Truyện kể Genji – cuộc cách mạng trong thể loại văn học tự sự

Có thể nói thành công lớn nhất của Murasaki Shikibu với Genji monogatari là bà đã xây dựng nên một tác phẩm lớn và có nhiều đặc trưng của thể loại tiểu thuyết theo quan niệm văn học hiện đại.

Truyện kể Genji và cuộc cách mạng trong thể loại văn học tự sự

Tác giả: Nguyễn Thị Lam Anh, ThS, Bộ môn Nhật Bản học – Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TPHCM.

Nguồn: Tạp chí đại học Sài Gòn – Bình luận văn học, niên giám 2011.

1. Khái niệm “monogatari” và tác phẩm Genji monogatari trong nền văn học Nhật Bản

Monogatari – thường được dịch sang tiếng Việt là “truyện kể” – là một thể loại văn xuôi ra đời vào giai đoạn trung cổ (từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 12) trong lịch sử văn học Nhật Bản.

Monogatari ra đời trên cơ sở những câu chuyện được lưu truyền trong dân gian. Những câu chuyện này có thể là chuyện hư cấu kể về những điều kỳ lạ, những tình tiết không có thực trong đời sống, hoặc là những câu chuyện về một nhân vật, một miền đất có thực nào đó (thường là những nhân vật thuộc tầng lớp quý tộc ở cung đình và vùng phụ cận Kyoto). Trong giai đoạn đầu, monogatari thường có nội dung là những truyền thuyết dân gian như Utsuho monogatari (Truyện Bộng cây), Taketori monogatari (Truyện ông già đốn tre), nên thể loại này có thể được xem như hình thức văn xuôi ghi chép lại những câu chuyện cổ trong kho tàng văn học truyền miệng. Tuy nhiên, tiến trình phát triển của monogatari cho thấy thể loại này ngày càng thiên về hướng trần thuật những câu chuyện trong đời sống, với nhân vật thường là những con người có thật trong lịch sử, sống ở một miền đất nào đó và gắn với những sự kiện nào đó, điển hình là những tác phẩm như Ise monogatari (Truyện vùng Ise), Yamato monogatari (Truyện Yamato), Heichu monogatari (Truyện chàng Heichu) v.v… Về sau, loại truyện kể về xã hội con người trở nên phong phú hơn hẳn so với loại ghi chép lại những truyền thuyết dân gian, nên có thể phân chia loại truyện này thành các tiểu loại như truyện lịch sử, truyện chiến tranh, truyện tình ái v.v..

Tuy nói là truyện viết về những con người, những sự việc có thật nhưng trên thực tế thì trong những truyện kể này cũng có nhiều tình tiết hư cấu. Có tác phẩm thiên về hư cấu như Genji monogatari (Truyện Genji) xuất hiện vào thế kỷ 11. Ngoài ra, còn có những tác phẩm thuộc loại truyện truyền kỳ trong dòng “văn học phù thế” phát triển cuối thời Edo như Ugetsu monogatari (Truyện vũ nguyệt) của Ueda Akinari.

Ngày nay, khái niệm “monogatari” trong văn học Nhật Bản thường được hiểu theo hai mức độ ý nghĩa. Theo nghĩa hẹp, monogatari được xem là loại truyện cổ, ghi chép những truyền thuyết dân gian hoặc kể về hành trạng, cuộc đời của một nhân vật nào đó trong lịch sử. Theo nghĩa rộng, monogatari là thể loại truyện kể nói chung, là loại văn xuôi có nhân vật và cốt truyện, bao gồm cả truyện hư cấu, truyện lịch sử, truyện chiến tranh hay truyện truyền kỳ. Nếu hiểu theo nghĩa này, monogatari là một thể loại văn xuôi xuất hiện sớm và có quá trình phát triển lâu dài trong lịch sử văn học Nhật Bản, từ thời Heian đến cuối thời Edo.

Thời Heian (794- 1192) là thời kỳ phát triển đỉnh cao của văn hóa cung đình, thời kỳ phồn thịnh nhất của giới quý tộc Nhật Bản. Những tác phẩm thuộc thể loại monogatari được sáng tác trong thời kỳ này cũng thể hiện rõ vẻ đẹp của văn hóa quý tộc và sự mềm mại của văn chương nữ tính, đồng thời cũng là những tác phẩm có nội dung phong phú và giá trị nghệ thuật cao. Đó là những tác phẩm như Genji monogatari, Eiga monogatari (Truyện vinh hoa), Hamamatsu Chunagon monogatari (Truyện quan tham nghị ở Hamamatsu).

Cuối thời Heian, khi quyền lực chính trị chuyển từ giai cấp quý tộc sang tầng lớp võ sĩ thì văn hóa cung đình cũng dần dần nhường chỗ cho văn hóa bình dân, vẻ đẹp cao nhã trong văn chương nghệ thuật được thay thế bằng phong cách thô mộc và mạnh mẽ. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu của thời kỳ trung đại, từ thế kỷ 12 cho đến cuối thế kỷ 16, đã có nhiều cuộc nội chiến xảy ra do xung đột quyền lực giữa các dòng họ lớn. Vì vậy, có những tác phẩm monogatari phản ánh thực tế lịch sử này, điển hình là Heike monogatari (Truyện Heike).

