Tự lực văn đoàn, một ‘nhóm lợi ích’ trong đời sống văn nghệ

Nếu xem xét hoạt động của Tự Lực Văn Đoàn từ tầm nhìn gần, không lý tưởng hóa, người ta sẽ thấy Tự Lực Văn Đoàn ra đời và hoạt động như một nhóm lợi ích.

Tự lực văn đoàn, một ‘nhóm lợi ích’ trong đời sống văn nghệ

Có khá nhiều bài viết, nghiên cứu thảo luận về Tự Lực văn đoàn; song như thường lệ, số lớn ý kiến thường chỉ thiên về kể công lao, đóng góp của Tự Lực Văn Đoàn, xem nó như một tấm gương; ít thấy ai đặt hoạt động Tự Lực Văn Đoàn vào đời sống văn nghệ đương thời để mô tả, nhận định các hoạt động cụ thể của nó; cũng ít thấy ai chú ý tìm hiểu xem Tự Lực Văn Đoàn được cảm nhận ra sao trong tầm nhìn của những người đương thời, nhất là những đồng nghiệp viết văn làm báo, hoặc công chúng văn nghệ thời ấy.

Thiết nghĩ, nếu xem xét hoạt động của Tự Lực Văn Đoàn từ tầm nhìn gần, không lý tưởng hóa, người ta sẽ thấy Tự Lực Văn Đoàn ra đời và hoạt động như một nhóm lợi ích.

Khái niệm “nhóm lợi ích” được sử dụng vào nghiên cứu ở lĩnh vực xã hội nhân văn, song thường được dùng để xem xét các hoạt động kinh tế xã hội hơn là các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Nhưng thật ra, trong loại hình đa dạng các nhóm lợi ích, bên cạnh nhiều loại khác, người ta cũng kể tới các nhóm có tổ chức trong các lĩnh vực tôn giáo, khoa học và văn hóa (nhà thờ, các giáo phái, các hiệp hội khoa học, các hội văn nghệ sĩ, v.v…). [1]

Những nhóm văn nghệ sĩ được liên kết một cách tự do, tự nguyện, theo đuổi các hoạt động văn hóa-xã hội có hoặc không có lợi nhuận, hầu hết đều có thể xem như các nhóm lợi ích. Ta thấy rõ, chẳng hạn, một tờ báo tư nhân không thể là một “xí nghiệp công ích”; nó do một người hoặc một nhóm bỏ vốn đầu tư và điều hành hoạt động, hưởng lợi hoặc chịu thiệt hại từ kết quả hoạt động của mình.

Tự Lực Văn Đoàn gồm 7 thành viên: 1/ Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), 2/ Khái Hưng (Trần Khánh Giư), 3/ Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), 4/ Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), 5/ Thế Lữ (Nguyễn Đình Lễ), 6/ Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), 7/ Xuân Diệu (Ngô Xuân Diệu); các thành viên này cùng với nhiều người khác trong gia đình Nguyễn Tường và một số người thân khác của các thành viên, hoạt động trên 2 tờ tuần báo Phong Hóa (1932-1936), Ngày Nay (1935; 1936-1940), và nhà xuất bản Đời Nay (1934-1945).

So với nhiều nhóm nhà văn khác, khi tụ khi tán, suốt những năm 1930-1945, thì cơ sở ấn loát kể trên của Tự Lực Văn Đoàn tỏ ra vững vàng hơn hẳn. Tuy nhiên, các cơ sở báo chí xuất bản này không hoạt động như một cơ sở kinh doanh ấn loát bất kỳ nào đó.

Người ta biết, chẳng hạn, nhà xuất bản Tân Dân của Vũ Đình Long hoạt động xuất bản sách báo như một tổ chức sản xuất kinh doanh ấn phẩm, chủ yếu là các loại ấn phẩm văn học; doanh nghiệp này làm ra khá nhiều loại ấn phẩm, cả đều kỳ (tuần san, bán nguyệt san, nguyệt san) lẫn không đều kỳ (sách), quy tụ sự tham gia của khá nhiều nhà văn, dịch giả, nhà biên khảo; tuy vậy, doanh nghiệp này lại không tính đến, thậm chí không chấp nhận sự tập hợp các nhà văn tại đây theo các dấu hiệu nhóm phái về tư tưởng hay thị hiếu nghệ thuật.

