Truyện kiều qua cái nhìn Phật học

Kim Vân Kiều truyện có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nguyễn Du là một nhà Nho. Thế nên chẳng có gì lạ khi tư tưởng của truyện Kiều đặt nền tảng trên hệ tư tưởng Khổng giáo. Thế nhưng, trên cái nền tảng chung đó, nội dung truyện Kiều còn thể hiện rõ nét tư tưởng Tam giáo đồng nguyên: Nho, Phật, Lão, một chủ trương rất sáng suốt và hòa bình của cha ông ta trong quá trình tiếp thu, chắc lọc tinh hoa văn hóa của phương Bắc.

Truyện kiều qua cái nhìn Phật học

“Đoạn trường tân thanh” hay chúng ta quen gọi là truyện Kiều, là tác phẩm đã đưa tên tuổi Nguyễn Du lên hàng đại văn hào thế giới. Giá trị về tư tưởng, nghệ thuật của “Đoạn trường tân thanh” là điều không có gì phải bàn cãi. Bao nhiêu những khảo luận, phê bình, nghiên cứu của rất nhiều học giả uyên bác, thuộc hàng đại thụ trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam suốt gần hai thế kỷ qua đã phần nào chứng minh điều đó. Từ một câu chuyện có xuất xứ ở Trung Quốc, nội dung cốt truyện cũng rất bình thường. Vậy mà qua tâm hồn mẫn cảm dào dạt yêu thương, cảm thông và đồng điệu; dưới ngòi bút tài hoa của nhà thơ núi Hồng Lĩnh; “Đoạn trường tân thanh” trở nên một áng văn chương tuyệt tác lung linh; một hạt ngọc quý đã được trau chuốt dũa mài trong kho tàng văn học cổ điển của dân tộc.

Có thể mạnh dạn khẳng định rằng: chưa có một tác phẩm văn học nào từ xưa đến nay lại được giới nghiên cứu văn học quan tâm biên khảo, bình luận nhiều như truyện Kiều của Nguyễn tiên sinh. Điều đó nói lên vị trí đặc biệt của tác phẩm này trong kho tàng văn học cổ điển Việt Nam. Qua nhiều chặng đường lịch sử với nhiều hệ tư tưởng khác nhau nên sự nhìn nhận, tiếp cận có khác nhau, nhưng ý thức về di sản Nguyễn Du mà đặc biệt là truyện Kiều luơn phát triển cùng với tư tưởng xã hội và tư tưởng văn học của dân tộc.

Kim Vân Kiều truyện có nguồn gốc từ Trung Quốc; Nguyễn Du là một nhà Nho. Thế nên chẳng có gì lạ khi tư tưởng của truyện Kiều đặt nền tảng trên hệ tư tưởng Khổng giáo, mà cụ thể là thuyết “mệnh Trời”, là “hồng nhan bạc phận”, là “tài mệnh tương đố” v.v… Thế nhưng, trên cái nền tảng chung đó, nội dung truyện Kiều còn thể hiện rõ nét tư tưởng Tam giáo đồng nguyên: Nho, Phật, Lão; một chủ trương rất sáng suốt và hòa bình của cha ông ta trong quá trình tiếp thu, chắc lọc tinh hoa văn hóa của phương Bắc.

Nguyễn Du không chỉ là một nhà Nho uyên thâm mà còn là người am hiểu Phật học một cách sâu sắc. Chúng ta biết điều này thể hiện qua một số bài thơ chữ Hán của ông, tiêu biểu như các bài: “Lương Chiêu Minh Thái tử phân Kinh thạch đài” (Bắc hành tạp lục), “Đề Nhị Thanh động” (Thanh Hiên thi tập)… thế nên chúng ta rất dễ nhận thấy tư tưởng đạo Phật bàng bạc suốt nội dung truyện Kiều dưới ngòi bút tài tình của Tố Như Tử. Tất nhiên, tư tưởng Phật học trong truyện Kiều không hẳn là tư tưởng chủ đạo. Nói khác hơn, chúng ta không thể đối chiếu một vài đoạn, vài câu thơ trong truyện Kiều với vài nguyên lý trong Kinh Phật rồi vội vã kết luận truyện Kiều mang tư tưởng Phật học. Nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh có nhận xét về triết lý Đạo Phật trong truyện Kiều như sau: “…Triết lý Phật giáo không còn giữ nguyên hình thức thuần ý niệm nữa. Nó không phải chỉ ẩn dưới những câu thơ thuyết lý. Nó thấm đẫm vào hình tượng nhân vật, bố cục và biện pháp nghệ thuật.” [3, 551] và theo thiển ý người viết, đó là một nhận xét xác đáng.

Có lẽ vì thế mà xưa nay, rất nhiều học giả, nhà nghiên cứu đã khảo cứu, phê bình, giảng giải truyện Kiều trên nhiều phương diện: nội dung, tư tưởng, nghệ thuật… nhưng tìm hiểu để có một cái nhìn thật thấu đáo về triết lý Phật giáo trong truyện Kiều thì rất hiếm, có chăng cũng còn rất sơ sài. Mặc dù ẩn dưới những câu thơ tuyệt tác văn phong của Tiên Điền tiên sinh là những triết lý mang tư tưởng Phật giáo sâu sắc và thấm đẫm tính nhân văn. Đó là một chữ Hiếu bao trùm đạo làm con; là giáo lý nhân quả, nghiệp báo chi phối cuộc đời mỗi một con người; là một chữ Tâm chủ thể cho mọi hành động… Chưa hết, ý nghĩa hai chữ Vô thường hiện ra rất rõ ràng xuyên suốt nội dung truyện Kiều: cuộc đời chợt rủi, chợt may; sự đoàn tụ và chia ly liên tục ngoài ý muốn; hạnh phúc ngắn ngủi và khổ đau bất ngờ của nàng Kiều chỉ trong một quãng đời ngắn ngủi mười lăm năm lưu lạc há chẳng phải là bài học Vô thường, tang thương biến đổi đầy cảnh tỉnh đó sao? Đâu cứ phải “y kinh giải nghĩa” mới là Phật học! Tiên Điền tiên sinh đã thâm hiểu và cảm nhận đạo Phật trầm diệu và uyên bác để triết lý đạo Phật dưới ngòi bút tài hoa sáng tạo của ông trở nên dòng tư tưởng Việt Nam tuôn chảy và sống động mãi đến hôm nay.

CHỮ HIẾU TRONG TRUYỆN KIỀU.

Hiếu đễ là một tiêu chí hàng đầu trong những tiêu chí đạo đức của Xã hội phương Đông. Cổ nhân nói: “Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên” (Trong nhiều nết tốt của con người thì hiếu thảo đứng hàng đầu). Hai tôn giáo lớn có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với xã hội phương Đông nói chung, xã hội Việt Nam nói riêng là Nho giáo và Phật giáo đều đề cao vai trò chữ Hiếu và xem đó là nền tảng căn bản của đạo đức làm người. Cuốn sách đầu tiên và cơ bản của Nho gia dạy về chữ Hiếu là “Hiếu kinh”, ngay ở phần đầu quyển sách, Khổng Tử viết: “Phù hiếu, đức chi bổn dã, giáo chi sở do sanh dã” (Hiếu là cái gốc của Đạo đức, mọi việc giáo dục con người đều phát sinh từ cái gốc này).

Riêng với Phật giáo, rất nhiều kinh điển đề cập đến chữ Hiếu. Công ơn sâu nặng của hai đấng sinh thành được Đức Phật dạy rất cụ thể và chi tiết: “Này các Tỳ Kheo, sữa mẹ mà các Thầy đã bú khi lang thang trong ba cõi luân hồi còn nhiều hơn là nước trong bốn Đại dương” [1, 4]. Hay như trong kinh “Hiếu Tử”, Phật dạy: “Thân chi sanh tử, hoài thai thập nguyệt, thân vi trọng bệnh, lâm sanh chi nhật mẫu nguy, phụ bố kỳ tình nan ngôn” (Cha mẹ sanh con, mười tháng mang thai như thân mang bệnh nặng, ngày sanh con thì mẹ nguy hiểm cận kề, cha lo sợ nói sao cho xiết).