Heike monogatari là một truyện kể xuất hiện vào khoảng thế kỷ 13, kể lại cuộc xung đột giữa hai dòng họ có thế lực là họ Taira và họ Minamoto. Xét về quy mô thì Heike monogatari cũng là một tác phẩm lớn (gồm 13 quyển), nhưng về tính nghệ thuật thì không thể sánh bằng Genji monogatari đã được viết trước đó hai thế kỷ. Trong khi Genji monogatari là một tác phẩm có trình độ tư duy nghệ thuật cao, thể hiện nhiều dấu ấn cá nhân về tri thức, quan niệm nghệ thuật của người sáng tác thì Heike monogatari chỉ là một truyện chiến tranh bình thường, kể về cuộc đời những con người có thật trong lịch sử với giọng văn kết hợp giữa thể loại nhật ký và truyện răn đời mang màu sắc Phật giáo.

Có thể nói sau thời Heian, thể loại monogatari vẫn tiếp tục tồn tại như một bộ phận của nền văn học Nhật Bản. Đặc biệt, khi có sự xuất hiện của các loại hình nghệ thuật biểu diễn như Bunraku, No, Kabuki thì cốt truyện, nhân vật và tình tiết trong những tác phẩm monogatari thường được những nhà viết kịch bản sử dụng để viết tuồng cho các vở diễn, vì thế monogatari càng trở nên phổ biến và gắn bó với hình thức văn nghệ dân gian. Tuy nhiên, trong suốt thời trung đại, thể loại này không có sự tiến bộ đáng kể nào được ghi nhận về tư duy nghệ thuật.

Cuối thời Edo, khoảng thế kỷ 17-18, theo dòng chảy của văn hóa thị dân, văn xuôi Nhật Bản bước vào một giai đoạn phát triển mới với sự phong phú về thể loại và sự đồ sộ về số lượng tác phẩm. Trong số các thể loại văn xuôi của thời kỳ này có thể loại yomihon là loại gọi là truyện truyền kỳ lấy cảm hứng từ văn học cổ điển Nhật Bản và chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết Bạch thoại Trung Hoa. Ueda Akinari được xem là nhà văn tiêu biểu của thể loại này với tập Ugetsu monogatari, gồm 9 truyện ngắn mang tính chất kỳ ảo. Ugetsu monogatari khác hẳn với những truyện có tựa đề monogatari trong văn học cổ điển. Nó không phải là một tác phẩm trường thiên mà chỉ là tập hợp một số truyện ngắn được viết theo kiểu truyện truyền kỳ phổ biến ở các nước Đông Á thời hậu kỳ trung đại. Loại truyện này tương đối gần với tiểu thuyết hiện đại, nhưng có đặc thù là sử dụng nhiều chi tiết kỳ ảo tạo nên không khí ma quái trong câu chuyện và làm giảm đi sự cảm nhận về tính hiện thực của tác phẩm. Cũng cần nói thêm rằng những tác phẩm văn xuôi trong thời kỳ này không mang tựa đề monogatari đồng loạt như những truyện kể thời cổ điển và tiền kỳ trung đại. Thay vào đó là sự xuất hiện những tên gọi như ukiyozoshi hay yomihon được dùng phổ biến để chỉ các thể loại văn xuôi khác nhau. Điều đó phản ánh sự phát triển ý thức về thể loại văn xuôi thời hậu kỳ trung đại. Tuy nhiên, tựa đề Ugetsu monogatari cho thấy monogatari vẫn được hiểu là truyện kể nói chung.

Như vậy, monogatari là hình thức truyện kể trong văn xuôi Nhật Bản có lịch sử phát triển lâu dài, phong phú về nội dung và cách diễn đạt. Nói chung, monogatari là truyện kể có nhân vật, có cốt truyện, kết cấu, là một bộ phận quan trọng của văn xuôi Nhật Bản trước khi đất nước này tiếp thu những khái niệm của văn xuôi hiện đại như “tiểu thuyết”, “truyện ngắn”..v..v.. từ phương Tây. Trong lịch sử tồn tại và phát triển của hình thức monogatari, Genji monogatari được viết vào thế kỷ 11 đã thể hiện sự phát triển đột biến về trình độ tư duy nghệ thuật. Cho đến nay, Genji monogatari không chỉ là kiệt tác của văn học Nhật Bản mà còn là một thách thức đối với các nhà nghiên cứu văn học trong việc xác định thể loại tác phẩm.

Genji monogatari là một tác phẩm có dung lượng đồ sộ, gồm 54 chương, gồm hai phần lớn. Phần thứ nhất kể về cuộc đời của “hoàng tử ánh sáng” Hikaru Genji. Phần thứ hai là những chuyện xảy ra ở vùng Uji, xoay quanh chàng công tử Kaoru là con trai Genji.

