Trận Tết Mậu Thân 1968 qua hồi ức của một cựu binh Mỹ

Tôi bị đánh thức vào khoảng 3 giờ sáng bởi tiếng nổ gần khu vực dành riêng cho sĩ quan tại Khách sạn Khai Minh. Tôi nắm lấy khẩu súng colt 45 của mình, chạy vội xuống cầu thang ngay trong chiếc quần đùi và nhanh chóng phòng thủ vòng ngoài.

Trận Tết Mậu Thân 1968 qua hồi ức của một cựu binh Mỹ

Tác giả: Joseph Zengerle, cựu binh chiến tranh Việt Nam, hiện nay là luật sư tại Washington DC, Mỹ.

Nguồn: “What I Saw During the Tet Offensive”, Joseph Zengerle, The New York Times, 06/02/2018.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng.

Khi tôi đến Việt Nam vào cuối tháng 12/1967, tôi đã nghĩ chúng ta có thể sẽ thắng trong cuộc chiến. Tướng William Westmoreland, chỉ huy của Mỹ tại Sài Gòn, vừa có bài phát biểu tại Washington nói rằng hồi kết đang dần “xuất hiện”. Với tư cách là một đại úy Lục quân 25 tuổi được chỉ định làm trợ lý đặc biệt của Westmoreland, tôi sẽ xử lý thông tin tình báo tuyệt mật cho ông, cũng như các thông tin liên lạc riêng tư nhạy cảm mà chúng tôi gọi là “kênh sau” (back channel).

Sau vài tuần đầu tiên, sự cảnh giác cao độ của tôi trước những hành động của kẻ thù bắt đầu giảm dần. Một tối đầu tháng Giêng, các đồng nghiệp từ văn phòng chở tôi vào trung tâm thành phố, dọc theo những đại lộ rợp bóng cây đã tạo nên kiến trúc thuộc địa Pháp của Sài Gòn, đến Khách sạn Continental cổ kính. Ở đó, dưới những chiếc quạt chầm chậm lượn vòng phía trên mái hiên trang nhã, chúng tôi nhìn về phía quảng trường đông đúc nhộn nhịp và nhấm nháp từng ngụm rượu, thi thoảng bị giật mình bởi tiếng pháo ầm ầm từ xa, nhắc nhở chúng tôi rằng cuộc chiến vẫn đang diễn ra bên ngoài thành phố.

Bầu không khí tại Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam, hay MACV, dù rất căng thẳng nhưng vẫn có trật tự. Tôi đã thấy Thượng nghị sĩ Birch Bayh, một đảng viên Dân chủ trẻ tuổi từ Indiana, đến gặp Westmoreland, và tôi tự hỏi liệu Bayh có được cử đi kiểm tra mức độ phù hợp chính trị của vị tướng hay không. Xét cho cùng, chưa đầy 20 năm trước, Tướng Dwight Eisenhower đã bị thuyết phục tham gia cuộc chạy đua giành chức Tổng thống. Một năm trước đó, Westmoreland đã lần thứ ba xuất hiện trên trang bìa tờ Time, trong một bức ảnh chụp ông phát biểu tại một phiên họp chung của Quốc hội. Một năm trước nữa, ông được tòa soạn này bình chọn là Nhân vật của năm.

Thế nhưng, đột ngột chỉ trong vài ngày, trạng thái cân bằng tương đối mà tôi xây dựng khi đến đây bắt đầu thay đổi. Đầu tháng Giêng, tôi cố gắng gọi điện cho một trong những anh bạn cùng phòng hồi còn ở trường West Point, người đang chỉ huy một đại đội bộ binh ở vùng cao. Cuối cùng tôi cũng gặp được trung sĩ thuộc cấp của anh ấy ở đầu dây bên kia. Cậu báo cáo với tôi một cách rõ ràng và đau lòng: “Thưa Ngài, đã quá trễ rồi. Sáng nay chỉ huy đã mắc phải bẫy mìn khi băng qua suối lúc đi tuần ở khu vực Đồng bằng Bồng Sơn. Những lời sau cùng của ông ấy là, ‘Top, cứu tôi.’”

