Từ Hà Nội đến Sài Gòn – tóm lược một quá trình vận động của lịch sử dân tộc

Lịch sử Việt Nam như một quá trình dịch chuyển, định dạng và hình thành các trung tâm chính trị, mà ở đây chúng ta nghĩ tới trục nối dài từ Thăng Long nghìn năm đến đô thị trẻ Sài Gòn- thành phố Hồ Chí Minh.

Từ Hà Nội đến Sài Gòn – tóm lược một quá trình vận động của lịch sử dân tộc

1 – Sự vận động lịch sử của một quốc gia, xét trên chiều cạnh kinh tế- xã hội, như Marx từng nhận định, xoay quanh sự vận động đối lập giữa đô thị với nông thôn[1]. Nhưng, xét trên khía cạnh chính trị thì lịch sử của một dân tộc được phản ánh bằng lịch sử những trung tâm chính trị của nó- thường là những đô thị được kiến tạo, rồi suy tàn và có thể phục hưng. Thêm vào đó, nếu xét một trung tâm chính trị theo nghĩa rộng nhất, thì hẳn phải phân tích chúng như những trung tâm quyền lực đầy ảnh hưởng đối với một vùng đặc trưng về địa- văn hóa. Những trung tâm như thế bao giờ cũng thể hiện ra trong lịch sử như là các đô thị với mức độ tập trung nguồn lực đáng kể. Từ góc độ này, có lẽ nên nhìn nhận lịch sử Việt Nam như một quá trình dịch chuyển, định dạng và hình thành các trung tâm chính trị, mà ở đây chúng ta nghĩ tới trục nối dài từ Thăng Long nghìn năm đến đô thị trẻ Sài Gòn- thành phố Hồ Chí Minh.

2 – Hoa Lư là trung tâm chính trị đầu tiên của nước Việt Nam độc lập- Đại Cồ Việt, cho đến năm 1009, nhưng Hoa Lư không phải là một trung tâm chính trị bền vững[2]- đó chỉ là nơi hội tụ quyền lực trong giới hạn lịch sử của sự chia cắt các địa phương, nơi khởi đầu của mô hình nhà nước sơ khai phi hành chính còn nặng tính quân sự- tự phát. Một nhãn quan chính trị, mà giờ đây, cho phép nhìn nhận rằng, đấy là nhãn quan chiến lược, phối ghép những nhu cầu tất yếu của lịch sử đã dẫn đến quyết định của Lý Công Uẩn vào năm 1010[3]: dời đô về thành Đại La với tên gọi mới là Thăng Long- nơi “ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi sông núi sau trước. Vùng nàu mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”[4]. Từ năm 1010 về sau, trong sự chuyển động của lịch sử, Thăng Long, thủ đô chính trị- hành chính, nơi khởi phát của mô hình nhà nước dân tộc[5], đã trở thành điểm hội tụ của sự phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị cho toàn Đại Việt. Đặc biệt, từ sau những thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông trong thế kỷ 13 và cuộc kháng chiến chống quân Minh thế kỷ 15, từ tâm điểm Thăng Long, quyền lực của nhà nước dân tộc theo lối phong kiến tập quyền ngày càng mở rộng, tạo nên một trường lực chính trị, thậm chí có lúc lấn át tính tự trị điển hình của làng xã Đại Việt và hiện thực lịch sử đó đã góp phần tạo lên tính thống nhất trên toàn cõi Đại Việt; cũng chính từ Thăng Long, nền văn minh Đại Việt đã có những bước chuyển mình mà mốc đánh dấu quan trọng nhất là sự ra đời của bộ luật Hồng Đức cuối thế kỷ 15; cũng xuất phát từ đô thị hành chính này, những đô thị phụ cận như phủ Thiên Trường đã được kiến tạo.