Công ơn cha mẹ lớn lao như thế nên làm con, phận sự báo đền thâm ân ấy là điều hiển nhiên, là đạo lý căn bản trước tiên của đạo làm người. Với đạo Phật, hiếu có hai loại: Hiếu thế gian và Hiếu xuất thế gian. Hiếu thế gian là lo chuyện phụng dưỡng chăm sóc cho cha mẹ khi sanh tiền miếng ăn giấc ngủ, làm cho cha mẹ an vui trong đời sống vật chất và tinh thần. Trong cách báo đáp công ơn cha mẹ cho tròn niềm hiếu đạo này, Phật dạy: “Này các Thầy Tỳ Kheo, nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ đi xa nghìn dặm, cung phụng đủ mọi thức ăn, đồ mặc chăn nệm và thuốc thang, thậm chí cha mẹ có tiểu tiện trên vai mình đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu. Các Thầy phải hiểu rằng ân mẹ cha nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục đúng lúc cho ta trưởng thành. Vì thế mà phải biết ân đó rất khó trả. Này các Tỳ Kheo, có hai việc làm cho phàm phu được công đức lớn, được quả báo lớn đó là phụng sự cha và phụng sự mẹ” [1, 4]. Và trong rất nhiều kinh điển khác của đạo Phật cũng đề cập đến chữ Hiếu trong đạo làm người như thế.

Nội dung truyện Kiều là một chuỗi những đau khổ tận cùng Thúy Kiều gặp phải và chịu đựng suốt mười lăm năm của cuộc đời mình mà khởi nguyên của quãng đời đoạn trường đau đớn ấy là từ lòng hiếu thảo của nàng. Kiều là một người con gái đa tình, đa cảm nhưng không yếu đuối, ít ra là trong phương diện báo hiếu của nàng. Trước cảnh cha và em bị bọn quan lại sai nha đánh đập hành hạ bởi “Làm cho khốc liệt chẳng qua vì tiền” [TK câu 598], trong Kiều đã nghĩ:

Sao cho cốt nhục vẹn tuyền,
Trong khi ngộ biến tòng quyền biết sao.
Duyên hội ngộ, đức cù lao,
Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn?
[TK câu 599 –602]

Mối tình sâu nặng với Kim Trọng vừa bắt đầu, lòng còn vấn vương nỗi niềm thương nhớ, nặng lời hẹn biển thề non. Kiều biết bán mình chuộc cha thì ắt phải lỗi hẹn với tình yêu, trọn đời phụ tình với Kim Trọng. Trước cảnh hoạn nạn của gia đình, nàng phải đối trước một sự chọn lựa quá khắc nghiệt giữa chữ Tình và chữ Hiếu để rồi trong khoảnh khắc phải quyết định:

Để lời thệ hải minh sơn
Làm con trước phải đền ơn sinh thành.
Quyết tình nàng mới hạ tình
Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha.
[TK câu 603 – 606]

Thử hình dung một người con gái vừa đến tuổi “cập kê”, đang sống trong cảnh “êm đềm trướng rủ màn che”, lại vừa ước hẹn một mối tình đầu nồng nàn tươi đẹp trong niềm tin trao thân gửi phận sau này, bổng dưng phải có một quyết định táo bạo và đau lòng dường ấy, để thấy lòng hiếu của Kiều lớn biết dường nào. Khi đã nói đến hai chữ “bán mình”, hẳn Kiều đã đoán trước được con đường phía trước của cuộc đời nàng sẽ ra sao! Trong tình cảnh bi đát của gia đình, Kiều không còn nghĩ đến thân mình nữa, chỉ mong cứu được cha:

Vẻ chi một mảnh hồng nhan,
Tóc tơ chưa chút đền ơn sinh thành.
[TK câu 669 – 670]

Lòng hiếu thảo của Kiều qua hành động bán mình cứu cha không phải là một tình cảm bất chợt, bộc phát trước cảnh tan cửa nát nhà mà là một tình cảm sâu nặng trong trái tim đa cảm của nàng. Hơn thế, lý trí Kiều đã ý thức:

Hổ sinh ra phận má đào,
Công cha nghĩa mẹ kiếp nào trả xong.
[TK câu 877- 878)

Thế nên, sau này trên bước đường lưu lạc, chịu bao nỗi đoạn trường suốt mười lăm năm của đời mình, trong Kiều luôn canh cánh nỗi lòng nghĩ về cha mẹ. Khi ở lầu Ngưng Bích của Tú bà, trong cảnh cô độc đầu tiên nơi đất khách quê người, nàng nhớ về cha mẹ trong niềm lo lắng:

Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ.
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc Tử đã vừa người ôm.
[TK câu 1043 –1046]

rồi những tháng ngày quằn quại, xót xa ê chề khi phải tiếp khách trong lầu xanh của Tú Bà, “khi tỉnh rượu, lúc tàn canh” [TK câu 1233], cha mẹ vẫn là điểm tựa, là nỗi nhớ thương trong lòng nàng thiếu nữ họ Vương bạc mệnh:

Nhớ ơn chín chữ cao sâu,
Một ngày một ngã bóng dâu tà tà.
Dặm ngàn nước thẳm non xa,
Nghĩ đâu thân phận con ra thế này!
Sân hòe đôi chút thơ ngây,
Trân cam ai kẻ đỡ thay việc mình?
[TK câu 1253 – 1258]

Khi trở thành vợ Từ Hải, Từ Hải ra đi theo tiếng gọi “động lòng bốn phương”; bên song cửa chờ đợi Từ Hải trở về, nàng càng nghĩ về cha mẹ. Kiều thương cha mẹ giờ đã già yếu đi nhiều vì từ ngày cách biệt đến giờ đã mười năm có lẽ:

Xót thay huyên cỗi thung già,
Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi.
Chốc đà mười mấy năm trời,
Còn ra khi đã da mồi tóc sương.
[TK câu 2237 – 2240]

Như vậy, Thúy Kiều xứng đáng là “một người con hiếu thảo đáng kính, đáng mến…” như lời một nhà Nho xưa nhận xét. Hành động bán mình chuộc cha là điểm đỉnh của lòng hiếu thảo ấy. Ở đây người viết không quá võ đoán để kết luận rằng: Nhà thơ núi Hồng Lĩnh thấm nhuần tinh thần “Hiếu tâm tức Phật tâm” của nhà Phật để xây dựng chữ Hiếu cho nhân vật Thúy Kiều, nhưng tinh thần chữ Hiếu trong đạo Phật đã thấm sâu vào tâm hồn dân tộc Việt Nam, trở thành đạo lý truyền thống cao đẹp trong bản sắc văn hiến việt Nam. Và đạo lý ấy hiển nhiên có ảnh hưởng, trong chừng mực nào đó, đến những người “cư Nho, mộ Thích” như Nguyễn Du. Điều cần nói là chữ Hiếu trong truyện Kiều, biểu hiện cụ thể ở nàng hiếu nữ họ Vương mang đậm nét giáo lý nhà Phật ở tinh thần Vô ngã vị tha. Ta không tìm thấy quan niệm “lập thân hành đạo, dương danh hậu thế, dĩ hiếu phụ mẫu” của Nho gia mà là sự hy sinh tất cả, chịu đựng tất cả cho cha mẹ được yên vui, dù sự hy sinh đó là cái giá quá đắt, phải trả bằng cả cuộc đời mình. Thế nên, dù ai có khắt khe trong lễ giáo phong kiến Nho gia, hẳn cũng đồng tình khi Tố Như kết luận:

Như nàng lấy hiếu làm trinh,
Bụi nào cho đục được mình ấy vay?
[TK câu 3119 – 3120]

Thế nên, có nhà nghiên cứu về truyện Kiều đã viết: “truyện Kiều là truyện của nàng hiếu nữ họ Vương” [1, 29] có lẽ thật chính xác và không phải quá lời vậy.

THUYẾT NHÂN QUẢ NGHIỆP BÁO CỦA ĐẠO PHẬT TRONG TRUYỆN KIỀU.

Nhân quả Nghiệp báo vốn là một giáo lý phổ quát căn bản đầu tiên của đạo Phật. Đạo Phật chủ trương tất cả mọi hành vi tạo tác của ba nghiệp thân, miệng, ý con người đều tạo thành những Nghiệp nhân và Nghiệp nhân đó sẽ thành Nghiệp quả hiện hành báo ứng ở ba thời gian quá khứ, hiện tại, vị lai. Nói khác hơn, không một sự vật gì ngẫu nhiên sinh ra, tất cả đều chịu sự tác động hỗ tương của nhau. Bài kệ nói về nhân quả mà ai học Phật cũng đều thuộc nằm lòng:

Dục tri tiền thế nhân,
Kim sanh thọ giả thị.
Dục tri lai thế quả,
Kim sanh tác giả thị.