Trong khi đó, các tờ Phong Hóa, Ngày Nay và nhà xuất bản Đời Nay ưu tiên hoạt động như công cụ, như phương tiện của nhóm tác gia trong Tự Lực Văn Đoàn. Nó ưu tiên đăng tải tác phẩm của các thành viên trong nhóm, sau đó mới dành chỗ đăng một số tác phẩm của các cộng tác viên, hoặc thân hoặc sơ. Ngay sau khi sắp hoàn tất việc đăng báo, các tác phẩm của các thành viên sẽ được chuyển sang khâu in thành sách. Chính nhờ được đặt vào quy trình liên tục này về ấn loát, các tác phẩm của các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn đều được công bố trọn vẹn, hầu như không tác phẩm nào bị dở dang, mất mát (trừ những tác phẩm mới chỉ đăng trên Ngày Nay, kỷ nguyên mới, 1945, ví dụ truyện dài Xiềng Xích của Khái Hưng). Đây là một lợi thế khá lớn so với phần đông tác giả đương thời, tác phẩm thường đăng tải trên nhiều tờ báo khác nhau, thường bị gián đoạn do các báo bị đóng cửa hoặc có thay đổi thành phần tòa soạn, rốt cuộc là số tác phẩm bị thất lạc, mất mát không ít.

Cùng với việc đảm bảo tốt khâu công bố tác phẩm cho các nhà văn trong nhóm, Tự Lực Văn Đoàn còn chú trọng tạo dư luận, gây tiếng vang cho các nhà văn thành viên, xây dựng uy tín, giá trị cho nghiệp văn của họ. Đây là một chiến lược nhiều mặt, được hai tờ báo Phong Hóa, Ngày Nay và các thành viên Tự Lực Văn Đoàn ráo riết thực hiện theo nhiều cách.

Người ta có thể thấy, từ khi ra đời (1933) đến khoảng 1938, Tự Lực Văn Đoàn có chiến lược hạ uy tín những tác gia khác, ngoài văn phái mình.

Trước hết, việc này nhắm vào những người già, những tác gia thuộc thế hệ trước.

Vì sao một trong những thói tật phổ biến ở xã hội đương thời là tật nghiện rượu, lại không được các biếm họa trên Phong Hóa gán cho hai gã Lý Toét, Xã Xệ hư cấu, như đối với nhiều thói tật khác, mà lại gán cho một Tản Đà cụ thể? Điều này, vào năm 1937, Vũ Trọng Phụng có lời giải:

“Xưa kia, muốn cho Thế Lữ nổi tiếng về thơ mới, Tự Lực văn đoàn đã phải dùng đến cách làm cho thiên hạ tưởng Nguyễn Khắc Hiếu là một kẻ không có tư cách nhân phẩm gì nữa, khốn nạn vô cùng”. [2]

Cố nhiên, đến những năm 1938-39, Tự Lực Văn Đoàn thay đổi thái độ, trên Ngày Nay có những bài khen ngợi thơ Tản Đà, rồi nhà Đời Nay đề nghị in thơ Tản Đà, v.v… Nhưng ở thời đầu Tự Lực Văn Đoàn, việc nhóm này đả kích Tản Đà, là điều thấy rõ; đó cũng là lúc phong trào thơ mới đang khởi lên, việc bài xích thơ cũ, khuếch trương thơ mới được xem là một nhiệm vụ lớn mà Tự Lực Văn Đoàn gánh vác.

Có thể nói, Tự Lực Văn Đoàn, thông qua các biếm họa, hý họa, các mục vui cười trên Phong Hóa, đã tỏ rõ một ý hướng liên tục bôi nhọ thể diện khá nhiều nhân vật uy tín đương thời. Trong số ấy, Tản Đà chỉ là một, và chưa phải là đối tượng hàng đầu. Bởi được nhắm đến thường xuyên ngay từ đầu ở các trang châm biếm, hý hước trên Phong Hóa là bộ đôi Vĩnh – Quỳnh.

