Trong cuộc đời, thắng – thua có quan trọng đến vậy không?

Trong đời sống, thi thoảng chúng ta vẫn gặp những người mang tư tưởng “phải thắng mọi nơi, mọi lúc, mọi chỗ”. Chơi một trò thể thao vui vẻ, họ cũng muốn thắng và sẵn sàng ăn gian để thắng.

Trong cuộc đời,  thắng – thua có quan trọng đến vậy không?

Phát biểu trong một cuộc họp cũng muốn thắng và ngay cả khi biết rõ mình đuối lý vẫn không chịu thừa nhận. Thấy hàng xóm có bất cứ biểu hiện nào hơn mình, từ vật chất đến tinh thần, họ cũng không chịu nổi. Thấy đồng nghiệp có bất cứ cơ hội thăng tiến nào hơn mình, họ cũng tìm cách hoặc công khai, hoặc ngấm ngầm cản phá.

Dân gian gọi những người như thế là “hiếu thắng”. Đạo Phật gọi những người như thế là có “tâm tham”. Đặc điểm dễ nhận biết nhất của họ là trong tất tần tật các vấn đề liên quan đến mình, bao giờ họ cũng phải cố chứng minh mình đúng. Ai đó nói họ “không đúng” thì với họ, đấy không khác gì thảm họa. Và, để vượt thảm họa, họ sẽ gồng lên, mặt đỏ tía tai tranh luận đến cùng.

Tranh luận trên phương diện lý lẽ chưa đủ, họ sẽ quay ra chỉ trích con người cá nhân, thậm chí thóa mạ, rủa xả cá nhân – những điều hết sức tối kị trong văn hóa tranh luận. Nhưng, không có gì bất ngờ cả, vì với họ, khái niệm “văn hóa” là cực kỳ xa xỉ. Khi phát hiện ra một cái sai của ai đó, họ thường đứng giữa làng la lên cứ như thể chính mình chứ không phải Colombo mới là người đầu tiên tìm ra châu Mỹ. Họ cho rằng, chứng minh được người khác sai là một cách để thể hiện cái tôi tài năng của mình. Một cái tôi bao bọc họ, ám ảnh họ, trở thành lý do sinh tồn quan trọng nhất của đời họ.

Kể từ ngày mạng xã hội, đặc biệt là Facebook phát triển, việc nhận diện những người này càng trở nên dễ dàng. “Hãy cho tôi đọc 10 status của một người, tôi sẽ nói với bạn tính cách của người ấy” – ai đó đã nói như thế và về cơ bản câu nói không sai. Chữ nghĩa là người. Ngôn ngữ là người. Facebook là người. Tất nhiên, cũng có những người ẩn mình, biến tướng, họ giấu cái tôi hiếu thắng vào trong, thể hiện một gương mặt dễ thương ra ngoài. Nhưng, khi gặp những biến cố bất ngờ, những chuyện liên quan đến “nồi cơm” hoặc sự thăng tiến cá nhân, cái tôi ẩn giấu sẽ bùng nổ. Thắng! Thắng! Thắng! Đấy là tiêu chí sống duy nhất của họ.

Câu hỏi đặt ra: Trong cuộc đời, thắng – thua có quan trọng đến vậy không?

Trong một phiên tòa, thắng – thua rất quan trọng, vì nếu phiên tòa thực sự công bằng thì người thắng đương nhiên là người được luật pháp bảo vệ, người thua là người bị luật pháp trừng trị. Trong một cuộc chơi thể thao, thắng – thua cũng quan trọng. 10 đội bóng đá tham dự một giải đấu thể thao suy cho cùng cũng là để tranh một ngôi vô địch. Nếu cả 10/10 đội đều không muốn vô địch, giải đấu không còn ý nghĩa. Sau một trận đấu thể thao, cả người thắng lẫn người thua đều phát biểu ý kiến của mình và khi đó chúng ta vẫn hay nghe nhận định: “Người thắng là người có quyền được nói”. Hoặc, “thắng rồi, nói gì chẳng được”.

Rõ ràng, không thể phủ nhận ý nghĩa của sự thắng – thua trong cuộc đời. Nếu có một đối tượng nào đó phủ nhận điều này thì đó chỉ có thể là những bậc tu hành đắc đạo. Đắc đạo nghĩa là đã thoát khỏi cái nhìn nhị nguyên luận của thắng – thua, hơn – kém, được – mất. Lúc đó, thế giới hợp nhất, chân lý hợp nhất và trong sự ngự trị của chân lý hợp nhất, mọi phân biệt không tồn tại. Nhưng, đa phần chúng ta đều không phải những người đắc đạo. Chúng ta là những người phàm trần với những ham muốn rất phàm trần. Chúng ta không thể tuyệt đối phủ nhận sự thắng – thua, nhưng chúng ta có thể giữ một cái nhìn hợp lý về thắng – thua, để không bị cơn thác lũ thắng – thua cuốn mình đi.