(muốn biết cái nhân đã gây ở đời trước, hãy xem kết quả đang thọ nhận ở đời này. Muốn biết cái quả trong đời sau, hãy nhìn hiện tại đã làm gì).

Tất nhiên, quan hệ Nhân Quả trong Đạo Phật không dừng lại ở mức đơn giản và hạn cuộc ấy, nhưng ở đây chúng ta chưa cần phải luận nhân quả ở một mức sâu xa hơn.

Từ “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân chỉ là một câu chuyện kể mang tính tự sự không hơn, thì qua “Đoạn trường tân thanh” của Tố Như Tử, tất cả đã được nâng lên một tầng bậc mới. Một trong những tầng bậc đó là Nguyễn Du đã cố gắng giải thích mọi biến động của cuộc đời Thúy Kiều dưới những triết lý tư tưởng mà ông đã thâm nhập. Là một nhà Nho, bài học “Tạo vật đố hồng nhan”, “Tài mệnh tương đố” là những câu nằm lòng từ những ngày còn bập bẹ “Tam Tự Kinh” chữ Hán, thế nên không lạ gì khi ông viết những câu thơ như:

Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
[TK câu 5 – 6]

Nghĩ đời mà ngán cho đời,
Tài tình chi lắm cho trời đất ghen.
[TK câu 2153 – 2154]

Hồng quân với khách hồng quần,
Đã xoay đến thế còn vần chưa tha.
[TK câu 2157 – 2158]

Những câu thơ “đổ thừa” hết cho trời đất, cho một đấng tạo hóa, “hóa công” gây nên đau khổ cho nàng Kiều của Nguyễn Du như thế rất nhiều trong truyện Kiều. Nhưng có cảm tưởng chính Nguyễn tiên sinh cũng không tin tưởng lắm khi cả quyết “Trời xanh” kia là “chính danh thủ phạm” cho cuộc đời oan nghiệt của Thúy Kiều. Chúng ta đọc đoạn kết của Truyện Kiều sẽ thấy điều đó.

Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
[TK câu 3241-3244].

thì ngay tiếp đó ông viết:
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
[TK câu 3249-3252]

Rõ ràng, Nguyễn tiên sinh vẫn còn có gì đó băn khoăn và không tin chắc lắm có một “ông trời” bất công quá thế! Ông đi tìm một sự giải thích khác và chúng ta gặp ở đây thêm một cách lý giải khác cho số phận cuộc đời nàng Kiều “thân yêu, tri kỷ” của ông. Nguyễn Du đã nhìn thấy triết lý nhân quả của Đạo Phật ở cuộc đời Kiều.

Tìm hiểu vấn đề này, trước tiên, không gì hơn là đọc lại một số nhận định xưa và nay của các học giả quan tâm nghiên cứu truyện Kiều.

Học giả Trần Trọng Kim viết: “theo cái lý thuyết nhân quả ấy thì phàm phúc hay họa là ở tự mình gây ra cho mình. Mình đã có cái hoàn toàn tự do mà làm việc thiện hay ác, thì mình lại có cái hoàn toàn trách nhiệm về những việc ấy…” [3, 274], “…Cái thuyết nhân quả của Phật học là thế. Đem cái thuyết ấy mà so với một đời nàng Kiều, thì thấy không có chỗ nào là không đúng…” [3, 274]

Nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh nhận xét: “Đạo Phật đã bổ sung cho đạo Nho ở chỗ nó dựa trên luật Nhân Quả để kết án cá nhân là tự mình gieo cái mầm khổ cho mình ngay từ kiếp trước nên tự mình phải chịu lấy quả khổ của kiếp này” [3, 556]

Ngoài ra, các học giả khác nghiên cứu về truyện Kiều như Đào Duy Anh, Nguyễn Đăng Thục, Trần Văn Giàu.v.v.., tuy sự nhìn nhận, cách giảng giải có khác nhau, thậm chí trái ngược nhau do đến từ những quan điểm, nhân sinh quan thời đại khác nhau nhưng đều thừa nhận tư tưởng chủ đạo của truyện Kiều nằm trong triết lý Nhân Quả của Phật giáo.

Trở lại câu chuyện, Kiều là nàng con gái đa sầu, đa cảm. Cái “Nghiệp” của nàng như thế nên buổi đầu đi chơi gặp mã Đạm Tiên, nghe tâm sự cuộc đời cô kỹ nữ xa lạ, Kiều đã vận vào mình. Kiều có niềm tin “thác là thể phách, còn là tinh anh” [TK câu 116]. Con ma Đạm Tiên trở thành hiện thân của nghiệp lực theo Kiều từ đó.

Kiều là một cô gái đa tình. Nàng đã mạnh dạn đem lòng yêu thương Kim Trọng ngay trong lần đầu gặp gỡ, một điều rất xa lạ với lễ giáo phong kiến đương thời. Chỉ một lần gặp gỡ ngắn ngủi thoáng qua thôi là đã:

Người quốc sắc, kẻ thiên tài,
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e.
[TK câu 163-164]

Vậy là cái nhân đau khổ đầu tiên đã hình thành, chủng tử Nghiệp luyến ái kiếp hiện sinh đã tạo. Điều này rất quan trọng. Trong mười lăm năm lưu lạc của Kiều, sự khổ đau chịu đựng về thân xác đâu bằng sự dằn vặt tâm can về “giấc mộng hương quan” và “người tình Kim Trọng”. Cái Nhân đa tình đã bắt Kiều thọ cái Quả nhớ nhung, đau đớn như thế.

Rơi vào chốn lầu xanh của Tú bà, bị hành hạ, Kiều rút dao tự vẫn thì ngay đó, Đạm Tiên đã về thủ thỉ:

Rỉ rằng: “nhân quả dở dang,
Đã toan trốn nợ đoạn tràng được sao”
[TK câu 995-956]

Vậy là đã rõ, nhân vật “Trời xanh” kia không phải tác nhân theo “đánh ghen” bởi tài, bởi sắc làm Kiều bị đày đọa mà chính những Nghiệp nhân Kiều đã gây trong quá khứ nên bây giờ Kiều phải trả, không thể trốn thoát đi đâu mà được. Nói khác hơn, “Trời” ở đây chỉ là một khái niệm, một hình ảnh được mô tả như là một định luật chi phối vũ trụ và cuộc đời chứ không còn là vị chúa tể “Trời xanh” có quyền ban phúc giáng họa nữa. Trong ý nghĩa ấy, “Trời” là Nghiệp nhân mà “Trời” cũng là Nghiệp quả: “có Trời mà cũng có ta” [TK câu 2657], “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” [TK câu 420]. Với quan điểm triết lý đó, qua Kiều, Nguyễn Du khẳng định:

Kiếp này nợ trả chưa xong,
Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau.
[TK câu 1019-1020]

hay

Kiếp xưa đã vụng đường tu,
Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi.
[TK câu 1195-1196]

Tuy vậy, Nghiệp quả vẫn có thể thay đổi nếu thay đổi được Nghiệp nhân. Đây là ý nghĩa chính trong chữ Tu của đạo Phật: “Tu là chuyển Nghiệp”. Kiều có một Nghiệp nhân rất nặng và nàng phải thọ nhận Nghiệp quả đó ở kiếp này như lời Đạo cô Tam Hợp:

Người này nặng kiếp oan gia,
Còn nhiều nợ lắm sao đà thác oan.
[TK câu 1693-1694]

Thế nhưng, chính nhờ những Nghiệp nhân tốt mà Thúy Kiều đã gieo trong đời hiện tại: đó là một tấm lòng hiếu đễ cao quý dành cho cha mẹ, cho gia đình; một mối tình chung thủy sắt son với Kim Trọng mà Kiều đã:

Lấy tình thâm, trả nghĩa thâm,
Bán mình đã động hiếu tâm đến trời.
[TK câu 2683-2684]