Cuộc đời của hoàng tử Genji trải qua nhiều giai đoạn và liên quan đến nhiều nhân vật nữ trong tác phẩm. Chàng là con của một cung phi được nhà vua sủng ái. Mẹ của Genji là một phụ nữ xinh đẹp và đức hạnh, nhưng vì là một cung phi được sủng ái nên bị nhiều phụ nữ xung quanh ghen ghét, gièm pha. Bà không chịu nỗi thái độ của những người phụ nữ trong cung nên sa sút tinh thần và cuối cùng lâm bệnh nặng. Sinh ra hoàng tử Genji không được bao lâu thì bà qua đời. Genji được nuôi dạy trong chốn cung đình trong tình thương yêu của vua cha. Tuy rằng từ nhỏ đã nổi tiếng vì có vẻ đẹp rực rỡ khác thường và thông minh xuất chúng nhưng theo ý nguyện của vua cha, Genji được sống cuộc sống thoải mái của một người bình thường để tránh những nỗi bất hạnh liên quan đến vấn đề tranh giành quyền lực. Tuy nhiên, với vị trí là một thành viên quan trọng của hoàng gia, lại là một người yêu thương phụ nữ và say mê cái đẹp, Genji cũng trải qua một cuộc đời nhiều thăng trầm với rất nhiều mối tình với nhiều phụ nữ khác nhau.

Mối tình đầu tiên – cũng là tình yêu thầm kín và sâu sắc nhất – của Genji là mối tình với Fujitsubo, người mẹ kế của Genji có nhiều nét giống với mẹ ruột của chàng. Rồi khi lên mười hai tuổi, Genji được cưới một người vợ xinh đẹp và quyền quý là Aoi, con của một vị quan có thế lực nhất trong triều. Aoi là một cô gái xinh đẹp nhưng kiêu kỳ, lạnh lùng. Và điều đáng buồn là giữa hai vợ chồng không có tình yêu mà chỉ là sự sắp xếp môn đăng hộ đối, nên sau khi trở thành con rể của vị quan đại thần Genji vẫn tiếp tục say đắm với những cuộc phiêu lưu tình ái bên ngoài.

Một lần do đi lấy thuốc ở một ngôi chùa trên núi, Genji phát hiện ra một cô bé có vẻ đẹp trong trẻo, thuần khiết và đặc biệt là rất giống Fujitsubo. Khi hỏi chuyện, chàng được biết cô bé tên là Murasaki, là cháu gọi Fujitsubo bằng dì. Genji tìm mọi cách để đưa Murasaki về cung. Từ đó, Murasaki trở thành người phụ nữ quan trọng nhất, người gần gũi và gắn bó lâu dài nhất với Genji.

Genji còn dành tình cảm và tạo mối quan hệ với nhiều cô gái khác. Điểm đặc biệt ở Genji là chàng thể hiện tình cảm chân thật với từng cô gái mà chàng gặp gỡ. Dù trải qua rất nhiều cuộc phiêu lưu tình ái nhưng Genji không có chủ tâm ruồng bỏ, phụ bạc bất cứ người nào. Chàng luôn mong muốn được gặp gỡ, tâm tình với những cô gái đẹp và không quên người nào đã dành tình cảm cho mình, kể cả người đã làm chàng thất vọng vì kém nhan sắc. Tình yêu và sự chân thành đối với cái đẹp, với nữ giới ở Genji đã làm cho chàng khác với hình mẫu những chàng trai hào hoa nhưng bạc bẽo. Đó cũng là một thành công của tác giả Murasaki. Thay vì miêu tả một ông hoàng quý phái hưởng thụ những người đẹp vây quanh mình như một lẽ đương nhiên, hoặc miêu tả một người đàn ông thô lỗ tầm thường với tính cách trăng hoa và những cuộc tình tội lỗi, bà đã xây dựng nên hình ảnh một vị hoàng tử với những cuộc hành trình đầy đam mê đi tìm cái đẹp, một người đào hoa nhưng chân thật và tận tâm với mọi người tình.

Trong quá trình tìm kiếm và chinh phục những bông hoa đẹp, cuộc gặp gỡ với nàng Oborozukiyo đã mang lại rắc rối cho hoàng tử Genji. Oborozukiyo là một cô gái có vẻ đẹp quyến rũ phảng phất nét liêu trai, là em gái của hoàng hậu Kokiden, người ở phe đối lập với mẹ của Genji và luôn xem Genji như một đối thủ cần loại bỏ. Mối quan hệ không chính đáng giữa Genji và Oborozukiyo không thể qua mắt hoàng hậu Kokiden, và hậu quả là Genji phải lưu đày ở đảo Suma, một hòn đảo hoang vu cách xa kinh thành.

Trong thời gian Genji đi đày, ở hoàng cung xảy ra nhiều chuyện không hay. Nhiều người tin là những chuyện rủi ro ấy là tín hiệu nhắc nhở của tiên đế vì nhà vua hiện tại đã không trọng dụng Genji, nên nhà vua đã quyết định phục chức cho Genji và gọi chàng quay trở lại kinh thành.

Sau khi trở về, Genji không những được quay lại vị trí cũ của mình mà còn thăng tiến rất nhanh. Chức vụ cao nhất mà Genji đảm nhận là chức quan chưởng ấn, do nhà vua – vốn là đứa con bí mật của chàng và Fujitsubo – phong tặng. Lúc này, các con của chàng cũng đã lớn và rạng rỡ công danh, một số người nắm giữ những vị trí quan trọng của triều đình.