Nước Nam có hai người tài

Thứ nhất sừ Ĩnh thứ hai sừ Uỳnh

Một sừ béo múp rung rinh

Một sừ lểu đểu như hình cò hương

Không vốn liếng chẳng ruộng nương

Chỉ đem dư luận bán buôn làm giàu

Bây giờ đang xỉa xói nhau

Người cầu lập hiến, kẻ câu trực quyền

“Thưa các ngài, thực vi tiên,

Muốn xem chiến đấu, quẳng tiền vào đây” [3]

Có thể nói, nếu cho đến tận cuối thế kỷ XX, người ta vẫn còn giữ những định kiến bất công đối với hai nhân vật hàng đầu này của văn hóa Việt Nam thời hiện đại (Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh), thì, góp vào việc xây dựng những định kiến ấy, phổ cập định kiến ấy vào công chúng, không thể không có phần của Phong Hóa, Ngày Nay, hai cơ quan của Tự Lực Văn Đoàn.

Ngay Phan Khôi, cùng thế hệ Tản Đà, người đã rất sớm nhận ra và lên tiếng khen giọng điệu báo chí mới mẻ của Phong Hóa, [4] nhưng đáp lại, Phong Hóa luôn dùng lối diễu cợt để giữ khoảng cách, để dứt khoát gạt Phan Khôi về phái già. Bỏ qua rất nhiều trò chọc ghẹo vốn là đương nhiên của thể tài hài báo, ít ra vẫn có một sai lạc không thể biện hộ, ấy là việc Phong Hóa và Tự Lực Văn Đoàn tạo ra thành ngữ “lý luận Phan Khôi” với hàm ý chế nhạo.

Trong khi tư duy lô-gích là cái thiếu nhất ở người Việt, trong khi Phan Khôi là nhà báo thể hiện sự cố gắng nhiều hơn hết để nghĩ mới về mọi sự mọi việc, trong khi chính Tự Lực Văn Đoàn cũng hướng tới cái mới, duy lý, tiến bộ cho văn hóa xã hội Việt, thì chính họ lại dựng lên thành ngữ này, hùa theo luồng định kiến thông tục cũ kỹ trong giới cầm bút vốn đặc trưng cho xu thế thù ghét lý tính, bài xích lý luận của số đông gia trưởng thủ cựu; ở phương diện này, Nhất Linh (nếu ông là tác giả chính của thành ngữ này) chỉ đứng ngang với những cây bút tầm thường, và tỏ ra thấp hơn Phan Khôi rõ rệt.

Nhưng khi đó Nhất Linh và các thành viên Tự Lực Văn Đoàn đã hành động theo lợi ích nhóm, mà chiến lược là hạ uy tín của những “đàn anh” trong báo giới văn giới, bất kể là ai.

Mãi đến năm 1939, người ta mới thấy Ngày Nay in một bài của Phan Khôi về “lịch sử tóc ngắn” với lời dẫn trân trọng. [5] Đó có thể xem là cử chỉ giải hòa của Tự Lực Văn Đoàn đối với người đàn anh này.

Một trong những cách gây chú ý về sáng tác của các nhà văn trong nhóm là gây ra những sự cố. Tố cáo cây bút nào đó, càng có tên tuổi càng tốt, dường như đã “ăn cắp” tác phẩm của nhà văn nhóm mình, ‒là một thủ đoạn đắc sách. Theo cách này, đầu năm 1936, Phong Hóa phao lên rằng Nguyễn Công Hoan đã “chịu khó sưu tầm để viết Lá Ngọc Cành Vàng giống Nửa Chừng Xuân, và Cô Giáo Minh giống hệt Đoạn Tuyệt”. [6]