Hành động đầy ý nghĩa hy sinh cao cả đó của Kiều là những tác nhân trong hiện tại, đủ sức chuyển hóa phần nào nghiệp lực của nàng, làm nhẹ đi quả báo tiền khiên để Kiều có một hậu vận đoàn viên nhẹ nhàng như mong ước:

Khi nên trời cũng chiều người,
Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi thân sau.
[TK câu 2689-2690]

Về cuộc đời Kiều, Nguyễn Du chưa bao giờ lý giải Kiều kiếp trước đã gây nên những Nghiệp nhân gì để kiếp này phải trả quả như thế. Chính điều này mà một số nhà nghiên cứu truyện Kiều thắc mắc, cho rằng, Nguyễn Du bế tắc trong triết lý tư tưởng ở truyện Kiều. Tiêu biểu cho ý kiến này là nhận định của Hoàng Ngọc Hiến: “…Tư tưởng Nhân quả khẳng định Nhân quả giữa kiếp này và kiếp trước, kiếp sau. Nội dung hình tượng truyện Kiều chỉ nói về kiếp này của nàng Kiều. Như vậy quan hệ “Nhân Quả” không được bộc lộ ở ngay nội dung của tác phẩm. Đó là một quan hệ không có nội dung…” [3, 546]

Nhận định như thế rõ ràng rất phiến diện và khập khiễng nếu không muốn nói là tác giả đã không hiểu (hoặc cố tình không hiểu) gì về khái niệm “Nhân Quả” thông thường nhất chứ chưa nói đến triết lý Nhân Quả sâu xa và kín nhiệm của đạo Phật. Trong quan niệm Nhân Quả thông thường, cũng chỉ cần nhìn vào quả báo đang thọ nhận ở hiện tại để biết Nghiệp nhân của quá khứ, và đó là thái độ của người tin Nhân Quả, thừa nhận Nhân Quả. Đâu cứ nhất thiết phải trình bày và liệt kê ra Nhân nào đã sinh ra Quả nào, mà có muốn liệt kê ra cũng không được! Chỉ với Trí Tuệ của Đức Phật mới có thể nhìn thấy được tất cả nghiệp lực mà mỗi chúng sanh đã gây tạo trong nhiều đời, nhiều kiếp. Trong mối tương quan chằng chịt bởi nhân duyên diễn ra trong từng sát-na, chỉ rõ được Nghiệp nhân trong một đời hiện tại đã là điều bất khả. Nói Nhân hạt lúa nhất định sẽ sinh ra một cây lúa đã là sai (vì còn cần phải hội đủ bao yếu tố khác: đất, nước, khí hậu, độ ẩm. v.v…) thì huống gì đến Nhân Quả chi phối một con người qua rất nhiều đời trong quá khứ và cả đời sống hiện tại nữa.

Truyện Kiều sẽ không còn là truyện Kiều nữa, không còn là áng văn chương đủ sức lay động lòng người đến thế nếu Nguyễn tiên sinh tỉ mỉ kiếm tìm Nghiệp nhân trong quá khứ của nàng Kiều để nêu ra, tin là vậy! Hương hồn Tiên Điền tiên sinh hẳn sẽ không mấy vui khi hai trăm năm sau, hậu thế có người đã “khóc” mình bằng những nhận định như thế!

Một ý nghĩa nữa về Nhân Quả trong truyện Kiều là: Triết lý Nhân Quả trong truyện Kiều của Nguyễn Du là triết lý Nhân Quả phổ thông, mang tính đại chúng, nhiều hơn là triết lý thâm áo sâu xa của đạo Phật. Triết lý về Nhân Quả ở truyện Kiều rất gần gũi và hòa nhập với quan niệm Nhân Quả của ông cha ta: “Ở hiền gặp lành”, “Gieo gió gặt bão” v.v… những quan niệm thật đơn giản, dễ hiểu mà có tác dụng to lớn vô cùng trong quá trình định hướng nhân cách một con người hiền thiện; xây dựng một xã hội tốt đẹp, bao dung trong quá khứ của cha ông ta. Kẻ làm ác nhất định phải bị trừng trị, người làm lành nhất định sẽ nhận được sự báo đáp công bằng, hạnh phúc.

Nguyễn Du sắp đặt cho Kiều thực hiện một cuộc đền ơn, báo oán phân minh là nằm trong quan điểm ấy:

Nàng rằng lồng lộng trời cao,
Hại nhân, nhân hại sự nào tại ta?
[TK câu 2381-2382]

Sẽ rất bất công khi những Tú bà, Bạc bà, những Sở Khanh, Bạc Hạnh… cứ sống nhởn nhơ, tác yêu tác quái, gây nên bao đau khổ, đày đọa bao con người lương thiện mà không chịu một sự hình phạt nào.

Cũng chính từ sự báo oán này của Kiều mà có người cho rằng Nguyễn Du đã mâu thuẫn trong tư tưởng Phật giáo của mình. Cho Kiều thực hiện cuộc báo oán là nằm trong quan điểm Nhân Quả của đạo Phật nhưng để Kiều giết chết đám oan gia của mình là không phù hợp với tinh thần từ bi của nhà Phật.

Chúng ta phải nhìn nhận rằng nhận xét như thế không sai. Theo tinh thần đạo Phật thì đúng là: “Lấy oán báo oán, oán oán chất chồng. Lấy ân báo oán, oán ấy tiêu tan”. Nhưng như trên đã nói, tư tưởng Nhân Quả biểu hiện trong truyện Kiều mà cụ thể ở tình huống này là tư tưởng, quan niệm của quần chúng. Về oan nghiệp lẫn nhau giữa Kiều và những Tú bà, Bạc Hạnh… chưa hẳn đã tan, nhưng tác dụng giáo dục mang tính luân lý của tác phẩm đối với xã hội thì rất tích cực. Tích cực trước tiên là ở chỗ “Hại một người, cứu muôn người”, thứ nữa là sự cảnh báo cần thiết với những ai đang manh nha làm ác.

Như vậy, tư tưởng Phật học không hẳn giữ vai trò chủ đạo trong truyện Kiều nhưng những dấu ấn của tư tưởng ấy, đặc biệt là triết lý Nhân quả Nghiệp báo của đạo Phật thì lại biểu hiện rất rõ ràng và điều đáng nói là đã góp phần quan trọng lý giải các vấn đề, các mâu thuẫn trong nội dung câu chuyện mà quan niệm “ông trời” không còn đủ sức “giải quyết” một cách thuyết phục nữa. Thành ra “trời” vẫn còn đó, vẫn tại vị trong câu chuyện và có vẻ vẫn nắm quyền tối cao nhưng không thể lý giải được tại sao lại “đánh ghen” nàng Kiều tài hoa, tại sao không thực hiện quyền thưởng phạt công minh để rồi:

Mấy người bạc ác tinh ma,
Mình làm mình chịu, kêu mà ai thương.
[TK câu 2393-2394]

và cuối cùng đã không còn thể hiện được cái quyền lực:

Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
[TK câu 3243-3244]

nữa mà quyền đó đã thuộc về con người. Con người có hoàn toàn cái quyền chịu trách nhiệm với chính mình cho những việc mình đã gây ra. Đây chính là giá trị tư tưởng nhân bản nhất, có giá trị giáo dục sâu sắc và thiết thực nhất của truyện Kiều vậy.

THUYẾT VÔ THƯỜNG TRONG TRUYỆN KIỀU.

Vô thường, Khổ, Vô ngã là ba con dấu xác nhận cho giáo lý Phật giáo. Triết lý nào hàm chứa đầy đủ ba dấu ấn ấy thì đích thị là giáo lý đạo Phật.

Vô thường nghĩa là sự biến động, thay đổi không ngừng của tất cả mọi sự vật, hiện tượng vật lý và tâm lý trong vũ trụ. Vô thường là một trong những giáo lý căn bản của đạo Phật. Kinh “Bát Đại Nhân Giác” viết: “Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã”. Dưới cái nhìn của đạo Phật, tất cả các sự vật, hiện tượng hiện hữu trên đời đều là sự hòa hợp giả tạm mà có ra, không có tính bền vững và trường cửu mà đều trải qua bốn chu kỳ Thành, Trụ, Hoại, Không. Mặt trời đã lên đến đỉnh đầu thì tự nhiên phải xế tà, cũng như vầng trăng kia khi tròn khi khuyết, triều nước nọ khi vơi khi đầy, đều là lẽ thường tình trong vũ trụ. Cuộc đời là thế và con người cũng thế. Con người sống chết chỉ qua một hơi thở. Sinh ra rồi mất đi, đoàn tụ rồi chia ly; hạnh phúc ngắn ngủi mong manh và khổ đau bất chợt…! Thiền sư Vạn Hạnh (? – 1018) đời Lý có bài kệ về Vô thường rất hay:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.
Nhậm vận thạnh suy vô bố uý,
Thạnh suy như lộ thảo đầu phô.