Không lâu sau cuộc điện thoại đó, tôi bị đánh thức vào khoảng 3 giờ sáng bởi tiếng nổ gần khu vực dành riêng cho sĩ quan tại Khách sạn Khai Minh. Tôi nắm lấy khẩu súng colt 45 của mình, chạy vội xuống cầu thang ngay trong chiếc quần đùi và nhanh chóng phòng thủ vòng ngoài. Các trực thăng đang xả đạn rocket vào một nghĩa trang cách đó vài dãy nhà. Chúng tôi điều một chiếc xe jeep của Quân cảnh (đơn vị chịu trách nhiệm an ninh ở Sài Gòn) đi thiết lập đường dây liên lạc, nhưng ở đâu đó, một người lính bị thương đã giữ được đầu dây điện thoại và nhất quyết không chịu buông ra. Anh liên tục khẩn thiết cầu xin được giúp đỡ, và mô tả những người Việt Nam có vũ trang, có lẽ là Việt Cộng, đang tiến đánh căn cứ của mình. Một cuộc tấn công phối hợp, quy mô lớn của địch đã nổ ra khắp miền Nam Việt Nam ngay đầu năm mới; chiến dịch Tết Mậu Thân đã bắt đầu.

Một đoàn xe vũ trang đến khu nhà của tôi để đưa tôi và những người khác đến MACV. Có một số lượng lớn các tài liệu tuyệt mật trong văn phòng cần được tiêu hủy ngay. Tôi ra ngoài đốt giấy tờ trong một lò đốt đặc biệt nhưng phải nấp kỹ vì địch đang bắn xối xả vào lò đốt, họ bắn ngay từ bên kia đường gần Tân Sơn Nhất, phi trường lớn nhất miền Nam Việt Nam, đồng thời là trụ sở của Không đoàn 7 Hoa Kỳ.

Thần kinh ai nấy đều căng thẳng ở mức độ cực cao. Một sáng rất sớm, tôi nhận được tin nhắn “khẩn” gửi đến Westmoreland qua mạng liên lạc cấp tướng – từ Đô đốc Grant Sharp, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và cấp trên trực tiếp của Westmoreland. Tôi quyết định rằng thông điệp đó không đủ quan trọng để đánh thức Westmoreland, thay vào đó tôi đánh thức viên thiếu tướng, người được ông chỉ định để xử lý những vấn đề kiểu này.

Sau đó, tham mưu trưởng của Westmoreland, Thiếu tướng Walter Kerwin, đã cho tôi hay rằng Sharp phát hiện ra tôi đã không chuyển ngay thông điệp của ông ấy cho Westmoreland nên đã rất tức giận, lệnh rằng tôi phải ra tòa quân sự. Kerwin gọi tôi vào phòng, hỏi tôi đã làm gì với tin nhắn, cho tôi biết về chỉ thị của Sharp và giống như một ông chú người Hà Lan (biệt danh của Kerwin là Người Hà Lan), nói rằng hãy đảm bảo tôi làm theo đúng mong muốn của Sharp trong tương lai.

Mậu Thân đã đặt mọi người vào tình thế chiến tranh gay gắt, nhưng có lẽ nó cũng nới lỏng các trình tự thủ tục. Tôi đã cho Westmoreland xem một tin mật liên quan đến tên lửa Talos đất đối không, được sử dụng để bắn hạ máy bay địch. Ông viết một ghi chú lên bức điện, giải thích cho tôi ý nghĩa của nó và bảo tôi đến gặp tướng chỉ huy Không đoàn 7 tại Tân Sơn Nhất để hỗ trợ điều phối các quy tắc giao chiến – một nhiệm vụ chắc chắn vượt xa cấp bậc của tôi.

Cũng có một loại tình bạn thân thiết đã phát triển dưới áp lực của Mậu Thân và các sự kiện diễn ra sau đó. Tôi rất ấn tượng về mối quan hệ giữa Westmoreland và cấp phó (đồng thời sắp là người kế nhiệm) của ông, Tướng Creighton Abrams. Cả hai tốt nghiệp cùng khóa tại West Point năm 1936 và đều đã nổi lên từ chiến trường Thế chiến II, Westmoreland dưới quyền Tướng Maxwell Taylor và Abrams dưới quyền Tướng George Patton. Tôi không thấy gì ngoài sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai người mỗi khi quan sát Westmoreland hỏi điều gì đó từ “Abe,” người sẽ đáp lại bằng chất giọng khàn đặc của mình, chứa đựng sự tôn trọng quen thuộc mà ai cũng có thể thấy: “Yes, sahr”. (Tôi đây)