3 – Vào thế kỷ 17, Đại Việt không còn giữ được sự thống nhất chính trị như thời Lê Sơ, ở hai đầu của đất nước là hai thế lực chính trị đối lập nhau với họ Trịnh ở Đàng Ngoài và họ Nguyễn ở Đàng Trong. Như một quy luật lịch sử, sự đối kháng giữa hai thế lực đó lại là một trong những nhân tố thúc đẩy sự hưng khởi của nền kinh tế hàng hóa và đô thị ở cả hai Đàng. Ở Đàng Ngoài, Thăng Long trở thành một trung tâm kinh tế hàng hóa lớn, một đô thị phồn thịnh (“Thứ nhất Kinh kỳ thứ nhì phố Hiến”). Ở Đàng Trong, Hội An và Gia Định là những trong tâm kinh tế hàng hóa lớn. Trên cơ sở đó, từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong hình thành trục lưu thông hàng hóa lớn: Thăng Long- phố Hiến- Hội An- Gia Định[6]. Đến thế kỷ 19, triều Nguyễn đã tai lập trật tự một trung tâm, đặt ở Phú Xuân- Huế. Trật tự này đã kéo theo sự suy tàn của Thăng Long về mọi mặt suốt nửa đầu thế kỷ này (“Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Tòa cũ lâu đài bóng tịch dương”). Bên cạnh đó, vùng đất non trẻ Gia Định lâm vào tình trạng bị vua Minh Mạng “dè chừng” sau cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi năm 1833.

4 – Cuộc xâm lăng Việt Nam của thực dân Pháp cùng chính sách khai thác, cai trị thuộc địa mà họ thực thi từ nửa sau thế kỷ 19 đã làm biến chuyển mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội của nước ta. Trong hoàn cảnh đó, bộ mặt của Thăng Long- Hà Nội và Sài Gòn- Gia Định đều có nhiều biến chuyển. Kiến trúc nhà ở, đường phố, nếp sống đô thị…đều mang đậm tính Tây phương. Sự Âu hóa ở hai đô thị này là điều không ai phủ nhận. Nhưng theo sự biến của lịch sử, Sài Gòn trở thành thủ phủ của chính quyền tay sai của Pháp và sau này là Mỹ. Ngược lại, Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với một chính phủ do nhân dân dựng lên, đấu tranh cho ước muốn chân chính của dân tộc- Độc lập dân tộc, thống nhất quốc gia và chủ nghĩa xã hội; dân giàu nước mạnh, ai cũng được cơm no, áo ấm, ai cũng được học hành.

5 -Nửa sau thế kỷ 20, Hà Nội và Sài Gòn làm đầu mối cho sự phát triển đất nước. Đó chính là giai đoạn để có được sự phát triển đô thị thì khu vực nông thôn cần được nâng cấp. Những năm của thập kỷ 60,70 của thế kỷ 20 và sau nữa, ở miền Bắc, phong trào tăng gia sản xuất và luồng lực tập thể hóa đã làm rắn chắc lại vùng nông thôn bị không quân và hải quân Mỹ tàn phá. Đó là một cơ sở cho Hà Nội đương đầu được với Washington. Ở miền Nam, vào những năm đầu thập niên 1970, trong vùng do chính quyền Việt Nam cộng hòa kiểm soát, người ta tiến hành việc “Phục hưng làng xã”[7] bằng những đợt cải cách điền địa- một sự nối tiếp chính sách dở dang về ruộng đất của chính quyền Ngô Đình Diệm. Có điều, nếu như ở miền Bắc, khu vực nông thôn được củng cố làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế nói chung và thủ đo Hà Nội nói riêng, thì ở miền Nam, chương trình “Phục hưng làng xã” chỉ cốt tạo vành đai an toàn cho chính quyền Sài Gòn, phụ trợ cho chiến dịch Phượng Hoàng vốn được đẩy mạnh sau năm 1968. Nhưng dù chủ ý chính trị của các thế lực phản cách mạng, phản dân tộc thế nào, những nẻo đường lịch sử cũng vẫn hướng về chân trời độc lập tự do, ý chí và nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam cũng vẫn chiến thắng. Với Đại thắng mùa xuân năm 1975, thế đối đầu chính trị giữa hai miên chấm dứt, non sông thu về một mối. Sài Gòn đươc mang tên Bác- thành phố Hồ Chí Minh.

