Từ đỉnh cao huy hoàng đến kết cục bi thảm của đế chế Babylon

Những thành quách hùng vĩ cùng những đền đài, cung điện nguy nga của Babylon đã trở thành cát bụi, nhưng những tri thức, những kinh nghiệm khôn ngoan, những thành tựu nổi bật của vương quốc cổ đại này vẫn còn lưu truyền cho đến tận bây giờ.

Sự huy hoàng và kết cục bi thảm của đế chế Babylon

Thị trấn nhỏ trở thành kinh đô và thánh địa của Lưỡng Hà

Babylon là một thành quốc của Lưỡng Hà cổ đại. Các di tích của thành quốc này được phát hiện ngày nay nằm ở Al Hillah, tỉnh Babil, Iraq, khoảng 85 km (55 dặm) về phía nam thủ đô Baghdad.

Nền văn minh Babylon để lại một dấu ấn quan trọng cho sự phát triển của loài người.

Nhà nước độc lập Babylon được thành lập bởi vị thủ lĩnh người Amorites là Sumuabum vào năm 1894 TCN.

Triều đại đầu tiên của người Amorites đã xây dựng thành phố Babylon, nơi mà sau này trở thành đế quốc Cổ Babylon, một trong những đế quốc cổ nhất trong lịch sử thế giới.

Dưới triều vua Nebuchadnezzar II, Đế quốc Tân Babylon trở nên vô cùng hùng mạnh. Ông vài lần mang quân tiến đánh thành Jerusalem, đày ải những người Do Thái về thành Babylon làm nô lệ.

Tọa lạc bên cạnh dòng sông Euphrate, Babylon nằm trong một thung lũng bằng phẳng, nhưng khô cằn và nắng hạn chứ không phải là một vùng đất giàu có tài nguyên, thời tiết thuận lợi hay nằm trên con đường giao thương nào.

Babylon là một điển hình nổi bật của khả năng con người có thể đạt tới những mục tiêu vĩ đại, bằng cách sử dụng tất cả các phương tiện mà mình có được.

Sự phát triển của cả thành phố rộng lớn này đều chỉ do bàn tay con người vun đắp. Tất cả sự giàu có của nó là nhờ ở con người.

Lợi dụng điểm thuận lợi duy nhất là đất đai khá phì nhiêu do dòng sông Euphrate mang nhiều phù sa bồi đắp hàng năm.

Bằng trí tuệ và bàn tay con người, những công trình vĩ đại nhất được các kỹ sư cổ đại nghiên cứu dần biến nới đây thành một vùng đất giàu có.

Với những đập nước và kênh đào, một hệ thống thủy lợi đã biến vùng đất khô cằn thành vùng đất trồng trọt phì nhiêu.

Nhờ vậy, người dân Babylon mới có thể cày cấy, trồng trọt và chăn nuôi, có được cuộc sống sung túc, giàu có trên mảnh đất quê hương mình.

Những thành tựu của nền văn minh cổ nhất thế giới

Bên cạnh sự phát triển nông nghiệp, những thành tựu khoa học của một nền văn minh cổ cũng được phát triển rực rỡ và góp phần cho sự phát triển nhân loại ngày nay.

Họ biết giải phẫu và mô tả được 40 loại bệnh. Vị thần bảo hộ y học Nilghidzida mà vật tượng trưng là rắn quấn quanh cái gậy, được dùng làm biểu tượng y học ngày nay.

Về toán học, họ biết các phép tính bình phương, khai căn, số pi, định lý tam giác vuông. Người dân Lưỡng Hà sử dụng hệ thống số đếm căn bản 60.

Đây là nguồn gốc của giờ 60 phút và ngày 24 giờ hiện nay, cũng như vòng tròn 360 độ. Sự hiểu biết toán học này đã được sử dụng trong việc lập bản đồ. Đo thời gian bằng đồng hồ ánh nắng, đồng hồ nước chảy.

Về nghệ thuật, cư dân Babylon đã đạt được những thành tựu rực rỡ trong kiến trúc, hội họa, dệt, thêu, chế tác vàng bạc, chế tác những đồ binh khí bằng kim loại và những công cụ dùng cho nông nghiệp.

