Trận Verdun – ‘Cỗ máy xay thịt’ của Thế chiến thứ nhất

Trận chiến Verdun là trận chiến kéo dài nhất trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất và là một trong những trận khốc liệt nhất, đẫm máu đến mức người ta gọi Verdun là “cỗ máy xay thịt”.

Trận Verdun – ‘Cỗ máy xay thịt’ của Thế chiến thứ nhất

Ngày 21/2/1916, những phát súng đầu tiên đã nổ trong trận chiến chiếm thành phố pháo đài Verdun của Pháp. Binh sĩ Pháp và Đức đã giành giật nhau từng mét đất cuối cùng, khiến Verdun trở thành trận chiến có thời gian dài gấp đôi các trận khác.

Trong 303 ngày giao tranh tại “cỗ máy xay thịt” Verdun, 750.000 người đã chết, bị thương hoặc mất tích, bị xé tan thành từng mảnh bởi các quả đạn pháo nã từ cách đó 27 km. Thương vong trong trận Verdun và ảnh hưởng của trận đánh với quân đội Pháp là lý do chính để quân Anh khởi động trận chiến Somme hồi tháng 7/1916 để giải vây áp lực cho quân Pháp tại Verdun.

Trước trận chiến

Trận Verdun bùng nổ xuất phát từ một kế hoạch của Von Falkenhayn, Tổng tham mưu trưởng của quân Đức. Ông này muốn rút kiệt sức quân Pháp bằng cách phát động một cuộc tấn công rầm rộ vào một dải đất hẹp tên là Verdun. Khu vực xung quanh Verdun gồm 20 pháo đài lớn và 40 pháo đài nhỏ để bảo vệ biên giới phía đông của Pháp và đã được hiện đại hóa trong những năm đầu của thế kỷ 20.

Von Falkenhayn cho rằng người Pháp không thể để những pháo đài này thất thủ vì như vậy sẽ làm nhục hình ảnh của Pháp. Như vậy, Pháp sẽ chiến đấu tới người lính cuối cùng ở đây và sẽ mất rất nhiều người. Với lập luận đó, trận chiến Verdun sẽ thay đổi cục diện cuộc chiến.

Kế hoạch của Falkenhayn có cơ sở tin cậy. Quả thực, các pháo đài ở Verdun rất quan trọng đối với người Pháp và họ sẽ chiến đấu điên cuồng để đẩy lùi quân Đức ra khỏi khu vực. Tuy nhiên, kế hoạch của Falkenhayn cũng có một điểm yếu quan trọng vì đã giả định rằng quân Pháp là một đối thủ dễ nhằn và rằng quân Pháp sẽ là bên hứng chịu thương vong khổng lồ chứ không phải quân Đức.

Trong thực tế, toàn bộ pháo đài quanh khu vực đã bị suy yếu vì Bộ Chỉ huy tối cao Pháp đã di chuyển đạn dược ra khỏi các pháo đài tới khu vực khác ở mặt trận phía tây. Các hào đào để phòng thủ cũng chưa hoàn thành. Sĩ quan cấp cao quanh Verdun đã báo cáo Tổng tư lệnh quân đội Pháp Joseph Joffre về tình trạng của khu vực nhưng không được lắng nghe.

Khi 140.000 binh sĩ Đức bắt đầu tấn công, họ được hỗ trợ bởi 1.200 khẩu pháo với 2,5 triệu quả pháo. 1.300 chuyến tàu chở đạn dược đã được huy động để cung cấp đạn pháo. Quân Đức cũng đã chiếm lĩnh bầu trời với 168 máy bay được bố trí trong khu vực. Đây là số lượng máy bay tập trung lớn nhất trong lịch sử tính tới thời điểm đó. Về phía quân Pháp, họ chỉ có 30.000 binh sĩ.

Trận chiến tàn khốc

Khi trận chiến Verdun bắt đầu, 1.000 khẩu pháo của Đức nã đạn vào một con đường dài gần 10 km dọc tiền tuyến của Pháp. Một binh sĩ Pháp đã viết về trận dội pháo này: “Các binh sĩ bị nghiền nát. Bị cắt đôi người hoặc bị xẻ dọc. Thi thể bắn như mưa…”.