Như một quy luật tự nhiên, sau thời hoàng kim thì mọi thứ bắt đầu tàn lụi. Trong khoảng thời gian cuối đời, Genji phải chứng kiến những chuyện đau lòng trong quan hệ tình cảm của chính mình: cái chết của nàng Murasaki, chuyện ngoại tình của công chúa Ba và sự ra đời của đứa con trai chỉ là con của chàng trên danh nghĩa. Tác giả không viết chi tiết về cái chết của Genji, mà chỉ thông báo điều đó bằng một câu ngắn gọn, rồi sau đó nội dung tác phẩm xoay sang những câu chuyện về chàng Kaoru và chàng Niou với các cô gái ở miền Uji.

Những nội dung trên được sắp xếp trong 54 chương truyện. Trật tự các chương nói chung là hợp lý, giúp người đọc có thể dễ dàng theo dõi diễn biến của câu chuyện được kể trong tác phẩm. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp gây tranh cãi, do có những nhân vật đột ngột xuất hiện trong một chương nào đó mà chưa được nói đến ở các chương trước, khiến người đọc phải đặt câu hỏi về tính hợp lý của vị trí chương.

Với sự thành công mang tính đột phá cả về nội dung và tư duy nghệ thuật, Genji monogatari được xem là thành tựu đỉnh cao của thể loại monogatari, là kiệt tác của văn học Nhật Bản. Tác phẩm này đã được các học giả Nhật Bản và nước ngoài nghiên cứu từ về nhiều khía cạnh, từ nhiều góc độ khác nhau. Những vấn đề như ngôn ngữ, cấu trúc của tác phẩm, nhân vật trong tác phẩm được đề cập đến trong nhiều công trình viết bằng tiếng Nhật và tiếng Anh. Ngoài ra, tác phẩm này còn là một khối tư liệu đồ sộ để nghiên cứu về văn hóa, sinh hoạt cung đình, về chế độ hôn nhân hay tư tưởng Phật giáo Nhật Bản thời Heian.

2. Bước đột phá của nghệ thuật tự sự trong tác phẩm Genji monogatari

Có thể nói thành công lớn nhất của Murasaki Shikibu với Genji monogatari là bà đã xây dựng nên một tác phẩm lớn và có nhiều đặc trưng của thể loại tiểu thuyết theo quan niệm văn học hiện đại. Mặc dù tên gọi cho thấy tác phẩm được xếp vào thế giới monogatari của văn học Nhật Bản thời Heian, nhưng tư duy nghệ thuật thể hiện trong tác phẩm qua cách xây dựng nhân vật, cấu trúc câu chuyện, nghệ thuật hư cấu v.v… cho thấy Genji monogatari là một hiện tượng phát triển đột biến và trở thành đỉnh cao duy nhất trong suốt tiến trình lịch sử của thể loại này.

Tác giả của Genji monogatari đã sáng tạo nên một thế giới nhân vật sinh động, phong phú và đặc sắc mà thông qua đó, người đọc có thể hình dung tổng quát về cuộc sống, sinh hoạt trong cung đình Nhật Bản thời Heian cũng như niềm vui, nỗi buồn trong cuộc đời riêng của những con người sống ở thời kỳ đó, đúng như nhận xét của Storm Janesson: “Điểm quan tâm chính của tiểu thuyết là cho ta biết nhân vật sinh hoạt như thế nào ở thời của họ” (1) .

Nhân vật trong Genji monogatari được miêu tả về tâm lý, tính cách và hành động như những con người đời thường, khác với những nhân vật anh hùng trong sử thi hay nhân vật lý tưởng, thần thánh, siêu thực trong truyện hoang đường thời cổ. Đây là một thành công trong nghệ thuật tiểu thuyết của tác giả Murasaki Shikibu, phản ánh quan niệm được thể hiện trong Bách khoa toàn thư Mỹ: “Một tác giả xuất sắc sẽ khoác cho nhân vật của mình diện mạo và cá tính của những con người sống thực. Anh ta đặt nhân vật vào trong cảnh tượng mà ở đó rất có thể họ sẽ cư xử, phản ứng như trong bối cảnh đời thực” (2) . Những nhân vật trong Genji monogatari có đời sống tình cảm, tâm lý như những con người bình thường. Họ đam mê ái tình, họ tranh giành quyền lực, họ xúc động trước cái đẹp và ghen tuông trong tình yêu..v..v.. như những con người mà ta vẫn tiếp xúc trong cuộc sống hằng ngày. Và chính những khắc họa đặc sắc về tính cách, tâm lý nhân vật đã làm cho mỗi nhân vật trong tác phẩm này có một diện mạo riêng. Nhờ vậy, tuy tác phẩm có rất nhiều nhân vật – trong đó có nhiều phụ nữ trẻ đẹp đều là người tình của Genji – nhưng khi khép lại trang sách, người đọc vẫn có thể hình dung được nàng Fujitsubo kiều diễm, nàng Murasaki thánh thiện, nàng Aoi lạnh lùng hay nàng Tamakazura kiêu hãnh v.v…