6 – Không phải là tình cờ mà Nguyễn Văn Linh trở thành nhân vật lịch sử trọng yếu trong công cuộc Đổi mới ở Việt Nam năm 1986. Vốn là Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, từ thực tiễn ở địa bàn công tác này, Nguyễn Văn Linh đã có sự nhận thức đúng đắn về thực trạng đất nước, thấy được “những việc cấn làm ngay” và ông cùng với tập thể lãnh đạo Đảng đã quyết định thực hiện công cuộc Đổi mới, đưa đất nước ra khỏi đói nghèo mà nền độc lập dân tộc được vững vàng hơn. Làn sóng Đổi mới đã làm biến chuyển mọi mặt đời sống đất nước ta tốt đẹp hơn. Dễ nhận thấy Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh-những trung tâm kinh tế năng động bậc nhất, những trung tâm văn hóa lớn của cả nước, đã góp phần quan trọng trong sự biến chuyển đó của đất nước. Thế nên, trên một phương diện, có thể khẳng định sự kết nối Thủ đô Hà Nội với thành phố Hồ Chí Minh chính là nền tảng của sự phát triển của Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới.

———————————————

Chú thích:

[1] Ở đây, người ta thấy rằng, quan hệ giữa người nông dân với thị dân còn biểu hiện ra ở quan hệ giữa nông thôn và đô thị. Những mâu thuẫn giữa hai khu vực này càng phát triển bao nhiêu, thì nó càng cho thấy sự phát triển của kinh tế- xã hội bấy nhiêu. “ Cơ sở của mọi sự phân công lao động phát triển và lấy sự trao đổi hàng hóa làm môi giới là sự tách rời giữa thành thị và nông thôn. Có thể nói rằng toàn bộ lịch sử kinh tế của xã hội được tóm tắt lại trong sự vận động của sự đối lập đó…” (Chúng tôi nhấn mạnh). Các Mác, Toàn tập, tập 23 (Tư bản quyển I), Nxb CTQG, Hn, 1993, tr511-512.
[2] Thực ra, chính quyền Hoa Lư là một đặc trưng của hình học quyền lực Mandala. Trong đó, “các khu định cư liên minh đã xây dựng một Mandala, một dạng hình học đầy quyền lực về tinh thần xung quanh khu định cư…Hình thể Mandala có thể được trình bày như một khối liên kết địa vị chính trị; một vương quốc lí tưởng như thể loại trừ được những mối đe dọa và những ảnh hưởng không mong muốn. Ngay trung tâm sẽ là người cai trị, được vây quanh bởi những cận thần của ông ta…” (in đậm do chúng tôi nhấn mạnh) (M.Somers Heudhues, Lịch sử phát triển Đông Nam Á, Nxb VHTT 2007, tr23-24). Mandala mang tính chất một kết cấu trật tự phi nhà nước hơn là một thể chế nhà nước.
[3] Sử gia Tạ Chí Đại Trường cho rằng một trong những lí do dời đô của Lý Công Uẩn là nhằm làm mờ những rắc rối từ nguồn gốc là một dòng họ lang bạt, không xuất thân từ quý tộc địa phương của vua Lý Thái Tổ. Xem thêm, Tạ Chí Đại Trường, Những bài dã sử Việt, Nxb Tri Thức 2009, tr177.
[4] Bản dịch của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, in trong Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb KHXH, HN 1993.
[5] Nhà nước dân tộc (national state) là một bước tiến chính trị vượt bậc so với nhà nước sơ khai (early state). Nếu các nhà nước sơ khai chủ yếu mang tính tập trung quyền lực quân sự để tiến tới quyền lực công mà chưa có bộ máy hành chính của nó thì nhà nước dân tộc là giai đoạn quyền lực công đi đôi với chính sách công và kèm theo đó đương nhiên là sự định hình của bộ máy hành chính.
[6] Nguyễn Quang Ngọc chủ biên, Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo Dục, HN 2001, tr151.
[7] Xem thêm Trần Ngọc Châu, Từ chiến tranh đến hòa bình- Phục hưng làng xã, nhà in Đoàn viên, Sài Gòn 1967.

Theo HỒ KHANG / TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN

Tags: , , ,