Những người thợ kim hoàn đã chế tạo được những đồ trang sức rất đẹp và tinh xảo.

Hiện nay, những bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới đang trưng bày nhiều cổ vật được khai quật lên từ hầm mộ của những công dân giàu có thời kỳ Babylon.

Ngoài ra, cư dân Babylon cũng đã có hệ thống giáo dục với những con người có tinh thần sáng tạo, ham học hỏi.

Những chứng tích còn lại cho thấy Babylon là nơi sản sinh những kỹ sư đầu tiên, những nhà thiên văn học đầu tiên, những nhà toán học đầu tiên, những nhà tài chính đầu tiên, và là dân tộc đầu tiên có chữ viết.

Nơi đây từng là nơi phát triển nhất Lưỡng hà thời cổ đại với vườn treo Babylon là một trong Bảy kỳ quan thế giới cổ đại.

Từ một thị trấn nhỏ, nơi đây đã trở thành kinh đô của Đế quốc Babylon hùng mạnh và trở thành thành phố thánh địa của Lưỡng Hà.

Ngoài các công trình thủy lợi, Babylon có một thành tựu nổi bật thường được mọi người nhắc đến. Đó là công trình xây dựng bức tường thành rộng lớn bao bọc vương quốc.

Quy mô xây dựng của nó có thể sánh ngang với các kim tự tháp vĩ đại ở Ai Cập. Đối với công trình này, nữ hoàng Semiramis được xem là người có công đầu tiên.

Sau này, khoảng sáu trăm năm trước Công nguyên, vua Nabopolassar đã cho xây lại thành Babylon với quy mô rất lớn.

Tuy nhiên, vua Nabopolassar đã mất trước khi nhìn thấy công trình hoàn tất. Vua Nebuchadnezzar lên ngôi và đã tiếp tục thực hiện công trình còn dang dở của cha mình.

Khi hoàn tất, chiều cao và chiều dài của tường thành khiến nhiều người không thể tin được. Theo số liệu được ghi lại, chúng cao khoảng 48 mét, tương đương với chiều cao của một tòa nhà gồm 15 tầng ngày nay.

Tổng chiều dài của nó ước tính khoảng 14.400m đến 17.600m.

Bề mặt thành rất rộng, có thể đủ cho sáu con ngựa chạy hàng ngang trên đó. Sau này, khi chiếm được vương quốc Babylon, người Ả Rập đã tàn phá nó bằng cách gỡ lấy gạch ngói để xây dựng đền đài, cung điện, nhà cửa và các công trình khác.

Sự hấp dẫn của kho tàng châu báu và của cải nơi đây đã hấp dẫn những Đế quốc tham vọng khác. Chính sự giàu có đã ẩn tàng mối nguy hiểm với vùng đất này, khiến một nền văn minh phát triển rực rỡ sụp đổ.

Giấc mơ báo trước sự sụp đổ của thành Babylon xa hoa

Từ khoảng năm 540 trước Công nguyên trở về trước, không có một đạo quân xâm lược nào chiếm được Babylon. Thành Babylon vẫn kiên cố trước bất kỳ một sức mạnh quân sự nào.

Về sau, vương quốc Babylon đã sụp đổ vì một nguyên nhân rất lạ lùng và khá bí ẩn.

Trước khi babylon sụp đổ, một vị vua đã có một giấc mơ về tương lai của thành Babylon.

Đó là vua Belshazzar, ông đã chiêm bao thấy sự sụp đổ của thành Babylon và vô cùng hốt hoảng trước điềm báo đó. Sau này nó đã ứng nghiệm trước một “vị vua của các vị vua” Cyrus Đại đế.

Sự kiêu ngạo khiến Babylon thất thủ

Vào năm 539 TCN, Ba Tư trở thành một thế lực mạnh mẽ khiến cho các đế chế khác phải lo sợ, với lực lượng Quân đội hùng cường của mình, vị Hoàng đế sáng lập ra Đế quốc Ba Tư – Cyrus Đại Đế tiến hành chinh phạt Đế quốc Tân Babylon, đánh bại Quốc vương Nabonidus.