Nhân vật trung tâm của tác phẩm – Genji – là một vị hoàng tử nhưng được miêu tả như là một con người có tâm lý, đời sống, ngôn ngữ và hành động của một người bình thường, khác với cách nhân vật anh hùng lý tưởng trong sử thi hay nhân vật hiệp khách cao thượng trong tiểu thuyết hiệp sĩ. Genji là một người có thân phận cao quý nhưng theo đuổi những đam mê đời thường. Chàng luôn bị cuốn hút bởi vẻ đẹp ở những người phụ nữ và say sưa tìm kiếm, chinh phục những bông hoa lạ. Genji có vẻ đẹp vô song của một “hoàng tử ánh sáng” khiến cho những người xung quanh phải choáng ngợp vì ngưỡng mộ, nhưng chàng không phải là một hình ảnh hoàn hảo không tì vết, và những hành vi bất cẩn của chàng đã mang lại hậu quả là chàng phải lưu đày ở đảo Suma, dưới sức ép của hoàng hậu Kokiden – người có thế lực và luôn chống lại chàng. Nhưng lỗi lầm nghiêm trọng nhất của Genji là chàng đã có mối quan hệ bí mật với người mẹ kế Fujitsubo, và hoàng nam mà Fujitsubo sinh hạ là kết quả của mối tình vụng trộm này. Bằng ngòi bút tinh tế, tác giả đã khắc họa tâm lý Genji trong hoàn cảnh khó xử – khi phải đối mặt với bằng chứng tội lỗi của mình, trước người cha rất yêu thương chàng nhưng lại bị chàng phản bội:

Genji đem nhạc khí đến phòng Fujitsubo để diễn tấu thì thấy hoàng đế bế hoàng nam sơ sinh trên tay bước ra :

– Ta có nhiều con nhưng con là đứa con mà cha chăm chút nhiều nhất từ ngày còn bé. Có lẽ kỷ niệm thời gian ấy khiến ta có ý nghĩ là hoàng nam mới sinh này giống con quá đỗi.

Ngài nói mà không dấu được vẻ hài lòng về đứa trẻ.

Genji cảm thấy mặt mình biến sắc vì cả thẹn. Lòng chàng vừa sợ hãi, mang mặc cảm phạm tội đối với hoàng đế, vừa rộn ràng sung sướng vì thấy hoàng nam xinh xắn. Những tình cảm ấy xuất hiện cùng lúc làm chàng không cầm được nước mắt… Trước cảnh đó, Fujitsubo lại bối rối, nàng cảm thấy cả người toát mồ hôi lạnh (3) .

Đoạn văn trên, và nhiều tình tiết khác trong tác phẩm, mang lại cho người đọc cảm giác đang gặp gỡ những con người đời thường, chứng kiến những hành vi đời thường của họ. Điều đó cho thấy bút pháp hiện thực trong miêu tả nhân vật là một thành công nổi bật của tác phẩm. Bên cạnh hình ảnh Genji, tác giả còn xây dựng một thế giới nhân vật nữ, trong nhiều nhân vật có đặc điểm tâm lý, tình cảm phức tạp mà độc đáo nhất có lẽ là hiện tượng “hồn ma sống” của Rokujo.

Rokujo là một trong những người tình của Genji, một phụ nữ có vị thế cao trong thế giới quý tộc ở cung đình, nhưng lại không phải là người được giữ được tình cảm dài lâu của ông hoàng đào hoa, luôn say sưa với những cuộc kiếm tìm và chinh phục. Khi nhận ra mình không còn được Genji quan tâm nữa, Rokujo đau khổ và thầm ghen với những người phụ nữ gần gũi với Genji. Tình cảm ghen tuông của nàng là một thứ năng lượng đặc biệt, trở thành một kiểu “hồn ma sống” thoát ra từ bản thân nàng trong lúc ngủ để tìm đến ám hại tình địch của nàng. Nàng Yugao – một người tình bí mật của Genji có vẻ đẹp liêu trai – là nạn nhân đầu tiên của “hồn ma sống” ấy. Sau đó, nàng Aoi – vợ chính thức của Genji – cũng bị “hồn ma” tấn công sau sự kiện đoàn xe đi hội của nàng vượt lên đoàn xe của Rokujo. Aoi đã lâm bệnh nặng và qua đời sau khi sinh con trai.

Tình tiết “hồn ma sống” rõ ràng là có tính chất siêu thực. Nhưng với chi tiết này, Murasaki đã xây dựng được một hình tượng nhân vật Rokujo đặc sắc, không thể nhầm lẫn được trong thế giới phụ nữ như một vườn hoa muôn hồng nghìn tía. Đồng thời, chi tiết này còn cho thấy tác giả là một người hiểu biết sâu sắc về thế giới nội tâm của con người, thấy được những ẩn ức của tình cảm mà – vì nhiều lý do – bị người ta che giấu trong cuộc sống đời thường, nhưng lại bộc lộ ra trong những chiều kích khác của đời sống tâm linh.

Nếu Rokujo là một hình tượng đặc sắc vì sự kết hợp giữa hiện thực và huyền ảo, thì Ukifune là một kiểu nhân vật thế tục hoàn toàn, với tâm lý rất gần gũi với những nhân vật trong tiểu thuyết hiện đại. Chàng Kaoru đến với Ukifune vì nàng có ngoại hình giống với người chị cùng cha khác mẹ là Oigimi, người đã từ chối tình cảm của chàng trước đó. Khi mối quan hệ giữa hai người đã được xác lập thì Niou xuất hiện. Chàng trai quyến rũ và thích những cuộc phiêu lưu tình ái này đã giả giọng của Kaoru để gần gũi Ukifune, và sau đó còn đưa nàng đến một ngôi nhà phía bên kia dòng sông trong suốt hai ngày liền. Ukifune bị hấp dẫn bởi Niou hơn là Kaoru, mặc dù nàng biết rằng Kaoru là một người chân thật, có thể mang lại cho nàng cuộc sống bình yên, còn Niou thì phóng túng và hay thay đổi. Bên cạnh đó, do bị động trước cách hành xử đường đột của Niou, nàng cảm thấy mình có lỗi với Kaoru và không còn trong sạch để có thể quay về với chàng được nữa. Bị tình thế dồn ép và bị dằn vặt vì mâu thuẫn nội tâm, Ukifune nghĩ đến cái chết như một giải pháp cuối cùng và quyết định gieo mình xuống dòng sông chảy xiết. Tuy nhiên, nàng không chết và cuối cùng trở thành một ni sư sống khép kín trong tu viện.