Tôi vẫn nhớ mãi một cuộc trò chuyện riêng tư với Abrams. Không lâu sau Tết Mậu Thân, quân Mỹ đã phải nếm mùi thất bại gần một khu vực có biệt danh là Mỏ Vẹt, một phần lãnh thổ của Campuchia lấn qua miền Nam Việt Nam về phía Sài Gòn. Sau khi tôi hỏi về tình hình giao tranh trong một cuộc họp giao ban hàng ngày theo thông lệ, Abrams đứng dậy khỏi chiếc bàn làm việc bằng thép đơn giản của mình, cầm lên một điếu xì gà cùng với một con trỏ, ngồi xổm xuống trước tấm bản đồ trong văn phòng, mô tả vị trí của các lực lượng đồng minh và kẻ địch, rồi giải thích lý do tại sao ông nghĩ rằng tình hình không mấy suôn sẻ – đó là kiểu trả lời cẩn thận, thấu đáo mà một sĩ quan cấp tướng sẽ dành cho một người ngang hàng, gần ngang hàng hoặc một chức sắc đến thăm, chứ không phải là một sĩ quan cấp dưới như tôi. Tôi đã rất lo lắng khi đặt câu hỏi và vô cùng ngạc nhiên với câu trả lời của ông; bởi hành động ấy khiến cho lòng trung thành được củng cố.

Cường độ chiến đấu trong đợt Mậu Thân khiến toàn bộ ban chỉ huy phải tập trung. Thông tin tình báo cho thấy một sự di chuyển đáng chú ý của Quân đội Bắc Việt trong Quân đoàn I, vùng chiến thuật nằm ngay bên dưới Khu vực Phi Quân sự, trong đó bao gồm Huế, cố đô của Việt Nam – vốn đã nằm trong tay quân địch suốt phần lớn thời gian diễn ra sự kiện Tết Mậu Thân. Westmoreland khi ấy đi vắng, nên tôi đánh thức Abrams và cho ông xem tin này. Với đôi mắt kèm nhèm, ông hỏi tôi bút chì và giấy. Ngồi trên giường, ông viết luôn một mệnh lệnh hành quân rõ ràng – sau đó bảo tôi gửi cho tướng chỉ huy Thủy quân Lục chiến trong khu vực, điều động các đơn vị pháo binh, thiết giáp, không quân và bộ binh để ứng phó với mối đe dọa, nói rằng ông sẽ thành lập ban chỉ huy tác chiến trong ngày hôm sau. Cuối cùng chúng tôi cũng giành lại được Huế.

Ví dụ điển hình cho sức mạnh quân sự của chúng ta thường đến từ Trung tâm Tình báo Liên hợp nằm ở tầng hầm của trụ sở MACV (văn phòng của tôi nằm trong một khu phức hợp bổ sung ở phía sau trung tâm). Westmoreland và Abrams sẽ được nghe các bài thuyết trình ngắn, trên những bản đồ lớn đã thể hiện rõ mọi thông tin được thu thập bởi đội ngũ nhân viên cấp cao, chẳng hạn như các chuẩn tướng phụ trách tình báo, hoặc Trung tâm Điều phối Tác chiến. Mục đích là quyết định đâu sẽ là mục tiêu cho các máy bay ném bom B-52 bay từ đảo Guam đến hỗ trợ chiến dịch trên bộ. Mỗi đợt tấn công trong Chiến dịch Arc Light sẽ có ba chiếc B-52 hỗ trợ. Mỗi chiếc B-52 ném bom vào một khu vực rộng 0.5 km, dài 1 km; mỗi chiếc mang theo 80 quả bom nặng 500 pound (226,7 kg) hoặc hơn, bay lên từ phía rừng già, ở độ cao 33.000 feet (10km). Được quan sát quá trình ra quyết định và thực sự đứng giữa “bộ não” chỉ đạo hỏa lực trên không gian rộng lớn như vậy là một trải nghiệm không thể nào quên; giống như bạn đang xem Thor vung ra những tia sét vậy.