Lần đầu tiên, súng phun lửa được sử dụng với số lượng lớn để giúp quân Đức tiến hơn 12 km cần thiết để có thể chiếm Verdun. Đến ngày 25/2, quân Đức đã bắt 10.000 lính Pháp làm tù binh. Quân Đức rất ngạc nhiên khi pháo đài khổng lồ ở Douaumont, được coi là vững mạnh nhất thế giới, lại chỉ có 56 pháo thủ cao tuổi, làm bán thời gian canh giữ. Và họ đã không kháng cự lại quân Đức.

Khi pháo đài ở Douaumont thất thủ, dân chúng Pháp không hay biết. Báo chí Paris không đưa một mẩu tin nào về sự kiện mà chỉ nói trận chiến Verdun đang có lợi cho quân Pháp. Pháo đài này chỉ cách Verdun 8 km.

Người Pháp giao trọng trách bảo vệ Verdun cho Tướng Philippe Petain. Ông đối mặt với một tình huống cực kỳ khó khăn. Có một con đường dẫn vào Verdun từ bên ngoài. Trong thực tế, khó có thể gọi đây là con đường. Nó chỉ rộng hơn 6 m và các phương tiện hầu như chỉ có thể đi nối đuôi nhau. Theo con đường này, 25.000 tấn hàng và 90.000 binh sĩ đã được đưa vào Verdun. 6.000 phương tiện đã được sử dụng để làm nhiệm vụ này. 66% quân đội Pháp đã phải đi qua con đường này trong quá trình diễn ra trận đánh Verdun. Con đường được người Pháp gọi là “lối đi thần thánh”.

Cho dù có thêm quân chi viện, tình thế của Pháp cũng rất ngặt nghèo. Binh sĩ Pháp đã viết về tình hình của họ: “Bạn ăn cạnh xác chết, bạn uống cạnh xác chết, bạn đi tiểu cạnh xác chết và bạn ngủ cạnh xác chết. Tiền tuyến là địa ngục”. Quân Đức cũng thiệt hại nặng. Đến cuối tháng 4/1916, quân Đức mất 120.000 người, quân Pháp mất 133.000 người.

Đến mùa xuân năm 1916, Tướng Petain đề nghị Tổng tư lệnh Joffre gửi thêm quân nhưng ông này từ chối. Tướng Petain muốn được chi viện để tiến hành cuộc tấn công ở Somme theo kế hoạch. Về sau, ông bị thay bằng Tướng Nivelle – người luôn cho rằng chiến lược thành công nhất là tấn công mọi lúc. Đến mùa hè, quân Pháp đã giành được lợi thế trên không so với quân Đức nhưng điều này không làm thay đổi cục diện dưới mặt đất.

Ngày 1/6, quân Đức mở một trận tấn công lớn vào Verdun. 22 ngày sau, họ đã cách Verdun chỉ 4 km. Tuy nhiên, cuộc tấn công này đã loạng choạng vì quân đội Đức đã từ bỏ mọi thứ và không thể tiếp tục được nữa. Đến ngày 24/6, người ta có thể nghe thấy tiếng bom ở Somme từ Verdun và chỉ trong vòng vài ngày, trận chiến Somme đã chiếm hết tâm trí của các tướng lĩnh trên mặt trận phía tây. Đồng minh của Pháp là Anh đã phát động trận đánh Somme để giảm bớt sự chú ý của quân Đức vào trận Verdun, hòng cứu nguy cho Pháp.

Cuối tháng 10/1916, quân Pháp đã chiếm lại được hai pháo đài ở Vaux và Douaumont. Trận chiến Verdun tiếp tục kéo dài đến ngày 18/12 với phần thắng thuộc về quân Pháp. Lúc đó, điều đáng lưu ý là trận Somme giải vây cho quân Pháp lại chưa kết thúc. Kết cục, “cỗ máy xay thịt” Verdun đã khiến quân Pháp mất 360.000 người, quân Đức mất gần 340.000 người.

Theo BÁO TIN TỨC

Tags: , ,