(Thân như bóng chớp có rồi không,
Cây cỏ Xuân tươi Thu đượm hồng.
Mặc cuộc thạnh suy không sợ hãi,
Thạnh suy như cỏ hạt sương đông.) [14, 59-60]

Sự chuyển vận và biến động không ngừng ấy không xảy ra không theo bất kỳ một quy luật nào và không ai có thể dự đoán trước được những gì xảy đến với mình với chỉ một sát-na thời gian kế tiếp. Mở đầu Truyện Kiều, Nguyễn Du viết:

Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
[TK câu 1 – 4]

Có lẽ bất cứ ai khi đọc bốn câu thơ đầu tiên của truyện Kiều hẳn liên tưởng đến một sự biến động, biến động của cuộc đời, của thân phận nàng Kiều trong chiều hướng khổ đau, bất hạnh. Cuộc đời dâu bể ấy đã hiện lên bóng dáng của cuộc thế tang thương, biến hoại, đổi thay, mang đậm nét giáo lý Vô thường nhà Phật.

Câu chuyện về cuộc đời nàng kỹ nữ Đạm Tiên là hình ảnh đầu tiên về lẽ vô thường rõ nét nhất:

Kiếp hồng nhan có mong manh,
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương.
[TK câu 65 – 66]

Mới đó là một ca nhi xinh đẹp nổi tiếng, bao người săn đón chào mời, thoắt đã trở thành “nấm mồ vô chủ”. Thân phận Đạm Tiên là sự cảnh báo cho cuộc đời Kiều mà cũng là sự cảnh báo chung cho tất cả: chẳng có gì bền chặt giữa cuộc đời này!

Mà thật vậy! Cuộc đời nàng Kiều chỉ trong mười lăm năm đã trải qua bao nhiêu là biến động. Vừa ấm êm trong cuộc sống thơ ngây, vô tư của gia đình, những tưởng mãi mãi “Tường đông ong bướm đi về mặc ai” [TK câu 38] thì bổng chốc tai bay vạ gió, phải rơi vào chốn khổ đau tận cùng, cảnh chia ly đầu tiên trong đời đau đớn xảy ra:

Đau lòng tử biệt sanh ly,
Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên.
[TK câu 617 – 618]

trong những tháng ngày đau khổ ấy, Kiều đã thốt lên:

Khi sao phong gấm rũ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.
[TK câu 1235 -12360]

Hạnh phúc với Thúc Sinh chưa trọn đã bị Hoạn Thư bắt về hành hạ; vừa gặp vãi Giác Duyên chưa kịp yên thân đã rơi vào tay Bạc Hạnh, Bạc Bà; được Từ Hải cưu mang vừa mới tạm yên, đã phải để tang chồng mà hầu rượu Hồ Tôn Hiến. Những tưởng sông Tiền Đường kết thúc một kiếp hồng nhan thì:

Đời người đến thế thì thôi,
Trong cơn âm cực dương hồi ai hay.
[TK câu 2645-2646]

Suốt 3254 câu thơ, Tiên Điền tiên sinh chưa một lần dùng chữ Vô thường nhưng biểu hiện của giáo lý Phật Giáo ấy cứ hiện lên qua từng câu chữ và bao trùm cả nội dung câu chuyện. Người đọc cảm thương cho thân phận nàng Kiều bị đọa đày chìm nổi hẳn ít nhiều sẽ nhận ra điều ấy.

Ý NGHĨA CHỮ “KHỔ” CỦA ĐẠO PHẬT THỂ HIỆN TRONG TRUYỆN KIỀU.

Nhận diện những tư tưởng, giáo lý Phật giáo ẩn hiện trong tác phẩm “Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du, ta không thể bỏ qua chữ Khổ. “Khổ Đế” là một trong bốn Thánh Đế Khổ, Tập, Diệt, Đạo được Đức Thế Tôn tuyên thuyết đầu tiên trong cuộc chuyển vận Pháp Luân “vô tiền khoáng hậu” của mình. Tuyên thuyết về Khổ là chỉ ra một sự thật hiển nhiên trong thân phận con người. Rất tiếc, nhiều người mới đọc một chữ “Khổ” đã dừng lại ở đó và vội vã kết luận đạo Phật là bi quan, yếm thế! Lối nhìn Phật giáo phiến diện như thế vẫn còn tồn tại khắc khoải cho đến ngày nay trong tâm thức nhiều người.

Có thể nói trong lịch sử văn chương mang yếu tố Phật giáo, ngoài Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều… Nguyễn Du là tác giả đã diễn đạt tận tình và tài tình nỗi khổ của con người, mà hình ảnh tiêu biểu là nhân vật chính Thúy Kiều trong “Đoạn trường tân thanh”. Cuộc đời “Phong gấm rũ là” trong gia đình êm ấm của Kiều chỉ trong khoảnh khắc vì nạn quan quyền vô lại hà hiếp dân lành, gây nên cuộc chia ly đau đớn đầu tiên trong đời Kiều khi nàng chọn lựa và quyết định “Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha” [TK câu 606]. Hạnh phúc của mối tình đầu chưa hưởng trọn thì đã “Tan tác như hoa giữa đường”, chia tay với chàng Kim rồi xa nhau mãi mãi trên bước đường lưu lạc giang hồ. Mối sầu chia ly ấy đã đọa đày thân xác và tâm hồn Kiều suốt mười lăm năm đằng đẵng.

Ngại ngùng một bước chân ra,
Một lời trân trọng châu sa mấy hàng.
Buộc yên quảy gánh vội vàng,
Mối sầu xẻ nữa, bước đường chia hai.
[ TK câu 561 – 564]

Nỗi đau “Ái biệt ly khổ” đầu tiên trong đời còn nức nở chưa dứt, liền tiếp ngay là sự thảm khốc phải chia tay cha mẹ, rời tổ ấm gia đình, bán thân làm vợ lẽ cho người xa lạ để cứu cha, cứu em. Nếu cuộc chia ly Kim Trọng nặng nỗi khổ về tâm thì cuộc chia ly gia đình khi phải bán mình của Kiều chính là sự đọa đày thân xác.

Đùng đùng gió dục mây vần,
Một xe trong cõi hồng trần như bay.
[TK câu 907 – 908]

Còn có nỗi khổ nào hơn, sự đoạ đày nào hơn thế cho cuộc đời một con người. Cảnh địa ngục trần gian liên tục diễn ra với Kiều: Mã Giám Sinh “nước trước bẻ hoa”, Tú bà đánh đòn vùi dập, tự vẫn bằng dao không chết, bị Sở Khanh lường gạt, Tú bà hành hạ bắt ra tiếp khách, để đến đỗi một đời hồng nhan đã phải kêu lên:

Bây giờ sống thác ở tay,
Thân này đã đến thế này thì thôi.
[TK câu 1143 -1144]

Thân lươn bao quản lấm đầu,
Tấm lòng trinh bạch từ sau cũng chừa.
[TK câu 1147 -1148]

Sự đày đọa thân xác, nỗi khổ ấy mới chỉ là về thân. Sự đau đớn chịu đựng trong lòng ngổn ngang, xót xa trăm mối mới là khổ đau cùng tận. Khổ đau đày đọa đến nỗi, lòng kinh sợ ghê tởm chính mình, từ chối nhân diện hiện tại của chính mình:

Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình xót xa.
Khi sao phong gấm rũ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.
Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân.
[TK câu 1233 – 1238]

Nguyễn tiên sinh đã dùng chữ “kiếp phong trần” (đời gió bụi) để chỉ cho thân phận nàng Kiều:

Đã đày vào kiếp phong trần,
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi.
[TK câu 1273 – 1274]