Quá tự tin vào khả năng phòng thủ của những thành lũy kiên cố cùng sự bao bọc của con sông Euphrate “bất khả xâm phạm” của mình, người Babylon đã phải trả một giá đắt trước một vị vua tài trí là Cyrus Đại đế.

Sử gia Hy Lạp Herodotus thuật lại cuộc xâm lăng thầm lặng của Cyrus Đại đế bằng mưu kế của mình:

Vua đã đặt một số quân ngay tại nơi cửa sông chổ nước chảy vào thành, và một số khác ở phía sau nơi nước thoát ra, họ phải theo lệnh là tiến quân vào thành dọc theo lòng sông khi nước vừa cạn…

Ông đào kênh để rút nước sông Euphrate vào một cái hồ (hồ nhân tạo được vua trước của Babylon đào), lúc đó hồ này chỉ là một cái đầm lầy, và nước sông rút đến độ họ có thề lội qua lòng sông được.

Do đó, những quân Phe-rơ-sơ đang đóng tại bờ sông ở Babylon chờ dịp đó mà theo dòng nước lội vào, nước sông lúc đó đã rút, chỉ cao đến đùi, và vì vậy họ vào được thành”.

Một bia khắc chính thức bằng chữ hình nêm, nói rằng quân của Cyrus tiến vào thành Babylon mà “chẳng cần đánh”, có lẽ không cần mở cuộc đánh lớn. Vậy là những quân lính của Babylon đã không làm gì để bảo vệ thành.

Sau khi thất thủ, Babylon là nơi phát xuất của những cuộc nổi loạn, cho đến khi bị vua Xexers tiêu diệt vào năm 478 TCN.

Là một vị vua anh minh và dân chủ, Cyrus Đại đế vẫn duy trì vai trò của kinh thành Babylon đới với vùng Lưỡng Hà.

Các Hoàng đế của nhà Achaemenes xưng những danh hiệu Hoàng gia Babylon xưa, và còn được gọi là “Đức Vua của Babylon, Đức Vua của các vùng đất”.

Tôn trọng văn hóa và quyền con người ở những nơi mình chiếm được, Cyrus Đại Đế rất được lòng dân chúng Babylon nói riêng và những nới khác mà ông chinh phạt.

Ông cho tiến hành dự án xây dựng những ngôi đền Babylon đã bị quên lãng dưới các đời vua Belshazzar và Nabonidus, đồng thời giải thoát những người nô lệ ở thành Babylon ra khỏi kiếp khổ sai – trong số đó có những người Do Thái.

Chính điều này giúp ông được người Do Thái xem là đại diện của Chúa trời giúp giải phóng cho họ khỏi xiềng xích nô lệ.

Đến cuối thế kỷ thứ IV, Đại đế Alexander có ý định lập lại thành này, nhưng ông đã chết trước khi công việc tiến xa hơn.

Babylon còn lại gì sau một thời huy hoàng?

Không thoát khỏi quy luật phát triển và lụi tàn như bất cứ nền văn mình nào, Babylon giờ đây chỉ còn là một phế tích.

Theo thời gian, nó trở nên hoang phế, vắng lặng và bây giờ chỉ còn là vùng đất hoang mạc đầy gió cát. Một lần nữa, Babylon lại trở về với đất, nơi đã sinh ra nó. Sự hoành tráng, đồ sộ và nguy nga của thành Babylon chỉ còn là huyền thoại…

Tất cả những gì còn lại của thành phố ban đầu của Babylon cổ đại nổi tiếng ngày nay là một gò đất, hoặc các toà nhà xây bằng các gạch bùn và các mảnh vỡ ở vùng đồng bằng màu mỡ Lưỡng Hà giữa hai dòng sông Tigris và Euphrates.

Có thể nói, những thành quách hùng vĩ cùng những đền đài, cung điện nguy nga của Babylon đã trở thành cát bụi, nhưng những tri thức, những kinh nghiệm khôn ngoan, những thành tựu nổi bật của vương quốc cổ đại này vẫn còn lưu truyền cho đến tận bây giờ.

Theo TRÍ THỨC TRẺ

Tags: , ,