Nói chung, những nhân vật được miêu tả trong phần Uji thập thiếp đều có cuộc sống ảm đạm hơn hẳn so với những nhân vật xuất hiện trong phần đầu. Nhưng chính vì vậy mà họ trở thành những hình ảnh thực hơn, gần gũi với đời thường và với cảm nhận của độc giả thời hiện đại. Trong số đó, Ukifune là hiện thân của một cô gái đa đoan. Nghịch cảnh trong đời sống tình cảm của cô cũng là nghịch cảnh của rất nhiều người trong cuộc sống. Trong thực tế, các cô gái thường có khuynh hướng tìm một người đàn ông mà mình có thể tin cậy – như trường hợp Kaoru đối với Ukifune – nhưng lại dễ bị quyến rũ bởi những người phong tình và táo bạo như chàng Niou. Do đó, Ukifune cũng là một thành công lớn của bút pháp hiện thực của tác giả trong vấn đề khắc họa tâm lý nhân vật.

Một đặc điểm thể loại tiểu thuyết quan trọng thể hiện ở Genji monogatari là tính hư cấu của tác phẩm. Mặc dù Murasaki xuất thân từ tầng lớp quý tộc và đây là câu chuyện viết về đời sống trong cung đình nhưng rõ ràng Genji monogatari không phải là nhật ký. Tác phẩm này cũng không giống với những câu chuyện lịch sử với nhân vật là những con người có thật, với diễn biến trong truyện là những sự kiện lịch sử có thật, như trường hợp Heike monogatari. Tuy cũng có quan niệm cho rằng nhân vật Genji trong truyện có nguyên mẫu trong đời sống thực – một người quý tộc thuộc dòng họ Minamono cũng bị lưu đày – nhưng dù sao hoàng tử Genji vẫn là một sáng tạo nghệ thuật của tác giả Murasaki Shikibu, với tất cả những tình tiết được miêu tả tỉ mỉ về cuộc sống, về số phận của chàng trong tác phẩm. Không thể phủ nhận rằng sự thật trong đời sống cung đình Nhật Bản thời Heian mà tác giả được tiếp cận trong thời kỳ làm nữ quan ở cung của hoàng hậu Shoshi là nguồn cảm hứng và tư liệu quan trọng để hình thành tác phẩm, nhưng Murasaki không làm công việc sao chép thuần túy mà kết hợp khéo léo giữa hư cấu và hiện thực, như chủ trương mà bà thể hiện bằng cách thác lời nhân vật trong tác phẩm:

Cuốn Biên niên sử Nhật Bản và những cuốn khác chỉ nêu một mảnh của toàn bộ sự thật. Ngược lại chính các truyện thơ mộng của cô mới đi vào chi tiết tỉ mỉ.

Dĩ nhiên không phải những chuyện về ai đó được thuật lại đúng như chúng đã xảy ra. Mải quan sát cung cách của người đời, những điều tốt với điều xấu của họ, những điều mà người ta thấy và nghe không biết chán, người ta không thể chịu đựng được nếu không nói ra và đem truyền lại cho thế hệ mai sau(4) .

Do sự kết hợp khéo léo giữa hiện thực và hư cấu, Genji monogatari đã mang đến cho người đọc những hiểu biết thú vị về con người, về đời sống của giới quý tộc Nhật Bản thời Heian, mà người đọc vẫn cảm thấy mình được dẫn dắt vào một thế giới sáng tạo sinh động, hấp dẫn, và không cần quan tâm đến sự tồn tại thực tế của ông hoàng Genji phong tình hay hoàng hậu Kokiden khắc nghiệt.

3. Tính lịch sử về mặt thể loại của Genji monogatari

Với những thành công về sáng tạo nghệ thuật thể hiện trên nhiều bình diện của tác phẩm, Genji monogatari không chỉ là “kim tự tháp” của văn học Nhật Bản thời Heian mà còn được nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đánh giá cao, chẳng hạn như nhận xét của Donald Keene trong một bài nghiên cứu:

Rõ ràng thành tựu lớn nhất của văn học Nhật Bản là Genji monogatari. Điều đó thậm chí đã được công nhận ngay từ thế kỷ 11, khi tác phẩm này được lưu hành lần đầu tiên dưới dạng bản thảo viết tay. Và thậm chí không ai cho rằng nó có thể là một tác phẩm kinh điển hạng hai, hoặc chỉ là một trong số những kiệt tác vĩ đại đồng hạng. Nhiều học giả của cả thời cổ đại và hiện đại đã dành phần lớn thời gian trong đời họ để bình luận và giải thích tác phẩm này; đề tài và những tình tiết trong truyện đã trở thành tư liệu cho vô số tiểu thuyết và kịch, khơi gợi nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm xuất sắc của nền nghệ thuật Nhật Bản(5).