Kiều đâu chỉ bị “sỉ nhục” một lần mà quá nhiều lần. Hết Mã Giám Sinh, Tú bà, Sở Khanh đến Hoạn Thư cùng bọn Ưng, Khuyển; hết Hoạn Thư đến Bạc bà, Bạc Hạnh rồi đến Hồ Tôn Hiến giả nghĩa giả nhân đầy chất ngụy quân tử. Bao nhiêu lần nàng cố tìm cách thoát khỏi cảnh tủi nhục đọa đày, cũng bấy nhiêu lần nàng bị tha nhân vùi dập “chim lồng không thể cất mình bay cao” để rồi than một câu buông xuôi cho số phận:

Biết thân chạy chẳng khỏi trời,
Cũng liều má phấn cho rồi ngày xanh.
[TK câu 2163 – 2164]

Với thân phận khổ đau đày đọa của nàng Kiều- cùng với nhân vật của mình – Nguyễn Du đã cho thấy trọn vẹn ý nghĩa của hai chữ “Khổ Đế” trong Đạo Phật và sự tiếp nối hiển nhiên: “Tập Đế”, nguyên nhân của khổ đau. Chưa bao giờ nỗi khổ của thân người được đặc tả trong tất cả sự biểu hiện sinh động của thi ca như thế, đến nỗi, không chỉ người “trong cuộc” mà người “ngoài cuộc” cũng thấy “đau đớn lòng” và cảm nghiệm như chính mình cũng đang ở trong “bể trầm luân”.

Cũng đúng thôi, cuộc đời có ai không thăng trầm trong những khổ đau: Sanh, già, bệnh, chết, ái biệt ly, cầu bất đắc khổ… Và trong tận cùng của đau khổ, con người mới có ý thức nỗ lực diệt khổ.

CHỮ “TÂM” TRONG TRUYỆN KIỀU.

Đọc thơ chữ Hán của Nguyễn Du, hẳn nhiều người ngạc nhiên khi một môn sinh xuất sắc nơi “cửa Khổng sân Trình” viết:

Mãn cảnh giai không hà hữu tướng,
Thử tâm thường định bất ly thiền. [7, 175]

Tạm dịch: Khắp cảnh đều không đâu có tướng
Tâm nầy thường định chính là Thiền.

hay:

Nhân liễu thử tâm nhân tự độ
Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu. [7, 538]

Tạm Dịch: Người liễu ngộ được tâm này thì người tự độ thoát,
Linh sơn chỉ tại tâm người mà thôi.

Từ ngạc nhiên đi đến thú vị và chợt nhận ra rằng, Tố Như Tử không chỉ là nhà Nho uyên bác mà còn là người am hiểu Phật học sâu sắc, gần như sở ngộ. Có thể Nguyễn tiên sinh chưa bao giờ là Phật tử, nhưng có hề chi! Sự am hiểu Phật lý ấy thật dễ hiểu như nhà thơ thú nhận “Ngã độc Kim cương thiên biến linh” [7, 536]. Người đã đọc kinh Kim cương hơn nghìn lần thì ắt hẳn chẳng phải là vô tình, thờ ơ mà phải là người chú tâm nghiên cứu tìm hiểu. Thế nên, một chữ “Tâm” đầy sở ngộ này của Nguyễn tiên sinh, ta sẽ không thấy lạ khi nó lại xuất hiện ở tác phẩm “Đoạn trường tân thanh” của ông.

Nếu như truyện Kiều mở đầu bằng cách mở ra một viễn cảnh đầy Vô thường biến động và khổ đau, một cuộc “Bể dâu” được giới hạn bởi “Trăm năm trong cõi người ta”, thì ở phần kết, Nguyễn tiên sinh hạ bút:

Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần.
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đành trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài.
[TK câu 3247 –3252]

Như thế, sự mở đầu là “Tài – Mệnh” nhưng kết thúc là “ Tài – Nghiệp”. Tư tưởng chủ đạo của Nguyễn Du đã rõ: dùng chữ “Tâm” đối lại với chữ “Tài” và bù đắp cho “Tài”. Tư tưởng này đã có dụng ý ngay từ trong toàn bộ bố cục tác phẩm. Một chữ “Tâm” – trong truyền thống Thiền học Phật Giáo – mà Nguyễn tiên sinh đã thấm đượm, nằm lòng. Chính chữ “Tâm” này đã sửa thuyết “Tài Mệnh tương đố” của Nho giáo, đã gạt đi những “Thần cơ huyền toán” của Lão giáo trong tư tưởng truyện Kiều và nói lên nhân sinh quan của Tố Như Tử.

Đạo Phật chủ trương “Nhất thiết duy tâm tạo”, tất cả đều do một chữ “Tâm” mà ra. Kinh Pháp cú dạy:

Tâm dẫn đầu các pháp,
Tâm là chủ, tâm tạo;
Nếu với tâm ô nhiễm,
Nói năng hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo. [2, 11]

Một chữ “Tâm” xuyên suốt đông tây, quán triệt cổ kim, sau trước. Thế nên, tâm không thì trời đất thênh thang, thơ thới; tâm hữu thì nước non khúc khuỷu, gập ghềnh. Chỉ với một cái “Tâm” bao trùm sum la vạn tượng ấy, chúng sanh có ra vô số nghiệp thức hiện hành.

Tâm hồn mẫn cảm của Thúy Kiều là biểu hiện rõ nét cho một chữ “Tâm” trong triết lý Phật giáo như thế. Một buổi đi chơi gặp mộ Đạm Tiên, nghe sơ qua tiểu sử cuộc đời cô kỹ nữ xa lạ, Kiều liên tưởng đến mình:

Nỗi niềm tưởng đến mà đau,
Thấy người nằm đó biết sau thế nào?
[TK câu 109 – 110]

Kiều có niềm tin “chết người” rằng những người tài hoa, xinh đẹp như nàng đều “bạc mệnh”, “đoạn trường” và cuộc đời nàng rồi đây sẽ là một “bản sao” của Đạm Tiên không khác, trong khi Thúy Vân rất bình thản:

Vân rằng: “chị cũng nực cười,
Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa!”
[TK câu 105-106]

còn Vương Quan thì lo sợ:

Quan rằng: “chị nói hay sao,
Một lời là một vận vào khó nghe.”
[TK câu 111-112]

Trong tâm thức Kiều đã ngầm chứa những hạt giống khổ đau, bạc mệnh. Thành ra “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, Kiều cảm nhận điều mà Thúy Vân, Vương Quan không hay, không biết. Chính cái tâm thức đầy đảo điên, mộng mị này của Kiều đã đưa nàng vào chốn đoạn trường trước hết.

Hãy nghe những lần Kiều đánh đàn: Cũng ngón đàn ấy, cung bậc ấy và con người ấy mà, Kiều đàn lần đầu tiên khi gặp Kim Trọng:

Ngọn đèn khi tỏ khi mờ,
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu.
Khi tựa gối khi cuối đầu,
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày.
Rằng “hay thì thực là hay,
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!”
[TK câu 485-488]

Kiều đàn hầu tiệc rượu cho vợ chồng Thúc Sinh:

Bốn dây như khóc như than,
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng!
[TK câu 1853-1854]

rồi trong đau khổ, tuyệt vọng tận cùng, Kiều bị bắt đàn hầu tiệc mừng công của Hồ Tôn Hiến:

Một cung gió thảm, mưa sầu,
Bốn dây nhỏ máu trên đầu ngón tay.
Ve ngâm, vượn hót nào tày,
Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu.
[TK câu 2569-2572]

Tiếng đàn của Kiều không còn là tiếng đàn nữa mà là tiếng lòng thổn thức từ Kiều thốt ra. Trong trạng thái tận cùng của sự đau khổ, tuyệt vọng, Kiều dồn hết tâm trạng vào dây đàn và “tiếng lòng” ấy rung lên, đủ sức làm “tan nát lòng” Thúc Sinh, làm “nhăn mày rơi châu” một người như Hồ Tôn Hiến!