Cách tạo dư luận ở đây là tận dụng, lạm dụng văn trào lộng, hý hước, để khi bị chất vấn theo lối nghiêm chỉnh thì trả lời: đấy chỉ là một câu khôi hài. Nhưng lời nói đùa có thể được công chúng tin là thật, vì thế dù sao Nguyễn Công Hoan cũng phải lên tiếng, tuy ông chỉ nhấn mạnh rằng ý tứ truyện Cô Giáo Minh trái hẳn với Đoạn Tuyệt. [7] Đến lượt Khái Hưng đáp lại, khăng khăng giữ nhận định riêng: hai cuốn Cô Giáo Minh và Đoạn Tuyệt “giống nhau lắm”, rồi đánh trống lảng, chuyển câu chuyện sang phán đoán về giá trị: cuốn nào hay hơn sẽ còn lại, tất nhiên là lộ rõ cái ý: sách của tác giả Tự Lực Văn Đoàn nhất định phải hay hơn! [8]

Đặt trong tình trạng khá đa dạng về văn phái, về báo chí văn học đương thời, giọng điệu khẳng định tác phẩm của văn phái mình hay hơn các văn phái khác, báo mình xử sự tốt đẹp hơn báo khác, ‒hầu như là một kỹ thuật phòng ngự-phản công rất mực phổ cập. Các báo Phong Hóa, Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn không nằm ngoài ứng xử ấy. Khác với thái độ công bằng của Phan Khôi trong vai trò “Ngự sử đàn văn”, các trang Phong Hóa mà Hàn Đãi Đậu nhặt nhạnh “những hạt đậu dọn” trong vườn văn thiên hạ, thường lưu ý bắt bẻ những sai sót, lầm lạc trong thơ văn các tác giả khác, chứ gần như không khi nào động đến tác phẩm các thành viên Tự Lực Văn Đoàn.

Sự hoạt động liên tục của các trang này – bên cạnh tác dụng cảnh báo giới viết văn viết báo đương thời về nhiệm vụ làm sáng sủa câu văn tiếng Việt – còn mang lại những kết quả chỉ có lợi riêng cho Tự Lực Văn Đoàn, tạo cho văn đoàn này và các thành viên của nó một thế đứng trên, thế đứng đàn anh, áp đảo đối với các cá nhân nhà văn cũng như các văn phái khác, đương thời. Các tờ báo của Tự Lực Văn Đoàn có mặt liên tục trong gần 10 năm, cho nên áp lực mà họ tạo ra trong đời sống văn nghệ đương thời là rất mạnh, khiến họ mặc nhiên được xem như nhóm văn nghệ chi phối diện mạo văn học những năm 1930-40. Chỉ cần đọc hồi ức Nguyên Hồng về lần đầu tiên được gặp Thế Lữ, khoảng 1934-35 ở Hải Phòng, [9] là có thể hiểu vì sao, khi nói tới Vũ Trọng Phụng, báo Ngày Nay lại sẵn sàng miệt thị ông là “nhà văn xã hội kỳ quặc” chuyên “lòe độc giả bằng cái học vấn sơ học của mình”. [10]

Giới nghiên cứu hậu thế hiện nay thường hướng cái nhìn ngưỡng mộ về di sản của Tự Lực Văn Đoàn, song cũng nên biết một phần dư luận đương thời đối với văn đoàn này ra sao.

Xin dẫn một số ý kiến độc giả gửi tới Hà Nội Báo, biểu đồng tình với việc báo này phê phán Tự Lực Văn Đoàn, nhân những tranh luận giữa tuần báo này với Phong Hóa, từ đầu năm 1936 cho tới khi Phong Hóa bị đóng cửa.

Các độc giả này kể ra ba cái tội của báo Phong Hóa là:

1/ chế diễu cái ngu dốt của dân quê:

“Bọn Lý Toét, Xã Xệ không phải là bọn độc ác, không phải là cái “họa” cho xã hội, trái lại họ hiền lành, tâm hồn ngay thật, một hạng người vô sản khổ sở đáng thương hơn đáng cười […] Thế sao Phong Hóa lại nêu ra làm trò? [….] lấy cái thông minh (!) của mình mà chế diễu cái ngu dốt của người, có nên không?” (ý kiến ông Thiện Quả); [11]

2/ chế diễu những người tàn tật:

“Chế diễu cái say của thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã là quá lắm rồi, vì đó là cái đời tư của người ta, nhưng đến cái lỗ mũi to và hơi đỏ đỏ ở trên mặt nhà thi sĩ ấy, thì đã có tội tình gì, mà có một độ, các ông đưa ra làm đầu đề cho biết bao bức hí hước? […] Trên mặt báo Phong Hóa, đã biết bao lần, các ông đưa những người ấy ra làm trò cười cho một hạng người dư ăn dư để! Thật ra cái pha trò ấy, người có chút ít giáo dục, ai chịu được? Một bức tranh vẽ một người mù bị sa hố chẳng hạn, có thể làm cho một đám trẻ con đua nhau cười rũ rượi. Rồi đám trẻ con ấy hẳn phải nhờ Phong Hóa mà biết khinh ngạo người tàng tật nghèo khổ?!” (ý kiến ông Phạm Văn Tính); [12]

3/ dìm đồng nghiệp: “Không có một cách cạnh tranh bất chính nào là Phong Hóa không dùng tới, để dìm đồng nghiệp xuống. Bất kỳ một tờ báo nào mới ra cũng bị Phong Hóa nói xỏ nói xiên, nói châm nói chọc, có khi kéo cả đại đội ra để công kích. Họ công kích như vậy để làm gì? Cốt cho đồng nghiệp lùi đi, để trên bãi cỏ xanh, chỉ còn một mình họ ăn…” (ý kiến ông ĐặngThế Xương).[13]

Như vậy, có thể nói, trong tầm nhìn của công chúng đương thời, tiếng nói của Tự Lực Văn Đoàn không phải chỉ được hưởng ứng, đồng tình, mà còn gây không ít những phản cảm, phản kháng.

Nhìn vào hoạt động ngôn luận của các thành viên Tự Lực Văn Đoàn, có thể thấy rõ rằng, khi đang hoạt động trong văn đoàn, họ luôn luôn giữ thái độ của văn đoàn đối với mọi vấn đề, mọi sự việc trong đời sống văn nghệ. Chỉ sau khi đã ra khỏi quỹ đạo của Tự Lực Văn Đoàn, họ mới bộc lộ ý kiến riêng, thái độ riêng.

Trường hợp Thế Lữ hay Xuân Diệu bộc lộ khá rõ ứng xử ấy.

Đứng trong Tự Lực Văn Đoàn, Xuân Diệu trước sau bảo vệ quan niệm thơ mới của “trường phái Tự Lực”, tức là bảo vệ lối thơ mới kiểu Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận,… chứ không thừa nhận thành tựu sáng tác thơ của các tác giả ngoài văn đoàn. Xuân Diệu từng viết các bài mang tính luận chiến chống kiểu thơ tượng trưng, siêu thực của Hàn Mặc Tử, Bích Khê, điều này có thể giải thích được, vì hướng của các nhà thơ này đưa thơ đi ra khỏi phạm vi lãng mạn duy lý quen thuộc với “trường phái Tự Lực”. Nhưng ngay đối với những nhà thơ khá tương đồng về kiểu sáng tác, ví dụ Huy Thông, thì “trường phái Tự Lực” cũng bài xích. Thế Lữ trong vai Lê Ta của những dòng “tin văn … vắn” đã không ít lần bới móc những ý tứ dường như là vô lý trong thơ Huy Thông, chẳng hạn Lê Ta rất cố gắng chứng minh cô Tần Ngọc mà nhà thơ Huy Thông gửi gắm tâm sự kia, thật ra là một nữ nhân vật bịa tạc! Sự việc ấy xét ra chẳng có gì hại gì đến luân lý, nhưng sở dĩ bị bới móc, có thể chỉ vì Huy Thông là người thuộc nhóm Lê Tràng Kiều, Lưu Trọng Lư, nhóm gắn với tờ Hà Nội Báo vốn xung khắc với Tự Lực Văn Đoàn.