Tuy nhiên, với những thành công mang tính đột phá về nghệ thuật tự sự, Genji monogatari trở thành một tác phẩm rất khó xác định thể loại. Quan điểm của các nhà nghiên cứu về vấn đề này chủ yếu có hai hướng khác nhau. Dựa vào những biểu hiện gần với đặc điểm của tiểu thuyết hiện đại thể hiện trong tác phẩm, một số nhà nghiên cứu cho rằng nên xếp Genji monogatarivào thể loại tiểu thuyết, vì nó không phải là loại truyện ghi chép sự thật hay truyện thần kỳ. Bên cạnh đó, cũng có quan điểm cho rằng tác phẩm này chỉ là hình thức phát triển cao của loại truyện kể (monogatari) thời Heian, vì không có cấu trúc chặt chẽ như tiểu thuyết hiện đại mà chỉ là sự kết nối của nhiều câu chuyện, với nhiều nhóm nhân vật khác nhau. Nói chung, bên cạnh những thành tựu về sáng tạo nghệ thuật đã được công nhận, Genji monogatari vẫn còn thể hiện một số điểm hạn chế so với tiểu thuyết hiện đại, chẳng hạn như trong truyện có nhiều tình tiết mang không khí ma quái, hay việc xen vào truyện quá nhiều bài thơ làm cho tính văn xuôi của tác phẩm không thuần nhất, và tính gắn kết giữa các chương đôi chỗ còn rời rạc…v.v.., nhưng nếu xem xét từ hoàn cảnh lịch sử dẫn đến sự hình thành tác phẩm thì sẽ thấy những hạn chế về đặc điểm thể loại ở Genji monogatari là một điều tất yếu.

Có thể nói hoàn cảnh xuất thân, nền tảng học vấn và những tố chất cá nhân của nữ sĩ Murasaki là điều kiện trung tâm cho sự ra đời của tác phẩm Genji monogatari – một “hiện tượng” đột biến vào thế kỷ thứ 11 của văn học Nhật Bản và không có sự kế thừa suốt nhiều thế kỷ sau đó.

Murasaki Shikibu xuất thân từ một gia đình có truyền thống văn chương, và là hậu duệ của Fujiwara Kanesuke, một tên tuổi lớn của tập thơ Gosenshu. Cha của Murasaki, Fujiwara Tametoki, cũng là một nhà thơ xuất sắc ở cả hai loại thơ waka và kanshi(6) .

Từ nhỏ, Murasaki đã được tiếp xúc với Hán văn và những kiến thức về văn học cổ điển Trung Hoa. Trong nhật ký, bà kể lại rằng khi được cha truyền đạt những kiến thức này, bà tiếp thu nhanh hơn cả anh bà cùng học, và cha bà đã lấy làm tiếc vì bà không phải là con trai để có thể tiến xa trên con đường công danh nhờ học vấn. Những tri thức được tiếp thu từ nhỏ là nguồn tư liệu quan trọng cho Murasaki việc sáng tác văn chương sau này. Trong tác phẩm Genji monogatari, người đọc sẽ dễ dàng bắt gặp những câu thơ của Bạch Cư Dị và một số ý lấy từ điển tích Trung Hoa. Các tác giả biên soạn bộ sách Khái yếu lịch sử văn học Trung Quốc cũng đã khẳng định rằng:

Thời đại Bình An, thi tập và Hòa Hán triều vịnh tập tất cả ghi 589 bài thơ, trong đó thơ Bạch Cư Dị đã 137 bài. Thơ Bạch còn lưu truyền trong cung đình Nhật Bản, được Nhật hoàng Ta Nga (Taga) tán thưởng, và tiểu thuyết dài Nguyên thị vật ngữ (Genji monogatari) do nữ quan cung đình Tử Thức Bộ (Murasaki Shikibu) sáng tác cũng chịu ảnh hưởng rõ rệt của thơ Bạch (7) .

Nếu là nam giới, với nền tảng kiến thức và năng khiếu văn chương như vậy, có lẽ Murasaki đã trở thành một nhà thơ nổi tiếng trong thời đại của mình. Nhưng nếu thế thì văn học Nhật Bản nói riêng và văn học thế giới nói chung sẽ thiếu mất một kiệt tác văn xuôi, vì chuyện viết văn hư cấu – gắn liền với việc sử dụng hệ chữ kana – luôn nằm ngoài sự quan tâm của nam giới đương thời. Trong khi đó, nữ giới quý tộc thời Heian lại là chủ nhân của dòng “văn học nữ lưu”, đóng góp nhiều tác phẩm văn xuôi có giá trị cho lịch sử văn học Nhật Bản. Người đọc bây giờ vẫn còn biết đến tên tuổi của các nữ sĩ trong thời kỳ này như Sei Shonagon, Izumi Shikibu v.v…; và Murasaki Shikibu là một bông hoa nổi bật trong số đó.