Một sự cố đáng nhớ xảy ra vài tuần sau Tết Mậu Thân. Westmoreland cho gọi tôi đến văn phòng của ông ấy. Tôi vốn dĩ đã gặp ông từ sớm ngày hôm đó, thế nên một cuộc gọi kiểu này từ ông quả là bất thường. Tôi nhẹ nhàng đóng cửa phòng và ông cho tôi xem tin nhắn ông đã viết, yêu cầu bổ sung thêm ít nhất 200.000 quân (khi đó có khoảng 500.000 lính Mỹ ở Việt Nam). Ông bảo tôi: “Gửi đi bằng kênh sau” cho Tướng Earl Wheeler, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân. “Không được cho ai khác xem”. Tôi đã gửi tin nhắn cho Wheeler. Sau khi được xem xét ở các cấp cao nhất, yêu cầu này đã bị từ chối.

Tình hình vẫn cực kỳ căng thẳng. Cuối tháng 3, tôi nhận được từ Nhà Trắng một bản sao bài phát biểu mà Tổng thống Lyndon Johnson dự kiến sẽ trình bày trước cả nước vào ngày 31/03, trong đó không hề có đoạn ông tuyên bố sẽ không tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Nội dung này đã được ông bổ sung một cách bí mật vào phút chót. Tôi in bài phát biểu ra, rồi đến phòng họp của Westmoreland, nơi ông đang ngồi với Đại sứ Ellsworth Bunker, Abrams và nhiều người khác. Westmoreland hỏi khi nào bài phát biểu sẽ diễn ra. Tôi đáp lại bằng giờ Sài Gòn. Abrams quát: “Thế quái nào mà cậu lại luôn lạc quan đến vậy cơ chứ?”

Vài ngày sau, Mục sư Martin Luther King Jr. bị ám sát. Vợ tôi, Lynda, khi ấy đang làm việc tại Bộ Ngoại giao, và tôi được bảo rằng Washington đang trong lệnh giới nghiêm. Tôi đã đứng chờ trong một hàng dài để gọi cho cô ấy bằng Hệ thống Radio Phụ trợ Quân sự (Military Auxiliary Radio System, MARS). Các cuộc gọi MARS được thực hiện nhờ những tổng đài viên dân sự giúp chuyển tiếp thông tin xuyên Thái Bình Dương, từ tháp này sang tháp khác. Lynda nói với tôi rằng, từ sân thượng của tòa nhà chung cư của chúng tôi trên Đại lộ Connecticut, cô ấy có thể nhìn thấy trung tâm thành phố Washington đang chìm trong lửa. Từ thủ đô của một đất nước đang trong vòng chiến sự, tôi hỏi liệu rằng mình có thể làm gì cho cô ấy ở thủ đô của đất nước chúng tôi. Cô ấy trả lời, “Anh về nhà đi”. Cả hai chúng tôi đều nghe thấy tiếng cười khúc khích của những cô tổng đài viên.

Sang tháng sau, Tổng thống Johnson thăng chức cho Westmoreland làm Tham mưu trưởng Lục quân và bổ nhiệm Abrams lên thay ông giữ chức Tư lệnh tại MACV. Ngay sau đó, tôi đến Tân Sơn Nhất để bắt một chiếc trực thăng vào Đà Nẵng, trở thành chỉ huy một đơn vị nhỏ trong Quân Đoàn I và Sư đoàn Bộ binh 23, mật danh là Americal. Khu vực hoạt động của nó bao gồm Mỹ Lai, nơi Trung úy William Calley và trung đội của mình đã sát hại thường dân hai tháng trước đó. Khi chạy ào qua khu vực chờ ở sân bay, tôi vô tình nghe được âm thanh phát ra từ chiếc đài bán dẫn mà một thủy thủ đặt tựa vào bệ cửa sổ đang mở – thông báo rằng Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy đã bị bắn.

Ngay khi tôi vừa đến Việt Nam, khoảng sáu tháng trước đó, Quân đội đề nghị rằng sau khi tôi trở về, họ sẽ cho tôi đi học cao học để tham gia giảng dạy tại West Point. Sau vụ ám sát King, tôi đã nộp đơn từ chức khỏi vị trí sĩ quan. Vào năm 1968, trung bình mỗi ngày có 45 người Mỹ chết ở Việt Nam. Nếu may mắn, chỉ thêm sáu tháng nữa thôi, tôi sẽ được trở về nhà.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Tags: , ,