Mãi đến năm 1946, khi Xuân Diệu là nhà báo tham gia phái đoàn Phạm Văn Đồng sang Pháp, có gặp Phạm Huy Thông và đem bài thơ “Chào sứ giả của tự do” thi sĩ tặng phái đoàn về đăng bán nguyệt san Tiên Phong (Hội văn hóa cứu quốc). Rồi năm 1955, cựu thành viên Tự Lực Văn Đoàn ấy mới lần đầu tiên viết về nhà thơ này, khẳng định “Huy Thông là một thi sĩ Việt Nam nổi tiếng đã gần 25 năm nay. Tác giả Tiếng địch sông Ô để lại cho những người đã đọc thơ mình một cảm tưởng hùng mạnh, trẻ trung đến nay chưa xóa nhòa trong trí nhớ.” [14] Vẫn còn trong trí nhớ, tức là Xuân Diệu biết từ lúc nó ra đời, nhưng nhất quyết không nói đến viết đến, khi Xuân Diệu còn là người của Tự Lực Văn Đoàn, vì đó là thành tựu sáng tác của một tác gia ngoài văn đoàn mình!

Nhìn chung, thái độ thường là kẻ cả, trịch thượng của các thành viên Tự Lực Văn Đoàn đối với các nhà văn và các nhóm văn nghệ khác đương thời, một mặt tạo cho họ uy thế, uy tín, sự thán phục, sự lắng nghe, sự học theo làm theo, từ phía những cây bút khác, nhất là số người đang tập tành nghề viết; nhưng mặt khác cũng tạo khoảng cách giữa các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn đối với các nhà văn khác. Khoảng cách này có thể đã khiến hầu hết các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn xem thường, không tính đến, không xem xét, không tiếp nhận kinh nghiệm từ các nhà văn ngoài Tự Lực Văn Đoàn; đây là điều không hay, thậm chí có hại cho họ.

Các nhà thơ mới trong Tự Lực Văn Đoàn, – chủ yếu là Thế Lữ và Xuân Diệu – chứng tỏ được vai trò dẫn đầu ở giai đoạn đầu của phong trào thơ mới, sáng tác của hai ông có thể được xem là đỉnh cao của thơ mới thời đầu, có thể tạm gọi là kiểu thơ lãng mạn duy lý (cảm xúc lãng mạn, ngôn ngữ duy lý).

Nhưng phong trào thơ mới không dừng lại ở đó. Từ những năm 1938 – 1940, trong phong trào vừa thấy có hướng siêu thực, tượng trưng (trường thơ Bình Định, “trường thơ loạn”, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên), vừa thấy có hướng tìm lại chất trừu tượng phương Đông (nhóm Xuân Thu Nhã Tập, với Phạm Văn Hạnh, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Sanh), vừa thấy có hướng tìm lại hồn thơ và chất liệu thơ Việt dân gian (nhóm Bắc Hà với Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, Giản Chi, Nguyễn Bính), v.v…

Trong tình hình ấy, nhóm thơ Tự Lực Văn Đoàn tuy có tìm thêm được một số giọng thơ mới (Huy Cận, Tế Hanh) làm tăng thanh thế cho nhóm mình, nhưng có vẻ như cả hai người chủ trì, Thế Lữ, Xuân Diệu, quá tự tín, chỉ lên tiếng phê phán chứ không thừa nhận sự hữu lý của các hướng phát triển mới trong phong trào thơ tiếng Việt. Việc nhà Đời Nay in tập thơ Mây (1943) của Vũ Hoàng Chương chưa đủ tỏ độ cởi mở của Tự Lực Văn Đoàn đối với các nhà thơ ngoài nhóm ấy. Trong khi đó, chính sáng tác thơ của hai cây thơ chủ chốt này của Tự Lực Văn Đoàn cũng bắt đầu tỏ ra khô cạn. Sau khi cho in Mấy vần thơ, tập mới (1941), Thế Lữ cạn nguồn thơ, chuyển sang hoạt động sân khấu, và trên thực tế cũng dần dần rời khỏi Tự Lực Văn Đoàn. Còn Xuân Diệu thì sau tập Thơ Thơ (1938), bản thảotập Gửi hương cho gió đã không được nhà Đời Nay của Tự Lực Văn Đoàn đứng in, phải đưa in ở nhà xuất bản Thời đại (1945), tên tác giả Xuân Diệu ở tập này không còn gắn với Tự Lực Văn Đoàn như tập trước mà chỉ còn gắn với bộ đôi Huy – Xuân.

