nước, tịch điền, hạ điền… là sự biểu hiện lòng tôn kính Thần Lúa của người nông dân.

Theo PHÁP LUẬT VIỆT NAM

Tags: , ,