Nghe tiếng đàn sau cùng trong cuộc đời Kiều, ta cảm nhận thêm được vai trò của tâm thức quan trọng như thế nào trong cuộc sống mỗi một con người. Sau mười lăm năm lưu lạc, chịu biết bao tủi nhục, đọa đày, Kiều tái hợp gia đình trong niềm vui khôn tả. Trong đêm hội ngộ người tình xưa, Kiều lại đàn và lần này thì:

Trong sao châu nhỏ duềnh quyên,
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông!
[TK câu 3203-3204]

Kim Trọng nghe và cảm nhận được tất cả qua tiếng đàn của Kiều và chàng ngạc nhiên:

Chàng rằng: “Phổ ấy tay nào,
Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy?”
[TK câu 3207-3208]

Trong quan niệm xưa cho rằng: chính tiếng đàn đã góp phần đưa Kiều vào chốn đoạn trường. Kiều cũng có niềm tin như thế, như nàng thú nhận:

Nàng rằng: “vì chút nghề chơi,
Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu.”
[TK câu 3211-3212]

Kỳ thực không phải vậy! Đúng hơn là một sự ngược lại. Tâm thức Kiều luôn bị ám ảnh bởi hai chữ “đoạn trường” tai hại nên mọi suy nghĩ, hành động của nàng đều tập trung “vận” vào hai chữ ấy mà không thể thoát ra được. Đó là cách nhìn của Duy thức học Phật giáo mà nhà thơ họ Nguyễn chắc đã am tường chăng? Nỗi “tự kỷ ám thị” hết sức tai hại như thế đã theo nàng từ ngày còn bé thơ, bắt đầu từ lời một ông thầy bói vu vơ nào đấy:

Nhớ từ năm hãy thơ ngây,
Có người tướng sĩ đoán ngay một lời.
Anh hoa phát tiết ra ngoài,
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa.
[TK câu 413-416]

Thêm vào đó là bóng ma ám ảnh của Đạm Tiên. Đạm Tiên đã theo sát Kiều trên mọi nẻo đường của cuộc đời nàng khi sống cũng như khi sắp chết. Đọc truyện Kiều hẳn ai cũng thấy như vậy! Nhưng đúng hơn, phải nói là Kiều gặp Đạm Tiên, “nhận” làm tri kỷ, tri âm rồi từ đó Kiều luôn “dắt” Đạm Tiên theo bên mình. Trong tâm thức, Kiều không thể nghĩ và không thể tin rằng mình sẽ sống khác Đạm Tiên và “cãi lời” thầy bói được. Cái nghiệp thức tai hại mà Kiều tạo ra cho mình là thế, nên:

Vậy nên những chốn thong dong,
Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng.
Ma đưa lối, quỷ dẫn đường,
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.
[TK câu 2663-2666]

Nguyễn Du còn tỏ ra là bậc thầy về Duy thức học Phật giáo khi ông viết những vần thơ như:

Sầu đong càng lắc càng đầy,
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê.
[TK câu 247-248]

hay:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.
[TK câu 1243-1244]

Một chữ “Tâm” giàu tính triết lý mà Nguyễn tiên sinh thâm nhập từ hệ thống triết học “Tánh Không” của Kim Cang Bát Nhã, nhà thơ đã vận dụng triệt để vào tác phẩm của mình một cách thật tài tình. Chỉ với ai đọc Kiều với tất cả chiều sâu tâm thức mới nhận ra. Chẳng trách gì khi những môn đồ trung kiên của Nho gia chỉ trích nhà thơ khi ông viết:

Như nàng lấy Hiếu làm trinh,
Bụi nào cho đục được mình ấy vay?
[TK câu 3119-3120]

Trong khi Nho giáo quan niệm phụ nữ như một thứ bậc phụ trong xã hội, sinh ra và lớn lên chỉ để suốt đời nương tựa vào người đàn ông, trở thành một thứ trang sức, thậm chí là món đồ chơi cao cấp và cầu kỳ của người đàn ông. Với quan niệm khắt nghiệt và bất công đó, chữ Trinh của người phụ nữ được đặt ở vị trí hàng đầu trong đánh giá nhân cách và tư cách của họ mà thật sự ra, đó chỉ là một hình thức khác của lòng tham lam và bất công, chỉ muốn chiếm hữu và độc quyền đối với người phụ nữ. Trong xã hội mà quan niệm như thế còn thống trị, thì hai câu thơ trên đã thể hiên sự tiến bộ và phóng khoáng không ngờ trong nhận thức tư tưởng của nhà thơ.

Nguyễn Du thực tế cũng là một nhà Nho chính hiệu, nên những quan niệm bảo thủ về một chữ trinh như vậy không xa lạ gì với ông. Có ý kiến cho rằng nhà thơ viết như thế là xuất phát từ lòng thương yêu của nhà thơ đối với Kiều và đó là tư tưởng nhân đạo của tác phẩm. Đành vậy, nhưng theo người viết còn có một lý do nữa ít được đề cập đến. Đó là, Nguyễn tiên sinh đã vận dụng tinh thần vô ngã, thái độ vô chấp của thiền học trong đánh giá vấn đề. Chữ trinh hay sự trong sạch chỉ có ý nghĩa tương đối về mặt hình thức còn thật sự tâm mới là chủ thể tạo tác, làm nên một nhân cách sạch hay nhơ. Kiều không vì ham muốn dục vọng để thất trinh tiết mà đó là một sự hy sinh. Ta có thể nói như Đạo Phật: đó là một đại nguyện của Kiều. Hiểu như thế, ta càng thấy Nguyễn Du vĩ đại trong tư tưởng và độ lượng với cuộc đời.

B. KẾT LUẬN

Hai trăm năm lẻ đã trôi qua với bao nhiêu “cuộc bể dâu” trường thiên biến động của quy luật vô thường, “người cha tóc trắng của thi ca và tư tưởng Việt Nam” [10, 13] đã thành người thiên cổ nhưng những gì ông để lại cho đời vẫn sống mãi với thời gian. Đó là những vần thơ có “…máu chảy trên đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy…” [3, 168] chan chứa tình thương, thấm đẫm nỗi niềm. Những gì nhà thơ họ Nguyễn đóng góp vào cho gia sản văn hóa Dân tộc thật lớn lao và vô giá. Vấn đề là chúng ta đã khai thác và ứng dụng làm sao để những giá trị đó có ý nghĩa, tác dụng thiết thực nhất cho hậu thế.

Truyện Kiều với ngôn từ mỹ lệ, hình ảnh trác tuyệt, văn phong súc tích từng chữ, từng câu, thiên tài họ Nguyễn đã làm nên vẻ đẹp văn chương vô tiền khoáng hậu trong kho tàng văn học cổ điển. Một yếu tố này đủ đưa Nguyễn Du lên hàng Thi Thánh trên thi đàn văn học Việt Nam. Nhưng nếu chỉ có vậy thì truyện Kiều cũng mới chỉ là đóa hoa có sắc không hương, làm sao có sức lay động lòng người đến thế! Nói khác hơn, giá trị toàn hảo ở tác phẩm này của nhà thơ không thể chỉ nằm trong tính kiệt tác của văn chương mà còn nằm trong tư tưởng mà văn chương ấy chuyển tải. Nguyễn Du đã không đi vào tâm tư, tình cảm của dân tộc nếu nhà thơ chỉ là người thợ tuyệt xảo về ngôn ngữ mà không có tư tưởng triết lý sâu sắc.

“Văn dĩ tải đạo”, đó là quan niệm văn chương, là đường hướng sáng tác của người xưa. Qua văn chương để chuyển tải những thông điệp đạo lý, những mạch nguồn tư tưởng mà tác giả đã hấp thụ và chắc lọc. Xưa nay, một tác phẩm văn chương dù lớn hay nhỏ, nghị luận hay văn học, để sống mãi trong lòng người với thời gian đều phải hội đủ những yếu tố ấy. Truyện Kiều của Nguyễn Du là một tác phẩm như thế!

Với những gì đã khảo sát ở phần nội dung, tuy còn rất hạn cuộc do khả năng của người viết và chưa thể đầy đủ trong khuôn khổ giới hạn của một Luận văn, nhưng cũng đã phần nào cho chúng ta thấy được tầm ảnh hưởng của những giáo lý Phật giáo trong tuyệt tác truyện Kiều của Nguyễn tiên sinh. Những lý thuyết Phật học rất phổ thông và đại chúng được nhà thơ núi Hồng Lĩnh đưa vào tác phẩm một cách thần tình và linh hoạt đến nỗi người đọc không có cảm tưởng đối diện với những triết lý gay go. Lý luận triết học đã được thi hóa, được viết nên bởi chính từ con tim chứ không phải lý trí, thành những vần thơ tuyệt kỹ, đượm vị đời trong đạo, đạo trong đời.