Các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn từng khiến giới viết truyện đương thời cảm phục và gắng sức đua theo, vì kiểu tiểu thuyết luận đề do họ đề xướng và cho ra mắt những sản phẩm đầu tiên. Song, mô hình tiểu thuyết luận đề chỉ có thể là điểm xuất phát chứ chưa thể là giải pháp cho mọi vấn đề của sáng tác văn xuôi tự sự bằng tiếng Việt ở thời đại mới. Những tiểu thuyết luận đề đầu tiên ra mắt chừng vài ba năm là đã thấy xuất hiện các sáng tác cùng kiểu thức ấy của những cây bút ngoài Tự Lực Văn Đoàn. Quá trình văn học diễn ra trong chưa đầy 20 năm đã làm xuất hiện một nền tiểu thuyết khá phong phú với rất nhiều tác giả và tác phẩm. Tuy vậy, điều đáng nói lại là, nếu như các cây bút văn xuôi trong Tự Lực Văn Đoàn đã in dấu vào mô hình thể tài tự sự này ở điểm khởi đầu, thì chính họ lại không có sản phẩm nào nằm trong sự kết tinh của cả quá trình phát triển ấy. Quả thật, không có tác phẩm nào đáng gọi là kiệt tác trong số các tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn. Bởi nếu nói đến kiệt tác ở văn xuôi tự sự hư cấu giai đoạn ấy, người ta chỉ kể được Số Đỏ (của Vũ Trọng Phụng) và Chí Phèo (của Nam Cao), hai tác phẩm của hai nhà văn ngoài văn đoàn Tự Lực.

Lý giải điều này là việc không dễ.

Tuy vậy, có thể nghĩ tới một trong những lý do là sự quá tự tín của các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn. Họ đã nghĩ một cách nghiêm chỉnh đến việc tiếp nhận kinh nghiệm sáng tác của các nhà văn Âu Tây, nhưng họ lại hầu như hoàn toàn xem thường kinh nghiệm sáng tác của giới viết văn người Việt cùng thời với mình. Chẳng hạn, về ngôn ngữ, họ chủ trương và thực hành việc viết bằng một thứ tiếng Việt trong sáng, giản dị, dễ hiểu, song họ hầu như không để ý đến việc những người viết văn đương thời thể nghiệm hoặc xử lý ra sao đối với chất liệu đời sống hoặc chất liệu ngôn ngữ.

Công việc viết phóng sự cho báo chí chẳng hạn, đem lại cơ hội cho người viết, buộc họ phải xử lý các dạng biệt ngữ, phương ngữ (so với các chuẩn mực nào đó), phải dần dà làm công việc miêu tả ngôn ngữ – tức là cho thấy những con người đương thời đang nói năng ra sao. Những thực hành loại này đã từ báo chí đi vào văn chương, từ phóng sự đi sang tiểu thuyết. Từ Nguyễn Công Hoan đến Vũ Trọng Phụng, rồi Vũ Bằng, Nam Cao, Tô Hoài, trên thực tế đã thể nghiệm cái thao tác mà M. Bakhtin coi như một trong những nội dung chính của sự sáng tạo trong nghệ thuật viết tiểu thuyết. [15]

Trong khi đó, có vẻ như các tác gia trong Tự Lực Văn Đoàn hầu như đứng ngoài hoạt động miêu tả ngôn ngữ. Các tiểu thuyết của họ có văn phong sáng sủa, mực thước, nhưng cả tác giả, người kể chuyện lẫn các nhân vật trong truyện đều nói cùng một giọng, mọi nhân vật đều nói như nhau, hầu như không cho thấy các sắc thái giọng nói.

Đây là một trong những dấu hiệu về sự khác biệt, song lại là khác biệt về “bí kíp” của sự nhạt nhẽo ngày càng lộ rõ trong ngôn ngữ của các tác gia văn xuôi Tự Lực Văn Đoàn, so với những sắc giọng đậm và mặn, có khi thô lỗ, có khi tục tằn, in dấu khẩu ngữ, biệt ngữ, phương ngữ trong mạch văn không ít tác gia ngoài Tự Lực Văn Đoàn.