Thử nghĩ mà xem, đời một con người có ai thắng được mãi và có ai thua mãi hay không? Thắng – thua quan trọng nhưng thắng – thua cũng rất tương đối và thường luân chuyển qua lại với nhau. Ông vua Phù Sai thời Xuân Thu – Chiến Quốc trong dã sử Trung Hoa đã thắng ông vua Câu Tiễn. Đấy là một chiến thắng rõ ràng, được thể hiện bằng sức mạnh quân sự. Nhưng, sau chiến thắng, Phù Sai chủ quan, kiêu ngạo, đam mê tửu sắc mà rõ nhất là cứ mãi đắm đuối vào sắc đẹp của nàng Tây Thi. Ai nhắc nhở, khuyên can, Phù Sai cũng không nghe. Ngược lại, Câu Tiễn nằm gai nếm mật, hạ quyết tâm, ôm mộng phục thù. Rồi một ngày, cái quyết tâm của Câu Tiễn đã đánh gục cái chủ quan, lơ là của Phù Sai. Từ chỗ là một người thắng, Phù Sai thành người bại. Từ chỗ là một người bại, Câu Tiễn thành người thắng. “Bạn có thể thua một trận đánh để thắng một đại cuộc” – câu nói nổi tiếng của Napoleon ứng vào trường hợp này thật đúng.

Câu chuyện này nhắc nhở chúng ta: Chiến thắng trong một thời điểm, một khoảnh khắc nếu không được “xử lý” thích hợp có thể trở thành nguyên nhân của một thất bại trong tương lai. Ngược lại, thất bại trong một thời điểm, một khoảnh khắc, nếu được nhận diện thích hợp, có thể trở thành nguyên nhân chiến thắng trong tương lai. Tương lai ấy có thể là tương lai của đời mình, cũng có thể là tương lai của đời con mình, cháu mình. “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” là vì vậy. “Hôm nay cười người, ngày mai người cười” cũng là như vậy. Tuy nhiên, cái sự “giàu” – “khó”, “cười người” – “người cười” trong câu thành ngữ mới chỉ ra các hiện tượng của một vấn đề. Xoáy qua lớp vỏ hiện tượng, nhìn sâu vào bên trong, người ta có thể đặt câu hỏi:

– Vẫn có thể giàu ba họ, thậm chí bốn họ, năm họ, mười họ được không?

– Vẫn có thể khó ba đời, thậm chí là bốn đời, năm đời, mười đời được không?

Câu trả lời là: Hoàn toàn được! Người ta vẫn có thể giàu nhiều họ nếu cái họ ấy có một nhận thức tỉnh táo, xuyên suốt về cái giàu. Họ không ảo tưởng vào cái giàu (hôm nay) của mình, mà biết sử dụng cái giàu ấy, lan tỏa cái giàu ấy, phát triển cái giàu ấy, hòa nhập cái giàu ấy vào cái giàu của cộng đồng, xã hội. Cũng như thế, người ta vẫn có thể khó nhiều đời, nếu qua nhiều đời vẫn không có nhận thức đúng về cái khó, bị cái khó kìm kẹp mình, đè nén mình, trở thành chiếc vòng kim cô tâm tưởng của dòng họ mình.

Riêng câu chuyện “cười người” – “người cười” thì bản thân chữ “cười” đã là một ứng xử rất tệ hại rồi. Đúng là hôm nay ta thành công, ta chiến thắng, ta hơn người, nhưng ai cho phép ta tựa vào cái hơn ấy để cười người khác? Cười người khác là coi thường người khác. Cười người khác là đang bị những ảo tưởng về thành công che mờ lý trí. Rồi cả chuyện “người cười” cũng vậy. Hôm nay mình thắng lại người ta, mình nghĩ lại chuyện hôm trước người ta cười mình nên mình cũng phải cười lại y như thế – vậy thì cái vòng sân hận đầy tính ăn thua đã cuốn mình đi. Mà cứ chủ động luân chuyển trong vòng sân hận ấy thì bao giờ mới có cơ hội thoát ra?

Thắng – thua, được – mất trong cuộc đời là rất tương đối. Chiến thắng có thể chỉ là quãng nghỉ của một thất bại. Và, thất bại có thể cũng lại là quãng nghỉ của một chiến thắng. Thậm chí, trong thắng có mầm bại, trong bại có mầm thắng. Đấy là còn chưa nói cái mầm thắng – bại cũng chưa đảm bảo sẽ tạo nên những kết quả thắng – bại sau cùng, bởi cái mầm ấy còn chịu tác động từ nắng, từ gió, từ nguồn nước – những yếu tố mà mình không dễ chi phối được.

Trở lại với những người hiếu thắng và luôn có tư tưởng ăn thua tới cùng. Thông thường, những người này chỉ thay đổi khi trải qua một sự kiện hoặc sự cố đủ chấn động nào đó trong đời sống. Bạn đừng hy vọng có thể nhắc nhở, khuyên nhủ họ. Bạn cũng đừng dại dột cuốn vào những cuộc tranh cãi liên quan tới họ. Và, nhận thức đúng về họ cũng là một cách nhắc nhở quan trọng với chính mình, để không bao giờ mình trở thành những người ăn – thua như họ.

Theo NGUYỄN MỸ LINH / AN NINH THẾ GIỚI

Tags: , ,