Trong khi những trước tác của nam giới, đặc biệt là những sáng tác bằng Hán văn, được xem là chính thống và là sự thể hiện quan điểm cá nhân về chính trị, nhân sinh thì văn chương của phụ nữ chỉ là một hình thức giải trí, với phạm vi khép kín ở khuê phòng. Nói cách khác, những phụ nữ quý tộc lúc này có thể xem văn chương là một cuộc chơi. Với tính cách dân tộc vốn có, họ đã sống hết mình trong những cuộc chơi và để lại nhiều trang văn đậm đà ý vị. Murasaki là một trường hợp như thế. Bà vốn là một người có nền tảng học vấn và khả năng lập ngôn không thua kém gì nam giới, nhưng lại không bị áp đặt theo những khuôn phép trong sáng tác văn chương như họ, mà có thể sáng tác tự do theo ý thích của mình. Như lời nói của nhân vật Genji trong trong tác phẩm, bà muốn sáng tác để ghi lại, để lưu giữ cho hậu thế những hình ảnh, những sự kiện trong cuộc sống đời thường mà mình chứng kiến, những sự kiện đặc sắc không thể nào quên. Và bà đã làm rất xuất sắc điều đó với tác phẩm trường thiên nổi tiếng này.

Tuy nhiên, điều kiện khách quan cho hoạt động sáng tác văn xuôi ở thời kỳ của Murasaki chưa đủ để Genji monogataritrở thành một tiểu thuyết theo quan niệm của văn học hiện đại. Điều kiện đó là sự tiếp thu văn học Trung Hoa thời Đường và sự kế thừa hình thức monogatari trong văn học Nhật Bản.

Cho đến thời Đường, tiểu thuyết hình thành và phát triển qua một thời gian tường đối dài trong lịch sử văn học Trung Hoa. Tuy nhiên, tiểu thuyết ở thời kỳ này chưa hội tụ đầy đủ những yếu tố đặc trưng của thể loại tiểu thuyết theo quan niệm hiện đại, mặc dù so với thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều thì tiểu thuyết truyền kỳ thời Đường có sự phát triển vượt bậc:

“Nội dung truyền kỳ thời Đường, ngoài một bộ phận ghi chuyện thần linh ma quái, số lớn ghi các chuyện thế thái nhân gian, nhân vật có tầng lớp trên, cũng có tầng lớp dưới, diện phản ánh cũng rộng hơn rất nhiều so với trước, không khí cuộc sống cũng nồng đậm hơn nhiều. Về hình thức nghệ thuật, khuôn khổ cũng dài hơn. (…) Trào lưu truyền kỳ bắt nguồn từ chí quái, nhưng chú trọng văn từ, mở rộng phạm vi ảnh hưởng, nên thành tựu của nó rất đặc biệt”(8).

Nói chung, tiểu thuyết thời Đường là loại văn xuôi hư cấu, gần gũi với đời sống con người, có yếu tố tâm lý, tình cảm. Những đặc điểm này cũng được tiếp thu và thể hiện thành công ở Genji monogatari. Ngoài ra, tiểu thuyết đời Đường vẫn chỉ là loại truyện ngắn, tác phẩm trường thiên chưa xuất hiện ở giai đoạn này.

Về phía văn học Nhật Bản, thì những tác phẩm thuộc thể loại monogatari xuất hiện trước Genji monogatari đều là những câu chuyện đơn giản, còn nhiều dấu ấn của chuyện cổ tích, hoặc chỉ là truyện kể lịch sử, truyện về một nhân vật có thật nào đó, mặc dù tình tiết trong truyện có thể được hư cấu ít nhiều.

Như vậy, trước thời điểm mà Genji monogatari xuất hiện thì chưa có tác phẩm nào thể hiện hoàn chỉnh và đầy đủ các đặc điểm thể loại tiểu thuyết, cả về nội dung và hình thức nghệ thuật. Genji monogatari là một bước phát triển nhảy vọt của thể loại này, trên cơ sở tiếp thu thành tựu văn học thời Đường trong bối cảnh văn hóa Nhật Bản thời Heian. Nói cách khác, Genji monogatari là sự vận dụng kỹ thuật sáng tác của văn học thời Đường để xây dựng câu chuyện về giới quý tộc Nhật Bản thời Heian. Năng lực sáng tạo văn chương và kiến thức sâu rộng về nghệ thuật của nữ sĩ Murasaki đã tạo nên những thành công ngoài mong đợi.

—————–

Chú thích:

(1) Hoài Anh (2007), Xác và hồn của tiểu thuyết, NXB Văn học, tr. 28.
(2) Sđd, tr. 50.
(3) 紫式部(Murasaki Shikibu) (1980),「源氏物語」(Genji monogatari), 新潮文庫, tr. 331.
(4) Murasaki Shikibu (1991), Truyện Genji (Tập 1), NXB KHXH, 1991, tr. 564.
(5) Donald Keene, “The Tale of Genji in a General Education”, The Journal of General Education, Vol. 12, No. 1
( January 1959), pp. 9- 14.
(6) Donald Keene (2004), Murasaki Shikibu’s The Tale of Genji (Edited and with an introduction by Harold
Bloom), Chelsea House Publisher, pp. 11.
(7) Bùi Hữu Hồng (dịch) (2000), Khái yếu lịch sử văn học Trung Quốc, NXB Thế giới, Hà Nội, tr. 30/
(8) Sđd, tr. 281- 284.

Theo HCMUSSH.EDU.VN

Tags: , ,