Mà đấy chỉ là một trong những ví dụ về hệ quả của thế đứng cách bức, trịch thượng và xa lạ, của Tự Lực Văn Đoàn so với những nhà văn đương thời ngoài nhóm ấy.

Điều đó gây thiệt hại cho họ, cho văn chương, chứ không phải cái gì khác.

——————————————————-

Chú thích

[1] Về khái niệm “nhóm lợi ích”, tác giả có tham khảo 2 tài liệu: 1/ V.I. Pantin, Gruppy interesov // Federalnyj obrazovatelnyj portal, 14 Maja 2012 (chữ Nga); 2/ Alan Phan, Lợi ích từ … các nhóm lợi ích // tuanvietnam.vietnamnet.vn, 26/5/2011 (chữ Việt).
[2] Vũ Trọng Phụng: Để đáp lời báo “Ngày Nay”: Dâm hay là không dâm // Tương Lai, Hà Nội, s. 9 (25.3.1937)
[3] Phong dao mới // Phong Hóa, Hà Nội, s. 14 (22 Septembre 1932), tr. 2.
[4] Bài có lẽ sớm nhất của Phan Khôi về Phong Hóa là bài “Vẽ hình” trong mục “Những điều nghe thấy” ký Thông Reo (Trung Lập, Sài Gòn, ngày 5 và 6 Février 1933).
[5] Xem: Phan Khôi: Lịch sử tóc ngắn // Ngày Nay, Hà Nội, s. 149 (15 Fevrier 1939).
[6] Xem: Xuân thủ đâm ân // Phong Hóa, Hà Nội, s. 172 (31 Janvier 1936), tr. 3 (Lưu ý: đây là nhại mấy từ “Xuân thủ đàm ân” /= đầu xuân nói việc ơn ích/ mà các báo đương thời thường đặt làm tên mục thông tin những việc thăng thưởng cho quan lại, viên chức; tòa soạn Phong Hóa ghi chú từ “đâm” là “nẩy ra đâm ra”; đây là một trong rất nhiều mục châm biếm, hài hước có thường xuyên trên báo Phong Hóa).
[7] Nguyễn Công Hoan: Từ “Đoạn Tuyệt” đến “Cô Giáo Minh” // Hà Nội Báo, Hà Nội, s. 9 (4 Mars 1936), tr. 8-9.
[8] Khái Hưng: Cùng ông Nguyễn Công Hoan // Phong Hóa, Hà Nội, s. 177 (6 Mars 1936), tr. 4 (đăng lại trên Hà Nội Báo, s. 11, ngày 18 Mars 1936, tr. 9-11)
[9] Nguyên Hồng: Nhà thơ ở Ngõ Nghè (trích hồi ký “Bước đường viết văn”, 1970) trong sách: Thế Lữ, Cuộc đời trong nghệ thuật, Hà Nội: Nxb. Hội Nhà Văn, 1991, tr. 57-68.
[10] Nhất Chi Mai: Ý kiến một người đọc: Dâm hay không dâm? // Ngày Nay, Hà Nội, s. 51 (14 Mars 1937), tr. 137 [báo đánh số trang theo thứ tự trong bộ báo cả năm]
[11] Tội trạng báo “Phong Hóa” // Hà Nội Báo, Hà Nội, s. 13 (1 April 1936), tr. 11 – 12.
[12] Tội trạng báo “Phong Hóa” // Hà Nội Báo, Hà Nội, s. 14 (8 April 1936), tr. 8.
[13] Tội trạng báo “Phong Hóa” // Hà Nội Báo, Hà Nội, s. 15 (15 April 1936), tr. 21.
[14] Xuân Diệu: Thi sĩ Phạm Huy Thông, chiến sĩ của hòa bình // Văn nghệ, Hà Nội, s. 65 (11.3.1955), tr. 1, 8.
[15] M.M. Bakhtin: Ngôn ngữ tiểu thuyết, in trong: Lý luận và thi pháp tiểu thuyết. Phạm Vĩnh Cư dịch và giới thiệu. Hà Nội: Trường Viết văn Nguyễn Du, 1992, tr. 78-139.

Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN

Tags: ,