Cuộc đời Thúy Kiều, nhân vật chính của câu chuyện, là một cuộc đời với tất cả khổ đau tận cùng nhất của một kiếp nhân sinh, là hình ảnh minh họa rõ nét cho một chữ Khổ mà con người phải gánh chịu khi thọ nhận kiếp làm người. Nguyên nhân của việc phải chịu khổ đau đó là do nghiệp lực của chính mình tạo ra, do những nhân tham ái, vô minh đã gieo trồng trong nhiều kiếp, chứ không phải một đấng tối cao nào có thể áp đặt vào, mặc dù đấng tối cao đó vẫn hiện diện trong câu chuyện của nhà thơ.

Kiều phải chịu bao đau khổ cùng cực và trong nàng đã có ý nghĩ buông xuôi:

Biết thân chạy chẳng khỏi trời,
Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh.
[TK câu 2163 – 2164]

hay đã từng tận cùng của sự tuyệt vọng:

Thôi thì một thác cho rồi,
Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông.
[TK câu 2633 – 2634]

Nhưng ngoài một vài lần quá khổ đau, quá phẫn uất để phải như thế, trong Kiều vẫn tiềm tàng một khao khát được giải thoát, tìm mọi cách để được giải thoát. Do nghiệp duyên nội tại và hoàn cảnh ngoại lai, nàng đã không thoát được như mong muốn nhưng tâm trạng khát khao ấy là có thật. Hành động Kiều trốn đi với Sở Khanh mặc dù “nghe lời nàng đã sinh nghi” [TK câu 1113]; rồi Kiều nhận lời làm vợ lẽ Thúc Sinh; Kiều theo về với Từ Hải đều nằm trong ý hướng ấy. Trong tận cùng của đau khổ, nhận diện được đau khổ, con người mới khát khao, ý thức diệt khổ. Diệt Khổ có căn nguyên từ trong chân lý “đời là bể khổ”. Trong ý nghĩa ấy và trên bình diện triết lý, truyện Kiều đã hàm chứa hai Thánh Đế “Khổ” và “Tập” của Đạo Phật rồi.

Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy rằng suốt trên quãng đường mười lăm năm lưu lạc của Kiều, những tháng ngày ngắn ngủi được an ổn nhất của nàng là những lần được nương náu dưới cửa Chùa, kể cả ở Quan Âm Các của Hoạn Thư. Nguyễn Du đã thấy được chỉ có mái Chùa, hiện thân của Đạo Phật giữa cuộc đời mới đủ sức cứu vớt, che chở cho nàng Kiều tội nghiệp của ông. Tiếc rằng nghiệp duyên còn nặng, Kiều đã không thể “tắt lửa lòng” như nhà thơ mong mỏi.

Và sau hết, thông điệp về tư tưởng có ý nghĩa thâm áo nhất mà nhà thơ họ Nguyễn muốn gửi lại cho hậu thế là một chữ “Tâm” đặc sắc của Duy Thức học Phật giáo. Một chữ “Tâm” mà để nghe ra, nhà thơ đã đọc cả nghìn lần Kinh Kim Cương. Một chữ “Tâm” thiên biến vạn hóa, tác nhân của hạnh phúc hay khổ đau, Niết bàn hay địa ngục. Một chữ “Tâm” làm thiện căn tăng trưởng, đưa con người đến bến bờ an lạc vĩnh hằng:

Kiếp phù sinh như hình bào ảnh,
Có câu rằng: “vạn cảnh giai không.”
Ai ai lấy Phật làm lòng,
Tự nhiên siêu thoát ở trong luân hồi. [13, 408]

Đọc truyện Kiều qua lăng kính Phật học, ta chợt nhận ra bao nhiêu tư tưởng Phật giáo ẩn trong những vần thơ ngọt ngào, giàu hình ảnh, âm điệu của Nguyễn tiên sinh. Nguồn tư tưởng ấy góp phần tạo nên phần hồn sâu kín cho tác phẩm. Như những hạt vàng chưa được đãi lọc, chúng ta hy vọng trong tương lai sẽ được đọc những công trình biên khảo lớn hơn, đầy đủ và sâu sắc hơn về tư tưởng này của các bậc “túc Nho đạt Thích” để truyện Kiều không chỉ là “mua vui cũng được một vài trống canh” như nhà thơ khiêm tốn tự nhận.

Trong thời đại mà nhà thơ họ Nguyễn sống, Phật giáo không còn ở địa vị độc tôn như ở các triều đại nhà Lý, nhà Trần trước đó, thậm chí còn suy vi, lu mờ. Tư tưởng Đạo Phật không còn đóng vai trò chủ đạo trong xã hội mà nhường hẳn vũ đài ấy cho Nho giáo. Những trí thức đương thời không còn nhìn thấy ở Phật giáo những tư tưởng nhập thế tích cực làm ích nước lợi dân nữa mà chỉ là những bi quan, yếm thế, chán đời. Đó là do hoàn cảnh khách quan và hạn chế của một giai đoạn lịch sử nhất định. Trong bối cảnh như thế, chúng ta càng thấy ý nghĩa hơn khi ẩn chứa và bàng bạc trong tác phẩm của một nhà thơ lớn đương thời những tư tưởng Phật học sâu sắc, thâm trầm như thế.

Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.

(Ba trăm năm nữa người thiên hạ,
Chả biết còn ai khóc Tố Như?) [7, 185-186]

Vâng, chắc chắn đã và sẽ còn nhiều, rất nhiều người hậu thế khóc Tố Như, tiếc thương và đồng điệu cùng Nhà thơ núi Hồng Lĩnh trong niềm đau bọt bèo chìm nổi của thân phận con người. Tiếng khóc ấy sẽ ý nghĩa hơn, chân tình và tích cực hơn nếu hậu thế biết tìm về ngọn nguồn tâm sự của nhà thơ gửi lại ngàn sau: đó là những triết lý thâm uyên mà cũng thật dễ hiểu, dễ nhận ra, được ẩn chứa trong những vần thơ diễm lệ, ảo huyền. Những tâm sự mà nhà thơ đã viết nên với “…con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả ngàn đời…” [3, 169] như Tiên Phong Mộng Liên Đường Chủ nhân từng nhận xét.

——————————————-

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, Tập Văn Vu Lan số 33, PL.2539, 1995.
2. Thích Minh Châu, Kinh Pháp Cú, Thiền Viện Vạn Hạnh ấn hành, 1996.
3. Trịnh Bá Đỉnh, Nguyễn Du -Về tác giả và tác phẩm, Nhà Xuất bản Giáo dục, 2002.
4.Dương Quảng Hàm, Việt nam văn học sử yếu, Nhà Xuất bản tổng hợp Đồng tháp, 1993.
5. Nhất Hạnh, Thả một bè lau, Lá Bối xuất bản, 2000.
6. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập II, Nhà Xuất bản văn học, Hà Nội, 1994.
7. Mai Quốc Liên, Nguyễn Du toàn tập- Thơ chữ Hán, tập 1, Nhà Xuất bản Giáo dục- Trung tâm nghiên cứu Quốc học, 1996.
8. Nguyễn Lộc, Văn học Việt nam (nửa cuối thế kỷ XVIII- Hết thế kỷ XIX), Nhà xuất bản Giáo dục, 1999.
9. Phạm Công Thiện, Nguyễn Du- Đại Thi hào dân tộc, Viện Triết lý Việt nam và triết học thế giới, 1996.
10. Nguyễn Khắc Thuần, Lịch sử cổ trung đại Việt Nam, Nhà Xuất bản văn hóa – thông tin, Hà Nội, 2002.
11. Nguyễn Tài Thư chủ biên, Lịch sử Phật giáo Việt nam, Nhà Xuất bản khoa học xã hội, 1991.
12. Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Du toàn tập- Truyện Kiều, tập 2, nhà Xuất bản Giáo dục- Trung tâm nghiên cứu Quốc học, 1996.
13. Đỗ Minh Tuấn, Nghệ thuật trữ tình của Nguyễn Du trong truyện Kiều, Nhà Xuất bản Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1995.
14. Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Nhà Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1999.

S.T

Tags: , ,